Friday, November 22, 2024

Cử tri chọn bảo thủ, ứng viên gốc Việt ai thắng ai thua?

 BM

Cuộc bầu cử đua vào chiếc ghế tại Quốc hội Hoa Kỳ đại diện địa hạt 45 tại California của hai ứng viên gốc Á, trong đó Derek Trần là người tị nạn gốc Việt, gay cấn đến phút chót.


Kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ ngày 5/11 vừa qua cho thấy đa số cử tri đã chọn đường hướng chính trị bảo thủ cho nước Mỹ trong bốn năm tới.


Ứng viên Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, đã chiến thắng với 312 phiếu đại cử tri và 76,7 triệu phiếu phổ thông (50%), trong khi phía Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris được 226 phiếu đại cử tri và 74,1 triệu phiếu phổ thông (48,3%).


Hai tuần sau ngày bầu cử, kết quả cũng cho thấy Đảng Cộng hòa đã chiếm đa số tại Thượng viện và Hạ viện. Như thế, ít nhất trong vòng hai năm từ 2025 đến 2027, lãnh đạo Cộng hòa sẽ đề xuất chương trình nghị sự và ban hành các chính sách từ di dân, y tế, giáo dục, an ninh cho đến đối ngoại. Nếu có thay đổi thì tháng 11/2026 sẽ bầu lại toàn thể 435 dân biểu Hạ viện và một phần ba, tức 33 nghị sĩ, Thượng viện.


Bảo thủ, cấp tiến, diều hâu hay bồ câu


BM

Sự kiện Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ hai đã không làm nổi lên làn sóng biểu tình phản đối như bầu cử 11/2016 khi ông thắng cử lần đầu. Khi đó, ngay sau khi các đài truyền hình đưa tin cho rằng Donald Trump đã thắng Hillary Clinton với số phiếu đại cử tri, nhưng thua phiếu bầu phổ thông thì tại nhiều thành phố từ New York qua California đã có biểu tình với hàng ngàn người xuống đường mang khẩu hiệu “He’s not my President.” – Ông ta không là tổng thống của tôi.


Tại thành phố Berkeley và trong khuôn viên đại học đã có mấy chục lần biểu tình chống Trump từ cuối năm 2016 cho đến năm 2019 và nhiều lúc đã có bạo động.


Năm nay tình hình California và trên toàn nước Mỹ sau ngày tổng tuyển cử rất yên tĩnh.


Tối 6/11, truyền hình địa phương KTVU-2 ở vùng Vịnh San Francisco đưa tin có vài chục sinh viên biểu tình trước Sproul Plaza, Đại học U.C. Berkeley và vài chục người khác xuống đường ở San Jose để bày tỏ quan ngại về chính sách trục xuất di dân, về người đồng tính và chuyển giới mà Donald Trump sẽ cho thi hành.


Mọi người đang chờ xem sau khi Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ hai nước Mỹ sẽ đi về đâu. Cử tri đã chọn đường hướng bảo thủ, nhưng bảo thủ đến mức nào, vì ngay cả trong nhiệm kỳ đầu, những hoạch định chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Trump không ai đoán trước được. Và đó là điều mà nhiều người cũng như lãnh đạo thế giới phải chú ý.

BM
Như nếp sinh hoạt chính trị Mỹ, đại diện cho đảng đối lập là Phó Tổng thống Kamala Harris đã phát biểu tại Đại học Howard sau khi chấp nhận thua cuộc, nhưng không từ bỏ những lý tưởng đã theo đuổi và tiếp tục “chiến đấu tại phòng phiếu, trước tòa và tại những quảng trường công cộng”.


Đầu năm 2017, khi vừa vào Nhà Trắng, hai pháp lệnh đầu tiên Tổng thống Donald Trump ký ban hành đã gây chấn động trong và ngoài nước, tạo ra làn sóng biểu tình phản đối nhiều nơi trên đất Mỹ. Một pháp lệnh cấm công dân của nhiều quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ và một pháp lệnh về đối ngoại, Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ đã cùng 11 nước ký hồi đầu năm 2016 tại New Zealand.


Với chủ trương America First, lo cho nước Mỹ trước đã, Tổng thống Trump muốn quân bình chính sách trao đổi mậu dịch với các quốc gia, mà TPP có mục đích giảm thuế nhập khẩu để hàng hóa nước ngoài ào ạt vào Mỹ, điều này không công bằng nên ông đã tăng cao mức thuế với nhiều mặt hàng từ khắp nơi trên thế giới nhập vào thị trường Mỹ. Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng nặng nhất và chính sách này còn kéo dài qua bốn năm của Tổng thống Dân chủ Joe Biden.


Quan hệ đóng băng với Trung Quốc từ đó. Hiện nay thêm sự kiện Nga xâm lăng Ukraine, xung đột vũ lực ở Trung Đông. Trump sẽ lãnh đạo Nước Mỹ như thế nào và có chính sách đối ngoại ra sao trong bốn năm tới, cả thế giới đang hồi hộp chờ xem.


Cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas trong Dải Gaza nay đã lan sang quốc gia láng giềng Lebanon ở phía bắc và có thể lan rộng trong khu vực. Chiến tranh ở Trung Đông, ở châu Âu mà Hoa Kỳ hiện ủng hộ Do Thái và Ukraine với cả trăm tỉ đô la viện trợ cũng là điều mà cử tri quan tâm trong ngày tổng tuyển cử 5/11 vừa qua.


Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam, có lúc lan sang Campuchia (1970), Lào (1971) và cuộc chiến ở Trung Đông, Ukraine hiện nay, theo tôi hai chính đảng Mỹ đã có quan điểm đảo ngược về việc ủng hộ hay chấm dứt chiến tranh.

BM
Bầu cử 1972, ứng viên Cộng hòa Richard Nixon tái tranh cử tổng thống với đối thủ là Thượng nghị sĩ Dân chủ George McGovern. Khi đó, quan điểm của Nixon là rút quân nhưng tiếp tục viện trợ quân sự để Việt Nam Cộng hòa chiến đấu chống cộng sản, còn McGovern muốn rút hết quân Mỹ cùng lúc chấm dứt viện trợ cho miền Nam Việt Nam.


Kết quả, Nixon đại thắng tại 49 tiểu bang, được 520 phiếu đại biểu cử tri và 60,7% phiếu phổ thông và McGovern được 17 phiếu đại cử tri và 37,5% phiếu phổ thông.

Bầu cử 2024, ứng viên Cộng hòa Donald Trump không muốn tiếp tục yểm trợ cho Ukraine, còn ứng viên Dân chủ Kamala Harris muốn Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho Ukraine chống Nga xâm lược.


Những tổng thống Dân chủ như Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama được xem như chủ hòa, còn tổng thống Cộng hòa như Ronald Reagan, George H.W. Bush (cha), George W. Bush (con) là chủ chiến.


Năm 1972, diều hâu là Cộng hòa và bồ câu là Dân chủ. Năm 2024, Dân chủ đã thành diều hâu và Cộng hòa thành bồ câu.


Trước đây giới quan sát chính trị thường nhận định rằng dù đảng nào lãnh đạo nước Mỹ thì chính sách đối ngoại đều giống nhau là vì quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ. Nay nhận định trên không còn chính xác, như đã thấy Donald Trump thắng cử và quyền lợi của Hoa Kỳ là “Make America Great Again” – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, không phải tạo ảnh hưởng ở nước ngoài.

BM
Với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đặc biệt là ở California nơi có đông người Việt sinh sống nhất cũng có người theo Dân chủ, người ủng hộ Cộng hòa và các ứng viên gốc Việt của hai đảng cũng có kẻ thắng, người thua trong kỳ bầu cử vừa qua.


Chiêu bài chống cộng hay thân cộng, ủng hộ hay chống Trung Quốc đã phảng phất trong cuộc vận động tranh cử giữa hai ứng viên gốc châu Á là Michelle Steel, gốc Hàn Quốc và Derek Trần, gốc tị nạn Việt Nam.


Bà Steel, 69 tuổi, là dân biểu đương nhiệm thuộc Đảng Cộng hòa, đại diện Địa hạt 45 bao gồm Quận Cam là thủ phủ của người Việt. Ông Trần, 44 tuổi, đại diện cho Đảng Dân chủ, là con của một gia đình tị nạn, là cựu chiến binh từng tham chiến ở Iraq và hiện là luật sư chuyên môn về luật lao động. Đây là lần đầu tiên ông tham gia ứng cử.


Vì là địa hạt dao động trong các kỳ bầu cử trước nên cuộc đua giữa Steel và Trần được xem là tốn kém nhất, lên đến mấy chục triệu USD, và những lãnh đạo cấp cao của cả hai đảng như cựu Tổng thống Bill Clinton, trưởng khối thiểu số Hạ viện Kareem Jeffries đã đến Quận Cam vận động cho Trần và bên Cộng hòa có Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đến vận động cho Steel.


Kết quả tính đến chiều ngày 21/11, Trần hơn Steel 480 phiếu trong số hơn 310.000 phiếu bầu đã kiểm và từ nay cho đến ngày tiểu bang chứng thực kết quả, phần thắng xem như thuộc về Trần. Theo báo Orange County Register, tuần này Trần đã có mặt tại thủ đô Washington để tham dự chương trình hướng dẫn cho các thành viên quốc hội vừa đắc cử lần đầu tiên.


Việc kiểm phiếu kéo dài đã trên hai tuần và còn tiếp tục là vì theo luật bầu cử của California, mọi cử tri đã ghi danh bầu cử đều nhận được phiếu bầu gửi đến nhà bốn tuần trước ngày 5/11. Với lá phiếu đó, cử tri có thể bầu chọn, xong đem bỏ vào các thùng phiếu của quận hạt, hay gửi qua đường bưu điện. Nếu phiếu gửi qua bưu điện có đóng dấu trước hoặc trong ngày 5/11 mà đến văn phòng bầu cử trong vòng 7 ngày, nghĩa là đến chậm nhất là 12/11, thì phiếu đó sẽ được đếm.

BM
Vì có nhiều phiếu bầu theo hình thức mail-in, tức cử tri không trực tiếp đến phòng phiếu, nên những lá phiếu đó phải được kiểm tra để xác minh chữ ký của cử tri.


Cũng còn những trường hợp cử tri mới dọn về khu vực đôi ba tháng và muốn tham gia bầu cử tại địa phương, những lá phiếu đó được cho là tạm thời, chờ kiểm tra địa chỉ và để biết một cử tri đã không bầu phiếu ở nơi khác.


Những việc làm đó rất tốn thời giờ và văn phòng tổ chức bầu cử của từng quận hạt muốn đảm bảo tính trung thực và toàn vẹn của kết quả bầu cử sau khi đã công bố. Vì thế rất ít khi các khiếu nại đếm phiếu lại sẽ làm thay đổi kết quả thắng thua giữa hai ứng cử viên dù cách biệt chỉ vài chục, có khi chỉ vài phiếu trong số cả trăm ngàn phiếu.


Kết quả của Địa hạt 45 tại khu vực Little Saigon, Quận Cam ngay sau ngày bầu cử Michelle Steel hơn Derek Trần 11.300 phiếu. Nhưng khi phiếu bầu mail-in được kiểm thì Derek Trần mỗi ngày càng rút ngắn cách biệt để đến cuối tuần qua bắt đầu vượt lên hơn Steel vài chục rồi vài trăm. Đến chiều ngày 21/11, số phiếu của Trần hơn Steel là 480 phiếu và còn khoảng 6.000 phiếu nữa cần kiểm tra.


Nếu Derek Trần tiếp tục hơn phiếu Steel, mà tôi tin là ông sẽ thắng, thì ông sẽ là dân biểu gốc Việt đầu tiên đại diện cho khu vực Little Saigon, Quận Cam. Đây là một dấu mốc lịch sử vì sau 50 năm định cư, lần đầu tiên thủ phủ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ có đại diện trong chính quyền liên bang.


Các ứng viên gốc Việt khác


BM

Một số ứng viên gốc Việt khác tại California thành công trong kỳ bầu cử 5/11 vừa qua có:


Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 10, vùng Sacramento: Stephanie Nguyễn (Dân chủ) tái thắng cử với 67,7% số phiếu.


Hạ viện tiểu bang, Địa hạt 70, Quận Cam: Trí Tạ (Cộng hòa) tái thắng cử với 54,7% số phiếu.


Giám sát viên Quận Cam, Đơn vị 1: Janet Nguyễn thắng với 61,2%, dù trước ngày bầu cử vài tuần ông Andrew Đỗ, giám sát viên đương nhiệm, đã phải từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ.


Giám sát viên Quận Santa Clara, Đơn vị 2 vùng San Jose: Betty Dương thắng với 53,4%. Chiến thắng của bà Dương ghi dấu lần đầu tiên có đại diện gốc Việt trong hội đồng giám sát quận hạt vùng San Jose, nơi có trên 100.000 cư dân gốc Việt sinh sống, đông thứ nhì ở California.


BM

Nhìn vào kết quả từ Quận Cam, dù Kamala Harris đạt 49,7 % số phiếu và Donald Trump đạt 47,1%, những ứng viên gốc Việt theo Đảng Cộng hòa vẫn đắc cử vào những chức vụ cao nhất, như Janet Nguyễn và Trí Tạ.


Ứng viên Cộng hòa Michelle Steel đang thua Derek Trần là thua ở khu vực thuộc quận hạt Los Angeles nơi Trần được 19.036 phiếu (56,2%) và Steel được 14.822 phiếu (43,8%). Còn trong phạm vi Quận Cam, Steel được 141.274 phiếu (50,7%) và Trần được 137.540 phiếu (49,3%).


So với kỳ bầu cử 2022 khi Michelle Steel đối đầu với ứng viên Dân chủ Jay Chen, tại khu vực thuộc quận hạt Los Angeles, Chen được 13.121 phiếu (57,75%) và Steel được 9.598 phiếu (42,25%), con số gần như giống kết quả năm nay. Tại Quận Cam, Steel đạt số phiếu 104.362 (53,6%) so với 90.345 phiếu (46,4%) cho Chen.


Những số liệu trên cho thấy có nhiều cử tri gốc Việt theo Đảng Cộng hòa ở Quận Cam, nơi có hai thành phố Garden Grove và Westminster với mật độ người Việt cao, đã chọn Derek Trần vì số phiếu cho Steel ở đây đã giảm từ 53,6% trong bầu cử 2022 xuống 50,7% trong bầu cử 5/11 vì nay có nhiều cử tri gốc Việt theo Dân chủ hơn.


Rất có thể tháng 11/2026 bầu cử tại Địa hạt 45 sẽ là cuộc chạy đua giữa Cộng hòa Janet Nguyễn và Dân chủ Derek Trần. Khi đó thì dù ai thắng, người Việt ở Quận Cam vẫn có đại diện trong Hạ viện Hoa Kỳ.


BM

Cuộc tranh cử chức thị trưởng Garden Grove cũng cần quan tâm phân tích kết quả. Có tất cả 7 ứng viên, trong đó có 4 gốc Việt, kết quả như sau:


·        Stephanie Klopfenstein: 15.585 phiếu, 27,02%

·        Diedre Thu-Ha Nguyen: 14.209 phiếu, 24,63%

·        Lan Nguyen: 10.055 phiếu, 17,43%

·        Phat Bui: 7.693 phiếu, 13,34%

·        John R. O'Neill: 7.365 phiếu, 12,77%

·        Musaab B. Mughal: 1.451 phiếu, 2,52%

·        Thomas Thai Nguyen: 1.329 phiếu, 2,30%


Như vậy, người về nhất Stephanie Klopfenstein, đang là nghị viên thành phố, sẽ là thị trưởng của Garden Grove.


Thành phố này có 170.000 dân, 42% gốc châu Á mà đại đa số là người Việt. Trong hội đồng thành phố với 7 nghị viên, hiện có 3 gốc Việt. Nhìn vào kết quả trên, nếu chỉ có một hoặc hai ứng viên gốc Việt, thay vì 4, thì cơ hội cho người Việt nắm chức thị trưởng sẽ rất cao. Rõ ràng đã có tình trạng chia phiếu vì quá nhiều ứng viên gốc Việt.


Garden Grove, cùng với Westminster, là hai thành phố mà nhiều chính trị gia gốc Việt tại Quận Cam đã đặt bước chân đầu tiên vào chính trường Hoa Kỳ, trong đó có Janet Nguyễn, Trần Thái Văn, Diedre Thu-Ha Nguyễn, Trí Tạ.




Bùi Văn Phú


BM
Hàng loạt khách du lịch tử vong nghi 'ngộ độc rượu' ở Lào
Nga bắn thử một phi đạn tầm trung mới vào Ukraine
Chông Chênh Phận Người
Năng lượng hạt nhân đang hồi sinh?
Musk và Ramaswamy vạch ra tầm nhìn về DOGE
Mùa Đông nguyên tử… Đang đến gần nhân loại?
Tên lửa Anh-Pháp được bắn vào Nga
Nhóm phụ nữ Việt Nam điều hành 2 động mại dâm
Học sinh ngoại quốc lo lắng về hạn mức thị thực của Úc
Bộ Tư pháp không truy tố Merrick Garland
Du thuyền 'trốn chạy' nhiệm kỳ Donald Trump
Vì sao Trung cộng liên tục xảy ra những vụ tàn sát hàng loạt?
Waymo đưa taxi robot tự lái ra phục vụ công chúng ở Los Angeles
Nước Mỹ trao quyền lực từ tổng thống này sang tổng thống kia ra sao?
Việt Nam nên từ bỏ ‘xây dựng con người xã hội chủ nghĩa’
Chính phủ Mỹ cáo buộc người đàn ông Việt Nam rửa tiền gần 70 triệu USD
Thông điệp của Dân Mỹ
Tâm lý ảnh hưởng đến tuổi thọ
Cái giá phải trả khi chạy trốn cuộc chiến của Putin
1.000 ngày Nga xâm lược Ukraine

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.