Thường xuyên giáp mặt nhau, vợ chồng sẽ đòi hỏi nhiều hơn, mong đợi nhiều hơn, để ý tới từng cử chỉ của nhau nhiều hơn. Thêm vào đó, áp lực tâm lý bí bách không được ra ngoài làm cho người ta dễ nói lời cay đắng. Người ta dễ làm tổn thương nhau, lờ đi cảm xúc của nhau. Vì cảm xúc của ta dễ bị đẩy lên cao rồi lại xuống thấp, ta không còn tâm trí để tâm đến mọi người xung quanh nữa.
Có rất nhiều phụ nữ chia sẻ về căng thẳng xảy ra với con. Ở nhà với con hai ba tuần bỗng dưng vợ chồng tức bực nhau chuyện nhỏ nhặt. Lại thêm nỗi lo sinh kế tác động trực tiếp đến nhiều gia đình, khiến họ suy yếu dần tinh thần bên trong mà khó giải tỏa. Họ không có người để chia sẻ vì có lẽ ai cũng đang gặp khó khăn. Chỉ một thời gian nữa nếu các doanh nghiệp liên tiếp đóng cửa, mất việc xảy ra trên diện rộng, trẻ con chịu thêm áp lực vì ở nhà quá lâu, người lớn sẽ ngày càng căng thẳng và xung đột nhiều hơn.
Vậy có phải cứ yêu nhau thì ở bên nhau 24/7 sẽ hạnh phúc? Chưa có nghiên cứu cụ thể nào kết luận việc liệu ở bên nhau nhiều sẽ gắn kết hơn hay dễ nảy sinh xích mích hơn. Nhưng đa phần thực tế cho thấy thời gian bên nhau quá nhiều có thể là nguyên nhân lớn gây ra sự nhàm chán, buồn bực và bất đồng.
Để giảm bớt những căng thẳng không đáng có, dưới đây tôi xin gợi ý một số bí quyết nhằm giúp duy trì sự hòa thuận lâu dài giữa hai vợ chồng:
Tôn trọng sự khác biệt
Dân gian có câu: “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai”. Sự khác biệt vợ chồng là lẽ tự nhiên. Vợ chồng sống chung một nhà, nhưng mỗi người là một cá thể cần có khoảng không cá nhân riêng. Đặc biệt là trong giai đoạn ở nhà nhiều này, chúng ta càng nên tôn trọng không gian riêng của nhau.
Nếu nhà bạn có nhiều phòng, hãy ít gặp nhau thôi, coi nhau như đồng nghiệp vào ban ngày, không nên tỏ ra thân nhau quá. Người xưa đã dạy vợ chồng phải “tương kính như tân”. Hãy ngồi làm việc trong phòng riêng, ra vào gõ cửa, có nghe “bên kia” nói gì cũng không nên đóng góp gì, trừ khi họ hỏi ý kiến.
Nên giữ khoảng cách. Nên giữ sự tôn trọng. Tránh ở cùng nhau cả ngày nhìn nhau nhiều và dễ “để ý” nhau, chê trách nhau.
Tất nhiên, hai vợ chồng cũng nên có khoảng nghỉ. Giờ ăn, nghỉ trưa và buổi tối là thời gian dành cho gia đình chẳng hạn. Tránh làm cho nhau cảm thấy ngột ngạt; thỉnh thoảng hãy trêu đùa nhau cho vui vẻ, rồi hai người lại nghiêm túc như ở công ty vậy. Cẩn thận, trân trọng mối quan hệ vợ chồng, như vậy mới có thể bên nhau được lâu.
Phân công và hỗ trợ nhau việc nhà
Trong đời sống hôn nhân gia đình, mối quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái mặc nhiên được xác lập; và trách nhiệm mỗi người là khác nhau. Thông thường người vợ có thể sẽ lo việc chăm sóc con cái, đảm nhận việc nhà, trong khi người chồng làm việc ngoài xã hội, kiếm tiền nuôi gia đình hoặc thậm chí ngược lại.
Sự phân công là như vậy, nhưng hiện nay vào thời ‘ai cũng ở nhà’, công việc thường ngày của vợ chồng có thể không như trước nữa. Con cái cũng ở nhà; giúp việc cũng về quê tránh dịch; để tránh căng thẳng áp lực từ việc nhà, các gia đình nên phân công rõ ràng nhiệm vụ từng thành viên.
Chẳng hạn, gia đình nào có con nhỏ thì có thể phân công vợ trông buổi sáng, chồng trông buổi chiều, vợ giặt quần áo thì chồng phơi, vợ nấu cơm thì chồng rửa bát, v.v… Mỗi người cố gắng làm tốt công việc của mình, vừa vui vừa không ai bị mệt cả, và ai cũng có thời gian cho riêng mình.
Khi rảnh, cả nhà có thể cùng nhau nấu ăn, cùng xem một bộ phim hài, đó là phương pháp rất tốt để giải tỏa những áp lực.
Lắng nghe và đối thoại
Các nhà tư vấn đều khẳng định rằng nghệ thuật giao tiếp ứng xử quyết định phần lớn cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đúng vậy, “chất” luôn quan trọng hơn “lượng”. Bạn không cần nói chuyện nhiều, nhưng lúc đối thoại thì hãy giao tiếp thực sự. Hãy lắng nghe có chủ đích điều bạn đời đang nói, trao đổi ôn hòa khi có bất đồng, mục đích cuối cùng là thống nhất tiếng nói chung.
Khi bạn nhận thấy mối quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng, điều tốt nhất là nên hít thật sâu trước khi muốn phàn nàn điều gì đó. Với một số người, khi thấy mình sắp sửa nổi giận hoặc không kiểm soát được tình hình, họ đi vào phòng đóng cửa lại hít thở, chờ cơn tức giận qua đi. “Một điều nhịn là chín điều lành”.
Nhượng bộ là hy sinh một phần nào đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Sự im lặng sẽ giúp giải tỏa những hờn giận, xung đột nào đó trong cuộc sống vợ chồng. Như một ai đó đã nói: “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.
Giữ tinh thần lạc quan
Hẳn ai cũng hiểu đời sống vợ chồng không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, sẽ có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vì cậy cả vợ lẫn chồng đều nên xác định, những mâu thuẫn hiện tại chỉ là nhất thời. Thay vì tiếp tục khó chịu, hiềm khích với nhau, hãy cùng nhau tin tưởng rằng dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, cuộc sống lại trở về như thường nhật.
Cùng nhau đối diện khó khăn cũng giống như “lửa thử vàng”, nếu nắm tay nhau cùng vượt qua, chắc chắn gia đình bạn sẽ càng thêm gắn kết.
Vì thế, hãy cẩn trọng hơn khi cư xử với nhau. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, có lẽ ai cũng phải chịu đựng căng thẳng nào đó. Hãy nghĩ đến điều đó mà đối đãi với nhau tử tế hơn ngày thường. Bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tuần sau, tháng sau, ai rồi phải cách ly, ai rồi phải phá sản. Sự tử tế đối với người khác lúc này cần thiết hơn bao giờ hết, và hãy bắt đầu điều này với chính những thành viên trong gia đình bạn.
Ngân Hà
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.