Có rất ít lý do để phản đối những nguyên tắc như vậy trên bề mặt. Xét cho cùng, Mỹ quốc được thành lập dựa trên nguyên tắc rằng hết thảy mọi con người sinh ra đều bình đẳng. Thật không may, ý nghĩa của từ ngữ có thể thay đổi theo thời gian.
Không giống như tầm nhìn của các Tổ phụ Lập quốc về cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, ngày nay người ta sử dụng từ “công bằng” để biểu thị kết quả bình đẳng cho tất cả mọi người. Việc thực hiện “nghị trình công bằng” này, dù có ý định tốt đẹp đến mấy cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khủng khiếp.
Một trong số các nhà tiên tri đã cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của cách hiểu về sự công bằng theo kiểu này là tiểu thuyết gia vĩ đại của thế kỷ 20 Kurt Vonnegut. Trong truyện ngắn năm 1961 của mình có nhan đề, “Harrison Bergeron,” tác giả Vonnegut đã hình dung ra một xã hội công bằng hoàn hảo. “Không một ai có thể thông minh hơn bất kỳ người nào khác,” tác giả nói. “Không một ai có thể mạnh hơn hay nhanh hơn bất kỳ người nào khác.”
Như tiểu thuyết gia Vonnegut đã chỉ ra, một xã hội đang tìm cách cân bằng kết quả cho mọi công dân không phải là xã hội không tưởng thay vào đó, nó là một cơn ác mộng kinh hoàng. Cách duy nhất để bảo đảm kết quả bình đẳng là kìm hãm tất cả mọi người để họ thực hiện ở mức chung thấp nhất. Ví dụ, trong thế giới đáng sợ của “Harrison Bergeron,” chính phủ khiến các nữ nghệ sĩ múa ba lê trở nên nặng nề “với những quả tạ dài và túi chứa đạn bắn chim” để họ không thể di chuyển duyên dáng hơn bất kỳ người nào khác.
Việc thúc đẩy “công bằng” trong xã hội Mỹ quốc ngày nay giống với xã hội khủng khiếp của tác giả Vonnegut nhưng không đâu nguy hiểm hơn trong hệ thống giáo dục.
Ở cấp độ đại học, bộ máy quan liêu DEI đã phát triển đến mức đáng kinh ngạc, và hệ thống này thống trị phần lớn môi trường đại học. Một báo cáo năm 2021 của Quỹ Di sản cho thấy có 163 nhân viên DEI tại Đại học Michigan, 94 nhân viên tại Đại học Virginia, 94 nhân viên tại Đại học Tiểu bang Ohio, 86 nhân viên tại Đại học California Berkeley, 83 nhân viên tại trường Công nghệ Virginia, và 80 nhân viên tại Đại học Stanford (nơi Phó Hiệu trưởng phụ trách DEI Tirien Steinbach gần đây đã bị cho thôi việc vì kích động một cuộc biểu tình càn quấy, bằng cách đối đầu với một thẩm phán tòa phúc thẩm, người đang cố gắng thuyết trình trong trường).
Tại ngày càng nhiều các trường K-12 trên toàn quốc, chẳng hạn như trường Trung học Thành phố Culver ở khu vực Los Angeles, các lớp học danh dự đang bị loại bỏ để không “duy trì sự bất bình đẳng.” Những người ủng hộ ý tưởng này nói rằng một số học sinh vẫn có thể đạt được “danh hiệu” danh dự bằng cách học thêm.
Nhưng thông thường giáo viên chỉ đơn giản là làm trì trệ quá trình giảng dạy cho học sinh. Học sinh ngày càng được giảng dạy ở mức chung thấp nhất thay vì được thử thách để nỗ lực hết sức. Như một học sinh gần đây đã nói với tờ Wall Street Journal, “Có một số học sinh đã học hành sa sút vì các em không thực sự làm gì và không muốn nỗ lực hơn nữa.”
Các quy định DEI hiện tại ở cấp liên bang và tiểu bang, cho dù có thể có mục đích tốt, đang thúc đẩy cách tiếp cận này và gây trở ngại cho hệ thống giáo dục của chúng ta. Ví dụ: Kế hoạch Cơ quan Công bằng năm 2022 của Bộ Giáo dục đã đi xa đến mức kết nối trực tiếp các chính sách DEI với nguồn viện trợ của liên bang cho các trường học địa phương. Trong quá trình theo đuổi mục tiêu “bảo đảm sự công bằng,” các nhà tư tưởng đang bóp nghẹt cơ hội cho học sinh, sinh viên Mỹ.
Giấc mơ Mỹ chính là tất cả công dân sẽ có cơ hội bình đẳng để đạt được mục tiêu dựa trên tài năng cá nhân và sự chăm chỉ của họ. Tuyên ngôn Độc lập không bảo đảm hạnh phúc cho mọi công dân tuyên ngôn này chỉ bảo đảm việc mưu cầu hạnh phúc.
Nhưng việc theo đuổi ý tưởng hiện đại về “công bằng” chứ không phải bình đẳng thực sự chỉ đơn giản là một cuộc chạy đua xuống đáy. Các chế độ xã hội chủ nghĩa ở Nga, Venezuela, Cuba và rất nhiều nơi khác cho thấy rằng chủ nghĩa quân bình cực đoan đơn giản là không hiệu quả. Mỹ quốc thành công hơn những trải nghiệm thất bại này bởi vì chúng ta bám vững vào nguyên tắc bình đẳng được hiểu một cách đúng mực. Chúng ta không thể để điều đó vuột mất.
Tin tốt là nhiều bậc cha mẹ đang vận động chống lại những điều thái quá của phe cực tả. Tại thùng phiếu, tại các cuộc họp hội đồng nhà trường, và thậm chí ngay tại bàn ăn tối, các bậc cha mẹ đang đứng lên và nói rằng đã quá đủ. Họ không muốn hy sinh năng lực học tập xuất sắc cho những thí nghiệm xã hội vĩ đại. Họ muốn con em mình trở nên có học thức và tham vọng, chứ không phải chỉ có giáo điều và sự tự mãn.
Hầu hết người Mỹ tin vào sự bình đẳng. Chúng ta muốn bảo đảm rằng tất cả mọi người đều có được bình đẳng, ở mức độ lớn nhất có thể, một vị trí bình đẳng ở vạch xuất phát. Từ đó, mỗi cá nhân có quyền tự do đạt được những gì mà khao khát, khả năng và sự chăm chỉ của họ có thể tạo ra.
Đạt được sự bình đẳng kiểu đó chính là giấc mơ Mỹ, là động cơ cho phép mọi người từ mọi tầng lớp xã hội thực hiện ước mơ của mình. Công bằng mà các nhà hoạt động rao giảng đánh đổi di sản nước Mỹ này để lấy những thứ trừu tượng và huyễn hoặc. Thay vào đó, người Mỹ nên giữ vững các nguyên tắc chính trị đã dẫn dắt chúng ta tới sự thành công và thịnh vượng kỳ diệu này trong gần 250 năm qua.
Jack Miller _ Doanh Doanh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.