Pages

Friday, October 1, 2021

Nạn đói bùng phát tại các quận giàu có nhất Hoa Kỳ

 BM

Các quận giàu có nhất của Hoa Kỳ bị choáng ngợp khi bùng lên nạn đói ở trẻ em


Cô Alexandra Sierra mang những hộp thức ăn đến quầy bếp, khi đó cô con gái 7 tuổi của cô, bé Rachell, đang khuấy một bình nước chanh.

 

“Ôi, Chúa ơi, thơm quá!” Sierra, 39 tuổi, thốt lên khi nhìn ngắm phần thưởng hậu hĩ mà cô vừa nhặt được tại một kho thực phẩm, lấy ra một món salad làm sẵn và một hộp súp.

 

Cô Sierra mở gói thực phẩm được tặng và lên kế hoạch ăn trưa cho bé Rachell và các con, một bé 9 tuổi và một bé 2 tuổi, trong khi một phóng viên theo dõi qua FaceTime. Cô nói rằng cô không biết họ sẽ làm gì nếu không nhận được giúp đỡ.


BM

Nhiều quận giàu có thiếu các dịch vụ, các quận nghèo hơn phải cung cấp thực phẩm cho các gia đình có thu nhập thấp tại địa phương.


Gia đình cô sống ở Quận Bergen, New Jersey, một khu đông đúc gồm 70 thành phố tự trị đối diện Quận Manhattan với khoảng 950,000 người có xếp hạng thu nhập hộ gia đình trung bình đứng top 1% toàn quốc. Nhưng cô Sierra và chồng cô, anh Aramon Morales, không bao giờ kiếm được nhiều tiền và hiện đang mất việc vì đại dịch.

 

Sự thất bại tài chính của COVID-19 đã đẩy nạn đói ở trẻ em lên mức kỷ lục. Nhu cầu trở nên nghiêm trọng kể từ khi đại dịch bắt đầu và làm bật lên những lỗ hổng trong mạng lưới an toàn của quốc gia.


BM


Mặc dù mọi quận của Hoa Kỳ đều chứng kiến tỷ lệ đói gia tăng, nhưng mức tăng vọt nhất là ở một số quận giàu có nhất, nơi mà sự sung túc nói chung che lấp đi tình trạng tài chính ít ỏi của những người lao động có mức lương thấp. Sự bùng lên đột ngột và chưa từng có về nạn đói như vậy đã khiến nhiều cộng đồng giàu có choáng ngợp, những cộng đồng này gần như không sẵn sàng đối phó như những nơi từ lâu đã đối phó với đói nghèo và đã được trang bị mạng lưới thực phẩm từ thiện vững vàng có tổ chức.

 

Dữ liệu từ nhóm vận động chống nạn đói Feeding America và Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cho thấy rằng các quận có mức tăng ước tính lớn nhất về tình trạng mất an ninh lương thực ở trẻ em vào năm 2020 so với năm 2018 thường có thu nhập hộ gia đình trung bình cao hơn nhiều so với các quận có mức tăng nhỏ nhất. Ở Bergen, thu nhập trung bình của hộ gia đình là 101,144 đô la, nạn đói ở trẻ em ước tính đã tăng 136 phần trăm, so với 47 phần trăm trên toàn quốc.

 

Điều đó không có nghĩa là các quận giàu có có tỷ lệ trẻ em đói lớn nhất. Ước tính có khoảng 17% trẻ em ở Quận Bergen đối mặt với nạn đói, so với mức trung bình toàn quốc là khoảng 25%.

 

Nhưng sự giúp đỡ thường khó tìm thấy hơn ở những nơi giàu có hơn. Quận St. Charles giàu có của tiểu bang Missouri, phía bắc St. Louis, dân số 402,000, đã chứng kiến nạn đói ở trẻ em tăng 69% và có 20 địa điểm phân phối thực phẩm từ Ngân hàng Thực phẩm Khu vực St. Louis. Thành phố St. Louis, dân số 311,000, đã chứng kiến tình trạng đói ở trẻ em tăng 36% và có 100 địa điểm.


BM


Bà Erica Kenney, trợ lý giáo sư về dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng tại Đại học Harvard, cho biết: “Có sự khác biệt rất lớn về cách các nơi khác nhau chuẩn bị hoặc không chuẩn bị để đối phó với vấn đề này và cách họ vật lộn để giải quyết vấn đề này. Hệ thống thực phẩm từ thiện đã rất áp lực vì điều này.”

 

Bà Eleni Towns, phó giám đốc của chiến dịch No Kid Hungry, cho biết đại dịch này “đã huỷ đi giá trị tiến bộ của một thập kỷ” trong việc giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực, năm ngoái đã đe dọa đến ít nhất 15 triệu trẻ em.

 

Và trong khi kế hoạch cứu trợ COVID của Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật vào ngày 11/03, hứa hẹn sẽ hỗ trợ các biện pháp chống đói nghèo như chi trả hàng tháng cho các gia đình lên đến 300 đô la cho mỗi trẻ em trong năm nay, vẫn chưa rõ luật được thông qua gần đây sẽ đi đến đâu để hướng tới giải quyết nạn đói.

 

Bà Marlene Schwartz, giám đốc Trung tâm chính sách lương thực và bệnh béo phì tại Đại học Connecticut cho biết: “Đó chắc chắn là một bước đi đúng hướng. Nhưng thật khó để biết tác động sẽ như thế nào.”

 

Nhu cầu mọc lên ở những nơi sung túc


BM


Sau khi đại dịch xảy ra, chính phủ liên bang đã tăng thêm lợi ích từ Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung và cung cấp thẻ Chuyển đổi Phúc lợi Điện tử Đại dịch (SNAP) để bù đắp cho các bữa ăn miễn phí hoặc giảm giá ở trường khi trẻ em đi học ở nhà.

 

Gia đình của cô Sierra đã thấy các khoản trợ cấp SNAP khoảng 800 đô la một tháng của họ tăng nhẹ và nhận được hai khoản thanh toán P-EBT đó, mỗi khoản trị giá 434 đô la. Nhưng đồng thời, họ cũng mất đi những nguồn thu nhập chính của mình. Cô Sierra đã phải rời bỏ công việc ở kho hàng Amazon vì trường học của bọn trẻ xa xôi hơn, và chồng cô, anh Morales ngừng lái xe cho Uber vì các chuyến đi trở nên khan hiếm và anh ấy sợ bị nhiễm COVID-19 với bệnh hen suyễn của mình.

 

Sự cứu trợ liên bang là không đủ cho họ và nhiều người khác. Vì vậy, họ đổ xô đến các kho thực phẩm.

 

Về lý thuyết, các kho thức ăn và các ngân hàng cung cấp thực phẩm là một phần của hệ thống khẩn cấp được thiết kế cho các cuộc khủng hoảng ngắn hạn, Schwartz nói.

 

“Vấn đề là, chúng thực sự đã trở thành nguồn thực phẩm tiêu chuẩn cho rất nhiều người.”

 

Tại Quận Bergen, Trung tâm Hành động vì Lương thực đã giúp 40,500 hộ gia đình vào năm ngoái, tăng so với 23,000 của năm trước. Tại Quận Eagle, Colorado, có khu nghỉ mát trượt tuyết Vail, ngân hàng thực phẩm Community Market đã chứng kiến lượng khách hàng của mình tăng gần gấp bốn lần lên 4,000. Và bên ngoài Boston, ở quận Norfolk giàu có của Massachusetts — ở đây dữ liệu của Feeding America cho thấy tình trạng đói ở trẻ em đã tăng lên 16% so với ước tính 6% – khách hàng của kho thực phẩm Dedham đã tăng gấp ba lần lên 1,800.

 

Bà Lynn Rogal, phó chủ tịch của kho thực phẩm Dedham, thành lập vào năm 1990, cho biết: “Điều này vượt ngoài tầm kiểm soát so với những lần khác.”


BM


Các nhà quản lý của kho cho biết một số lượng khách hàng không cân đối đến từ các nhóm thiểu số. Nhiều người bị mất việc làm trong lĩnh vực dịch vụ không thiết yếu vốn là cơ sở của những bộ phận giàu có hơn ở các quận của họ. Bà Julie Yurko, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thực phẩm Bắc Illinois, cho biết có tới một nửa số khách hàng hiện tại của cô chưa bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ trước đây.

 

“Vào đầu tháng Giêng, chúng tôi đã có một chiếc xe tải nhỏ màu trắng chở theo ba đứa trẻ 5 tuổi trở xuống. Nó hết xăng đậu ở đó,” bà Yurko nói.  “Người mẹ đang thổn thức, và những đứa con xinh đẹp của cô đang ngồi đó nhìn cô ấy.”

 

Cô Kelly Sirimoglu, người phát ngôn cho Trung tâm Hành động Thực phẩm của New Jersey, cho biết sự kỳ thị xung quanh việc tìm kiếm sự giúp đỡ có thể tồi tệ hơn ở những khu vực giàu có. Cô kể về việc có một số người nói với cô rằng, “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ xếp hàng để mua đồ ăn.”

 

Những người ủng hộ cho biết [khi mà người ta] miễn cưỡng tìm kiếm sự giúp đỡ có nghĩa là nhu cầu [của họ] thậm chí còn lớn hơn mức độ họ đang có.


BM


Cô Katie Wilson ở St. Charles, tiểu bang Missouri, cho biết cô đã nghe về một kho thực phẩm do Tổ chức Sts. Joachim & Ann Care Service điều hành từ một người bạn của một người bạn. Cô ấy gần như đã không đi [tìm kiếm sự giúp đỡ]. Bà mẹ đơn thân của hai đứa con 11 và 9 tuổi đã mất việc làm kiểm toán viên khách sạn vào tháng 6 và cố gắng sống lây lất khi không có thu nhập trong hai tháng.

 

Cô Wilson, 42 tuổi, cho biết: “Chúng tôi thấy bản thân mình ở trong một tình huống mà đó là một thứ [giống như] “sưởi ấm hoặc ăn,” mô tả việc phải lựa chọn giữa việc sưởi ấm ngôi nhà hay là mua thức ăn. “Tôi phải nhìn xung quanh và nói, ‘Không có gì để ăn.’”

 

Vật lộn để đáp ứng được nhu cầu


BM


Khi nạn đói trở nên rõ ràng hơn, các khoản quyên góp cho các tổ chức từ thiện thực phẩm tăng lên. Nhưng họ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của một cơ sở hạ tầng không phù hợp với nhu cầu mới. Một số kho [thức ăn] chỉ mở cửa vài giờ một tuần trong các tầng hầm của nhà thờ, khác xa với những nơi hoạt động thường xuyên và giống như siêu thị. Nhiều kho thực phẩm nhỏ phải vật lộn để chuyển sang phân phối thực phẩm ngoài trời trong đại dịch hoặc tìm người giúp đỡ mới khi một số ít, thường là những người cao tuổi, các tình nguyện viên cảm thấy không an toàn khi làm công việc này.

 

“Chắc chắn là khó hơn ở những nơi này,” bà Yurko nói, bà có ngân hàng thực phẩm phân phối đến Quận Kendall, Illinois, ở đó chỉ có ba kho thức ăn cho dân số 129,000 người. “Các mạng lưới an toàn không [thật sự] mạnh mẽ.”

 

Một mạng lưới an toàn mạnh mẽ cũng đòi hỏi các kho thức ăn phải hợp tác với nhau và phạm vi rộng hơn các dịch vụ xã hội địa phương. Điều đó đã xảy ra trong nhiều năm ở Flint, Michigan, ông Denise Diller cho biết. Ông là giám đốc điều hành của Crossover Downtown Outreach Ministry (Bộ cung cấp cứu trợ khẩn cấp) một kho thực phẩm. Các cơ quan và các nhà lãnh đạo cộng đồng đã hợp tác với nhau vào năm 2014 khi có nhiễm độc chì trong nước uống.


“Khi COVID xảy ra, chúng tôi đã sẵn sàng,” ông Diller nói.


BM


Thành phố Atlanta cũng vậy. Như ở Quận Flint, nạn đói không bao giờ ẩn nấp ở đó; 15% trẻ em ở Quận Fulton, bao gồm cả Atlanta, phải đối mặt với nạn đói trước đại dịch. Sau khi COVID-19 tạm ngưng các ca tình nguyện, Ngân hàng Lương thực Cộng đồng Atlanta đã yêu cầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Georgia giúp phân loại, đóng gói, kho bãi và giao thực phẩm để giúp đáp ứng nhu cầu của khoảng 22% trẻ em bị đói. Ngân hàng thực phẩm cũng hợp tác với bảy khu học chánh trên hơn 30 kho thực phẩm di động.

 

Quận Bergen thiếu sự phối hợp và kết nối như vậy, có 80 phòng đựng thức ăn hầu như hoạt động cô lập khi đại dịch xảy ra, Ủy viên Quận Tracy Zur cho biết.

 

“Họ không hợp tác. Họ đã đi cùng con đường mà họ đã đi trong nhiều thập kỷ,” cô nói. “Cần phải thoát ra khỏi cách làm cũ và làm việc cùng nhau để có tác động mạnh mẽ hơn.”

 

Cô Zur đã dẫn đầu việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm an ninh lương thực vào tháng Bảy, tiếp cận với các nhà lãnh đạo tin cậy của thành phố. Các mục tiêu bao gồm cung cấp thức ăn cho mọi người, kết nối họ với các dịch vụ khác và chuyển một số chương trình thực phẩm khẩn cấp thành các kho thức ăn chính thức.

 

Cô nói: “Xây dựng cơ sở hạ tầng là công việc công phu và liên tục.”


BM


Giờ đây, cô Zur cho biết, các kho thức ăn đang bắt đầu chia sẻ với nhau khi một kho nhận được khoản đóng góp lớn cho các mặt hàng dễ hỏng như trứng hoặc sữa.

 

Với nhu cầu ngày càng rộng rãi, cư dân cũng làm được nhiều điều tương tự.

 

Trong một chuyến đi gần đây, cô Sierra, một bà mẹ ở New Jersey, đã mở cốp chiếc Toyota đời 1999 của mình và lục lọi hai chiếc hộp lớn mà các tình nguyện viên vừa đặt ở đó. Cô chỉ vào trứng, thịt gà, bánh mì, bơ, pho mát, táo, và quan sát, “Tôi có nhiều hơn thứ tôi cần.”

 

Nhưng cô nói rằng nó sẽ không bao giờ lãng phí. Bất cứ phần dư thừa nào cũng sẽ đưa đến những người hàng xóm và những đứa trẻ đang đói.

 

Phóng viên Midwest, Cara Anthony và biên tập viên dữ liệu Elizabeth Lucas đã đóng góp cho câu chuyện này.

 

Laura Ungar, Biên tập viên/Ký giả Midwest, phụ trách các vấn đề sức khỏe bên ngoài văn phòng St. Louis của Trang tin Sức khỏe Kaiser. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Kaiser Health News/ Trang tin Sức khỏe Kaiser.

 

 

 

Laura Ungar  _  Tân Dân


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.