Pages

Monday, May 15, 2023

Hố xanh lớn thứ hai thế giới ở biển Caribe

 BM

Biển sâu tồn tại những lòng chảo bí ẩn không đáy, còn biển nông cũng tồn tại rất nhiều hố xanh bí ẩn được gọi là “hố ngọc bích.” Các khoa học gia đã phát hiện ra một hố xanh lớn thứ hai thế giới tại Vịnh Chetumal thuộc biển Caribe, Mexico. Các hoạt động thăm dò cho thấy bên trong nó tồn tại lượng lớn vi sinh vật và khoáng chất.

 

Hố xanh ở Mexico do trung tâm nghiên cứu El Colegio de la Frontera Sur (ECOSUR) phát hiện vào tháng 09/2021, các báo cáo học thuật có liên quan đã được đăng trên tạp chí khoa học Frontiers In Marine Science vào cuối tháng 2 năm nay, nhưng mãi đến cuối tháng 4 mới được nhiều kênh thông tấn đưa tin.


BM


Trước đây, các khoa học gia đã phát hiện ra không ít hố xanh, bao gồm hố xanh Dahab ở Ai Cập (sâu khoảng 130m), hố xanh Gozo ở Malta (sâu khoảng 60m), và hố xanh khổng lồ sâu nhất thế giới hiện tại mang tên Dragon (Lỗ Rồng, hay Longdong). Hố xanh Dragon nằm trong rạn san hô Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, với độ sâu khoảng 301m.


BM


Trước khi phát hiện ra hố xanh Dragon, thì hố xanh Dean’s ở Bahamas từng là hố xanh sâu nhất thế giới (khoảng 202m). Tuy nhiên, hố xanh này đã bị người dân địa phương tận dụng để đổ rác, khiến môi trường bên trong nó bị nhiễm bẩn, xung quanh hố có chai nhựa và lượng lớn vỏ sò tạo thành nghĩa địa ốc biển.


BM


Các khoa học gia đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu hố xanh ở Vịnh Chetumal, Mexico vào tháng 09/2021. Hố xanh này hiện tại là hố xanh lớn thứ hai thế giới đã được tìm thấy, tên chính thức của nó là “Taam Ja”, hay còn gọi là “TJBH”, trong tiếng Maya có nghĩa là “nước sâu.” Miệng của hố xanh này có diện tích đến 147,000 feet vuông (khoảng 44,805.6 mét vuông), nơi sâu nhất là 274.4m, đủ để chứa một tòa nhà chọc trời thông thường.


BM


Mặc dù TJBH là điểm đến hấp dẫn của một số thợ lặn dũng cảm, nhưng việc tùy tiện đi vào hố xanh này đã được chứng minh là hành động nguy hiểm, bởi vì thợ lặn có thể dễ dàng bị mất phương hướng khi ở trong hố, ngoài ra trong đó cũng có không ít sinh vật nguy hiểm và khí độc.


BM


Vào năm 2018, khi nghiên cứu hố xanh khổng lồ ở Belize (Belize’s Great), các nhân viên nghiên cứu đã phát hiện bên trong nó chứa đầy khí hydro sulfide (một loại khí độc, dễ cháy và có tính ăn mòn cao). Đối với những người không có thiết bị phù hợp, nếu mạo hiểm tiến vào hố xanh là việc làm vô cùng nguy hiểm.


Do chưa có nhiều tài liệu tham khảo và tài liệu khoa học lịch sử về hố xanh TJBH ở Vịnh Chetumal, đoàn nghiên cứu của Mexico đã tiến hành thăm dò ý kiến của ngư dân địa phương về những thông tin liên quan đến vùng biển gần đó. Từ đó, họ có thể chuẩn bị cho lần khảo sát này, nhằm thám hiểm độ sâu và môi trường bên trong hố xanh.


BM


Hố xanh TJBH có thể được chia làm hai tầng trên và dưới, tầng trên là đáy Vịnh Chetumal bằng phẳng và nước biển bình thường tồn tại xung quanh miệng hố, độ sâu vào khoảng 5 - 10m.


Đoàn nghiên cứu đã thông qua phương pháp phát hiện tiếng vang và xung âm thanh phản xạ để xác định độ sâu cũng như cấu trúc thực của hố xanh TJBH; đồng thời dùng thiết bị trợ thở SCBA để khám phá tầng trên và vùng lân cận miệng hố. Họ còn tiến hành trắc định chất lượng nước.


Sau khi kiểm tra đo lường về nhiều phương diện, họ phát hiện bề mặt dưới nước biển của hố xanh TJBH gần như là hình tròn, còn vách hố ở tầng dưới thì vô cùng dốc, độ dốc của nó vượt quá 80 độ, khiến kết cấu của hố xanh trở thành một hình nón hoặc hình phễu lớn. Tầm nhìn của hố xanh chỉ có 1 - 2 mét, nhưng tầm nhìn ở gần cửa hố có thể lên tới 5 - 6 mét.


Ngoài ra, các khoa học gia phát hiện vách dựng đứng của nó đang che phủ một tầng hạt nhỏ (suy đoán có thể là thạch cao), bên trên bị che bởi một quần thể tảo nâu khiến lớp vách biến thành trơn nhẵn, những khu vực không bị che phủ thì lộ ra lớp đá vôi màu trắng.


Nước biển trong hố xanh đã được kiểm tra và phát hiện có chứa một lượng lớn chất diệp lục, sulfat, nitrat, muối amoni, phosphat, silicate và các loại nguyên tố kim loại như magie, calci v.v.


BM


Các nhà nghiên cứu đã dùng công cụ hải dương học CTD (Conductivity Temperature Depth) để tiến hành phân tích nhiệt độ và độ mặn bên trong hố xanh TJBH. Họ phát hiện độ mặn và áp lực trong nước sẽ gia tăng thuận theo độ sâu, nhiệt độ cũng giảm từ 30 độ C xuống 24.7 độ C, hàm lượng oxy giảm nhanh khi độ sâu tăng.


Các khoa học gia cho biết hố xanh chủ yếu hình thành vào Kỷ băng hà, bức vách của nó chủ yếu là do đá vôi cấu thành, là một loại đá trầm tích nhiều lỗ, dễ bị nước ngọt hòa tan tạo ra các khe nứt nhỏ khép kín. Khi bị nước xói mòn, các khe nứt dần to ra, cuối cùng hình thành một thông đạo mở.


Do vào Kỷ băng hà khắp nơi đều là sông băng, mực nước biển khá thấp khiến cho những hang động dưới đất này lộ ra ngoài. Đến cuối Kỷ băng hà, sông băng tan dần và mực nước biển tăng lên khiến hang động bị lấp đầy bởi nước biển, cuối cùng hình thành kỳ quan hố xanh.


Vì lượng khí oxy trong hố xanh rất ít, mặt trời chỉ chiếu ở bề mặt khiến môi trường bên trong hố khá là khắc nghiệt. Tuy nhiên, hố xanh vẫn là “Ốc đảo của đại dương” và “điểm nóng sinh thái”, bởi vì trong đó đầy ắp các sinh vật đặc thù có thể thích nghi với môi trường này.


BM


Các khoa học gia cho rằng hố xanh ít ánh sáng, hàm lượng khí thấp, thuận lợi cho việc bảo tồn những thông tin về khí hậu và môi trường thời cổ đại. Thông qua địa hình đặc biệt này, con người có thể tăng thêm hiểu biết về môi trường, quá trình địa chất và các hệ thống địa chất thủy văn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa biết về số lượng và sự phân bố của các hố xanh trong đại dương.


Đoàn nghiên cứu tổng kết trong báo cáo rằng, “Hiện tại, cư dân địa phương chưa biết đến sự tồn tại của hố xanh TJBH (nó chưa bị phá hủy), do đó chúng tôi khích lệ giới khoa học khám phá, giám sát và mở rộng nghiên cứu về hố xanh TJBH, đồng thời tiến hành bảo hộ khu vực này.”




Ngô Thụy Xương  _  Tùy Phong

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.