Một người thường xuyên bay giữa Bắc Kinh và Los Angeles đã đặt mình vào trung tâm của Cuộc cách mạng Giấy Trắng vào tháng 11 năm ngoái (2022) một phong trào trong đó những người biểu tình trên khắp Trung cộng bày tỏ sự bất mãn với các chính sách zero COVID của nhà cầm quyền cộng sản và các biện pháp kiểm soát quyền tự do biểu đạt hà khắc của họ.
Nhiều tháng sau, trong lúc đến thăm Hoa Kỳ, cô Thi biết rằng công an Trung cộng đang theo dõi cô. Biết rằng trở về Trung cộng đồng nghĩa với việc có thể bị bắt giữ, cô nói: “Tôi đã chọn đứng lên chống lại chính sách đó, và tôi không hối tiếc vì đã làm như vậy.”
Bị mắc kẹt vì chính sách zero COVID
Cô Thi điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, trước đây cô đã từng làm việc cho một công ty quốc tế ở Bắc Kinh trong nhiều năm. Cô cũng từng là du học sinh tại Mỹ.
Năm 2022, cô bị mắc kẹt ở Bắc Kinh trong thời gian thành phố bị phong tỏa.
Vào thời điểm đó, cư dân Bắc Kinh đã phải sống trong một tình cảnh éo le: Không được ra ngoài, không có hoạt động bình thường, chịu các hạn chế trong công việc — nhưng áp lực thanh toán thế chấp, các khoản vay ngân hàng, các hóa đơn gia đình, và công việc kinh doanh cá nhân vẫn tiếp tục.
Đối với người dân, ngôi nhà từng là mái ấm bỗng hóa thành nhà tù. Thỉnh thoảng, có những thông điệp bị rò rỉ trên mạng xã hội Trung cộng: Nhiều người bị cô lập và chán nản đã tự tử.
Cuộc sống trở nên đầy bấp bênh, hỗn loạn, và sợ hãi, và đặc biệt là khi các “Đại Bạch” xuống đường. Đây là một biệt danh dành cho các nhân viên mặc đồ bảo hộ màu trắng được phái đi để thực thi các chính sách phong tỏa, khử trùng, và xét nghiệm của chính quyền cộng sản. Nhớ lại khoảng thời gian khi chính quyền yêu cầu công dân xét nghiệm acid nucleic ba ngày một lần, cô Thi rằng: “không có gì trên đường phố ngoài những người xếp hàng chờ xét nghiệm.”
Trong khoảng thời gian bị mắc kẹt ở nhà, nguồn tin tức duy nhất của cô là hãng truyền thông nhà nước CCTV, vốn ngày nào cũng phô trương về vụ mùa bội thu năm đó cũng như ca ngợi sự thành công trong các chính sách của nhà cầm quyền. Trong khi đó, nền kinh tế Trung cộng thực ra đang thụt lùi vì các chính sách phong tỏa. Cô nói rằng tuyên truyền trên truyền hình là “một sự xúc phạm, về cả mặt tinh thần lẫn nghệ thuật; sự sỉ nhục này đã đẩy cơn thịnh nộ trong tôi lên tới đỉnh điểm.”
Lúc đó cô Thi đã tìm cơ hội để bày tỏ sự phẫn nộ của mình. “Tôi không thể chịu đựng được nữa,” cô nói.
Nhà hoạt động tự phát
Một vụ cháy chung cư ở thành phố Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), tỉnh Tân Cương vào ngày 24/11/2022 đã gây chấn động cả nước. Vì không thể thoát thân nên ít nhất 10 cư dân đã thiệt mạng do hỏa hoạn bùng phát trong một khu chung cư bị phong tỏa. Các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp cả nước để phản đối chính sách zero COVID hà khắc của Trung cộng, và được người Hoa ở hải ngoại hưởng ứng và ủng hộ.
Khi người dân Bắc Kinh khởi xướng cuộc biểu tình ba ngày sau vụ hỏa hoạn, cô Thi đã cùng bạn lái xe đến một địa điểm biểu tình bên sông Lương Mã ở quận Triều Dương của thành phố.
Mật độ giao thông ở khu vực đó rất đông, và kéo theo tình trạng ùn tắc. Tiếng còi của những người lái xe giận dữ kêu lên inh ỏi vang vọng khắp không trung. Cô Thi tin rằng hầu hết các phương tiện đang trên đường đến địa điểm biểu tình. Tuy nhiên, các con đường vẫn bị chặn.
Cô Thi và bạn của cô quyết định đỗ xe và đi bộ đến địa điểm biểu tình. Đó là sau 11 giờ tối, và những người biểu tình đang phải đối mặt với công an. Cô Thi nhận thấy mình đang ở tâm điểm của cuộc biểu tình.
Lúc đó đã quá nửa đêm, và dường như có thêm nhiều công an đến, mặc dù cô không thể nhìn thấy toàn bộ đội hình của họ.
Một vài thanh niên đã dẫn đầu đám đông và bảo mọi người hô vang các khẩu hiệu.
“Mọi người ai nấy đều kích động, kể cả tôi. Vào giây phút đó, tất cả chúng tôi đều tự nhiên khởi lên ý nghĩ sẽ tham gia,” cô nói. Cô tin rằng không ai tổ chức cuộc biểu tình lớn tiếng này, và cuộc biểu tình đã diễn ra một cách tự phát.
Công an đã bao vây những người biểu tình, những người bị xô đẩy và bị chia thành các nhóm nhỏ. Khi những người biểu tình bị bao vây và dồn ép, nhiều người đã nhân cơ hội này bỏ đi. Vào lúc đó, cô Thi tin rằng khoảng một phần ba số người biểu tình vẫn còn ở hiện trường. Cô suýt ngã trong lúc xô đẩy: Điện thoại của cô rơi xuống đất còn màn hình thì vỡ tan.
Những người biểu tình tiếp tục hô khẩu hiệu trong khi rút lui. Cô Thi và bạn cuối cùng cũng quay lại được xe của họ và trở về nhà.
Vài ngày sau, cô Thi rời Bắc Kinh để sang Mỹ thăm con gái. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, gia đình cô ở Bắc Kinh nhận được điện thoại từ công an địa phương yêu cầu họ liên tục báo cáo về nơi ở và hành tung của cô Thi.
Danh tính của cô đã bị lộ vì cô quên đeo khẩu trang vào đêm biểu tình.
Chính quyền trả đũa
Sau Phong trào Giấy Trắng trên toàn quốc, đúng như dự đoán, chính quyền đã trả đũa những người tham gia và ít nhất 100 người trong số họ được cho là đã bị bắt giữ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo rằng chính quyền trên cả nước đã sách nhiễu hoặc giam giữ hàng chục người tham gia: chủ yếu là sinh viên, ký giả, và đặc biệt có nhiều phụ nữ.
Biết rằng mình sẽ bị bắt nếu trở về Trung cộng, cô Thi cho biết cô không hối hận về những gì mình đã làm tối hôm đó.
Cô nói: “Chính sách zero COVID của ĐCS_TC cho thấy chế độ này không sẵn sàng hoặc không có khả năng sửa chữa những sai lầm của chính mình, chừng nào quý vị phản đối chính sách đó.”
Sau khi các làn sóng biểu tình phản đối theo phong trào Giấy Trắng bắt đầu vào tháng Mười Một, chính quyền cộng sản Trung cộng đã tuyên bố hồi tháng 12/2022 rằng họ sẽ nới lỏng các hạn chế cách ly vào đầu năm 2023.
Cô Thi cho rằng nguyên nhân khiến ĐCS_TC kém cỏi và không có khả năng sửa chữa những sai lầm của mình chính là thiếu tự do ngôn luận. “Làm sao họ biết người dân đang nghĩ gì nếu dân chúng không được phép lên tiếng?”
Cô nói, chính sách zero COVID tàn bạo và cực đoan đã khiến cô nhận ra tầm quan trọng của tự do ngôn luận đối với phẩm giá con người.
Đứng lên bảo vệ phẩm giá của chính mình là “quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời tôi,” cô nói, và điều đó đã giúp cô chiến thắng nỗi sợ hãi của mình.
Cô Thi nói, một chính phủ là một thể chế phục vụ người dân, chứ không phải cai trị người dân. “Hạn chế quyền tự do và đàn áp người dân — đó không phải là loại quyền lực nên có của chính phủ.”
Mary Hong _ Minh Ngọc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.