Tuesday, February 12, 2013

'Giáo hoàng Benedict XVI khiêm tốn'

image


Tuyên bố thoái vị của của Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Công nghị hồng y đoàn ở Vatican sáng thứ Hai (11/02) đã làm thế giới nói chung và người Công giáo nói riêng ngỡ ngàng.
Bất ngờ và sửng sốt vì đây là lần đầu tiên sau gần 600 năm kể từ khi Đức Giáo hoàng Gregory XII từ chức vào năm 1415, một vị giáo hoàng đương chức từ nhiệm.
Kinh ngạc và nếu không muốn nói là sốc vì không một ai – kể cả những người thân cận và cộng sự của Ngài tại Vatican – có thể đoán hay biết trước được quyết định hệ trọng này.
Trong lời đáp từ của mình sau khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI đọc tuyên bố từ nhiệm, Đức Hồng y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, nói cả giáo triều Roma sửng sốt trước quyết định ấy. Nó đã “vang lên trong Hội trường này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được”.
Vậy đâu là lý do Đức Thánh Cha Benedict XVI lấy một quyết ‘rất quan trọng’ không chỉ đối với cá nhân Ngài mà cả ‘đối với đời sống Giáo Hội’ như vậy?

‘Tuổi cao, không còn thích hợp’

image
Sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự xác tín rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp để thi hành sứ vụ Giáo hoàng một cách thích đáng nữa."
Trong bản tuyên bố thoái vị của mình, Đức Thánh cha nói rằng “sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự xác tín rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp để thi hành sứ vụ Giáo hoàng một cách thích đáng nữa”.
Vì theo Ngài để chu toàn sứ vụ đó, đặc biệt trong một thế giới đầy chuyển biến và luôn bị dao động trước những vấn đề có ảnh hưởng lớn đối với đời sống đức tin, “cần có nghị lực cả thể xác lẫn tinh thần”.
Nhưng “nghị lực của tôi trong vài tháng qua đã xấu đi, đến mức mà tôi phải thừa nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ vụ được giao phó”.
Với một quyết định rõ ràng, khiêm tốn và được chính Ngài cầu nguyện, suy nghĩ nhiều như vậy, dù bất ngờ và ngạc nhiên, phản ứng chung của dư luận – trong đó có nhiều lãnh đạo thế giới và các tôn khác cũng như mọi thành phần khác nhau trong Giáo hội – đều tích cực. Xem ra ai cũng trân trọng đón nhận quyết định ấy và coi đó là một cử chỉ đầy can đảm.
Đúng vậy, có thể nói không có chức vụ nào đòi hỏi nhiều thời gian, sức lực, tâm trí như chức vị Giáo hoàng.

Trong thế giới nhiều biến động

Là người kế vị Thánh Phêrô, ngoài công việc quản trị Giáo hội, Đức Giáo hoàng có sứ vụ dẫn dắt, chăm lo đời sống tinh thần, thiêng liêng cho toàn Giáo hội. Đó không phải là một việc dễ dàng vì Giáo hội có đến hơn một tỷ người, lại thuộc nhiều nền văn hóa, đời sống chính trị, xã hội, kinh tế khác nhau.
Những thách đố mà người Công giáo Việt Nam đang phải đương đầu khác hẳn với những vấn nạn của những người tín hữu đang sống tại các nước châu Âu hay Nam Mỹ hoặc Phi châu.
Dù là một ‘quốc gia’ nhỏ, Vatican có quan hệ chính thức hay không chính thức với hầu hết các quốc gia, tổ chức quốc tế trên thế giới.
Việc đón tiếp, đối thoại với những nhà lãnh đạo khác nhau – từ tổng thống của một cường quốc dân chủ như Mỹ đến tổng bí thư của một đảng cộng sản như Việt Nam – đòi hỏi không chỉ thời gian, sức khỏe mà cần có sự am hiểu tình hình cụ thể của mỗi nước, mỗi hoàn cảnh.
Là lãnh đạo một tôn giáo lớn, vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác cũng là một công việc quan trọng và đòi hỏi nhiều thiện chí và phải biết cân nhắc từng lời nói, cử chỉ nếu không sẽ tạo hiểu lầm, gây tranh cãi.
Vì nhu cầu mục vụ, vì muốn đến gặp gỡ, nâng đỡ con cái mình ở khắp năm châu và cũng vì được mời gọi dấn thân, cộng tác với các quốc gia, tổ chức khác nhau trong việc kiến tạo một thế giới hòa bình, nhân ái hơn, người đứng đầu Giáo hội cũng phải có những chuyến công du xa, dài ngày. Với một người ở tuổi 85 đó không phải là một chuyện dễ dàng.
Được bầu lên ngôi Giáo hoàng ở tuổi 78 và trong hơn bảy năm vừa qua, Giáo hội phải đương đầu với nhiều thách thức và trước một thế giới nhiều biến động, phức tạp, có thể hơn ai hết Ngài nhận ra rằng ở tuổi 85, Ngài không còn đủ nghị lực để chu toàn sứ vụ được trao phó cho mình.
Hơn nữa, Ngài cũng là một người rất khiêm nhường, nhạy cảm và thực tế. Do đó, Ngài hiểu ra và dám thừa nhận những giới hạn do tuổi tác gây nên.
Một yếu tố khác ít hay nhiều tác động đến chọn lựa của Ngài là Ngài rất gần gũi với Đức Giáo hoàng Jean Paul II – người đã phải đối diện với nhiều khó khăn trong công việc mục vụ trong những năm cuối đời vì bệnh tật và tuổi tác. Và có thể vì không muốn mình và cả Giáo hội rơi vào trường hợp tương tự, Ngài đã quyết định từ nhiệm.
Một số người coi Ngài là một người bảo thủ. Nhưng việc Ngài quyết định thoái vị, chấm dứt một truyền thống đã có hàng trăm năm cho thấy Ngài không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo bảo thủ. Trái lại, Ngài là con người có đầu óc cải cách.
Biết đâu quyết định hôm nay của Ngài sẽ tạo tiên đề để người kế nhiệm Ngài có những thay đổi hệ trọng giúp Giáo hội làm chứng và loan báo Tin Mừng một cách thích hợp hơn?

Đã có chỉ dấu từ nhiệm?

image
Người ta có thể từ chức trong một lúc thanh thản, hoặc khi không thể tiếp tục được nữa, chứ không thể tháo lui trong lúc nguy hiểm và nói ‘để cho người khác lo'"
Dù ngạc nhiên và không thể đoán trước được quyết định ngày hôm nay của Đức Giáo hoàng Benedict XVI. Nhưng nếu nhớ lại một số cử chỉ, hoạt động của Ngài trong thời gian qua, ít hay nhiều có thể thấy rằng quyết định ấy không phải hoàn toàn đến một cách bất ngờ.
Có không ít dấu chỉ cho thấy Ngài đã nghĩ tới cũng như chuẩn bị cho quyết định này từ trước.
Một bài viết của Dominique Greiner trên La Croix – một trong những tờ nhật báo lớn của Pháp – hôm 11/02 bình luận rằng, trong những tháng vừa qua Ngài đã cố gắng giải quyết dứt khoát những hồ sơ phức tạp – như vấn đề lạm dụng tính dục nơi một số linh mục – để giúp người kế nhiệm mình không còn phải bận tâm nhiều về những vấn đề đó.
Cũng theo bài viết này năm 2012, Ngài đã hai lần tấn phong hồng và đây có thể là một dấu chỉ cho thấy Ngài đang chuẩn bị cho một mật nghị hồng y hay mật viện bầu Giáo hoàng.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Peter Seewald người Đức năm 2010, khi được hỏi có bao giờ Đức Thánh Cha nghĩ đến việc từ chức hay không, Ngài đã trả lời rằng “khi có nguy hiểm thì không thể bỏ chạy, vì thế đây không phải là lúc từ chức [Ngài ám chỉ đến vấn đề lạm dụng tính dục và một hồ sơ phức tạp khác Giáo hội phải đương đầu lúc đó]. Chính trong lúc như thế cần phải đối diện và vượt thắng những khó khăn ấy”.
Vì theo Ngài, “người ta có thể từ chức trong một lúc thanh thản, hoặc khi không thể tiếp tục được nữa, chứ không thể tháo lui trong lúc nguy hiểm và nói ‘để cho người khác lo’”.
Điều đó cho thấy chuyện Ngài từ nhiệm là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt khi Ngài thấy không thể tiếp tục hay khi đã giải quyết xong những khó khăn Ngài phải đối diện.
Trong bài viết của mình Dominique Greiner cho rằng Ngài là một người tôi trung (serviteur fidèle) và luôn đón nhận sứ vụ của mình với một niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối. Và cũng với niềm tin, phó thác ấy Ngài đã cảm nhận được rằng sứ vụ của mình nay đã hoàn tất và đây là lúc để Ngài thoái lui.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là vào tháng Tư năm 2009, khi đến thăm L’Aquila sau trận động đất, Ngài đã đến cầu nguyện trước hài cốt của Thánh Celestine V – người được bầu làm Giáo hoàng vào năm 1294 khi ở tuổi 84 nhưng xin từ chức năm tháng sau đó vì cảm thấy mình không hợp với chức vụ ấy và sau đó sống cuộc sống ẩn dật, chiêm niệm, cầu nguyện.
Một cử chỉ gây chú ý lúc đó là việc ĐGH Benedict XVI đặt dây pallium mà Ngài mang trong ngày Ngài được tấn phong Giáo hoàng lên hòm chứa đựng di thể của Thánh Celestine V.
Vào tháng 7 năm 2010, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Thánh Celestine V, Ngài cũng đã đến thăm Sulmona, quê hương của thánh nhân.
Trong bài giảng hôm đó Ngài mời gọi giáo dân noi gương đời sống đơn sơ, khổ hạnh của Thánh Celestine V.
Những cử chỉ cho thấy Ngài rất mến mộ đời sống khiêm nhường, thánh thiện của Thánh Celestine V và cũng là dấu chỉ cho thấy Ngài muốn lấy một quyết định tương tự như người tiền nhiệm của mình đã làm cách đây hơn 600 năm.

Quan tâm tới Việt Nam

image
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến viếng thăm Vatican và tiếp kiến Đức Giáo hoàng Benedict XVI trong tháng 1/2013
Cũng giống như Đức Giáo hoàng Jean Paul II, được biết Đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã từng mong ước được đến thăm Việt Nam.
Và có thể nói trong thời Ngài làm Giáo hoàng, quan hệ giữa Vatican và nhà nước Việt Nam được cải thiện hơn.
Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên gặp một lãnh đạo cao cấp của chính quyền Cộng sản Việt Nam khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Vatican vào năm 2007.
Hai năm sau đó, Ngài tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ở Vatican và mới đây Ngài cũng đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Như vậy, trong hơn bảy năm tại vị, Ngài đã đón tiếp đến ba nhân vật chóp bu của chính quyền Việt Nam. Có thể nói hiếm có một quốc gia nào mà Ngài tiếp đón nhiều lãnh đạo cao cấp như vậy trong thời gian qua.
Dưới thời Ngài, Tòa Thánh cũng cố gắng – nếu không muốn nói là có chút nhân nhượng – để cải thiện quan hệ với chính quyền Việt Nam, tiến tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhưng với quyết định từ chức này, không chỉ Ngài không thể đến Việt Nam như mong ước mà những cố gắng, thiện chí nhằm nối quan hệ ngoại giao của Vatican trong những năm vừa qua cũng không trở thành hiện thực dưới triều đại của Ngài.
Có thể nói Vatican chưa đạt được những gì mong muốn trong những cố gắng cải thiện quan hệ với nhà nước Việt Nam.
Nhưng đối với chính quyền Việt Nam, chắc họ rất hài lòng về quan hệ với Vatican trong những năm vừa qua.
Không biết họ có hiểu trọn câu nói “một giáo dân tốt là một công dân tốt” – một lời nhắn nhủ đó của Đức Giáo hoàng Benedict XVI đối với giáo dân Việt Nam – nhưng xem ra câu nói ấy luôn được quan chức Việt Nam nhắc đến khi đề cập đến giáo dân Việt Nam hay quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội.
Được biết Đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã có một cuộc gặp riêng với ông Nguyễn Phú Trọng khi phái đoàn của ông tới thăm Vatican.
Chưa biết Đức Giáo hoàng nói gì với ông trong lúc đó, nhưng là người đã trực tiếp trao đổi với Đức Giáo hoàng ít hay nhiều chắc ông cũng suy nghĩ về quyết định thoái vị của Ngài.
Qua việc Ngài khiêm tốn thừa nhận những giới hạn của mình và chấp nhận rút lui, bất chấp một thông lệ tồn tại đến 600 năm, vì cảm thấy mình không còn thích ứng cho sứ vụ được giao phải chăng Ngài cũng muốn gửi một thông điệp đến những ai ham quyền cố vị hãy biết suy nghĩ, nên xem lại vai trò của mình và từ chức khi nhận ra rằng mình không còn khả năng, không còn thích hợp để lãnh đạo (đất nước hay tổ chức của mình).



Đoàn Xuân Lộc


 image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.