Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã đến Israel hôm 30/04 cùng với phái đoàn quốc hội lưỡng đảng gồm 16 thành viên.
Ông đến Israel vào khoảng trưa giờ địa phương theo lời mời của Chủ tịch Knesset Amir Ohana. Knesset là quốc hội của Israel.
Ông Ohana đã chào đón ông McCarthy và phái đoàn, nói rằng ông mong muốn tăng cường kết nối giữa hai quốc hội.
Ông cũng cảm ơn ông McCathay vì đã “chọn Knesset là quốc hội đầu tiên trên thế giới để đến trong chuyến công du này.”
“Thật vinh dự cho chúng tôi khi được cùng quý vị đến Jerusalem để kỷ niệm nền độc lập của Israel và tái khẳng định mối bang giao đặc biệt giữa hai quốc gia của chúng ta,” ông McCarthy nói, theo một thông cáo báo chí từ phát ngôn viên của Knesset.
Israel kỷ niệm Ngày Quốc Khánh vào ngày 25-26/04.
“Trong 75 năm tới, mối quan hệ đối tác quan trọng của chúng ta hứa hẹn sẽ còn bền chặt hơn 75 năm đầu tiên,” ông McCarthy nói thêm.
“Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của tôi trên cương vị chủ tịch Hạ viện sẽ là trở lại Israel để kỷ niệm 75 năm thành lập nhà nước của họ,” ông viết trên Twitter hôm 18/04.
“Mối bang giao Hoa Kỳ-Israel vẫn quan trọng hơn bao giờ hết, và tôi tự hào nhận lời mời của [Ohana] với trên cương vị là Chủ tịch Hạ viện thứ 2 trong lịch sử đọc diễn văn trước Knesset.”
Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich (Cộng Hòa-Georgia) đã diễn thuyết trước Knesset 25 năm trước, vào tháng 05/1998.
Ông McCarthy sẽ đến thăm Yad Vashem, bảo tàng Holocaust, vào ngày 01/05 và sẽ có bài diễn văn trước Knesset vào buổi chiều cùng ngày.
Vị Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng Hòa này là người ủng hộ mạnh mẽ Israel và đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
“Thủ tướng Netanyahu là một người yêu nước, một chính khách Israel và quan trọng nhất là một bằng hữu tuyệt vời của Hoa Kỳ,” ông viết trên Twitter hôm 30/03.
“Các xã hội tự do có những cuộc tranh luận sôi nổi và cởi mở. Israel cũng không ngoại lệ.”
“Tôi ủng hộ [ông Netanyahu], và sự ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ mạnh mẽ, sôi nổi của Israel là không thể lay chuyển.”
Ông đang đề cập đến những nỗ lực không ngừng của chính phủ Netanyahu nhằm cải tổ hệ thống tư pháp ở Israel, vốn đã vấp phải sự chỉ trích cả trong nước và ngoại quốc.
Cải tổ tư pháp
Hồi tháng Ba, ông Netanyahu đã bác bỏ áp lực từ Tổng thống Joe Biden về việc dừng cải tổ tư pháp vốn đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước, để ủng hộ và phản đối cải tổ.
Vào thời điểm đó, khi được hỏi liệu ông Biden có mời thủ tướng Israel đến Tòa Bạch Ốc hay không, ông Biden trả lời: “Không, không trong thời gian tới.”
Cải tổ tư pháp bắt đầu ở Israel vào ngày 04/01, khi Bộ trưởng Tư pháp Israel Yariv Levin công bố kế hoạch định hình lại mạnh mẽ hệ thống tư pháp của Israel.
“Chúng ta đi đến thùng phiếu, bỏ phiếu, lựa chọn, nhưng hết lần này đến lần khác, những người mà chúng ta không bầu chọn sẽ quyết định thay cho chúng ta,” ông nói trong bài diễn văn khai mạc. “Nhiều người hướng mắt về hệ thống pháp luật và tiếng nói của họ không được lắng nghe.”
“Đây không phải là một nền dân chủ. Tôi đã giải quyết vấn đề này hơn 20 năm, trong thời gian đó tôi đã cảnh báo về sự nguy hiểm của tư pháp hóa, đồng thời đưa ra các đề nghị và cải tổ.”
“Thật không may, những rủi ro mà tôi cảnh báo đã thành hiện thực. Do đó, đã đến lúc phải hành động. Hôm nay, tôi đang khởi động giai đoạn đầu tiên của cải tổ tòa án, mục đích là tăng cường dân chủ, khôi phục tòa án, khôi phục niềm tin vào hệ thống pháp luật và khôi phục sự cân bằng giữa ba nhánh của chính phủ.”
Thông báo của ông Levin đã gây ra một làn sóng phản ứng. Phe đối lập và các hãng thông tấn khác nhau bắt đầu gọi cuộc đại tu pháp luật này là một cuộc đảo chính hoặc một cuộc cách mạng tư pháp, và đã có một cuộc kêu gọi người dân xuống đường biểu tình hàng loạt.
Lia Onely _ Nguyễn Lê
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.