Sunday, September 12, 2021

Little Kabul _ Little Saigon và số phận người tị nạn

 BM

Ba mươi năm trước, tôi là thành viên hội đồng quản trị của một cơ quan xã hội giúp người tị nạn trong khu vực phía đông Vịnh San Francisco (East Bay), nên khi đó đã có dịp tiếp xúc với người tị nạn Afghanistan.

 

Nhiều người Afghanistan đã đến Mỹ theo diện tị nạn cộng sản sau khi Hồng quân Liên Xô xâm chiếm đất nước của họ và cũng có người tị nạn vì bị chính quyền Taliban đàn áp.

 

Người Afghanistan là nạn nhân của hai chế độ khác nhau trên quê hương của họ, chế độ cộng sản và chế độ Hồi giáo cực đoan.

 

Nói chung, người Afghanistan ở Mỹ đã trải qua cuộc sống không có nhân quyền trên quê hương nguồn cội.



Giống với nhiều người gốc Việt, họ cũng trải qua hành trình vượt biên khó khăn, qua được nước láng giềng trước khi được tới Mỹ định cư. Có người đã phải chờ đợi nhiều năm trong các trại tị nạn. Nhiều người đã phải hồi hương theo chương trình của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp quốc.

 

Trong gần nửa thế kỷ qua, một đất nước với 30 triệu dân mà đã có đến 5 triệu người Afghanistan phải bỏ quê hương ra đi. Một số được Mỹ, Canada, Anh, Nga, Pháp và nhiều quốc gia nhận cho định cư, còn lại hiện sống trong các trại tị nạn ở các quốc gia láng giềng của Afghanistan.


BM

Trẻ mồ côi Afghanistan tại trại tị nạn Bajaur ở Pakistan, 3/1980

 

Khoảng 150 nghìn người tị nạn Afghanistan được Hoa Kỳ nhận cho định cư trong 40 năm qua. Họ sống tập trung tại California, Virginia, New York.

 

Theo nhật báo San Francisco Chronicle trích dẫn số liệu năm 2019 của Cục Thống kê Hoa Kỳ, hiện có 66 nghìn người gốc Afghanistan sống tại California và đông nhất tập trung tại vùng Vịnh San Francisco.


BM


Nhiều người Afghanistan sống tập trung ở các thành phố Fremont và Hayward ở East Bay.

 

Fremont có khu phố thương mại với nhiều cửa hàng dịch vụ và thực phẩm Afghanistan thường được biết đến với tên gọi "Little Kabul".

 

Năm 2018, một phụ nữ Afghanistan là cô Aisha Wahab đắc cử vào hội đồng thành phố Hayward, được coi là một trong hai nữ dân cử gốc Afghanistan đầu tiên tại Hoa Kỳ, cùng lúc với cô Safiya Wasir đắc cử vào lập pháp tiểu bang New Hamsphire.


BM

Trại tị nạn Mazar-e-Sharif ở Afghanistan, 11/2001, nơi người dân từ các vùng khác chạy về để trốn cuộc xung đột bạo lực nổ ra trong năm

 

Sau khi đem quân vào Afghanistan để lật đổ chính quyền Taliban sau biến cố 11/9/2001, Hoa Kỳ đã giúp Afghanistan xây dựng cơ chế tổ chức quốc gia trong tinh thần dân chủ.

 

Đã có nhiều người Afghanistan ở Mỹ, châu Âu đã trở về giúp nước. Giới lãnh đạo Afghanistan trong hai thập niên qua, trong đó có nhiều phụ nữ, là những người đã tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng trên thế giới.

 

Tổng thống Hamid Karzai, Tổng thống Ashraf Ghani từng sống và làm việc ở nước ngoài trước khi trở về phục vụ quốc gia, sau khi chế độ Taliban bị Hoa Kỳ lật đổ.


BM


Phụ nữ Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban không có nhiều người được hưởng giáo dục, bị hạn chế các quyền tự do căn bản.

 

Trong hai mươi năm qua hàng triệu nữ sinh đã có cơ hội đến trường. Nhiều phụ nữ Afghanistan đã tham gia chính quyền như Dân biểu Fawzia Koofi là một trong những phó chủ tịch của quốc hội, Thống đốc Salima Mazari, Thị trưởng Zarafi Ghafari.

 

Sau khi Hoa Kỳ quyết định rút lui khỏi vùng đất này vào thời hạn 31/8, chính quyền Kabul đã sụp đổ và Taliban giành lại được quyền lãnh đạo Afghanistan sau 20 năm.

 

Từ sự kiện Kabul 8/2021, nhìn lại câu chuyện Sài Gòn 4/1975


BM


Dưới thời Việt Nam Cộng hoà từ năm 1956 đến 1975, cũng có nhiều người Việt tốt nghiệp các đại học danh tiếng nước ngoài về góp phần xây dựng quốc gia.

 

Lãnh đạo chính quyền trong các bộ, nổi bật có các ông Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Văn Hảo. Trong giáo dục có các giáo sư Bùi Xuân Bào, Vũ Quốc Thông, Nguyễn Văn Bông, Lê Xuân Khoa, Thanh Lãng, Chu Phạm Ngọc Sơn, Võ Tòng Xuân.

 

Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và cộng sản giành được quyền lãnh đạo thì nhiều người cũng bỏ nước ra đi, người ở lại cũng không thể đóng góp được cho sự phát triển quốc gia.


BM


Từ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8, trong hai tuần sau đó quân đội Mỹ đã thực hiện một cuộc di tản bằng đường hàng không lớn nhất từ trước đến nay, khi 123 nghìn người được các máy bay quân sự của Mỹ đưa ra khỏi Kabul, gồm người Mỹ và người Afghanistan đã hợp tác với Hoa Kỳ trong hai thập niên qua.

 

Sài Gòn tháng 4/1975 và Kabul tháng 8/2021 có những điểm giống nhau giữa Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Afghnistan. Một khi Hoa Kỳ thấy không còn quyền lợi quốc gia ở đó nữa thì không có lý do gì để tiếp tục với ngân sách hàng tỉ hay cả trăm tỉ đôla mỗi năm vào những nơi đó.

 

Nhưng khác nhau là ở chỗ Hoa Kỳ đã công bố thời điểm sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan và thi hành đúng theo lịch trình Tổng thống Joe Biden đã đưa ra. Vị tướng chỉ huy cuộc di tản người Mỹ là người cuối cùng bước lên máy bay lúc gần đến thời khắc 31/8 để rời Kabul, dù còn cả trăm người Mỹ bị kẹt lại.


image

Thiếu tướng Christopher Donahue


Người Mỹ rời Sài Gòn trong chiến dịch "Frequent Wind" là sau khi có lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, kể từ sáng ngày 29/4.

 

Cả trăm nghìn người Afghanistan được di tản trong những tuần lễ qua đang tạm trú trong các trại tị nạn ở Trung Đông, châu Âu và trong nội địa Hoa Kỳ để tiến hành thủ tục an ninh trước khi được ra ngoài định cư.


BM


Năm 1975, 130 nghìn người Việt rời Việt Nam trong tháng Tư cũng đã được đưa vào các trại tạm trú ở Thái Lan, Philippines hay tại các đảo Guam, Wake, trước khi vào các trại tị nạn trong nội địa Hoa Kỳ để làm thủ tục định cư. Chương trình định cư người Việt được di tản vào mùa xuân 1975 chấm dứt vào tháng Mười.


BM

Thanh thiếu niên Việt tại trại tị nạn Shek Kong, Hong Kong, 1993

 

Chính sách bỏ tù không xét xử hàng trăm nghìn cựu quân cán chính Việt Nam Cộng hoà, bắt giam hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức và tiêu diệt văn hoá Mỹ-Ngụy khiến hàng trăm nghìn người Việt tiếp tục tìm cách ra đi, đông nhất là bằng đường vượt biển cho đến 20 năm sau mới chấm dứt.

 

Đợt người tị nạn cộng sản Afghanistan đến Hoa Kỳ đầu tiên vào thập niên 1980, gia tăng nhiều trong hai thập niên sau đó, cũng như làn sóng "thuyền nhân" người Việt được định cư ở Mỹ trong cùng thời gian. Người tị nạn Việt và người tị nạn Afghanistan đã có chung cùng cảnh ngộ.

 

Người Việt khắp nơi trên thế giới hàng năm gửi về cả chục tỉ đôla cho thân nhân, nhiều nhất là từ Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Afghanistan trong năm 2020 cũng đã gửi về cho gia đình 789 triệu đôla, theo tin Reuter ngày 2/9/21.


BM


Câu hỏi đang được lãnh đạo Hoa Kỳ đặt ra là, với sự trở lại nắm quyền của Taliban, đời sống của người dân Afghanistan trong những tháng năm tới sẽ ra sao? Taliban liệu sẽ tàn bạo như trước đây và áp dụng luật của Hồi giáo một cách khắt khe, nhất là chính sách đối với phụ nữ?


Chủ trương của Taliban là chống lại phương Tây, đặc biệt là những gì thuộc về tư tưởng dân chủ, về bình quyền và văn hoá Mỹ vì cho đó là xấu xa, không thích hợp với Hồi giáo.

 

Hoa Kỳ và thế giới đang chú ý đến những gì lãnh đạo Taliban sẽ làm trong những tháng ngày trước mặt, để có những chính sách thích hợp.


BM

Fremont ở California được gọi là khu quận "Little Kabul", nơi có cộng đồng người Afghanistan đông nhất sinh sống

 

Làn sóng người tị nạn Afghanistan sẽ chấm dứt sau khi số người được di tản trong tháng 8 vừa qua được định cư, hay còn kéo dài trong nhiều năm nữa, như làn sóng thuyền nhân của người Việt trong suốt 20 năm sau năm 1975?

 

Những ngày qua thành phần lãnh đạo của Taliban đã lên tiếng cho biết họ sẽ cởi mở hơn trước, sẽ tôn trọng quyền phụ nữ và kêu gọi người dân Afghanistan ở nước ngoài, ngay cả những lãnh đạo cũ của đất nước, hãy trở về đóng góp cho việc xây dựng quốc gia. Họ hứa sẽ không có việc trả thù với những ai đã tham gia hay hợp tác với chính quyền cũ.


BM


Thế giới đã nhìn vào Việt Nam trong những năm sau ngày 30/4/75 để nhận ra xung đột giữa tự do và cộng sản được thể hiện qua các chính sách đàn áp tư tưởng, truy quét văn hoá Mỹ một cách tàn bạo ra sao.

 

Thập niên 1990, thế giới cũng đã nhìn vào Afghanistan để thấy rằng khi Taliban lên cầm quyền họ đã có những chính sách khắt khe theo tinh thần luật Hồi giáo, trái ngược với các giá trị phương Tây như thế nào.

 

Xung đột giữa tư tưởng Hồi giáo và các giá trị văn hoá phương Tây lên cực điểm với vụ tấn công khủng bố gây tử vong cho 3 nghìn người ngay trên đất Mỹ vào sáng ngày 11/9/2001.


Những ngày này, nước Mỹ tưởng niệm 20 năm biến cố đau buồn này. Cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng chưa chấm dứt.


BM

Người dân Kabul đứng bên đường vẫy cờ Liên Xô và cầm tấm biển ghi dòng chữ 'Cảm ơn' trong một lễ diễu hành hồi cuối 1986, một thời gian ngắn trước khi Moscow rút khỏi Afghanistan sau 10 năm đưa quân vào hỗ trợ chính quyền cộng sản Kabul


Trung cộng và Nga từng là lãnh đạo của khối cộng sản chống Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh. Ngày nay hai quốc gia này vẫn còn là đối thủ của Mỹ trên nhiều mặt trận, từ Đông Á, châu Âu sang châu Phi.


BM

https://sanfrancisco.cbslocal.com/2021/08/20/afghanistan-crisis-fremont-little-kabul-refugee-support/

 

 

 

Bùi Văn Phú


BM
Sài Gòn _ Thẻ xanh, thẻ vàng, vùng xanh, vùng đỏ
Liên bang không hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do chích ngừa COVID-19
Đừng để virus bên ngoài phá hủy hạnh phúc bên trong
Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan _ Góc nhìn của Trung tá gốc Việt từng đóng ở Kabul
Bí quyết chọn rượu nho hồng khô tốt nhất
An sinh xã hội là phương tiện tiết kiệm hưu trí tồi tệ
Ông già ngủ gật Joe Biden
Con đường của anh hùng qua các thời kỳ lịch sử
Tại sao rất nhiều người phương Tây ủng hộ các triết lý cộng sản?
Cuộc chiến giữa tự do và chủ nghĩa xã hội đã bắt đầu kể từ khi Hoa Kỳ lập quốc
Nhà hàng thông báo không phục vụ những người ủng hộ TT Biden
Fentanyl tràn ngập Hoa Kỳ _ Tại sao chúng ta không thể ngăn việc này lại?
Afghanistan _ Lịch sử tái diễn
Tổ ấm _ Cái nôi của nền văn minh
Cuồng Chống _ Cuồng Mê _ Cuồng Chửi
20 năm sau vụ 911 _ Thế giới có an toàn hơn?
Cuộc điều tra về hóa chất độc hại trong nước trên khắp Hoa Kỳ
Giới nghệ sĩ Afghanistan lo âu cho số phận của mình
Thế giới nhìn Việt Nam chống dịch: “Đói khổ là hình ảnh thấy rõ nhất”
Thất vọng về Biden sau vụ Kabul _ Châu Âu sẽ tìm lối riêng?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.