Yamazaki(レストラン山崎)là một nhà hàng lâu đời ở thành phố Hirosaki, tỉnh Aomori, Nhật Bản. Nhà hàng này nổi tiếng với các món ăn Pháp, công việc kinh doanh rất phát đạt. Để đặt trước một suất ăn ở nhà hàng này phải mất ít nhất nửa năm, mà món ăn đặc sắc ở đây chính là “Súp táo của ông Kimura.”
Có người mô tả những trái táo của ông Kimura như thế này: Sau khi cắn một miếng, các tế bào trong toàn cơ thể sẽ cảm nhận được niềm vui khi ăn một thứ gì đó ngon và có cảm giác được trở về trong vòng tay của mẹ. Các bà nội trợ Nhật Bản cũng xếp táo của ông Kimura ở vị trí đứng đầu danh sách các loại “ăn một lần trong đời là đã thỏa mãn.”
Điều đặc biệt hơn nữa là táo của ông Kimura không bị thối, để hai năm vẫn không vấn đề gì. Trong táo không hề có chất bảo quản, vậy nguyên nhân là gì?
“Trong cuộc đời này, chí ít hãy làm kẻ ngốc một lần,” đây là câu thoại kinh điển trong bộ phim Nhật Bản “Trái táo thần kỳ” (The Miracle Apple). Bộ phim kể về câu chuyện của một “kẻ ngốc” đã mất 11 năm để trồng được hai trái táo, khiến cả nước Nhật xúc động. Bộ phim này được chuyển thể từ một câu chuyện có thật, chủ nhân của câu chuyện, người được xem là “kẻ ngốc” đó tên là Kimura Akinori.
Ông Kimura Akinori sinh năm 1949 trong một gia đình nông dân trồng cây ăn trái bình thường ở thị trấn Iwaki, tỉnh Aomori, Nhật Bản. Lúc đó tên ông không phải là Kimura Akinori mà là Mikami Akinori. Về sau, ông đã gặp tiểu thư Mieko của gia đình Kimura và ở rể tại gia đình này, rồi đổi họ của mình.
Mặc dù ông Kimura sinh ra trong một gia đình nông dân trồng cây ăn trái, nhưng từ nhỏ đã không muốn kế thừa nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, để kết hôn với Mieko, ông lại trồng táo. Có thể nói, sức mạnh của vận mệnh và tình yêu thực sự không thể xoay chuyển.
Như chúng ta đã biết, nền nông nghiệp hiện đại không thể tách rời với thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Là một loại trái cây ưa được nuông chiều, từ khi ra hoa đến khi thu hoạch, táo phải trải qua mười mấy lần phun thuốc trừ sâu. Không phun thuốc sẽ không có táo, đó là “lẽ thường” của những người nông dân trồng cây ăn trái hiện đại. Ông Kimura mới đầu cũng làm như vậy. Không ngờ mỗi lần phun thuốc trừ sâu xong, ông lại xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc trừ sâu, đặc biệt là bà Mieko vợ ông bị dị ứng rất nặng. Bà bị nôn, lở loét ngoài da, thậm chí sốt cao và hôn mê. Vậy làm sao mới có thể giải quyết được vấn đề này?
Vào một ngày nọ, ông Kimura vô tình nhìn thấy cuốn “Phương pháp canh tác tự nhiên” của ông Masanobu Fukuoka, một chuyên gia nông nghiệp người Nhật Bản. Bìa sách có ghi rằng “Cuộc sống nông nghiệp không cần làm gì, cũng không cần sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.” Thế là, với sự hỗ trợ của gia đình, ông Kimura bắt đầu thử nghiệm phương pháp trồng táo mới vào năm 1978: “không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân bón hóa học.”
Vào mùa xuân năm đầu tiên ngừng sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, vườn táo của ông Kimura vẫn nở rộ những bông hoa tuyệt đẹp. Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài lâu, vào tháng Bảy năm đó, những cây táo bị nhiễm bệnh đốm lá, lá chuyển sang màu vàng và rụng. Vườn táo nhanh chóng biến thành khu vườn trơ trụi.
Sang năm thứ hai, ông Kimura tiến hành dự phòng từ trước, phun giấm, phun rượu, phun nước tỏi… Ông Kimura cho biết, ông đã dùng mọi cách nhưng đến tháng Bảy, lá vẫn rụng.
Đến năm thứ ba, những cây táo thậm chí không nở hoa. Năm thứ tư và thứ năm cũng như vậy. Vì không phun thuốc trừ sâu nên vườn táo của ông Kimura đã trở thành “thiên đường” của lũ côn trùng. Để trừ bỏ không dưới ba mươi loại côn trùng hại cây táo, ông Kimura đã đưa cả gia đình đi bắt sâu bệnh bằng tay và phun giấm cả ngày lẫn đêm trong vườn cây không ra hoa kết trái này.
Vì kiên trì theo triết lý trồng trọt “không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học,” vườn cây của ông Kimura không cho ra một trái táo nào trong nhiều năm. Con gái của ông Kimura thậm chí còn viết trong bài làm văn rằng: “Ba em là một nông dân trồng cây ăn trái, nhưng bao nhiêu năm nay ông không trồng được một trái táo nào.”
Xin cây trái đừng chết
Bà Kimura trong một lần vô tình để quên thứ gì đó, khi quay lại vườn táo, bà nghe thấy tiếng ông Kimura nói chuyện một mình từ xa. Sau này ông Kimura nói rằng lúc đó ông đang xin lỗi và cầu xin từng cây táo. Ông xin lỗi vì đã quyết định không phun thuốc và khiến chúng sắp chết, đồng thời xin chúng không đơm hoa kết trái cũng không sao, nhưng ngàn vạn lần đừng chết.
Kỳ thực, ông Kimura không cầu xin tất cả các cây táo, nhất là những cây gần vườn cây ăn trái của hàng xóm hoặc ven đường. Bởi vì ông Kimura không muốn những nông dân khác nhìn thấy ông nói chuyện với những cây táo, sợ mọi người nghĩ rằng ông lo lắng đến độ tinh thần không còn bình thường.
Ngay cả khi ông Kimura van xin, vẫn có không ít cây táo đã khô héo và chết ở khắp mọi nơi trong vườn. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra cẩn thận những cây táo khô héo này, ông Kimura phát hiện ra một điều rất kỳ lạ. Những cây táo khô héo rất ngẫu nhiên, không có tính quy luật nào cả. Những cây táo khỏe vẫn còn sống tiếp, những cây táo yếu thì dần dần héo đi. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ, có một hàng cây táo đổ rạp như domino. Ông Kimura đến nay vẫn vô cùng hối hận về điều này. Bởi vì những cây táo đó chính là những cây ông không xin lỗi và cầu khẩn, chúng đều khô héo và không có một cây nào sống sót.
Tám năm, hai trái táo
Ông Kimura kiên trì làm như vậy trong 5, 6 năm. Một hôm, khi những người trồng táo khác đang thu hoạch, ông Kimura ngồi một mình trong vườn táo trơ trụi của mình, cảm thấy tuyệt vọng.
Ông đi sâu vào trong núi để tìm một nơi kết thúc cuộc đời mình. Đột nhiên, ông nhìn thấy một cây táo tươi tốt trong ngọn núi hoang dã. Khi xem xét kỹ hơn, ông mới nhận ra rằng đó không phải là cây táo mà là cây sồi.
Trong một môi trường đầy cỏ dại, côn trùng, không có thuốc trừ sâu và phân bón, tại sao cây sồi này có thể phát triển xum xuê như vậy? Là bởi vì thổ nhưỡng trên đỉnh núi không giống với những nơi khác. Ông Kimura bốc một nắm đất và cẩn thận ngửi, không sai, ngay cả mùi của đất cũng là độc nhất vô nhị.
Kể từ đó, ông Kimura bắt đầu trồng một số lượng lớn đậu nành trong vườn cây ăn trái, vi khuẩn Rhizoctonia sống cộng sinh trên rễ đậu tương đã cải thiện hàm lượng nitơ trong đất. Sang năm thứ hai, vườn táo của ông dường như biến thành một khu rừng nguyên sinh, có đủ loại cỏ dại mọc dưới tán đậu nành, côn trùng kêu ríu rít trên cỏ, ếch bắt côn trùng, rắn rình ếch, thậm chí còn có cả chuột đồng và thỏ rừng. Mặc dù bệnh đốm lá và sâu đục lá vẫn còn hoành hành, nhưng ông Kimura cảm thấy rằng những cây táo đã kết thúc cuộc chiến lâu dài chống lại căn bệnh này và đang dần hồi phục.
Vào năm thứ tám, kể từ khi thực hiện canh tác không dùng thuốc trừ sâu, cuối cùng một cây táo ở lối vào vườn táo đã nở bảy bông hoa và cho ra hai trái táo. Gia đình ông đem hai trái táo này đi thắp hương cúng rồi chia đều ăn. Họ nhận thấy rằng, táo ngon một cách đáng ngạc nhiên. Cứ như thế cho đến năm thứ 11, gia đình ông Kimura cuối cùng đã có được một vụ mùa bội thu.
Trái táo thần kỳ
Một trái táo bình thường sau khi được cắt, nó sẽ nhanh chóng chuyển sang màu nâu và bắt đầu thối rữa sau vài ngày. Tuy nhiên, những trái táo của ông Kimura sau khi cắt đôi thì để hai năm cũng không bị thối, mà chỉ teo nhỏ lại như bị “héo,” cuối cùng trở thành trái khô có màu đỏ nhạt, tỏa ra mùi vị ngọt ngào như trái cây khô bình thường.
Ông Hisazu Iguchi, đầu bếp của nhà hàng Yamazaki với món ăn nổi tiếng “Canh táo của ông Kimura” cho biết: “Loại táo này không hề bị thối, có thể nó hội tụ linh hồn của người sản sinh ra nó…”
Không chỉ vậy, những cây táo của ông Kimura còn có khả năng tự tiêu diệt côn trùng một cách rất khôn ngoan. Một giáo sư từ trường đại học nông nghiệp địa phương đã phát hiện ra rằng, số lượng vi khuẩn trên lá của những cây táo của ông Kimura cao hơn so với các vườn cây khác. Khi bị bệnh, cây táo sẽ cắt nguồn dinh dưỡng cung cấp cho các lá bị bệnh đó và để chúng tự rụng đi.
Ngoài ra, khi côn trùng phá hoại nghiêm trọng, ông Kimura phát hiện có rất nhiều loại ong xây tổ trên cây và ăn những con côn trùng đó, đến khi côn trùng giảm đi thì ong cũng giảm một cách tự nhiên. Có vẻ như miễn là cây táo được kết nối với thiên nhiên, thiên nhiên sẽ duy trì sự cân bằng mà không cần con người can thiệp quá nhiều.
Thành công của vườn táo không thể tách rời khỏi tinh thần không bao giờ bỏ cuộc của ông Kimura. Người bình thường kiên trì một vài năm là sẽ bỏ cuộc, nhưng ông ấy đã kiên trì đến 11 năm. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, sự chân thành của ông Kimura đối với cây táo cũng rất quan trọng. Ông đã câu thông với cây táo như những sinh mệnh có linh tính, và đã được đáp lại. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến một thí nghiệm thú vị do một học giả người Nhật Bản thực hiện.
Nước biết câu trả lời
Tiến sĩ Emoto Masaru, một nhà khoa học Nhật Bản, đã trở nên nổi tiếng bằng những nghiên cứu về tinh thể nước. Lấy cảm hứng từ câu nói “Không có hai bông tuyết giống hệt nhau trên thế giới,” ông bắt đầu kết tinh nước và quan sát “dung nhan” đặc biệt của nó.
Sau hơn mười năm và hàng triệu thí nghiệm, tiến sĩ Emoto Masaru đã phát hiện ra rằng tinh thể nước ẩn chứa những thông tin quan trọng và có thể câu thông với con người.
Tiến sĩ phát hiện ra rằng bất kể là dùng văn tự của quốc gia nào, nếu quý vị dán dòng chữ “cảm ơn, cảm tạ” lên chai thủy tinh chứa đầy nước, sự kết tinh của nước sẽ trở nên rất đẹp.
Nếu ghi lên nhãn chai thủy tinh là “tình yêu vợ chồng,” những tinh thể nước lớn sẽ ôm lấy những tinh thể nhỏ, như thể muốn nói với mọi người rằng trong ân ái vợ chồng, mỗi người nên đóng vai trò gì.
Khi dán “tình yêu gia đình,” những tinh thể nước sẽ xếp chồng lên nhau, từng tầng từng tầng trùng điệp như ba thế hệ cùng chung sống, giống như muốn nói với mọi người rằng tình yêu gia đình thực sự là già trẻ không thể tách ra.
Nếu dán lên “tình cảm láng giềng,” sáu cạnh của tinh thể nước sẽ dán chặt vào nhau, như thể chúng đang giúp đỡ lẫn nhau.
Còn trong những thí nghiệm đối chứng, nếu dán lên chai nước một dòng chữ rất xấu, ví dụ như “đồ khốn”, “hận muốn chết”, “giết ngươi” v.v., các tinh thể nước nhận thông điệp không tốt sẽ xuất hiện với các hình dạng rời rạc và xấu xí, những ý niệm khác nhau sẽ cho ra những hình ảnh khác nhau.
Không chỉ vậy, nước còn có thể thưởng thức âm nhạc. Nếu quý vị để nước nghe nhạc của Bach, hình dạng của các tinh thể sẽ tinh tế và rõ ràng; nghe bản giao hưởng đồng quê của Beethoven, tinh thể nước sẽ trong trẻo và tươi tắn; Nếu nghe khúc chia ly của Chopin, nước sẽ trở thành những tinh thể nhỏ tách rời nhau; Nếu nghe những bài đồng dao, các tinh thể nước sẽ cho ra một bức tranh trong veo và tinh khiết.
Điều tuyệt vời hơn nữa là nếu quý vị để nước “nhìn” hình bông hoa sen, các tinh thể nước sẽ lớn lên giống như bông sen. Nếu được ngửi mùi tinh dầu hoa cúc, các tinh thể nước sẽ có hình dạng giống như bông hoa cúc.
Tiến sĩ Emoto Masaru đã viết kết quả nghiên cứu của mình thành cuốn sách có tên “Nước biết câu trả lời” (Water Knows the Answer). Ông còn được mời đến Liên Hiệp Quốc để trình bày một báo cáo đặc biệt với chủ đề vạn vật trên thế giới đều có thể giao tiếp, suy nghĩ của con người sẽ quyết định môi trường xung quanh, suy nghĩ của con người bao gồm cả lời nói và chữ viết đều sẽ có những tác động không ngờ đối với nước.
Được Tiến sĩ Emoto Masaru truyền cảm hứng, một số người đã mở rộng đối tượng thí nghiệm. Người ta phát hiện cây cối, lúa gạo và các vật chất khác cũng có khả năng nhận thức. Những cây táo của ông Kimura dường như cũng chứng minh cho điều này. Các nhà vật lý lượng tử đã chứng minh thêm từ góc độ vật lý lý thuyết rằng: vạn sự, vạn vật đều có khả năng cảm thụ, bởi vì năng lượng của vũ trụ là quán thông xuyên suốt; vũ trụ là một thể đối ứng toàn diện, giống như người Trung cộng cổ đại đã nói: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri” (khi tâm con người sinh ra một niệm, thì cả Trời Đất đều biết).
Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển
Cổ nhân có câu nói rằng: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Tám từ đơn giản này từ lâu đã giải thích cho hàng ngàn thí nghiệm của các khoa học gia. Tám chữ này cũng nói lên chân tướng của sự sống trong vũ trụ, đó là: không chỉ con người mà vạn vật trong vũ trụ, cây cỏ, khoáng chất, núi sông, địa cầu, chúng đều có linh tính, có thể thấy, nghe và hiểu ý của con người, đây là bản năng và bản tính của vạn vật trên thế gian.
Người ta cũng từ điều này mà hiểu ra một đạo lý quan trọng, đó là chỉ khi tâm tồn thiện niệm, nói lời thiện, làm việc thiện và làm một người lương thiện, thì thế giới mà họ đang sống mới có thể duy trì trạng thái tốt đẹp. Bởi vì tướng là do tâm sinh ra, hoàn cảnh cũng tùy theo tâm mà thay đổi, cho nên từ thí nghiệm về nước, chúng ta cũng có hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa bên trong đó.
Rất nhiều thí nghiệm khoa học về sự kết tinh của nước đã hé lộ quy luật tự nhiên và chân lý của vũ trụ, nhân sinh. Vạn vật trên đời đều ưa cái đẹp, và không có cái gì là không cần tình yêu. Nếu quý vị thực sự trao đi tình yêu, thì quý vị sẽ nhận được hồi báo là những điều tốt đẹp. Ngay cả nước cũng cần tình yêu như vậy, còn con người chúng ta thì sao?!
Phù Dao _ Tùy Phong
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.