Điều hòa đặt ở trung tâm căn phòng thì rất mạnh, gió lạnh thổi vù vù khiến chúng ta không ngừng hắt hơi. Tuy nhiên nếu không bật điều hòa thì có lẽ càng mệt mỏi hơn.
Nhiều người đã từng nghĩ đến một câu hỏi: Thời cổ đại, mùa hè không có điều hòa, không có tủ lạnh, thậm chí không có quạt điện. Vào những ngày đó, cổ nhân đã sống như thế nào?
Tôi đã tra cứu rất nhiều tư liệu, kết quả càng tìm hiểu sâu thì tôi càng thêm kính nể trí tuệ của cổ nhân. Thực tế là trong 5,000 năm không có điều hòa ấy, cổ nhân vẫn sống rất mãn nguyện. Hãy cùng xem người xưa đã dùng “diệu chiêu” gì để chống nóng nhé!
9 cách chống nóng phổ biến của người xưa
Môi trường tự nhiên
Thi gia Cát Nguyên Hoài thời Bắc Tống đã từng viết trong bài “Hạ nhật” rằng: “Thụ hạ địa thường âm, thủy biên phong tối lương” (Tạm dịch: Mặt đất dưới tán cây luôn có bóng râm, gió bên bờ nước là mát nhất). Bên bờ nước có gió mát tự nhiên, vì vậy mỗi mùa hè, các quý tộc trong hoàng cung sẽ di chuyển đến những nơi non xanh nước biếc để sinh sống. Chẳng hạn như vào thời nhà Thanh, bên ngoài Tử Cấm Thành có nhiều “cung điện mùa hè” như Tây Uyển, Nam Uyển, Sướng Xuân viên, Viên Minh viên…, còn có trang viên nghỉ mát Thừa Đức nổi danh thời bấy giờ.
Bình dân bách tính cũng sẽ vào trong rừng hóng mát dưới những tán cây, chèo thuyền câu cá, thưởng ngoạn phong cảnh, nhân tiện ngâm thơ hát đối.
Vật dụng trên giường
Có rất nhiều ghi chép cổ về việc cổ nhân dùng đá làm giường, trên giường còn dùng gối sứ, gối tráng men, ngủ dậy sẽ cảm thấy mát mẻ thoải mái. Lý Thanh Chiếu thời Nam Tống đã từng viết trong bài “Túy Hoa Âm”: “Ngọc chẩm sa trù, bán dạ lương sơ thấu” (Tạm dịch nghĩa: Nằm trong màn lụa với gối ngọc, nửa đêm luồng khí lạnh tràn vào).
Nếu muốn thoải mái hơn một chút, cũng có thể trải một chiếc chiếu lên trên giường, tương truyền, các quý tộc triều Đường còn sử dụng chiếu dệt từ ngà voi. Thường dân sử dụng chiếu đan từ lá sậy hoặc trúc để trải giường, bình dân thiết thực, và được sử dụng cho đến ngày nay. Khi tôi còn nhỏ, mùa hè ở nhà có chiếu trúc trải giường và ghế sofa, tôi vẫn có thể ngủ ngon vào ban đêm mà không cần bật điều hòa.
Thiết kế kiến trúc
Quá trình xây những ngôi nhà cổ trong Tứ hợp viện ở Bắc Kinh rất được xem trọng, đặt ở phía Bắc hướng về phía Nam, ngăn ánh nắng mặt trời từ phía Tây, hơn nữa mái nhà và bức tường dày, có thể cản gió và ngăn lạnh vào mùa đông, cản khí nóng vào mùa hè.
Vào thời nhà Minh, sau khi đô thành được dời đến Bắc Kinh, chiều dài và góc độ của mái hiên trong cung điện được thiết kế thống nhất, có thể che nắng trong khoảng thời gian trước sau ngày Hạ Chí, đến trước sau ngày Đông Chí thì ánh nắng chiếu cả căn phòng, đông ấm hè mát.
Ngoài ra còn có một số ngôi nhà được thiết kế đặc biệt để thoát khỏi cái nóng mùa hè, chẳng hạn như điện Thanh Lương vào thời nhà Hán, điện Thủy Mộc Minh Sắt vào thời nhà Thanh. Theo ghi chép, những người thợ lành nghề đã chế tạo ra loại quạt giống như bánh xe nước, gọi là “quạt dẫn nước,” dùng sức nước đẩy những cánh quạt trên bánh xe để quạt gió vào trong phòng; cũng có loại quạt có thể dẫn nước lên đến tận mái hiên để nước nhỏ giọt xuống tự nhiên, tạo thành những màn nước bao quanh ngôi nhà giống như trời đang mưa, hiệu quả làm mát vô cùng tuyệt vời và thú vị.
Đào đất ba thước
Còn một phương pháp làm đất, đó là “đào đất ba thước.” Do nhiệt độ ở tầng đất nông tương đối ổn định, cho nên có thể đạt được đông ấm hè mát tự nhiên. Do đó, “quật thất” (phòng hang) rất phổ biến vào thời Tiên Tần, cũng chính là “căn hầm” giống như hang động vậy.
Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, “giếng điều hòa” đã được sử dụng, nghĩa là đào một cái giếng rất sâu trong phòng và đậy bằng một tấm che có đục lỗ để không khí mát thoát ra từ dưới đất vào mùa hè.
Cao Liêm, một học giả thời nhà Minh, đã mô tả trong “Tuân Sinh Bát Tiên” rằng: “Trong biệt thự Hoắc Đô, có bảy cái giếng trong một phòng, tất cả đều được chạm khắc và có nắp đậy. Nếu ngồi trên chúng vào mùa hè, bảy cái giếng sẽ tỏa ra khí mát, không còn biết nóng là gì.” Ngoài tác dụng làm mát căn phòng, giếng điều hòa còn có thể dùng làm “tủ lạnh” ngầm, cho đá viên và thực phẩm vào giếng để làm lạnh.
Băng
Vào thời cổ đại, không có cách nào để tạo ra đá lạnh, nhưng họ có thể lưu trữ băng từ mùa đông để sử dụng vào mùa hè. Trong “Chu Lễ” thời nhà Chu có nhắc đến một nhóm người chuyên quản lý việc trữ băng. Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, băng đã được sử dụng rộng rãi. Trong “Đại Thanh Hội Điển” ghi chép rằng, có mười tám hầm băng xung quanh Tử Cấm Thành.
Ngoài ra, Trung cộng từ rất sớm đã có những chiếc tủ lạnh thô sơ, chẳng hạn như một vật dụng bằng đồng dùng để đựng đá lạnh từ thời Chiến Quốc đã được khai quật. Các loại tủ lạnh sau này ngày càng tinh xảo, không chỉ có thể dùng để giữ lạnh thực phẩm mà còn có thể giảm nhiệt độ trong nhà, khá giống với máy điều hòa không khí di động ngày nay.
Đồ ăn thức uống lạnh
Đã có băng thì không khó để làm các loại đồ uống lạnh và các món điểm tâm ngọt như rượu gạo lạnh, canh mơ chua, canh hạt sen nấm trắng, đậu hũ hạnh nhân, v.v., và còn có cả kem ly nữa!
Tuy nhiên, cách giải nhiệt được dùng nhiều nhất là điều chỉnh nhiệt độ cân bằng trong cơ thể, ví dụ như ăn dưa hấu, mướp đắng, dưa leo, đậu xanh và các thực phẩm khác có tác dụng thanh nhiệt trừ hỏa.
Trung y
Lý Thời Trân, đại y học gia thời nhà Minh, đã ghi lại trong “” rằng: “Đối với những người bị thương hàn và dương độc, bị hôn mê do nhiệt thịnh, hãy đặt một cục đá lạnh vào huyệt Đản Trung, tính mát, còn có thể giải trừ nhiệt độc từ rượu”; “Huyệt Đản Trung ở chính giữa ngực, nếu lần sau gặp người bị cảm nắng, có thể dùng cách này thử cấp cứu cho họ.”
Thông thường trước Tiết Đoan Ngọ hàng năm, ngự y trong cung sẽ kê đơn thuốc hạ nhiệt cổ truyền Trung cộng, bổ sung vào thực đơn, phòng ngừa bệnh tật có thể xuất hiện. Họ còn chế ra một lô thuốc dạng viên phòng ngừa trúng gió, hạt thơm chống nóng, hoặc vật trang trí ở quạt… có thể mang theo bên mình. Tương truyền, còn có những hạt châu chống muỗi rất hiệu quả, nhưng tiếc là chúng có thể đã bị thất truyền hoặc thất lạc trong dân gian.
Thức uống nóng
Trong “Bản thảo cương mục” có nói rằng: “Trà vị đắng, ngọt, hơi lạnh, không độc,” “thanh nhiệt giải khát… hạ khí tiêu thực.” Trong “Kinh Sở Tuế Thì Ký” có viết, “Bánh canh Phục Nhật Tiến, có tên gọi là Tiêu Ác (tiêu trừ tà khí).”
Trên thực tế, người lớn tuổi thời Trung cộng cổ đại bất kể xuân hạ thu đông đều sẽ uống nước nóng. Điều này là có đạo lý. Mùa hè uống trà nóng có thể thanh nhiệt giải độc, ăn đồ ăn nóng hổi có thể toát mồ hôi khắp cơ thể, sẽ giúp nhiệt khí và thấp khí (khí xấu) trong cơ thể thoát ra ngoài, sau đó đi tắm nước nóng, sẽ rất nhẹ nhàng khoan khoái.
Tĩnh tâm khiến thân thể mát mẻ tự nhiên
Có lẽ mọi người đã từng nghe qua đạo lý rằng, tâm tĩnh lặng thì tự nhiên thân cũng mát mẻ. Thi nhân nổi tiếng thời Đường, Bạch Cư Dị đã viết trong một bài thơ rằng:
“Mọi người tránh nóng chạy như cuồng,
Riêng chỉ thiền sư không rời phòng.
Chẳng phải vì phòng thiền không nóng,
Là vì tâm tĩnh khiến thân mát mẻ tự nhiên.”
Chuyển biến tâm tính có thực sự ảnh hưởng đến thân thể hay không? Xã hội phương Tây đã sử dụng các phương pháp khoa học để chứng thực rằng, những câu mà người Trung cộng thường nói như: sốt ruột như ngồi trên đống lửa, nổi cơn thịnh nộ… thực sự là rất có đạo lý. Những cảm xúc tiêu cực của con người sẽ khiến cơ thể xuất hiện những trạng thái bất thường: Tức giận, bực bội, kiêu ngạo, khinh miệt, ghen tỵ …, sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Nếu như có thể bảo trì trạng thái tâm tính hòa ái, thì bạn có thể đạt được sự điềm tĩnh và mát mẻ tự nhiên.
Hoàng đế Khang Hy triều Thanh thường rất chú trọng đến việc tu thân dưỡng tính. Vào những ngày hè nóng nực, ông không cần dùng quạt, đội mũ, thậm chí là không mở cửa sổ, bởi vì nội tâm của ông thanh tịnh, và ông thật sự không hề cảm thấy nóng. Ông cũng nói rằng mùa hè không nên tham lạnh, nếu không, khí nóng của mùa hè sẽ bị tắc trong cơ thể không thể thoát ra ngoài, khi mùa thu đến sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Văn nhân Ôn Cách thời Tống từng viết trong bài “Tỏa Toái Lục” rằng:
“Nghỉ mát có diệu pháp,
Chẳng phải nhờ suối xanh.
Trong tâm không chướng ngại,
Liền đến núi Thanh Lương.”
https://www.youtube.com/watch?
Ái Lệ _ Tiểu Hoàng
***
Tết Đoan Ngọ _ ‘Tết kỳ lạ nhất của người Việt’
Giết sâu bọ, đeo bùa ngũ sắc, mặc áo dấu, xâu lỗ tai cho bé gái, nhuộm móng tay móng chân, đổ bệnh cho cây, khảo cây, đi sêu… là những phong tục riêng của Tết Đoan Ngọ xưa, khiến nó được coi là ‘Tết kỳ lạ nhất của người Việt’ mà người Pháp cách đây gần 2 thế kỷ đã phải thốt lên như vậy.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.