Thursday, May 25, 2023

Chị Sui & Chị “Sui” hấp dẫn!!

 BM

Sui gia là mối quan hệ đặc biệt từ chỗ không quen biết nhau rồi thì kết thông gia, đi đến chỗ tương kính và thân thiết  như người trong một gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa và phong tục của người Việt mà người Mỹ không có. Riêng tôi, có lẽ vì không có duyên nên anh sui thì có mà cũng như không. Ngược lại, tôi lại có duyên với chị sui. Phải nói ngay để tránh hiểu lầm: Duyên ở đây không phải là duyên nợ theo quan niệm thông thường mà là duyên nợ văn chương.


BM


Đầu năm Quý Mão 2023 tôi có in một tập truyện, và tặng cho chị sui tôi một quyển. Tôi nói chị hãy đọc, nếu có phê bình và góp ý thì càng hay. Chị nói: Tôi ít học, chữ nghĩa không đong đầy một lá mít thì lấy đâu ra mà phê bình với lại góp ý. Tuy nhiên, chị cũng nói thêm là có thể chia sẻ với tôi một đôi điều về quyển sách sau khi đọc. Mười ngày sau chị đưa cho tôi bài viết tay đầy ba trang giấy khổ A4 với nét chữ nắn nót rất đẹp. Điều làm tôi ngạc nhiên là chỉ trong vòng mười ngày mà chị đọc xong quyển sách dày hơn ba trăm trang cùng với bài chia sẻ rất hay. Bài này được Việt Báo online ở Cali đăng ở trang Văn học Nghệ Thuật mục đọc sách ngày 15/3/2023. Chị nói nhờ đọc sách tôi mà chị nhớ lại những kỷ niệm xa lắc xa lơ tưởng đâu đã mất từ hơn tám mươi năm trước, lúc chị chín, mười tuổi. Chị nhớ Ba Mươi Sáu Phố Phường, nhớ cầu Thê Húc, hồ Hoàn Kiếm, nhớ những lúc đi ăn kem, ăn lục tào xá, một loại chè củ năng của người Tàu. Mỗi năm đến ngày Tết Trung Thu được mặc bộ quần áo đỏ rộng thùng thình cùng với các bạn hát bài Ai Yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn Thiếu Niên Nhi Đồng trong khi đi quanh hồ Hoàn Kiếm.


BM


Tôi thật sự bất ngờ và nể phục khi biết chị sui tôi có thể viết bài nhận định rất văn chương về một quyển sách dày 335 trang bao gồm nhiều đề tài khác nhau như vậy. Cái hay là chị biết phân tích và tổng hợp để vẽ lên chân dung tác giả. Điều này là bình thường đối với một nhà văn. Ở đây chị sui tôi không phải là nhà văn, chưa từng viết văn và đã ở vào cái tuổi 88 chớ ít gì, năm rồi chị mới vượt qua một căn bệnh hiểm nghèo mà ai cũng sợ, không muốn nhắc đến tên. Chị nói sau đi đọc sách tôi, chị hiểu tôi hơn, tôi cũng vậy, tôi hiểu chị nhiều hơn, vì “văn là người ” mà.


Từ sự hiểu biết người ta mới đi tới cảm thông và ân tình mới sâu đậm thêm hơn. Trong bài chia sẻ ngắn, chị có nhắc sơ lược đến hoàn cảnh gia đình từ lúc còn bé đến khi lấy chồng, sau ngày 30 tháng 4 năm 75, và thời gian định cư ở Mỹ, là ba cột mốc quan trọng của đời chị, đã in sâu vào tâm hồn chị. Chị nói thêm, được định cư ở Mỹ là niềm hạnh phúc mà cũng là một đau khổ tột cùng, một phiền muộn không nguôi vì ông chồng chị đã bỏ chị, bỏ luôn bốn đứa con để chạy theo những người đàn bà khác! Chồng chị là anh sui của tôi, người mà tôi nói có cũng như không. Do đó mà tôi thông cảm với chị nhiều hơn, gắn bó với gia đình chị nhiều hơn. Hàng năm chị tổ chức mừng lễ Giáng Sinh tại nhà đều mời cả gia đình tôi tham dự, đến ngày sinh nhật tôi thì chị tặng hoa. Không biết bao nhiêu lần, gia đình tôi và gia đình chị cùng đi chơi xuyên bang với nhau, cùng có với nhau những giờ phút, những tháng ngày vui vẻ. Những lần hai đứa cháu nội của chị, và là cháu ngoại của tôi đi thi đấu  quần vợt hay biểu diễn, tranh giải âm nhạc thì cả tôi và chị đều cùng đi tham dự để cổ vũ, khuyến khích hai đứa cháu của mình.


BM


Từ lúc con gái tôi kết hôn với con trai út của chị thì tôi có tìm hiểu và biết được phần nào hoàn cảnh gia đình chị, nhất là ông chồng đã bỏ cả gia đình, không nhìn anh em ruột thịt, xa lánh cộng đồng, đi xây dựng gia đình với một người đàn bà khác. Chuyện này trong cộng đồng  ở địa phương người ta biết và bàn tán với nhau rất nhiều. Riêng chị vẫn giữ im lặng, kể cả với gia đình tôi. Còn tôi, để tôn trọng sự riêng tư của chị nên từ 19 năm nay, từ ngày kết thông gia, làm sui với chị, chưa bao giờ tôi hỏi chị hay là đề cập đến chuyện này. Giờ đây chị đã nói tới trong một bài viết nên tôi mạnh dạn ngỏ ý muốn biết thêm về sự thật.


BM

Chị nói rất buồn khi nhắc tới gia đình chị. Chị theo đạo Công Giáo. Tôi đem triết lý về duyên nợ và  hỷ xã của nhà Phật để thuyết phục chị. Chị nói cái dở của chị là đã không làm được như vậy. Tôi rất hiểu và thông cảm hoàn cảnh của chị. Tôi nói tôi viết bài không phải vì chị, vì tôi hay vì bất cứ ai, cũng không có ý phiền trách ai. Tôi muốn ghi lại một chương trong cuộc đời chị để cho con cháu sau này biết được một sự thật, sẽ yêu thương và kính trọng chị hơn. Tôi hy vọng khi chị nói ra được sự thật, trút bỏ được gánh nặng thì tâm hồn chị sẽ nhẹ nhàng thanh thản để sống vui vẻ hơn với con cháu trong những tháng ngày còn lại.


Cuối cùng chị hứa là để suy nghĩ lại. Định mệnh của mỗi cá nhân không thể nào thoát ra khỏi định mệnh của một dân tộc nhưng trường hợp của chị sui tôi thì bất hạnh quá, đáng thương quá, mặc dầu chị hết mực yêu chồng, thương con và chu toàn mọi trách nhiệm của mình, của một người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa trong  hoàn cảnh khó khăn nhất. Tôi rất ngưỡng mộ về điều đó và muốn ghi lại điều đó, muốn chia sẻ với chị về điều đó.


BM


Vào một ngày đầu tháng 4/2023 chị gọi điện thoại hẹn sẽ tiếp tôi ở nhà chị lúc 2 giờ chiều. Tôi đến đúng giờ. Chị đã chuẩn bị sẵn mọi thứ giống như để tiếp một khách quí: với hoa, bánh trái và trà sâm. Lần này chị không tiếp tôi ở phòng khách mà ở phòng sinh hoạt gia đình, nơi có chiếc bàn dài, mà cả gia đình thường tụ tập mỗi khi có sinh hoạt, tiệc tùng. Có lẽ chị muốn có một không khí thân tình và ấm cúng khi nói chuyện. Chị nói sau khi đã suy nghĩ và có sự khuyến khích của các con, hôm nay chị sẽ kể hết sự thật trường hợp của chị cho tôi nghe, những điều chị chưa từng kể với ai bao giờ. Tôi đề nghị cho một đứa con gái của chị cùng tham dự và ngồi bên cạnh mẹ để trao đổi thêm những gì cần thiết, còn tôi thì ngồi phía đối diện để lắng nghe và ghi chép. Và chị bắt đầu kể.


BM


 “Tôi sinh trưởng tại Hà Nội năm 1935, năm nay 88 tuổi. Thời trẻ tôi có nhiều cơ hội để bay từ Bắc vào Nam và ngược lại. Lúc 18 tuổi tôi vào Nam học nội trú về thể dục nhịp điệu một năm ở trường Gia Long. Ra trường tôi được giữ lại làm giáo viên tại trường. Khi hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước được ký kết tôi ở luôn tại nhà người cô ruột tại Sài Gòn, cha mẹ tôi thì vẫn ở Hà Nội. Tôi có hai người bạn là cháu của ông Trần Văn Chơn ở đường Cường Để. Ông Chơn sau này là Đề Đốc, đã hai lần được bổ nhiệm làm Tư Lênh Hải Quân, lần thứ nhất vào năm 1957, lần thứ hai vào năm 1966. Tôi thường lui tới chơi với hai ngưởi bạn ở nhà ông Chơn thì gặp ông chồng tôi sau này. Ông là người Huế cũng tới đây để dạy kèm cho hai người cháu của ông Chơn. Từ đó tôi và ông quen nhau. Sau đó ông gia nhập Hải Quân, còn tôi thì tiếp tục đi dạy ở trường Lạc Hồng Sài Gòn. Năm 28 tuổi tôi mới làm đám cưới với ông. Hai năm sau, tức là năm 1965 thì sinh đứa con trai đầu lòng, sau đó thì sinh hai cô kế và đến năm 1973 thì sinh thằng út. Lúc này thì tôi mua nhà ở đường Hòa Hưng, quận 10 ở cho đến sau này. Chồng tôi vẫn phục vụ binh chủng Hải Quân và cấp bậc sau cùng là trung tá. Ông từng là hạm trưởng các chiến hạm từ nhỏ đến lớn, nếu tôi nhớ không lầm là các chiếc 302, 406...Chức vụ cuối cùng ông đảm trách là Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân ”.


BM


Nghe chị kể tới đây tôi xin phép ngắt lời chị để nêu lên thắc mắc là có sẵn tàu ở tại bộ tư lệnh Hải Quân ngay bến Bạch Đằng sao ông không đưa gia đình đi vào những ngày cuối tháng tư năm đó? Chị nói: “Gia đình đã chuẩn bị sẵn và đã tập trung ở nhà người bà con trên đường Tự Do gần bến Bạch Đằng để chờ giờ ra khơi, thì giờ chót Ba chồng tôi liên lạc được với một người con dòng thứ hai, là cán bộ có chức vụ ở ngoài Bắc nên ông bà không chịu đi và cả gia đình phải ở lại nên bị kẹt cả đám. Nhà tôi thì đi “học tập” một tháng theo thông cáo của chính quyền mới. Sau này mới biết là đi tù, đi tù mà phải đóng tiền, thật là một điều lạ và khôi hài hết sức! Tôi có thăm ông một lần ở Thủ Đức rồi năm sau tôi được tin ông đã chuyển ra Bắc, hồi nào tôi cũng không hay.


BM

Thời gian ông ở ngoài Bắc tôi thăm ông được năm, sáu lần. Sau đó tôi dùng tiền, vàng lo cho ông được về sớm. Nói là sớm nhưng mãi tới năm 1980 ông mới được thả. Mỗi lần đi thăm ông ở các trại tập trung ngoài Bắc thì tôi dắt theo hoặc là đứa con út, hoặc là chị nó, lúc đó chừng năm, bảy tuổi, còn mấy đứa khác thì ở nhà chăm sóc ông bà nội và chăm sóc lẫn nhau. Thường thì tôi đáp máy bay từ Sàigòn đến sân bay Nội Bài rồi về nhà mẹ tôi ở khu Lắp Ghép Hỏa Xa Hà Nội. Ở đây tôi mới chuẩn bị thức ăn như bánh mì khô, cá khô, đường, sữa vân vân... rồi mướn người gánh gồng, băng rừng, vượt suối đến những lán trại để thăm ông.


Mỗi lần gặp nhau ở những lán bằng tranh, ván bằng đất mà họ gọi là Nhà Hạnh Phúc chừng một tiếng đồng hồ, không nói chuyện được nhiều vì lúc nào cũng có cán bộ  ôm súng canh chừng sát bên. Cũng có những lúc tôi ra ga Bình Triệu đi tàu hỏa ra Hà Nội. Khi đi tàu hỏa thì tôi bắt chước người ta, mua thật nhiều buồng cau ra ngoài đó bán, tiền lời có khi đủ để trang trải cho chi phí chuyến đi. Tôi nhớ có lần tôi dắt theo thằng út, lúc cháu năm tuổi đi ra Bắc thăm ba nó. Trong khi tôi ngồi nói chuyện với ông thì cháu cầm mấy viên kẹo chạy đến đưa cho người lính gác và nói con cho ông mấy viên kẹo này, ông thả ba con về nha ông...”


BM


Lời của chị sui làm tôi bất ngờ và vô cùng xúc động! Lời con trẻ sao mà ngây thơ và cay đắng quá. Thông thường thì người lớn dùng kẹo để dụ con nít, ở đây con nít dùng kẹo để năn nỉ người lớn! Tôi không biết dùng ngôn từ nào để nói lên hết ý nghĩa sự việc diễn ra thật bất ngờ trong hoàn cảnh này. Tôi chỉ có thể nói được là tôi thương cháu và tội nghiệp cho cháu lắm. Nếu tôi là anh vệ binh kia, tôi sẽ không nhận kẹo của cháu mà thả cho ba cháu về thôi.


Rồi chị kể tiếp: “Có một lần, trên đường đi thấy một đám tù cải tạo đang ngồi nghỉ ở ven rừng, bất ngờ cháu chạy đến đưa mấy đồng bạc cho một người. Vệ binh nhìn thấy hỏi đi đâu thì cháu nói con thấy một con bướm, chạy vào bắt mà không được”. Thằng bé thông minh đó giờ đây đã 50 tuổi, giờ là con rể của tôi, có hai bằng thạc sĩ. Câu chuyện xảy ra đã 45 năm giờ chị mới có cơ hội kể lại mà tôi nghe chừng như vừa mới xảy ra, tôi tưởng tượng và thấy được hình ảnh của con rể tôi lúc đó, sao mà nó dễ thương đến vậy. Xin được một lần cám ơn chị sui!


BM


Sau mấy phút giải lao ăn bánh, uống trà tôi thấy chị sui rất thư giản và thoải mái còn tôi thì hào hứng đề nghị chị nói về trường hợp chồng chị được thả. Chị nói: “Đối với tôi, ngày 30/4/1975 như là từ trên trời rớt xuống! Tôi là một phụ nữ chân yếu tay mềm, là giáo viên tiểu học, hàng ngày chỉ có “gõ đầu trẻ” thôi mà cũng bị gán cho cái tội ngụy quyền phản động, bị phường gọi đi học tập cải tạo, bị thúc ép đi “kinh tế mới”. Tôi còn nhớ đề tài đầu tiên là phải thành khẩn khai báo rõ ràng lý lịch bản thân. Chồng hay vợ ở đâu? Làm nghề gì? Ngoài ra, phải khai năm người quen biết. Nghề nghiệp, địa chỉ, họ sống thế nào?  Nếu họ là ngụy thì phải động viên họ đi vùng kinh tế mới để chồng con họ đi học tập cải tạo được về sớm. Nhớ lại sao mà kinh hoàng quá. Thật vậy, có lúc tôi như người mất trí. Lúc đó tôi còn dạy ở trường Thiên Hộ Dương, quận 8 Sài Gòn.


BM

Đã đến giờ lên lớp thì lò mò lên chợ Xóm Cùi và đứng ngẩn ngơ ở đó. May thay, có cô bạn thân nhìn thấy, gọi tên tôi và nói: “Giờ này sao mầy đến đây để làm gì?”. Rồi cô bạn dắt tôi về nhà cho ăn uống. Từ từ tôi mới hoàn hồn, mới biết rằng mình đã bỏ dạy ngày hôm đó. Quá nhức đầu, chán chường và mệt mỏi, tôi phải xin nghỉ dạy để ra ngoài vật lộn với cuộc sống, nuôi cha mẹ chồng, bốn đứa con, đứa lớn nhất mười tuổi, đứa nhỏ nhất mới có hai tuổi, cùng với một ông chồng là trung tá Hải Quân đang bị giam cầm ngoài Bắc, có lúc cũng phải cưu mang, cho những gia đình bên chồng từ miền Trung vào tá túc ở nhà tôi. Lúc đầu tôi bán dần đồ nhà để sống qua ngày, khi không còn gì để bán thì đi bán chợ trời. Có lúc lên tận Gò Dầu Tây Ninh mua thịt, dầu, đậu phọng đem về thành phố bán. Thịt thì quấn vòng quanh bụng như cái ruột tượng của mấy bà già xưa ngoài Bắc. Giờ nhớ lại sao thấy nó tang thương và xấu hổ làm sao. Trên đường về, nếu bị tịch thu thì mất trắng vì lúc đó chính sách “ngăn sông cấm chợ” được thi hành triệt để. Cùng với số phận của đồng bào miền Nam, sau ngày lịch sử đó thì tôi mất trắng. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm một đời gửi tiết kiệm ở ngân hàng không lấy ra được. Những số tiền chi dùng hàng ngày để ở nhà thì sau nhiều đợt đổi tiền gần như không còn giá trị. Bao nhiêu gánh nặng chỉ mình tôi gánh chịu, không ai tiếp tay giúp đỡ. Như có lần tôi nói với anh, có lúc tôi đi buôn chuyến, bán chợ trời, bán bánh mì lưu động, mấy đứa nhỏ ban ngày đi học, tối đến thì đi bán đậu phọng rang trước khám Chí Hòa.


BM

Ăn cơm thì độn khoai sắn, có khi thay bằng bo bo, là thực phẩm của gia súc nhập từ Liên Xô, trẻ con ăn không được. Lâu lâu được mua vài lạng thịt tiêu chuẩn ở phường đem về kho mặn cả gia đình ăn một tháng chưa hết vì mỗi ngày thì thêm ít nước vào, cả nhà cứ chang nước mà ăn, nên thịt vẫn còn nguyên”.


Kể tới đây thì chị ngước lên trần nhà, hai con mắt đỏ hoe, chừng như muốn khóc. Tôi đặt tay lên tay chị, an ủi. Tôi tự hỏi: Có ai biết được gia đình một trung tá có ngày phải ra nông nỗi này? Dừng lại ít lâu cho qua cơn xúc động rồi chị tiếp tục: 


“Trong lúc túng quẩn thì tôi nhớ ra là còn chôn một số vàng trong nhà nên cùng với con gái lớn đào lên để lo cho chồng. Lại một phen hú hồn khi tìm không thấy số vàng nơi tôi chôn và cẩn thận làm dấu trước đây. Thì ra nó đã đi đến một chỗ khác, gần đó với số lượng đầy đủ. Người giới thiệu và làm trung gian lo cho chồng tôi là một bác sĩ làm ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ông này là con rể của mẹ tôi, tức là anh rể tôi...”. Thì ra tác giả của bài viết này đã có đến nhà thăm ông khi cùng với chị sui tôi đi tham quan Hà Nội vào cuối năm 2011, hình ảnh tới nay tôi vẫn còn lưu giữ.


Chị sui kể tiếp : “Khi chồng tôi được thả thì cũng chính ông anh này dùng xe nhà để đón chồng tôi về và đưa chúng tôi đến Hà Nội thăm mẹ tôi trước khi tôi và chồng đi tàu hỏa vào Nha Trang ở nhà người em ruột của chồng tôi vài ngày. Tôi nhớ là chúng tôi có đi tắm biển Nha Trang trước khi về Sàigòn vào năm 1980. Sau khi được thả về  với gia đình, chồng tôi làm nghề đóng tàu khoảng hai năm thì cả gia đình ra Nha Trang ở nhà một người em chồng để vượt biên từ Vũng Rô. Chuyến đi bị bể, chỉ mình chồng tôi đi thoát còn mấy mẹ con tôi kẹt lại, phải quay về, lại hủ hỉ với nhau trong căn nhà cũ, nơi chứng kiến bao nỗi thăng trầm của thời cuộc, biết bao thiệt thòi, mất mát của gia đình, giờ thì tang thương thật sự vì tiền bạc, của cải đều vét sạch để lo cho chồng được tự do, cứu ông ra khỏi nhà tù để....”


BM


Chưa nói hết câu thì chị sui dừng lại. Tôi nghe được tiếng thở dài với tất cả nỗi niềm của chị. Chị không muốn nói tiếp về chồng chị mà chuyển sang nói về đứa con trai lớn. Chị nói thời gian sau khi ông chồng tới Mỹ thì chị sắp xếp cho đứa con lớn vượt biên bằng đường bộ qua ngã Kampuchia để sum họp với ba nó. Tôi hỏi khi còn ở Việt Nam chị có biết anh sống như thế nào ở Mỹ không?


Chị nói: “Biết chớ, ông ở đâu, làm gì đều có người cho tôi biết. Ở Mỹ ông được những người anh em ruột thịt của ông giúp đỡ nhiều lắm. Họ sponsor, bảo lãnh, tạo công ăn việc làm cho ông, mọi thứ... Cũng cần nói thêm là Quân lực Việt Nam Cộng Hòa có ba binh chủng chính mà binh chủng nào cũng có sĩ quan cao cấp và ưu tú xuất thân từ gia đình của giòng họ bên chồng tôi. Có thể tôi không nhớ hết, nhưng ít ra cũng có một trung tá Hải Quân là chồng tôi, một trung tá Không Quân mặc dầu lớn tuổi nhưng khi đến Mỹ vẫn tiếp tục đi học có bằng Master và làm việc trong các cơ quan của chánh phủ và quốc tế, chính người này đã giúp đỡ gia đình tôi nhiều nhất, một trung tá tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến, từng là Tham Muu trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng Thống thời đệ nhất Cộng Hòa, một trung tá  phụ trách Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một thiếu tá Hải Quân có uy tín, rất tích cực trong mọi sinh hoạt cộng đồng..”.


BM


Tôi có suy nghĩ cuộc đời của chị sui tôi là một câu truyện dài nhiều tập và tôi đang gợi ý để chị kể nốt tập cuối. Chị tiếp tục:


“Năm 1991 chồng tôi bảo lãnh cho tôi và mấy đứa con qua Mỹ đoàn tụ gia đình theo diện ODP, ra đi có trật tự. Vừa đặt chân tới Mỹ chưa kịp thở, tiếng Anh tiếng Mỹ còn bập bẹ, nghề nghiệp thì không. Không hiểu sao ông lại hối thúc tôi đi làm ngay trong khi ông ở Mỹ đã mười năm mà còn long bong. Tôi có quen với hai vợ chồng làm ở xưởng sản xuất đồ trang sức giả giới thiệu tôi vào làm chung với số lương tối thiểu khoảng hai đồng rưởi một giờ. Tôi làm được một, hai năm gì đó thì vào mùa tuyết tôi bị trượt té gãy tay nên phải nghỉ làm một thời gian. Hai vợ chồng tôi quen thì vẫn tiếp tục, sau này họ ra mở và làm chủ tiệm phở có tên là Le ở khu chợ người Việt tại Uptown Chicago.


BM

Thời gian này thì một người anh chồng đang lãnh thầu dọn dẹp vệ sinh, lau chùi các building ở down town, trung tâm thành phố Chicago, anh đem tôi vào làm một giờ được 4, 5 đồng. Tôi làm ở đây đến năm 2000 thì hưu trí. Với đồng lương ít ỏi của người có thu nhập thấp mà hàng tháng phải chi trả nào tiền nhà, tiền điện, tiền nước, vân vân... đồng thời phải phải lo việc học hành cho bốn đứa con còn nhỏ nơi xứ lạ quê người. Tôi lâm vào khủng hoảng giống như thời kỳ sau “giải phóng” 1975, giống như người chới với giữa dòng sông. Mấy đứa nhỏ phải lao ra cứu mẹ. Đứa con lớn đi học ban ngày thì tối về đi giao bánh pizza, cô gái lớn đi làm ở bệnh viện, cô gái út đang học College Devry mà cứ chạy ngược, chạy xuôi quyết đi tìm việc, dầu là lương thấp nhất cũng làm. Có lần hai mẹ con gặp nhau ngoài đường, ôm nhau mà khóc. Cũng may là các con tôi đều học giỏi. Cho đến khi tất cả có công ăn việc làm thì tôi mới đỡ khổ, mới mua được cái building ba tầng lầu mà anh đang ngồi đây, mấy mẹ con ở hai tầng còn một tầng cho thuê cho tới ngày nay”.

 

Vậy chớ chồng chị lúc đó ở đâu và làm gì ? Tôi thắc mắc.


Chị cười, nói: “Có nhiều chuyện để nói, vui lắm. Bảo lãnh mẹ con tôi qua đây được chín tháng thì ông bỏ nhà ra đi. Trước đó, không biết là từ bao giờ, ông cặp bồ với một bà. Khi gia đình tôi qua thì ông cho tiền và mua xe cho bà này đi Texas sinh sống. Tưởng ông dàn xếp như vậy là để quay về với gia đình, nhưng không. Trong thời gian ông làm công tác thiện nguyện ra phi trường đưa rước đồng hương mới tới Mỹ để định cư thì ông lại quen với gia đình của hai chị em. Cô chị có chồng làm nghề sửa xe, còn cô em có chồng người Mỹ. Chồng tôi cặp bồ với cô chị. Ông thường viện cớ đi làm, thực ra là đến với cô ta. Con trai tôi có người giúp chỉ đường đến tận nơi cư trú của hai người. Người này dặn tôi khi nào thấy chồng sửa soạn ra đi thì đi ra xì lốp xe. Tôi làm theo lời ông mà đâu có được, tôi lấy đinh đóng cũng không thủng được lốp xe. Cái cô mà chồng tôi theo đuổi không phải tay vừa. Trong một lần đối thoại với tôi cô ta thách thức: Tao giựt chồng mầy đóMầy làm gì được tao!


Tôi đến nhà mẹ cô để cầu cứu. Mẹ cô tỏ ra biết điều, ủng hộ tôi, nhưng cũng không làm gì được. Thời gian chồng tôi còn ở nhà thì không khí gia đình rất căng thẳng. Ông công khai hướng dẫn, giúp đỡ nhân tình làm thủ tục ly dị chồng.

 

Tôi không đồng ý và nói chuyện gia đình người ta ông can thiệp vào để làm gì? Thế là ông đánh tôi rồi ra ngân hàng rút hết tiền và xách cái vali quần áo đã chuẩn bị sẵn, rời khỏi nhà. Cuối cùng thì tôi nhờ luật pháp can thiệp. Khi đến văn phòng luật sư thì được hứa hẹn đủ điều, nghe ngon lành lắm. Mỗi lần hứa hẹn đều phải đóng tiền. Tôi đã mất mấy ngàn đồng mà chẳng thấy kết quả gì. Cùng lúc đó, chồng tôi cũng tìm đến luật sư tiến hành thủ tục ly dị với tôi. Có điều hi hữu là ông luật sư mà chồng tôi tìm đến cũng chính là ông luật sư mà tôi đã đến nhờ làm thủ tục thưa chồng về tội bỏ phế gia đình, chạy theo gái đã có chồng. Tôi và chồng đều là thân chủ của cùng vị luật sư. Vậy thì ông bênh ai và bỏ ai khi mà chồng tôi thì có nhiều tiền hơn tôi? Tự biết mình là người thua cuộc, tôi không còn quan tâm đến vụ kiện nữa, kể cả đơn xin ly dị của chồng tôi không biết nó đi tới đâu và kết quả thế nào. Tôi chưa bao giờ nhận được giấy triệu tập ra tòa để nghe xét xử về việc này. Ba mươi năm nay, tôi cùng con và các người anh em của chồng không ai biết tin tức gì về ông, cũng không ai thấy ông xuất hiện ở đâu cả”.


BM


Lời kết: Bài này được viết vào những ngày cuối tháng 4 năm 2023, đánh dấu 48 năm ngày mất nước. Khắp nơi trên nước Mỹ, nơi nào có đông người Việt, có tổ chức hội đoàn thì người ta long trọng tổ chức lễ tưởng niệm “Tháng Tư Đen”. Do đó, câu chuyện về chị sui tôi không chỉ có ý nghĩa trong gia đình mà còn có ý nghĩa lịch sử nữa. Chị là người vợ lính tiêu biểu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì sa cơ, thất thế mà phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát từ sau ngày oan nghiệt đó, kể cả sau khi đặt chân tới nước Mỹ. Nghĩ tới chị, tôi nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Bính:

 

BM

Từ ngày chồng đi tù, chị ở nhà một mình phải đương đầu với biết bao gian khổ để nuôi dạy bốn đứa con còn nhỏ, lo tiếp tế, thăm nuôi ông chồng ngoài Bắc, làm nhiệm vụ với cha mẹ chồng và bà con bên nhà chồng. Chị rất xứng đáng để được vinh danh. Biết bao lần chị nói là rất buồn khi đề cập tới chuyện gia đình, nên tôi cũng ngại. Tuy nhiên, khi nói ra được nỗi niềm, khi trút bỏ được cái gánh nặng của một quá khứ không vui thì tâm hồn chị thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn, chị nhìn thấy và nói lên được nhiều khía cạnh khôi hài của vấn đề. Điều này làm tôi mừng lắm. Cầu xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria ban cho chị nhiều hồng ân, nhiều niềm vui và may mắn trong những tháng ngày trước mặt bên cạnh con cháu và những người thân yêu.


https://baomai.blogspot.com/

Đối với những người anh em bên chồng chị, tôi rất ngưỡng mộ. Chồng chị giờ đây cũng gần 90, đã đến lúc ngồi tính sổ lại cuộc đời, được gì và mất gì? Những cái được là tiền tài, danh vọng, địa vị, chức vụ cuối cùng cũng chỉ là hư ảo. Cái mất lớn nhất là mất đi tình cảm của những người thân yêu. Trở về với chính mình không bao giờ là quá muộn. Tôi vẫn nuôi hy vọng vào một ngày nào đó, được một lần ngồi nhậu với anh sui.




Duy Nhân
***

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.