Công việc của tôi đã đưa tôi đến khắp nơi trên thế giới, kể cả các vùng chiến sự ở Iraq và Afghanistan để hỗ trợ cho binh lính của chúng ta. Những chuyến đi ấy đã giúp tôi thấu hiểu tôi đã may mắn đến nhường nào khi được sinh ra tại nước Mỹ _ quê hương của những con người tự do nhờ có những con người dũng cảm.
Vào ngày tưởng niệm 20 năm xảy ra vụ khủng bố 11/09 tại Hoa Kỳ, người dân trên toàn nước Mỹ đã tụ họp lại để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và những anh hùng đã hy sinh mạng sống của mình một cách vô tư để cứu những người khác. Vào ngày 11/09/2001, tôi đã có mặt tại Hoa Thịnh Đốn và chứng kiến lỗ thủng ở Ngũ Giác Đài. Sau này tôi đến New York và đã thấy cái hố khổng lồ, nơi Tòa Tháp Đôi từng hiện diện ở đó. Đó là những hình ảnh mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Năm 2002, tôi được tuyển dụng vào phục vụ trong chính phủ để dẫn dắt thay đổi và chuyển đổi cần thiết trong Cộng đồng tình báo (IC), kể cả việc tích hợp các hình ảnh và tín hiệu của chúng tôi một cách hiệu quả hơn cho cộng đồng tình báo _ tai mắt của Hoa Kỳ. Tôi đã tuyên thệ nhậm chức để trở thành một chuyên gia điều hành cao cấp trong lĩnh vực tình báo quốc phòng và là một đồng sự ngang hàng với các tướng lĩnh và sĩ quan cấp đô đốc. Sau khi Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) được thành lập, tôi tuyên thệ nhậm chức Phó Giám đốc Thông tin đầu tiên của Cộng đồng tình báo tại ODNI. Trong vai trò đó, tôi đã làm việc tại 17 cơ quan là một phần của IC Hoa Kỳ và thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo của cả Cộng đồng tình báo và Bộ Quốc phòng.
Qua 25 năm phục vụ trong cộng đồng an ninh quốc gia và nghiên cứu lịch sử, tôi am hiểu về các kỹ thuật, chiến thuật và quy trình mà kẻ thù của chúng ta sử dụng. Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc cách đây 30 năm rồi, nhưng đất nước chúng ta vẫn đang ở trong một cuộc chiến âm ỉ hàng thập kỷ nay _ cuộc chiến giành lại linh hồn nước Mỹ.
Nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev, người nắm quyền điều hành Liên bang Xô Viết từ năm 1958 đến năm 1964, đã công khai dự đoán về sự hủy diệt của Hoa Kỳ và nói rằng nó sẽ xảy ra theo cách mà mọi xã hội đến cuối cùng rồi cũng đều sụp đổ.
Ông ta nói, “Chúng tôi sẽ hạ gục nước Mỹ mà không cần bắn một phát súng nào. Chúng tôi không cần phải xâm lược Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiêu diệt quý vị từ bên trong.”
Ông ta đang đề cập đến toàn bộ hệ thống truyền bá và tiếp quản của chủ nghĩa Marxist được tinh chế và thực thi từ quốc gia này sang quốc gia khác trong thế kỷ 20.
Ông Yuri Bezmenov, một người Liên Xô đào tẩu, là cựu đặc vụ của KGB (Cơ quan mật vụ của Nga) đồng thời là tuyên truyền viên cấp cao của Nga, đã trốn sang phương Tây vào năm 1970. Ông cảnh báo Hoa Kỳ về các chiến thuật mà KGB sử dụng để lật đổ một quốc gia mà ông đã tận mắt chứng kiến ở Liên Xô. Những chiến thuật đó chính là một quá trình được lên kế hoạch nhằm thay đổi tư duy của người dân cho một mục đích cụ thể, dẫn đến sự thay đổi cả một chế độ. Đó là cách thức tẩy não xã hội một cách hiệu quả _ một sự chuyển đổi chậm rãi, có phương pháp. Những kẻ tiến hành cuộc lật đổ ý thức hệ này rất kiên nhẫn trong việc áp dụng các chiến thuật đó trong nhiều thập kỷ.
Quá trình lật đổ ý thức hệ có bốn giai đoạn và tuân theo phép biện chứng Hegel, một chiến thuật đã được những người theo chủ nghĩa Marxist và phát xít khai thác từ lâu để kiểm soát con người.
Giai đoạn 1: Hủy hoại đạo đức. Đây là sự hủy hoại niềm tin vào chính phủ và xã hội. Việc tin rằng một xã hội bị phá vỡ, hệ thống [chính phủ] đang sụp đổ và lòng yêu nước là xấu xa, là ba niềm tin chính được thúc đẩy để tạo ra cảm giác tội lỗi. Điều này dẫn đến việc chấp nhận những ý tưởng mới cấp tiến, bởi vì cấu trúc hiện tại được cho là có hại. Đạo đức của Judeo-Kitô giáo (Do Thái và Kitô giáo) truyền thống, nền giáo dục cổ điển và lòng yêu nước của Hoa Kỳ đang bị rụt bỏ.
Giai đoạn 2: Sự bất ổn xã hội. Cùng với khả năng ra quyết định của người Mỹ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực thông qua việc phá hoại đạo đức, bước tiếp theo là tạo dựng một chỗ đứng—gây mất ổn định cho các nền tảng của quốc gia. Sự bất ổn xã hội khiến người dân tin vào những điều tồi tệ nhất cho những gì họ nghe ngóng được về quốc gia và về hình thái chính phủ của đất nước mình. Những người ủng hộ các giá trị truyền thống và cấu trúc nền tảng của quốc gia thì bị tẩy chay và thậm chí bị xem là gắn liền với ma quỷ.
Giai đoạn 3: Khủng hoảng. Các giá trị bị thay đổi của người Mỹ đã ăn sâu vào tận gốc rễ của các hệ thống hiện tại. Biến động mang đến cơ hội thay đổi. Một khi xã hội mất đi sự ổn định, nó bắt đầu sụp đổ và trở nên hỗn loạn. Tại thời điểm đó, người dân mong muốn chính phủ mang đến sự ổn định. Gần đây, chúng ta thấy rằng một xã hội bị hủy hoại về đạo đức và bất ổn định đã phản ứng bằng sự sợ hãi và khủng hoảng khi quốc gia phải đối mặt với “đại dịch”.
Người Mỹ sẵn sàng đánh đổi các quyền dân sự và sự tự do cho chủ nghĩa độc tài cũng như việc hành xử một cách quá mức, điều mà họ tin rằng sẽ giữ cho mình được an toàn. Việc biên tạo thông điệp trong tất cả mớ hỗn độn này chính là điều quan trọng nhất. Các phương tiện truyền thông thiên tả chính thống và chương trình truyền hình “tell-a-vision” của họ đóng một vai trò quan trọng trong việc dựng các câu chuyện lên sẵn kịch bản thành là sự thật.
Giai đoạn 4: Bình thường hóa. “Bình thường mới” là một thuật ngữ mà gần đây chúng ta đã liên tục nghe thấy, và đó là sự mô tả chính xác nội dung của giai đoạn bình thường hóa. Khi chính phủ và các cơ cấu xã hội thay đổi để hạn chế quyền tự do, các công dân được cho biết rằng sự chuyển đổi triệt để là “cách thức phải xảy ra”. Thật mỉa mai là điều này được mô tả là bình thường trong khi nó rất không bình thường. Việc bình thường hóa tạo ra một cơ sở mới cho những điều mà một quốc gia sẽ chấp nhận, coi trọng và thúc đẩy. Đến đây thì chu kỳ đã hoàn tất.
Các bước này sẽ được lặp đi lặp lại, mang lại kết quả cao hơn với mỗi chu kỳ [tiếp theo], cho đến khi xảy ra một sự sụp đổ có kiểm soát. Hoa Kỳ có thể đang trên bờ vực sụp đổ ngay thời điểm hiện tại, trừ khi chúng ta cùng nhận thức lại thực tại và có lập trường ngăn chặn chế độ chuyên chế.
Phép biện chứng Hegel là khuôn khổ để dẫn dắt tư duy và hành động của con người vào các xung đột, hướng họ đến một giải pháp đã được định trước. Kẻ thù của Hoa Kỳ đang sử dụng chiến thuật đó để tạo ra nỗi sợ hãi, [nó] khiến người dân chống đối lẫn nhau, gây chia rẽ bên trong Hoa Kỳ. Một quốc gia bị chia cắt thì không thể nào đứng vững được.
Nếu mọi người không hiểu cách mà phép biện chứng Hegel định hình nhận thức của họ về thế giới, thì họ sẽ không biết được rằng bản thân đang giúp thực hiện các nghị trình đó như thế nào, để đến cuối cùng là đưa nhân loại sống dưới chế độ độc tài – cho dù là bởi những kẻ phát xít, những người cộng sản, hoặc những người theo chủ nghĩa toàn cầu và Trật tự Thế giới Mới của họ. Chúng ta phải thoát ra ngoài phép biện chứng đó để có thể thoát khỏi những giới hạn của tư tưởng bị kiểm soát và dẫn dắt.
Điều quan trọng nhất của nước Mỹ chính là sự tự do. Hoa Kỳ là quốc gia đứng giữa những kẻ đói khát quyền lực và mục tiêu thống trị thế giới của họ. Những kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ đang cố gắng thuyết phục chúng ta rằng chúng ta là kẻ thù của nhau và chính phủ bao biện đó, cũng như quyền kiểm soát cuộc sống của nhiều người là cách để khắc phục những thứ gây hại cho chúng ta.
Tất cả chúng ta đều phải nhận thấy rằng họ đang vũ khí hóa cuộc khủng hoảng này và câu chuyện này là một lời nói dối. Các quan chức chính phủ hiện đang dán nhãn bất kỳ ai nghĩ rằng họ đã vượt quá giới hạn hiến pháp là kẻ thù của quốc gia— “những kẻ khủng bố yêu nước”.
Những điều mà người yêu tự do đang chống lại hiện nay là một điều hoàn toàn xấu xa.
Tất cả những thứ cần thiết để điều ác trở nên thịnh vượng là những người tốt không làm gì cả. Khi hồi tưởng lại vào ngày 11/09 năm 2001, một điều nổi bật trong khoảng thời gian đó sau vụ tấn công khủng bố là chúng ta đã quên mất những thứ đã chia rẽ chúng ta. Chúng ta là những người Mỹ hòa hợp. Không có ví dụ nào tốt hơn những gì chúng ta đã thấy ở New York. Chúng ta hợp nhất với nhau trong việc hỗ trợ lẫn nhau để chống lại kẻ thù chung.
Rất nhiều người đã hy sinh rất nhiều để bảo vệ quyền tự do của chúng ta và bảo tồn nó cho các thế hệ mai sau. Nhiều người trong chúng ta đã mất một người thân yêu trên chiến trường nước ngoài hoặc vì một căn bệnh liên quan đến quân ngũ sau khi họ trở về, hoặc đang thực hiện nhiệm vụ tại quê nhà. Làm sao để chúng ta tôn vinh sự hy sinh của họ và của rất nhiều người khác trong lịch sử 245 năm của dân tộc chúng ta? Chúng ta sát cánh và chiến đấu để bảo vệ quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm của chúng ta được ghi trong các tài liệu lập quốc của nước Mỹ. Cho dù quyền tự do có bị tước mất, thì cũng sẽ không thể xảy ra khi chúng ta hiện diện.
Bà Michele R. Weslander Quaid, chủ tịch của Sunesis Nexus, là một nhà đào tạo, nhà tư vấn và diễn giả chuyên nghiệp được chứng nhận với 25 năm kinh nghiệm làm việc trong cộng đồng an ninh quốc gia. Bà được tuyển dụng vào chính phủ để dẫn dắt sự đổi mới cũng như những thay đổi mang tính chuyển đổi trong quốc phòng và tình báo sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, và đảm nhiệm nhiều vai trò điều hành cao cấp khác như Phó Giám đốc Thông tin đầu tiên cho Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Michele R. Weslander Quaid _ Doanh Doanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.