Sài Gòn vừa trải qua
những ngày Tết vắng vẻ, đường phố rộng thênh, cây cao bóng mát, con người trở
nên thanh thản với những bộ đồ tươm tất trong nắng vàng tưởng như được sống lại
một ngày nào “thuở xa xưa”. Ngày mùng một tết thanh bình êm ả, ngày mùng hai rộn
ràng xuân mới, dường như mọi nhà chỉ có những lời chúc tụng sẵn trên môi, qua
những tiếng chuông điện thoại từ trong nước, ngoài nước gọi nhau mừng tuổi í ới.
Ngày mùng ba còn nhẩn nha chơi nốt ba ngày Tết. Suốt cả năm toàn đi dưới lòng
đường, mấy ngày này mới được đi trên lề đường.
Con đường hoa Nguyễn
Huệ vẫn tấp nập khách viếng thăm. Hầu hết là những gia đình không đủ điều kiện
đi xa, vợ chồng con cái đưa nhau ra đường hoa, gọi là có “đi chơi Tết”. Một số
khác là những “ông Tây bà Đầm” tò mò nhìn cảnh lạ, chụp hình quay phim lia lịa
bên những con rắn giả, cứ như nước họ chưa từng có rắn bao giờ.
Những sòng bài mọc
lên ngay từ đêm ba mươi trên các hè phố rộng, trong những ngã tư chung cư, đàn
ông đàn bà đón Tết trên những chiếu bạc còm. Trẻ con chui vào các tiệm
internet. Trong các quán cà phê, từ những quán đầu đường ghế thấp đến những
quán cà phê “đẳng cấp” đều đông nghẹt khách “hào hoa”. Hầu hết các tiệm ăn đều
đóng cửa im lìm. Tìm mỏi mặt không ra một quán “bình dân”. Chỉ còn những nhà
hàng Pháp mở rộng cửa đón khách du lịch. Muốn có một bữa ăn sang phải đến những
quán này.
Người dân thành phố
kéo nhau về quê ăn Tết, đi du lịch đủ kiểu, tạm rời xa thành phố ít ngày để sống
cho riệng mình, cho gia đình mình. Ngay cả các em vũ nữ, các em chuyên mồi chài
khách, tóc đỏ môi trầm hạng sang cũng đã tạm ngưng việc kiếm tiền về thăm quê
nhà. Còn lại, hầu hết là những “hàng quá đát”. Sinh viên học sinh nghèo không
có tiền về quê, đành ở lại kiếm thêm bằng đủ mọi nghề, miễn là có tiền.
Hãy nhìn lại căn nhà
của người nông dân.
Có những bà mẹ, đêm
ba mươi, ngày mùng một, thẫn thờ đứng trong một góc khuất nhớ đứa con gái lấy
chồng Hàn, chồng Đài năm nay không về được. Giọt nước mắt chảy thầm trong lòng.
Ngược lại, một vài gia đình có “Việt kiều” về ăn Tết tưng bừng, đi thăm họ hàng
làng xóm kể chuyện “bên Tây”. Nhưng thật ra qua những câu chuyện tôi nghe được,
bà con cũng bày tỏ ảnh hưởng của kinh tế suy thoái, nhiều người “mất nhà” vì thất
nghiệp bị nhà băng “kéo đi”. Nhưng năm nay số bà con ở nước ngoài về Sài Gòn
không nhiều. Các bạn tôi, hầu như không có ông nào chịu về vào dịp này, ngoại
trừ vài ông có chút “vướng víu” về từ trước Tết, ở luôn cho tới bây giờ.
Kiều hối chảy về Sài
Gòn như thế nào?
Tuy nhiên theo con số
thống kê, số tiền của người Việt gửi về VN trong năm nay lên tới 10 tỉ đô la Mỹ.
Nhưng kiều hối gửi về Sài Gòn chỉ chiếm khoảng 42% tổng giá trị kiều hối đổ về
nước trong năm qua. Trong số chừng 4 tỷ đô la mà bà con từ nước ngoài gửi về
Sài Gòn, 70% được đầu tư cho các hoạt động kinh doanh, 23% vào thị trường địa ốc,
và phần còn lại 7%. biếu tặng thân nhân.
Theo thống kê của Ủy
ban Người Việt Nam ở Nước ngoài cho biết số tiền này do hơn 4 triệu người Việt
đang sinh sống ở trên 100 quốc gia chuyển về Việt Nam. Trong số đó, có cả những
người VN đi “xuất khẩu lao động” gửi về qua các nguồn khác nhau.
Nói là 23% chuyển
vào thị trường địa ốc có vẻ hơi “chủ quan” bởi thị trường địa ốc VN đang trong
thời kỳ đóng băng, thời kỳ “ngáp ngáp”. Nhà cửa, building làm ra hàng loạt
nhưng không ai mua, không ai thuê, trong khi chủ đầu tư vẫn è cổ ra trả tiền lời
ngân hàng. Dù ông Thống Đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) có là tài thánh cũng chưa
thể cứu vãn được khoản lãi suất ngân hàng mà các nhà đầu tư phải trả hàng
tháng. Dù ông NHNN có tích cực hạ thêm lãi suất đầu vào, tức là hạ lãi suất của
người gửi tiền, cũng chưa thể cứu được các ông chủ giàu có trước đây, bây giờ
đang lao đao lo ngày lo đêm tính thoát ra nước cờ bí.
Cái 23% kiều hối ấy
chảy vào thị trường địa ốc bằng cách nào? Thêm những ông chủ đầu tư mới hay
thêm vốn cho các ông chủ cũ? Điều này khó xảy ra. Chỉ có hy vọng là khoản kiều
hối ấy mua rẻ hàng loạt những dự án cũ để chờ thời hoàng kim trở lại.
Con số 70% đầu tư
cho hoạt động kinh doanh, chưa thể biết ngành nghề nào may mắn nhận được khoản
đầu tư này. Có thể chỉ là những hoạt động kinh doanh nhỏ nằm rải rác quanh các
thành phố lớn. Dù sao cũng là một chút ánh sáng cuối đường hầm.
Dịch vụ cạnh tranh
và khuyến mãi sau Tết
Những ngày tết qua
đi, đường phố Sài Gòn trở lại với cái không khí náo nhiệt của những ngày giáp Tết.
Sự tất bật vội vã đó làm giàu cho các hãng tàu xe. Ngày về quê cũng khổ như
ngày trở lại thành phố. Đường phố lại đông kín, lại kẹt đường, kẹt xe. Các cửa
hàng cửa hiệu lại tưng bùng mở cửa. Các cửa hàng lớn chuyển từ “khuyến mãi, đại
hạ giá dịp Tết” sang “khuyến mãi ngày Lễ Tình Nhân”. Nhưng tất nhiên là không
đông vui bằng dịp Tết và người dân TP Sài Gòn đã có quá nhiều kinh nghiệm đau
thương về cái sự khuyến mãi và đại hạ giá “bán rẻ như cho” này. Hàng giá 5 triệu,
hạ giá còn 3 triệu, nhưng thật ra giá đúng của nó trước khuyến mãi vẫn chỉ là 3
triệu, có khi còn rẻ hơn. Các hàng khuyến mãi thật hầu hết là hàng nhái, hàng tồn
kho mang “tút” lại… Nhiều người dân bị những vố đau nên rất đề phòng với thứ
hàng rẻ này. Và chẳng biết tại sao nhà nước lại cấm không cho các dịch vụ điện
thoại khuyến mãi trong dịp Tết. Hình như các quan chức ngành này sợ dân tốn tiền
gọi điện thoại vì giá rẻ nên gọi văng mạng
Nhiều người thấy cái
cảnh trước Tết tất bật về quê, sau Tết tất bật trở lại thành phố tưởng chừng
như vô nghĩa, chỉ tốn tiền tốn sức, làm cho cuộc sống xáo trộn thêm mà thôi.
Nhưng thật ra đó lại là niềm mong đợi lớn của người dân Việt. Làm ăn vất vả cả
năm, chỉ để cuối năm về quê được gặp lại cha mẹ họ hàng, mang được chút tiền về
quê càng quý, không có thì chút quà bánh cũng là tấm lòng của người xa quê. Người
Việt Nam từ xưa nay vẫn vậy. Cái truyền thống ấy đã ăn sâu vào tâm thức người
Việt. Nghèo cũng phải về thăm nhà, chiều 30 đứng trước bàn thờ tổ tiên “đón các
cụ về ăn Tết” rồi ngày mùng 4 lại tiễn các cụ đi. Chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ tình
là ở đó. Chỉ khổ cho những người không có Tết, đêm 30 vẫn còn nằm trên các vỉa
hè, vẫn còn những người hùng hục làm việc trong bóng đêm, vẫn còn những bệnh
nhân chui dưới gầm giường bệnh viện. Đầu năm tôi không thuật lại những cảnh này
và chắc chắn bạn đọc cũng đã biết khá rõ.
Hai chữ lương thiện
khó tìm được chỗ đứng
Trong khi đó những
năm gần đây lại sinh ra một số nhà giàu mà người ta gọi là “tư bản đỏ” ăn chơi
lừng lẫy, tiền xài như lá mùa thu. Tiền đó ở đâu ra, chẳng ai biết được. Các
ông làm ra đồng tiền lương thiện có toàn quyền ăn tiêu, chẳng ai cấm đoán được
và cũng không nên mỉa mai so bì.
Điều đáng nói ở đây
là một số người quá giàu, ăn chơi quá mức sang trọng đến nỗi người VN nghe được
đều choáng váng. Tôi nghĩ, quý vị ở nước ngoài cũng khó có thể ngờ rằng bây giờ
lại có một số người Việt chơi sang đến thế. Những người này có thể là đại gia
kinh doanh, cũng có thể là quan chức. Tiền tham nhũng bằng cách nào thì khó mà
lần ra. Nhiều thứ có thể hái ra tiền đến nỗi có người nói “trong kinh doanh ở
đây không có chỗ cho người lương thiện”. Giả dụ anh muốn đầu tư, muốn kinh
doanh đàng hoàng, nhưng trước hết anh phải “chạy” mới có được cái giấy phép.
Sau đó trước khi anh làm ăn, anh cần có người đỡ đầu, thấp nữa anh phải có “bảo
kê”, mới thông suốt. Khi làm ăn, chưa biết anh lời lỗ ra sao, nhưng phải biết ở
địa phương này có những ai, từ ông quản lý thị trường, đến Ủy Ban này Ủy Ban
kia. Khi anh làm có lời anh sẽ được nhòm ngó kỹ hơn, anh phải “biết điều hơn”.
Như thế thì anh có muốn lương thiện cũng chẳng được!
Ngay từ khi ngõ vào
sân bay, anh đã phải chi ít là 10 đô, hành lý nhiều là 20 đô để va li, túi xách
của anh không bị lục tung giữa sân, không bị hỏi han phiền phức trước khi ra khỏi
sân bay. Cái “lệ làng” này đã có từ nhiều năm nay, được báo chí từ trong nước đến
ngoài nước tố cáo hà rầm nhưng mọi chuyện đâu vẫn đóng đó. Có cải tổ, cải tiến
tí nào đâu. Bà con từ nước ngoài về nhắm mắt bước qua “cửa ải” này với một tâm
trạng bực bội, coi thường. Ai cũng biết đó là mối nhục quốc thể, chỉ “người có
trách nhiệm” là không biết. Vậy thì đừng nói đến hai chữ lương thiện.
Trong bài này, nhân
dịp đầu năm điểm lại niềm vui nỗi buồn trong những ngày Tết vừa qua, tôi chỉ
xin tường thuật lại với bạn đọc một số kiểu chơi sang mới nổi vài năm gần đây,
nhất là năm nay của các đại gia đang sống tại VN. Chưa thể nói họ có tham nhũng
hay không, vì đó là điều chưa thể biết hay không thể biết. Cho nên không thể vội
vàng kết tội họ. Tôi chỉ điểm qua những nét chính của dân chơi sang, đôi khi là
chơi ngang. Chẳng qua đó cũng chỉ là “hội chứng khoe của” đang rất thịnh hành ở
VN.
Biệt thự chục tỷ của
đại gia Sóc Trăng
Nhiều ngôi nhà sang
trọng như lâu đài đã được các đại gia xây dựng từ vài năm nay, tiện nghi không
kém gì các tỷ phú trên thế giới. Có thể tạm kể như lâu đài của các đại gia Trầm
Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank. Biệt thự của ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch
HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh dát
tới 60 cây vàng. Biệt thự chục tỷ của đại gia Lâm Ngọc Khuân, chủ tịch HĐQT
công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng). Biệt thự thiết kế kiểu
châu Âu của Johnathan Hạnh Nguyễn tại Quận 2 - TP. Sài Gòn… còn nhiều nữa, tôi không thể kể hết ở đây.
Ngoài những căn nhà
sang trọng như cung đình của các đại gia, còn các thú chơi khác cũng rất
“quái”.
Chán săn người, các
công tử Hà Thành săn thú lạ
Sừng tê giác, vi cá mập,
đông trùng hạ thảo… những mặt hàng được nhiều người săn lùng làm quà Tết biếu sếp.
Tết là dịp mà các đại
gia Việt càng có cơ hội thể hiện “đẳng cấp” của mình bằng việc săn lùng các món
hàng độc, lạ, có giá trị vô cùng xa xỉ. Tôi bỏ qua những đại gia vung tiền sắm
những cành mai, cây đào có giá vài trăm triệu đồng, họ còn “có lý” khi trang
hoàng nhà cửa mình theo truyền thống. Hoặc có ông săn lùng cái áo có giá 50 triệu
đồng tặng vợ. Lâu lâu đại gia nịnh vợ một tí cũng chẳng sao, nhưng coi chừng mấy
ổng lại “kiếm tí điểm” với bà xã để rộng đường đi “ăn phở”. Cũng là chuyện thường
tình ở đời thôi, phải không các cụ?
Có ông còn chi hơn
25 triệu đồng mua chai rượu Rémy Martin Louis XIII đem về thưởng thức. Có ông từ
Hà Nội còn đặt hàng tận trong TP.Sài Gòn một chai rượu thượng hạng với giá 60
triệu đồng. Thôi thì anh em làm ăn, tiền nhiều, Tết nhất nhậu linh đình với
nhau một bữa cũng được.
Nhưng bây giờ ở Hà Nội
có các cậu công tử lại chứng tỏ “sành điệu thời hiện đại” của mình bằng kiểu
chơi… rất lạ. Chán chơi… người, vì có tiền, săn người dễ dàng lắm có khi còn bị
đeo bám lằng nhằng, các cậu quay ra săn lùng chơi thú.
Tòa lâu đài trắng
siêu sang của đại gia Khải Silk tại Sài Gòn
Cậu H. con ông Ba T.
chi hàng chục triệu đồng “săn” con đại bàng nhỏ về làm cảnh. Cậu khác chơi con
bồ câu “độc” và con chim biến đổi gien giá 10.000 USD. Có anh chi tiền tỷ chơi
cá rồng. Anh C.N. ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên hiện đang là chủ của một bộ sưu tập
cá rồng gồm 12 con huyết long giá khoảng 2000 USD/con, 2 con quá bối đầu vàng
và 1 con platinum màu thép trắng khi mới mua về đã có giá 10.000 USD.
Lạ hơn nữa, có anh
chơi con tép cảnh giá ngàn đô. Chơi đến con tép thì từ bác nhà quê tới người
thành phố cũng hoảng hồn, từ cổ chí kim chưa ai chơi. Tưởng là cậu cả khùng.
Nhưng cậu không khùng, cậu chơi cho lạ, cho đáng mặt dân chơi. Các anh nuôi hổ
trong nhà thì tôi chơi tép. Thế mới là “hàng độc”. Năm sau không biết các công
tử đại gia còn chơi con gì nữa đây?
Săn quà “độc” tết sếp
Ngoài các cậu ấm cô
chiêu chơi thú, còn một số người buộc phải chơi ngông. Có ông giám đốc địa ốc
thở dài tâm sự rằng năm nay làm ăn “thua lỗ sặc gạch” nhưng chết kiểu gì thì chết,
tết nhất cũng phải có quà cho anh Bảy, chú Ba để giữ quan hệ, sau còn nhờ vả
dài dài”. Bởi được xếp vào hàng đại gia, những người lắm tiền nhiều của chắc chắn
có ít nhất vài ân nhân “chống lưng”. Bởi thế, ngày lễ, ngày Tết là dịp để các đại
gia trả ơn ân nhân. Họ đua nhau tìm kiếm những món quà độc đáo đến mức người nhận
cũng bất ngờ. Họ âm thầm thực hiện những kế hoạch “săn” quà tặng “cực độc” để tặng
ân nhân của mình, họ còn tính toán hơn - thua với nhau nên cuộc săn lùng càng
thêm quyết liệt.
Biệt thự 5.000 m2,
dát 60 cây vàng của ông Nguyễn Đức Lượng tại Hải Dương.
Một đại gia mới nổi,
khoe với bạn bè: “Tôi vừa đi Tây ký nhập thực phẩm về bán Tết. Quà tặng ân nhân
Tết năm nay, đại gia nào chi dưới 10.000 đô la Mỹ thì... kém. Năm nay, nhà ân
nhân của tôi sẽ tràn ngập sơn hào, hải vị “đế vương”. Ông kể chi tiết: “Đó là
vây cá mập trắng hộp nguyên chất; cá hồi biển ở Nga; dạ dày cá heo; tôm hùm biển;
cá ngừ Bắc cực... Ngoài chiêu “đánh” vào dạ dày vợ, con ân nhân thì quà tặng
còn “đánh” vào túi tiền nữa. Sếp có con 10 tuổi, tôi tặng 1.000 đô la Mỹ, cứ thế
nhân lên, bà vợ nào chẳng thích”.
Một đại gia khác, đại
gia Thịnh, chọn đồ thờ cúng làm quà tặng Tết. Đó là đôi lộc bình gốm Chu Đậu,
là ban thờ bằng gỗ gụ, là quả cầu may mắn bằng ngọc nghiến...giá vài tỉ.
Gần 2 tỉ một cân đông
trùng hạ thảo cũng có đại gia mua biếu sếp tẩm bổ .
Quà tặng sếp còn là
các món bổ dưỡng như vua chúa thời xa xưa. Anh Nguyễn Văn Đương (Đống Đa, Hà Nội),
một trong những người chuyên cung cấp Đông trùng hạ thảo tươi, theo anh thì đây
là một loại biệt dược thần kỳ giúp tăng cường sức khỏe, bổ âm bổ dương. Anh
Đương cho biết thần dược này có giá 2 tỉ đồng một cân. Anh cũng tiết lộ, từ cuối
năm 2012, công ty của anh nhập từ Tây Tạng 3 cân Đông trùng hạ thảo và đến nay
đã bán được hơn 2 cân. Anh nói: “Hầu hết khách hàng đều là những người có tiền,
sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu để mua quà biếu sếp. Sếp ở đây chủ yếu là quan chức”.
Bên cạnh đó món
nhung hươu, yến sào cũng bán chạy. Tính ra, mỗi cân nhung hươu tươi có giá 170
triệu đồng, chỉ hai tuần trước Tết cửa hàng bán trên 20 cân yến sào huyết, yến
sào trắng có giá rẻ hơn khoảng 110 triệu đồng/cân cũng bán hết veo trong vòng nửa
tháng.
Chú tép king kong có
giá ngàn đô.
Có đại gia từ năm
ngoái đã tặng vợ con sếp một chuyến du lịch châu Âu tốn vài chục ngàn Mỹ kim,
năm nay coi như “chuyện nhỏ”.
Tâm lý và thực tế
hơn là một đại gia có quà tặng sếp ... bằng người. Theo mục tin tức của báo
Eva.Vn “Trong 1 tuần vợ con ân nhân đi vắng, một đại gia Việt tặng riêng ân
nhân một cô gái trẻ, giúp việc nhà kiêm… chuyện tình cảm. Khi nào vợ con ân
nhân về thì cô gái đó hết hợp đồng với đại gia.
Đó là một cô gái quê, trắng trẻo, xinh xắn, mũm mĩm, chỉ mười tám, đôi
mươi. Cô gái này được trả tiền lương rất hậu khoảng 40 - 50 triệu đồng. Và, biết
đâu đấy, sau 7 ngày, ân nhân quen hơi, bén tình lại “cặp” với quà tặng thì sao?
Ân nhân và quà tặng “cặp” với nhau, đại gia Việt càng có giá, càng được ưu ái”.
Đại gia Sài Gòn du lịch
như các đại gia quốc tế
Những năm gần đây,
các đại gia Việt thường chọn cách đặt tour du lịch nước ngoài đắt tiền đón Tết.
Đầu năm nay, gia đình anh NĐT, ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, chuyên kinh
doanh trong lĩnh vực bất động sản chọn tour Dubai - Abudhabi 6 ngày, giá trọn
gói khoảng 50 triệu đồng/người, ở khách sạn 4 sao. Sau đó, anh T. tách khỏi
đoàn 1 ngày để gia đình “nếm mùi đời” tại khách sạn siêu sang 7 sao dát vàng
Burj al-Arab với giá 3.500 USD/đêm.
Giống gia đình anh
T., nhiều đại gia ở TP.Sài Gòn cũng lựa chọn du lịch nước ngoài vào dịp Tết.
Nhà chị G., ngụ tại quận 1 TP.Sài Gòn, có công ty chuyên kinh doanh hàng mỹ nghệ
cũng đi chơi Tết rất sành điệu. Gia đình chị gồm 5 người mua tour du lịch 5 nước
Châu Âu (Pháp - Ý - Đức - Bỉ - Hà Lan) có giá khoảng 100 triệu/người cho 13
ngày. Người tham gia tour du lịch này sẽ được ở khách sạn 4 sao, đi thăm các
thành phố nổi tiếng thế giới như Paris-Roma-Amsterdam-Munich-Bruxelles.
Thú chơi ngông của nữ
đại gia
Đó là một nữ đại gia
trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội nổi tiếng với kiểu chơi
ngông... đốt tiền theo phong bao lì xì. Khách đến nhà, chỉ cần là chưa có gia đình
thì chắc chắn sẽ nhận được tiền mừng tuổi của bà, số tiền tương ứng với số tuổi,
bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu triệu. Ngoài ra, khách còn được nhận thêm rất nhiều
đồ hiệu mà bà đã mua sắm để làm quà kèm theo những vé máy bay du lịch ở những
điểm nổi tiếng và được sống trong phòng VIP của các khách sạn trong chuỗi khách
sạn thuộc quyền quản lý của gia đình bà.
Bà này cũng nổi tiếng
với việc thể hiện sự chơi ngông của mình vào dịp Tết. Mỗi Tết là một kiểu chơi
ngông. Có năm, bà và gia đình dùng tàu riêng, đón Tết trên biển. Có năm, bà dát
vàng toàn bộ biệt thự để đón Tết. Năm con chuột, bà cho đúc hơn một ngàn con
chuột bằng vàng để tặng khách đến chúc Tết…
Muôn màu muôn kiểu
quà Tết, chơi Tết trong khi nền kinh thế VN đang suy thoái. Hầu như tất cả đang
chạy theo hội chứng khoe của. Càng khoe của, xã hội càng thêm loạn bởi khơi gợi
sự thèm muốn của người nhẹ dạ, trộm cướp ngày càng nhiều, tuổi trẻ phạm trọng tội
càng gia tăng.
Số tài sản hoang phí
thật khổng lồ, nếu con số đó được sử dụng vào mục đích giúp người nghèo, bệnh
nhân neo đơn có thêm điều kiện ăn cái tết đủ đầy thì ý nghĩa biết bao!
Văn Quang 15-1-2013
Cuộc chiến biên giới
1979
Trung Cộng sửa soạn
chiến tranh
Cựu thị trưởng San
Diego thua bài bạc tỷ đô la.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.