Các nhà lập pháp California và New York đã đề xuất dự luật cấm năm chất phụ gia thực phẩm hóa học độc hại có liên quan đến bệnh ung thư và các vấn đề về hành vi và phát triển ở trẻ nhỏ.
Anh Jesse Gabriel (D-Woodland Hills) và cô Buffy Wicks (D-Sacramento), thành viên của Hạ viện California, đã đề xuất Dự luật Hạ viện AB 418 vào tháng 02. Dự luật được đồng tài trợ bởi Consumer Reports và Nhóm Công tác Môi trường (EWG).
Sau khi được chấp thuận, dự luật được sửa đổi bởi Ủy ban Quốc hội Tiểu bang California về An toàn Môi trường và Vật liệu Độc hại vào ngày 13/04 và tiếp theo sẽ chuyển đến Ủy ban Phân bổ.
Thượng nghị sĩ tiểu bang New York ông Brian Kavanaugh, sau khi tuân theo đề xuất của Dự luật Thượng viện S6055 vào tháng 03, đã đề xuất cấm 5 loại phụ gia thực phẩm tương tự trên khắp New York, nhưng đề xuất này vẫn chưa được bỏ phiếu.
Nếu dự luật được thông qua, các nhà sản xuất buộc phải thay đổi công thức của các loại thực phẩm phổ biến như Sour Patch Kids, Skittles, kem phủ bánh và một số sản phẩm súp của Campbell để tuân theo tiêu chuẩn mới hoặc đối mặt với hình phạt lên tới 5,000 USD cho lần vi phạm đầu tiên và 10,000 USD nếu lặp đi lặp lại.
Hiệp hội Bánh kẹo Quốc gia đưa ra một tuyên bố vào ngày 23/03, nêu rõ rằng: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ AB 418 vì không có bằng chứng nào ủng hộ việc cấm các thành phần được liệt kê trong dự luật. Thành phần bị cấm theo đề xuất đều được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. An toàn thực phẩm là ưu tiên số một của công ty bánh kẹo Hoa Kỳ và chúng tôi không dùng bất kỳ thành phần nào không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất của FDA trong sản phẩm của mình.”
Chủ tịch hội đồng anh Gabriel tuyên bố trong một thông cáo báo chí của EWG vào tháng 04:
“Không có khả năng là dự luật này sẽ dẫn đến việc Skittles hoặc bất kỳ sản phẩm nào bị rút khỏi kệ hàng. Ý tưởng ở đây là các công ty nên thực hiện những sửa đổi nhỏ với công thức của họ để sản phẩm không còn chứa hóa chất độc hại và nguy hiểm nữa.
“Skittles và nhiều thương hiệu khác đã thực hiện thay đổi công thức tại Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh và quốc gia khác, nơi các hóa chất bị cấm. Mặc dù công ty hóa chất có thể muốn bạn tin rằng chúng tôi đang đi quá xa với dự luật này, nhưng chúng tôi thực tế là đi sau nhiều bước so với phần còn lại của thế giới. Chúng tôi chỉ đơn giản muốn con cái mình được bảo vệ tương tự.”
Năm chất phụ gia thực phẩm hóa học bị cấm xuất hiện trong thực phẩm chế biến trên khắp Liên minh Âu Châu, ngoại trừ thuốc nhuộm đỏ số 3, vẫn còn có trong kẹo anh đào. Tuy nhiên, bất chấp các nghiên cứu liên kết năm chất phụ gia này với mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe, chúng chưa bị cấm ở Hoa Kỳ và có thể được tìm thấy trong hàng nghìn loại thực phẩm chế biến sẵn.
5 chất phụ gia hóa học là gì?
Thuốc nhuộm đỏ số 3
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban lệnh cấm dùng thuốc nhuộm đỏ số 3 trong mỹ phẩm và thuốc bôi ngoài da vào năm 1990 sau khi một nghiên cứu phát hiện thuốc nhuộm này gây ung thư cho động vật. Tuy nhiên, thuốc nhuộm đỏ số 3 chưa bao giờ bị cấm trong thực phẩm và vẫn là một thành phần trong hơn 2,900 loại ở Hoa Kỳ, bao gồm kẹo, bánh snack, anh đào cocktail trái cây, thức uống có đường, thịt xông khói và thuốc men.
Năm 2012, thuốc nhuộm đỏ số 3 và màu thực phẩm nhân tạo được chứng minh có liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
Một nghiên cứu năm 2010 phát hiện thấy thuốc nhuộm đỏ số 3, hay Erythrosine, là nguyên nhân gây ra các khối u tuyến giáp ở loài gặm nhấm. Tuy nhiên, FDA không hề xem xét các tác động sức khỏe của thuốc kể từ năm 1990, mặc dù từng thông báo với công chúng rằng họ sẽ thực hiện các bước cần thiết để loại bỏ thuốc nhuộm trong thực phẩm, theo báo cáo của Chicago Tribune.
Titanium dioxide
Titanium dioxide là một khoáng chất thường thấy trong môi trường và được dùng như một chất làm trắng trong nhiều sản phẩm, bao gồm các sản phẩm gia dụng thông thường, sản phẩm công nghiệp và mỹ phẩm. Titanium dioxide được FDA cấp phép là chất phụ gia tạo màu thực phẩm an toàn.
Các nhà sản xuất dùng đặc tính làm trắng của titanium dioxide để duy trì độ sáng trong những thực phẩm có màu trắng như kem đánh bông, sữa và phô mai mozzarella. Vì titanium dioxide không làm mất màu hay khiến thực phẩm bị hỏng, nó có thể giúp gia tăng thời hạn dùng của nhiều loại thực phẩm.
Titanium dioxide được cho là liên quan đến bệnh ung thư vào năm 1985. Một nghiên cứu khi đó đã cho chuột tiếp xúc với lượng titanium dioxide tăng dần trong hai năm và sau đó chúng đã bị ung thư phổi. Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng ý với nghiên cứu này, trong khi những người khác cho rằng titanium dioxide không an toàn với con người.
Một bài báo năm 2022 xem xét các nghiên cứu trước đây về titanium dioxide và ung thư phổi cho biết rằng nghiên cứu năm 1985 được thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt. Những con chuột phải tiếp xúc với lượng titanium dioxide cao và tác động tương tự không thể lặp lại ở loài động vật khác. Bài báo tương tự kết luận rằng ngay cả những nghiên cứu tập trung vào tác động của titanium dioxide trên người cũng không cho thấy nguy cơ ung thư gia tăng.
Dầu thực vật brom hóa
Có nguồn gốc từ dầu ngô và dầu đậu nành, dầu thực vật brom hóa (BVO) được dùng trong nước sodas có hương vị cam quýt và thức uống để hương gốc dầu và nước có thể pha trộn với nhau. Ban đầu BVO được FDA chấp thuận với một lượng nhỏ vào năm 1977, và người ta đang chờ các nghiên cứu tiếp theo được tiến hành để chứng minh tính an toàn của nó. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó chưa bao giờ được thực hiện hoặc báo cáo.
Vào ngày 17/05/2022, FDA thừa nhận rằng kết quả nghiên cứu được công bố ngày 16/05/2022 trên tập san Food and Chemical Toxicology cho thấy việc tiếp xúc với BVO qua đường uống sẽ làm tăng nồng độ brom, có thể dẫn đến tác dụng phụ trên tuyến giáp, như đã thấy ở loài gặm nhấm. FDA tuyên bố, “Một nghiên cứu bổ sung để xác định mức độ BVO trong cơ thể sau khi tiêu thụ BVO đang được hoàn thiện.” …
“Chúng tôi sẽ thông báo cho công chúng nếu có thông tin hoặc khuyến nghị mới về BVO.”
Brom có thể gây kích ứng niêm mạc miệng, mũi và dạ dày, nhưng tác dụng phụ sẽ nghiêm trọng hơn khi dùng ở liều cao. Trong một trường hợp năm 1997, một bệnh nhân đến phòng cấp cứu trong tình trạng nhiễm độc brom trầm trọng với các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, mất khả năng phối hợp cơ bắp và mất trí nhớ do uống từ 2 đến 4 lít sodas có chứa dầu thực vật brom hóa mỗi ngày.
Mặc dù BVO vẫn nằm trong danh sách “Được công nhận là an toàn” (GRAS) của FDA, nhưng các công ty như Pepsi và Coca-Cola đều đồng ý loại bỏ BVO ra khỏi tất cả các loại đồ uống. Các loại đồ uống chứa BVO bao gồm soda cam Sundrop của Dr. Pepper và sản phẩm phụ Mountain Dew của Wal-Mart, Mountain Lightening.
Potassium Bromate
Chất phụ gia potassium bromate là một chất cải thiện bột nhào rẻ tiền giúp làm chắc bột bánh mì, khiến bột nở tốt hơn và cải thiện hiệu quả nướng tổng thể.
FDA lần đầu tiên chấp thuận potassium bromate vào những năm 1960. Năm 1992, Cơ quan Bảo vệ Môi trường California đánh giá potassium bromate về tác dụng gây ung thư là “không có rủi ro đáng kể.” Tuy nhiên, EWG đánh giá potassium bromate là “mối quan ngại cao hơn” sau khi xem xét các nghiên cứu cho thấy nó có thể gây ung thư.
FDA vẫn chưa xem xét độ an toàn của hóa chất này kể từ năm 1973.
Propylparaben
Propylparaben là một chất bảo quản được dùng trong mỹ phẩm giúp chống nấm và kháng khuẩn, đồng thời cũng là chất phụ gia và bảo quản thực phẩm. Một số nghiên cứu đã xác nhận tác dụng của hóa chất này trên hệ nội tiết bao gồm thay đổi tín hiệu hormone và biểu hiện gene. Tuy nhiên, propylparaben vẫn có mặt trong hơn 50 thực phẩm, bao gồm bánh ngô đóng gói, món tráng miệng nướng và kem phủ bánh.
Mặc dù có nhiều bằng chứng liên quan, FDA vẫn coi propylparaben là an toàn và chưa có hành động nào để loại bỏ hoặc đánh giá lại mức độ an toàn của chất này.
Do có kẽ hở trong luật, phân loại GRAS của FDA cho phép các công ty thực phẩm và hóa chất tự xác định liệu hóa chất thực phẩm có an toàn hay không để đưa vào thực phẩm thay vì yêu cầu FDA đưa ra quyết định cuối cùng, ngay cả khi các nghiên cứu về độ an toàn của hóa chất đang được tiến hành. Theo một phân tích của EWG, kể từ năm 2000, FDA đã bật đèn xanh cho gần 99% hóa chất thực phẩm.
Hướng dẫn về Hóa chất Thực phẩm ‘Dirty Dozen’
EWG cung cấp “Hướng dẫn về Hóa chất Thực phẩm Dirty Dozen,” mô tả các hóa chất, thực phẩm chứa chúng và lý do tại sao nên tránh. Một số là phụ gia trực tiếp trong khi một số khác là gián tiếp, nghĩa là chúng có thể xâm nhập vào thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản hoặc đóng gói. Danh sách đầy đủ bao gồm năm hóa chất mà California và New York đang đề xuất cấm, kèm theo những hóa chất sau:
· Nitrate và nitrite: chất bảo quản được dùng trong thịt ướp muối
· BHA (butylated hydroxyanisole): chất bảo quản được dùng trong thịt ướp muối và các thực phẩm khác
· BHT (butylated hydroxytoluene): chất bảo quản có trong ngũ cốc và các thực phẩm khác
· TBHQ (tert-butyl hydroquinone): chất bảo quản được dùng trong Pop-Tarts và các thực phẩm chế biến khác
· PFAS (polyfluoroalkyl)—“hóa chất vĩnh cửu”– được dùng trong bao bì thực phẩm và có thể ngấm vào thực phẩm
Chất làm ngọt nhân tạo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hormone và kiểm soát cân nặng
Kim loại nặng, bao gồm thủy ngân, chì, cadmium và asenic được tìm thấy ở mức nguy hiểm trong một số loại thực phẩm dành cho trẻ em.
Làm thế nào để tránh phụ gia thực phẩm có hại
Theo EWG, nhiều nhà sản xuất đã ngừng dùng một số chất phụ gia có khả năng gây hại và một số cửa hàng đã ngừng bán thực phẩm chứa chúng. Mặc dù những hóa chất này có thể được thay thế bằng thành phần khác, nhưng chúng thường đắt hơn, do đó ít hấp dẫn hơn với nhà sản xuất.
Nếu dự luật này được thông qua, nhà sản xuất thực phẩm có thể phải thay đổi thành phần của họ trên toàn quốc thay vì thay đổi theo từng tiểu bang, vốn sẽ tiết kiệm chi phí hơn.
Trong khi chờ đợi, chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận Katie Hall đưa ra một số lời khuyên thiết thực: “Để tránh những chất phụ gia này, người tiêu dùng có thể lựa chọn thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến và đọc nhãn thành phần cẩn thận. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn sản phẩm hữu cơ và nấu ăn tại nhà để hạn chế tiếp xúc với chất phụ gia có hại,” cô nói.
Allison DeMajistre _ Thanh Ngọc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.