Sunday, September 26, 2021

Những chuyện ám ảnh khi làm từ thiện ở Sài Gòn

 BM

Các tình nguyện viên của Quán cơm Nụ cười thuộc quỹ từ thiện Bông Sen đều được trang bị đầy đủ bảo hộ khi đi phát cơm

 

Làn sóng thứ tư của dịch Covid với những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã đẩy nhiều người mất kế sinh nhai ở Việt Nam.

 

Người nghèo càng khổ sở hơn, nhất là khi có những nơi gói trợ cấp của chính phủ chưa tới tay và đây là thời điểm các cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã đứng ra cứu giúp người dân từ lương thực, thuốc men đến bình oxy.


Trong chương trình Đa chiều Nhiều ‎ý của BBC News Tiếng Việt, doanh nhân Hoàng Luyến cùng nhà báo Nguyễn Tập từ SÀI GÒN đã kể lại những trải nghiệm ám ảnh nhưng đầy tình người trong đại dịch khi họ đi cứu trợ người dân.

 

Có người "vái lạy" vì hộp cơm

 

Nhà báo Nguyễn Tập hiện là hỗ trợ viên của Quán cơm Nụ cười 1, 2, 6. Theo anh, đây là địa điểm ăn trưa quen thuộc với bà con lao động, những người nghèo vì mỗi bữa chỉ có giá 2.000 đồng nhưng đủ món mặn, món xào, món canh và cơm "ăn bao no".

 

Anh lý giải: "2.000 đồng chỉ là giá tượng trưng để những người đến ăn họ không ngại và không mang cảm giác mắc nợ. Nếu là sự mua bán thì họ cảm thấy thoải mái vào ăn hơn chứ thật chất tiền vốn của một suất ăn đã trên 15.000 đồng rồi."


BM

Một phần cơm của Quán cơm Nụ cười chỉ 2.000 đồng nhưng đủ món mặn, món canh, món xào và cơm bao no

 

"Khi dịch bùng phát chúng tôi bán mang về, khuyến khích mọi người mang theo hộp để hạn chế đồ nhựa. Giai đoạn này, chúng tôi để mỗi người được mua hai phần để đủ ăn cả tối. Với những gia đình khó khăn hơn thì chúng tôi có những hỗ trợ riêng."

 

Theo nhà báo Nguyễn Tập, Quán cơm Nụ cười trong giai đoạn này phải tăng suất ăn từ 500 một ngày lên gần 1.000 suất nhưng vẫn không đủ.

 

"Hầu như ngày nào khi hết cơm thì chúng tôi cũng phải thắt ruột mà lắc đầu khi biết bao người tìm đến thì đã không còn nữa. Những hoàn cảnh bi đát đó chúng tôi gặp mỗi ngày. Có lần, tôi gửi hộp cơm thì một người đàn ông cầm hộp cơm bằng hai tay rồi giơ lên cao khỏi đầu và lạy. Ông xoay đúng bốn phương, mỗi phương ông lạy ba lạy."

 

"Chúng tôi đứng ở đó sững người, tôi hỏi chuyện gì vậy anh. Ông trả lời: "Dạ, tôi đói quá. Có hộp cơm, tôi cảm tạ trời phật." Thật sự những chuyện chắp tay lạy hay vòng tay cúi đầu để xin một hộp cơm đó không có hiếm gặp ở những quán cơm của chúng tôi."


BM

Hỗ trợ viên Nguyễn Tập chuẩn bị các suất ăn cho người dân ở Quán cơm Nụ cười


Vừa làm báo, vừa là người gắn bó với các bếp cơm từ thiện, Nguyễn Tập nhìn nhận người nghèo thuộc tầng lớp đáy vẫn luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch. Chính vì thế, khi dịch bệnh với những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, nhiều người mất việc làm khiến nhiều người lâm vào cảnh đói ăn:

 

"Họ là những người chưa ráo mồ hôi đã hết tiền, làm đồng nào là xào đồng đó. Một số người cho rằng dân nghèo, đặc biệt ở miền Nam không biết tiết kiệm nên khi gặp biến cố thì đói.

 

Những họ quên rằng dân lao động ở Sài Gòn phần lớn là dân nhập cư, họ đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Họ làm quần quật, họ chắt bóp từng đồng để về quê, ở nơi đó có con cái, cha mẹ họ nên giờ đói là điều dễ hiểu."

 

Từ ngày 9/7, Sài Gòn thực hiện chỉ thị 16, tức không tụ tập quá hai người nơi công cộng và người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Thời điểm này, Quán cơm Nụ cười buộc phải đóng cửa.


BM

Dù quán đã kéo cửa xuống nhưng nhiều người vẫn chòi tay vào xin hộp cơm

 

"Dù chúng tôi luôn cử người để giữ khoảng cách nhưng vẫn phải đóng cửa, tới nỗi hạ nguyên cửa kéo xuống nhưng mà vẫn có rất nhiều người đến. Có rất nhiều bàn tay cố gắng thò vào khe cửa với theo "cô ơi cho tôi xin một hộp cơm" "anh ơi cho tôi xin một hộp cơm, tôi đói quá".

 

"Mình không đành lòng,nhưng mở ra là bà con lại ùa vô rồi giãn cách cũng khó nên thật sự lúc đó không biết làm gì luôn. Những bàn tay vẫn cứ liên tục thò vô khe cửa, cứ liên tục như vậy và đó là đó là những hình ảnh khó có thể nào mà quên được." hỗ trợ viên của Quán cơm Nụ cười nhớ lại.

 

Ám ảnh vì bàn tay bà cụ bị Covid

 

Doanh nhân Hoàng Luyến là nhà sáng lập cũng như điều hành của Della Group. Chị mở chương trình thiện nguyện từ khi dịch bùng phát với công việc chủ yếu là quyên góp tiền và lương thực thực phẩm. Nhưng khi dịch càng kéo dài và nhiều người càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì chị Luyến quyết định mở bếp ăn từ thiện và chương trình cung cấp bình oxy.

 

Chị kể với BBC:

"Trong quá trình làm từ thiện mình thấy nhu cầu cần hơn nữa đó chính là những suất ăn dành cho các y bác sĩ ở tuyến đầu vì mình vô tình thấy một suất ăn của bác sĩ. Lúc đấy mình cảm thấy rất đau lòng nên mình quyết định chuyển công năng bếp ăn của nhà hàng của mình thành bếp ăn từ thiện."


BM

Một khẩu phần ăn của Della Kitchen cung cấp cho các y bác sĩ của ba bệnh viện lớn ở Sài Gòn

 

"Với công suất 400 suất ăn một ngày, mình hỗ trợ cho ba bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược và Hồi sức Covid-19. Song song đó, mình đang thực hiện chương trình oxy 0 đồng, có khoảng từ 2.000 đến 2.500 bình, hoàn toàn miễn phí, được cấp cho các bệnh nhân mà cầu cứu oxy box của Della."

 

Theo chị Luyến, chương trình oxy này nhận hỗ trợ rất lớn từ Ngân hàng Chứng khoán MB, gồm hai loại: loại 40 lít dành cho bệnh viện cần gấp hoặc loại 8-9 lít cho gia đình.

 

Doanh nhân Hoàng Luyến kể thêm:

 

"Thực ra tôi đã làm chương trình oxy này rồi nhưng là hỗ trợ chở bình oxy từ một nơi người ta đã có bình sẵn. Nhưng tôi cảm thấy nguồn cung ứng đó chưa đủ cho những người cần ở thành phố. Cho nên tôi quyết định tự lập ra trạm oxy miễn phí, ngoài trạm oxy thì còn có bình oxy nữa. Bình oxy được đưa đến cho những bệnh nhân F0 mà bệnh viện không kịp hỗ trợ cho họ. Bên tôi có đường dây hotline và có đội nghe máy để rồi mình chuyển bình oxy đến khu vực của họ."


BM

Nhà sáng lập và điều hành Della Group, Hoàng Luyến, mở thêm chương trình hỗ trợ Oxy cho bệnh viện lẫn các F0 tự chữa trị tại nhà

 

Không chỉ là người đứng ra tổ chức, chị Luyến còn tự mình đem bình oxy đến cho những người cần khi khẩn cấp. Ngay vào hôm sinh nhật của mình, chị đã gặp một câu chuyện khiến chị ám ảnh.

 

"Mình đi cùng với một cậu nhân viên và khi hai chị em tới nơi, mọi người ở đó hầu như không biết bà là F0 nên thấy mình vác bình oxy tới thì rất hoang mang. Mình mới hỏi nhà bà cụ nhưng vì thực hiện Chỉ thị 16+, không có ai giúp bà cả và quy tắc của nhóm là không tiếp xúc trực tiếp với F0. Nhưng bà rất già và không thể nào đi nổi nữa và oxy trong máu đã tuột dưới 90." chị Luyến nhớ lại.


BM

Chị Hoàng Luyến cùng đồng đội chở bình oxy cho những F0 gọi đến đường dây nóng

 

Vì được tiêm vaccine nên chị Luyến quyết định mình là người đi vào và vì chị thấy một bàn tay thò ra cánh cửa.

 

"Mình không thể nào nhắm mắt mà bước đi được, rất ám ảnh. Rất may là quyết định đó đã giúp bà thoát cơn nguy kịch. Sau đó, hai chị em đi về và im lặng suốt quãng đường vì bàn tay đó rất ám ảnh. Sau đó, hai chị em đã nói với nhau rằng mình sẽ cố gắng hơn nữa. Vì đây là những hoàn cảnh mình thấy nhưng sẽ có rất nhiều hoàn cảnh mà mình không thấy được." chị Luyến tâm sự.

 

Trong quá trình này, chị Luyến còn thấy cảnh người chết vì Covid khiến chị ám ảnh. Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, chị Luyến mô tả những buổi đêm chở bình oxy chị cảm thấy cứ như sống trong một bộ phim nào đó mà chúng ta thường coi về dịch bệnh, tận thế. Điều đáng sợ là không biết mình là vai chính, vai phụ hay quần chúng. Chị đùa rằng nếu là vai chính thứ hai thường dễ chết nhất phim nên vẫn luôn tuyệt đối cẩn thận trong mọi quy trình, chỉ có lần bà cụ là ngoài ý muốn vì bà ở một mình.

 

Mở rộng quy mô và tạo ra sáng kiến

 

Nhờ vào việc kết nối được với đội phản ứng nhanh của thành phố nên bếp ăn của chị Hoàng Luyến vẫn hoạt động được khi Sài Gòn thực hiện giãn cách.

 

"Lúc này không còn phân biệt đâu là chủ đâu là tớ, đâu là sếp lớn sếp nhỏ nữa. Mọi người chỉ có chung một chữ, là chữ Việt Nam ở trong tim. Mình thấy rằng sức bên mình vẫn có thể làm được nữa nên giờ mình đang mở rộng quy mô bếp, mở chi nhánh thứ hai ở 54 Thảo Điền.

 

Mục tiêu của mình là cung cấp 3.000 đến 5.000 suất cho cả những bệnh viện dã chiến và những khu nhà bị cách ly mà người ta không thể nào tự cung ứng lương thực thực phẩm nữa. Bếp này tuần này sẽ hoạt động và mình mong bếp Della Kitchen sẽ mang yêu thương trao đến mọi miền chống dịch."


BM

Mục tiêu của doanh nhân Hoàng Luyến là mở rộng bếp ăn để cung cấp 3.000 đến 5.000 suất cho cả những bệnh viện dã chiến

 

Đồng thời, vì hiểu được bệnh nhân Covid cần nhiều dinh dưỡng để chống chọi với bệnh, mà có khi họ là những người một mình ở bệnh viện hay khu cách ly, không có người thân chăm sóc nên bếp của chị Luyến cũng cung cấp suất ăn đặc biệt cho đối tượng này.

 

"Della Kitchen có thức uống và suất ăn riêng để giúp họ tăng sức đề kháng và chúng tôi cố gắng cung cấp khoảng 2.000 suất."

 

Về Quán cơm Nụ cười, nhà báo Nguyễn Tập có nảy ra sáng kiến chương trình "Học với chuyên gia, trao quà người khó".

 

Chương trình "Học với chuyên gia - Trao quà người khó" ở với sự góp mặt của nhiều chuyên gia có tiếng.


BM

Chương trình "Học với chuyên gia - Trao quà người khó" ở với sự góp mặt của nhiều chuyên gia có tiếng.

 

Đây là lớp học qua mạng với nhiều chủ đề thú vị như về làm phim, luyện trí nhớ, sơ cấp cứu, khởi nghiệp, hiểu về vaccine, xây dựng thương hiệu cá nhân... với sự góp mặt của nhiều diễn giả có tiếng như Đạo diễn Phan Xine, ca sĩ Thanh Duy, giảng viên Vũ Duy Thức, TS Nguyễn Hồng Vũ...

 

Theo anh, chương trình đã diễn ra 4 mùa, có tổng cộng 32 buổi học, mỗi buổi khoảng từ 150 - 300 người tham gia.

 

"Tôi may mắn có rất nhiều người bạn giỏi, họ là chuyên gia, bác sĩ, diễn giả, giảng viên có uy tín trong lĩnh vực của họ nên mong lớp học sẽ đem đến nhiều kiến thức hữu ích cho cộng đồng. Tôi muốn tất cả mọi lớp học đều miễn phí. Thay vì đóng tiền học, mọi người có thể đóng góp tùy hỷ vào Quán cơm Nụ cười. Như vậy, mình vừa tạo ra một sân chơi kiến thức, vừa quyên góp cho đồng bào khốn khó vì Covid."

 

 

 

Bùi Thư


BM

Vì sao đảng Cộng sản Trung cộng muốn hủy diệt Triệu Vy?
Cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung cộng về kim loại đất hiếm
Điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế Trung cộng sụp đổ?
Hồi ký của cựu nhà báo trồng cần sa ở Úc
Chăm sóc bản thân và tập thể dục là chìa khóa mang lại món quà cho cuộc sống
Sống chung với Covid
Chúa có lầm đưa Con qua đây?
Trò lừa bịp về nguồn gốc của virus Trung cộng
Khi nỗi sợ là món hàng đắt giá _ Đại dịch bán được bao nhiêu?
Trí tuệ của Tự nhiên
Sự lầm lẫn về sứ mệnh của CDC
Câu chuyện về Jacky Ly
Đức tin và Tình yêu thương trong thời COVID
Cuộc biểu tình ‘Công lý cho J6’
Nước Mỹ đại loạn
Thế giới thực _ Chỉ là một ảo ảnh
Lợi ích của việc đọc sách cho trẻ chập chững biết đi và trẻ mẫu giáo
Giấc mơ hạc cầm
Đại tướng Mark A. Milley sau tố cáo động trời
Phụ nữ hấp dẫn đàn ông không phải vì nhan sắc

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.