Pages

Tuesday, February 19, 2013

Sự tái xuất của nhãn hiệu "Made in USA"

image
Ngày càng nhiều các công ty hãng xưởng Hoa Kỳ mở cuộc hồi hương. Và trở về cùng với chúng là kỹ nghệ sản xuất.
Khảo sát thị trường tiết lộ có 37% những công ty với doanh số $1 tỉ đang cân nhắc đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung cộng về lại Mỹ trong thời gian tới.

Có nhiều lý do các công ty hãng xưởng Hoa Kỳ hồi hương. Thứ nhất, giá xăng dầu đắt hơn 10 năm trước, khiến việc vận chuyển tốn kém.

Sự khai thác ồ ạt khí tự nhiên (natural gas) tại Mỹ giúp hạ giá năng lượng, rất cần để vận hành các cơ sở sản xuất (ngày nay, khí tự nhiên ở Á Đông đắt hơn tại Mỹ đến 4 lần). Chưa kể các chánh sách ở mọi cấp độ chánh quyền đang dành khá nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút giới chủ nhân quay về Mỹ.


image
Hãng General Electric năm ngoái đã đưa công việc sản xuất máy giặt, tủ lạnh, và máy nước nóng từ Trung cộng về... đóng đô tại một cơ sở nội địa ở tiểu bang Kentucky. Có thể nói GE là một trong những mãnh lực đi đầu trong việc tái mở cửa các cơ sở sản xuất tại Mỹ. Họ mở hầu bao, đầu tư trên $800 triệu để tái thiết một cơ sở chuyên sản xuất đồ điện gia dụng đặt tại Appliance Park (Louisville, Kentucky). Tiếp bước GE, hãng hàng không Ball Aerospace vừa hoàn tất một cơ sở sản xuất $75 triệu ở Boulder, Colorado. Hãng Google thì quyết định sản xuất máy "Nexus Q" tại San Jose, California. Nhà bán lẻ khổng lồ Walmart cũng vừa ra tuyên cáo sẽ bày bán lượng hàng hoá trị giá  $50 tỉ, với nhãn hiệu "Made in USA", trong vòng 10 năm tới.

image
Cơ sở sản xuất của hãng General Electric tại Appliance Park (Louisville, Kentucky).

Khi bắt gặp hàng hoá nhãn hiệu Trung cộng khắp nơi, nhiều người có thể ngộ nhận là Trung cộng khống chế cả thế giới. Tuy nhiên, hàng hoá "Made in China" đa phần tập trung nơi các món gia dụng, rẻ tiền, như đồ chơi trẻ con, quần áo, dụng cụ nhà bếp, v.v...

Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia với kỹ nghệ sản xuất hùng mạnh nhất hoàn cầu. Mỗi năm, kỹ nghệ sản xuất thu đạt doanh số $1,800 tỉ. Trái với Trung cộng, người Mỹ sản xuất những món hàng dạng "độc chiêu": máy móc lớn và các loại phụ tùng thay thế (32%); xe hơi và phụ tùng xe (10.5%); phi cơ các loại (8%)... Những quốc gia khác xếp sau người Mỹ về sản xuất: Trung cộng (doanh số $1,106 tỉ); Nhật Bổn/Japan ($926 tỉ); Đức Quốc/Germany ($670 tỉ)...

Các thập niên trước, nhiều công ty hãng xưởng đua nhau xuất cảng công việc và công nghệ ra ngoại quốc, chánh yếu ở Trung cộng (offshoring). Lý do lớn nhằm để tận dụng nhân công rẻ. Ngày nay, nỗ lực mang công ăn việc làm về lại Mỹ được cân nhắc thiệt hại kỹ lưỡng, với nhiều yếu tố đan xen phức tạp. Người ta tin rằng với sự cẩn trọng này, lần tới công ăn việc làm sẽ không vỗ cánh bay đi dễ dàng khỏi nước Mỹ nữa.

image
Một thợ may giày của hãng Rancourt & Co. ở Lewiston, Maine. Đây là một trong những nhãn hiệu phát thịnh trở lại nhờ nhu cầu muốn có sản phẩm "Made in the USA" của khách hàng Mỹ.

Cũng cần phải kể đến yếu tố yểm trợ của khách hàng Hoa Kỳ. Khảo sát thị trường có trên 80% người Mỹ nói họ sẵn sàng trả tiền cao giá hơn để mua lấy sản phẩm hiệu "Made in America". Với các món đồ chơi trẻ em bằng gỗ, họ chịu trả cao hơn 60%. Với các loại điện thoại, họ chịu trả giá cao hơn 30%. Được hỏi lý do, có trên đến 90% cho biết họ muốn giúp phục hưng kỹ nghệ sản xuất và giúp tạo thêm công ăn việc làm cho xứ sở. Cứ mỗi người trích thêm chỉ 1% ngân sách tiêu xài cá nhân để mua hàng hoá nhãn hiệu "Made-in-USA", có thể giúp tạo thêm 250,000 công ăn việc làm mới.

Uy tín cao của nhãn hiệu "Made-in-USA" cũng kéo theo nạn làm hàng nhái, hàng giả. Thẩm quyền liên bang về bản quyền vẫn thường nhận nhiều than phiền mỗi tháng về các nhãn hiệu "Made-in-the-USA" bất  khả tín. Về phía người tiêu thụ, cũng cần để ý vài... mánh khoé sơ đẳng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Nếu bạn gặp các nhãn hiệu có những chữ "Made", "Produced", "Product of", hoặc "Manufactured" ở Mỹ, thì đó đúng là hàng hoá sản xuất tại nội địa Hoa Kỳ (trừ trường hợp hàng giả). Còn nếu nhãn hiệu được sáng tác kiểu ỡm ờ như "Created" hoặc "Designed" ở Mỹ, thì đích thực chúng được làm ở ngoại quốc rồi.

Tháng Mười Hai năm ngoái, các công ty Hoa Kỳ đặt hàng kỹ nghệ sản xuất tăng lên 4.6%, riêng về vật dụng kỹ thuật hàng không tăng 10%. Đây là dấu chỉ khả quan cho năm 2013.

Cũng trong dòng tin vui, hãng Caterpillar công bố mục tiêu doanh số đạt được trong năm từ $60 tỉ đến $68 tỉ. Caterpillar là nhà sản xuất lớn, chuyên trị các máy móc khổng lồ cho kỹ nghệ xây dựng, kỹ nghệ hầm mỏ, các máy phát điện công nghiệp... Theo dõi sự tiến triển hay sa sút của Caterpillar cũng có thể là một cách bắt mạch nền kinh tế.

image
Thành phố Houston, Texas là một trung tâm sản xuất lớn ở Mỹ, với khoảng 1/4 triệu công ăn việc làm.

Tính chung, kỹ nghệ sản xuất vẫn đang nắm giữ hơn 11 triệu công ăn việc làm ở Hoa Kỳ. Từ đầu năm 2010 đến hè năm 2012, ngành sản xuất thêm khoảng 500,000 công ăn việc làm, là mức gia tăng nhanh nhất trong gần hai thập niên qua. Từ Tháng Sáu 2009, hàng hoá sản xuất tại Mỹ tăng gần 20%. Kỹ nghệ sản xuất cũng là nguồn đầu tư chánh để khích lệ nhiều phát minh sáng chế - chiếm khoảng 70% tài trợ của các công ty hãng xưởng tư nhân. Ngay cả Toà Bạch Ốc cũng cho thiết lập một nhóm đặc nhiệm, tên gọi "Office of Manufacturing Policy" (văn phòng về chánh sách sản xuất) để giúp điều hợp, yểm trợ kỹ nghệ sản xuất.

Ngày nay, trong các thành phố Hoa Kỳ, Houston (tiểu bang Texas) đứng đầu với gần 250,000 việc làm trong ngành sản xuất. New York City (tiểu bang New York) thứ nhì với  khoảng 150,000 việc làm. Thành phố Chicago (tiểu bang Illinois) có khoảng 110,000 người sinh kế nhờ kỹ nghệ sản xuất.

Không phải trong xã hội chỉ toàn công việc văn phòng, dịch vụ, như bác sĩ, nha sĩ, luật sư, chuyên viên tài chánh đầu tư,  v.v... Các công việc "thợ thuyền" (Blue Collar) một thời tưởng đã thuộc về quá khứ, nay đang tái xuất giang hồ, với ít nhiều hứa hẹn. Đây là sự điều chỉnh tự nhiên, tự thân, và rất bình thường trong môi trường kinh tế tự do. 



Thanh Dũng


image




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.