Tác giả Tô Giang và cuốn hồi ký
Về thực trạng người Việt trồng cần sa trên đất Úc chắc chắn chưa cây bút nào tiếp cận sâu sát đến như Tô Giang- cựu biên tập viên Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An. Nhưng cuốn hồi ký Đường xanh viễn xứ nằm ngoài dự định ban đầu của Giang. Anh những muốn thành chủ trang trại cần sa bên đó…
Làn sóng người Việt ra nước ngoài trồng cần sa đã thành "huyền thoại" đến mức có chuyện vui rằng ở Anh khi đến chơi nhà người Việt, khách sẽ hỏi: "Vườn cần sa của anh ở đâu?!". Nhưng hiện Úc mới là "đất hứa" của dân trồng cần Việt.
Ngót ngét 250 trang trang sách thuật lại gần 5 năm lăn lộn trong những khu vườn cần sa không biết đến ánh sáng mặt trời của Tô Giang, sinh năm 1978 tại Nghệ An, tốt nghiệp ĐH KHXH&NV Hà Nội, công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Nghệ An 11 năm, vài lần nhận giải Vàng liên hoan Phát thanh Truyền hình tỉnh và bằng khen toàn quốc.
Vẫn chưa bằng lòng với vị trí nghề nghiệp và tài chính đã có, Giang tới Úc năm 2013, danh nghĩa du học và tìm được mối trồng cần sau khi trải qua vài công việc chân tay.
Dù tới Úc bằng cách nào (dân quê không bằng cấp thậm chí giả vờ tị nạn chính trị để được nhập tịch cho nhanh như tác giả cho hay) thì cái đích của nhiều người Việt muốn đổi đời nhanh chóng vẫn là những vườn cần sa canh tác trong nhà. Một số người đủ điều kiện và liều làm hẳn trang trại trong những công xưởng xa thành phố.
Những người Việt ham làm giàu phi pháp đang nhắm tới bến bờ Australia vì luật pháp xứ này vẫn còn những kẽ hở dung túng việc trồng cần. Ngay như việc câu trộm điện cũng rất được tạo điều kiện khi đồng hồ điện được đặt trong nhà dân, số tiền điện vượt trội sau đó được chia đều cho các hộ dân trong vùng(!).
Nhưng việc buôn bán các loại ma túy tổng hợp (đem lại lợi nhuận khủng hơn) sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn. Cuốn sách chỉ ra một thực tế là ngành trồng cần của người Việt có thể tạo nên một nền kinh tế ngầm thậm chí làm khởi sắc cả một vùng.
Ngành này ở Anh đã trở nên khó khăn đến mức dân trồng cần cũng phải bị nhốt theo cây 24/7 mới đảm bảo không bị lộ, còn Giang và "đồng nghiệp" ở Úc vẫn đàng hoàng muốn đi đâu thì đi miễn đêm về chăm cây.
Cây cần sa bị thay đổi nhịp sống chuyển ngày sang đêm và thay vì cho hoa sau 6 tháng như trong tự nhiên thì nhờ hấp thụ tinh túy công nghệ nông nghiệp hiện đại, sau 6 tuần đã có thể thu hoạch mà chất lượng nhựa còn cao hơn trồng tự nhiên(!).
Trong nghề này, người đi trước dạy người đi sau. Có năng khiếu trồng trọt cùng các đức tính cẩn thận, chịu khó, Giang nhanh chóng làm chủ các bí kíp trong nghề. Tiếp theo phải tinh khôn trong đối sách với hàng xóm, hằng ngày phải đóng giả là người lao động hoặc dân làm ăn tùy vào ngôi nhà và dân trí xung quanh.
Dân trồng cần gọi hàng xóm là "mèo", nghệ thuật qua mặt hàng xóm là "chăn mèo". Và tất nhiên để vai diễn được hoàn hảo, Giang cũng phải kiếm bạn gái ở chung (giúp cuốn sách cũng có những trang lãng mạn). Dù cho anh đã có vợ cùng một đội "tàu há mồm" nơi quê nhà.
Và cũng phải tìm cách che giấu chỗ làm ăn của mình để thoát khỏi sự săn lùng của công an (tiếng lóng là "anh hai") và bọn trộm cướp ("anh ba"). Tất nhiên nếu bị cướp vẫn hơn, vì còn có thể gây dựng lại. Chứ bị công an bắt quả tang thì thân phận nông dân xác định vào tù. Các ông bà chủ thực sự của vườn cần lại ít khi bị rờ tới. Họ đã là những người Việt sống lâu năm ở bển, đầy tiền và quan hệ.
Trong một mạng lưới được tạo nên bởi các tay bợm lọc lõi trong nghề, kẻ đến sau phải cực kỳ thông minh và lạnh lùng may ra mới có thể ngoi lên làm chủ. Giang cho thấy vẫn là người đa cảm, thỉnh thoảng lại làm thơ, nên dù có giỏi chuyên môn (trồng cần năng suất chất lượng cao) cũng vẫn bị lừa hết cú này đến cú khác.
Giang bên chiếc xe tải _ đạo cụ để vào vai công nhân lâm nghiệp khi trồng cần sa trong "Ngôi nhà Hoa hồng" tại Springvale, Úc.
Cũng không phải do Giang không biết nhìn người mà trong giới trồng cần phổ biến những kẻ đặt đồng tiền lên đầu, rồi không nghiện mà túy thì cũng cờ bạc. Làm ăn với họ, chỉ có thiệt. Lúc hết đường lui, Giang quyết vùng lên báo thù. Đây sẽ là bản lề của đời Giang, có thể được làm trùm ngã về không… Tất nhiên ta phải hiểu khi cuốn hồi ký ra mắt ở Việt Nam nghĩa là kết cục gì đã đến.
Sau khi mất tất cả, mặc dù khả năng ở lại Úc vẫn bỏ ngỏ, song Giang quyết về quê làm lại cuộc đời bên người mẹ đã vì mình mà bị bệnh tinh thần. Đồng nghĩa với việc phải 3 năm sau anh mới được nhập cảnh vào Úc. Qua cuốn sách, tác giả cũng dũng cảm bóc trần con người mình với nhiều thói tật trác táng ít ai muốn phô bày.
Về Đảo, nhân vật có nhiều "nợ máu" với mình, Giang cho hay cũng có những người bạn nóng mặt muốn trả thù thay nhưng anh gạt đi. "Sách kiểu gì cũng sang Úc và anh ta không đọc thì những người khác cũng đọc và biết anh ta đi lên bằng con đường nào. Việc gì tôi phải trả thù khi có thể viết. Ngòi bút nhiều khi còn mạnh hơn súng đạn", Giang nói.
Đường xanh viễn xứ tiếp tục chứng minh chẳng hư cấu nào có thể ly kỳ bằng thực tế. Cốt truyện tự động có những cao trào thắt mở, các nhân vật đều được đặt đúng chỗ và tự nhiên mà hóa điển hình.
Tô Giang khi còn ở Melbourne (Úc, 2014) và khi về nước, khởi nghiệp HLV thể hình
"Đen" cho Giang hầu như toàn gặp phải toàn những kẻ hai mặt, thường là không phản diện ngay từ đầu nên đã không thể chống chọi. Nhưng Giang khẳng định việc bị bắt là một may mắn. Để từ đó anh tìm được tự do, thoát khỏi vòng kiểm tỏa của bóng tối.
"Cuộc đời nhiều lúc không giải thích được. Mình có nhiều quyết định điên rồ nhưng cuối cùng cũng nhận ra con đường của mình", Giang tổng kết. "Trải qua bao dập vùi, đổ vỡ, bù lại có quyển sách. Mình cứ AQ như vậy để sống cho tốt thôi".
Giống như số phận đã đưa anh, một Cử nhân Văn khoa đến đúng với sứ mệnh của đời mình: Tham gia, trải nghiệm, chứng kiến một góc khuất của người Việt ở nước ngoài và kể lại ngay lúc này với tất cả tính nóng hổi thời sự.
Rồi lại tiếp tục thu xếp cho anh thoát ra đủ sớm để làm lại cuộc đời. Mà cuốn sách là một khởi đầu tích cực. "Tôi viết xong nhưng không dám nhờ cậy ai xuất bản, vì sợ họ nghĩ mình ảo tưởng", Giang kể. "Mò mẫm lên mạng tìm Facebook các tác giả nổi tiếng. Nhắn tin cho họ nhiều quá nên bị họ chặn.
Tuy nhiên một cây viết trẻ đã tận tình giới thiệu về hệ thống xuất bản Việt Nam, cho tôi địa chỉ email những vị gác đền của các nhà xuất bản". Sau đó bản thảo được gửi đi một cách hú họa.
Đường xanh viễn xứ được viết trong khoảng nửa năm kể sau khi Giang trở về sống tại Vinh. Anh viết khá nhanh với mong muốn trút bỏ quá khứ.
Nhiều chi tiết đến khi hoàn tất mới nhớ ra nhưng anh quyết định khép lại phần một. Để bắt tay ngay vào phần hai với tên gọi có thể là Nếu còn có ngày mai, thuật lại 30 tháng ngồi tù, định lập một đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia để phục thù nhưng lại gặp một thiền sư gốc Mexico…
Cùng lúc, Giang viết cả một tiểu thuyết trinh thám đúc rút từ những kỳ án của bạn tù. Ngoài ra Giang đang tập trung cho công việc của một chuyên gia dinh dưỡng và HLV thể hình, môn anh rèn luyện từ trong nhà tù của Úc mà anh hay ví với "thiên đường".
"Cuộc sống của tôi thay đổi theo hướng tích cực chính là do nhà tù", Giang kết luận.
Tô Giang _ tác giả Đường xanh viễn xứ:
"Con người mình từ thiện lương đi ra. Vào trong bóng tối mình không làm được điều xằng bậy đâu. Nếu tôi lật được thế cờ thì bây giờ chắc đang ở Úc, lại sống với âm mưu và bóng tối. Nhiều người nói rồi, dính vào thế giới này không thể dứt ra được".
"Sách của tôi hầu như không bị cắt, bên nhà xuất bản cắt vài chỗ tôi nhận xét xã hội này kia có chút chính trị hóa, đụng chạm thì tôi đồng ý thôi. Cắt những chỗ đó không ảnh hưởng nội dung. Một số bình luận đôi khi còn lọt như khi tôi nói về giáo dục chẳng hạn."
Nguyễn Mạnh Hà
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.