Đó là kỷ niệm đẹp đầu tiên về đời sống trong ở một nước tự do dân chủ. Cảnh sát không phải chỉ lo hỏi giấy tờ, biên phạt và còng tay, mà còn lo giúp đỡ người dân khi cần thiết. Qua sống ở California, nước Mỹ, tôi còn nhờ cậy cảnh sát Thị xã Fountain Valley nhiều lần khác. Mỗi lần cả gia đình đi du lịch, tôi lại tới sở Cảnh sát viết tờ giấy “gửi nhà” cho họ coi chừng – mẫu giấy đã in sẵn. Ngày trở về, có ông cảnh sát già tới trao cho tôi tờ giấy kê khai tên các cảnh sát viên đã tới ngó chừng căn nhà, ngày giờ nào, với nhận xét: “Không có gì khả nghi.” Một ông còn ghi thêm lời khuyên: “Nên bỏ sợi dây kẽm mắc qua lối đi. Nguy hiểm!” Tôi nghe lời, đổi sợi dây phơi quần áo qua chỗ khác.
Khi qua ở căn nhà mới, một buổi sáng tôi mở garage thấy một chiếc xe đậu ngay trước cửa. Một anh cảnh sát trẻ đang đứng phía sau, ghi số xe. Theo luật ở đây, xe đậu ngăn trước garage đều bị phạt, dù là xe của chủ nhà. Người cảnh sát viên hỏi: Có phải xe ông không? Tôi đáp: Không. Lại hỏi: Ông muốn tôi biên phạt không? Tôi lắc đầu: Thôi, tha cho nó, chắc xe của người hàng xóm nào vội vã. Ông đồng ý, nói sẽ chỉ gắn giấy cảnh cáo. Đang nói chuyện thì một cô gái chạy tới, xin lỗi rối rít rồi lái xe đi.
Tôi đã gặp những cảnh sát viên tốt bụng, nhưng chưa có thể so sánh với một chú bé ở tiểu bang Wisconsin mới được bản tin ABC News kể chuyện, ngày Thứ Sáu, 22 tháng 11 năm 2024 vừa rồi. Trước đó một tuần, ngày 15 tháng 11, có người gọi vào hệ thống “điện thoại cấp cứu, 911” ở quận Shawano. Cô Kim Krause đang phụ trách, cầm máy nghe, người gọi là một cậu học sinh 10 tuổi, lúng túng xin lỗi:
“Đây không phải là một vụ cấp cứu. Cháu chỉ cần có người giúp giải một bài toán cho về nhà làm. Bài toán lớp 8. Cháu xin lỗi làm mất thời gian của cô.” Cảnh sát cuộc quận Shawano công bố bản ghi âm cuộc điện đàm như vậy.
Cô Krause đáp: “À, à, cô không giỏi toán lắm, cưng ơi, nhưng cô sẽ cố thử. Bài toán thế nào?” Cậu bé đọc cho cô Krause nghe câu hỏi trong đề toán: “Chia một số cho 10 thì cũng giống như tìm một phần mười của con số đó. Em hãy viết một câu tương tự như câu này, với các chữ ‘một phần mười của’ hay chữ ‘mười lần,’ áp dụng cho số 1,000.”
Nghe đọc đề toán xong, cô Krause chịu thua: “Oh! Cái vụ này thì cô ‘no good’!”
Ông Lenzner kể: “Bình thường, đây không phải là chuyện chúng tôi làm, nhưng lúc đó Mason đang ở gần đây và anh ta cũng không bận việc nào khác. Thế là anh ghé qua.” Cảnh sát viên Chase Mason có mặt, đúng lúc! Mason là cha dượng của con riêng của vợ, con riêng cỡ 10 tuổi, … cho nên anh sẵn sàng ngồi xuống giúp cậu bé giải bài toán.
“May mắn quá, mọi chuyện kết thúc tốt đẹp!” Ông Lenzner nói, ông rất hãnh diện vì ông Mason đã giúp được một học sinh. “Cảnh sát ở đây là để giúp bà con, nhất là các thanh thiếu niên,” ông Lenzner nói. “Tôi không muốn giới trẻ sợ các nhân viên công lực. Tôi muốn từ nay họ tiếp tục nghĩ rằng các cảnh sát viên có mặt để giúp họ.”
Ông Lenzner kể thêm rằng các cảnh sát và nhân viên của ông vẫn thường giúp mọi người, ngay cả trong những trường hợp không khẩn cấp, thí dụ như mùa Đông thì xúc tuyết dọn lối xe vào garage, có khi giúp bà con lắp, gắn cái hộp đựng thư trước cửa. Đầu tuần sau đó, sở Cảnh sát quận Shawano đã đưa cả câu chuyện lên trang Facebook của họ.
Cảnh sát ở các nước tự do dân chủ như Canada và Mỹ, họ tử tế với dân như vậy.
Ở nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì khác. Nếu có ai vào Google viết mấy chữ “công an đánh chết người” rồi bấm “Enter” để hỏi, sẽ thấy xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan.
Thử một lần, quý độc giả có thể đọc bản tin anh Vũ Minh Đức, 31 tuổi, ở Thành phố Biên Hoà, bị gọi lên “làm việc với công an huyện Long Thành, ngày 22 tháng 3 vừa qua.” Theo báo Pháp Luật, đến 3 giờ chiều, vợ anh Đức nghe công an gọi đến trụ sở ký giấy tờ. Gia đình anh được dẫn tới Bệnh viện Chợ Rẫy, chờ bên ngoài. Đến 10 giờ đêm họ báo tin anh đã chết. Thân nhân nhìn thấy thi thể anh Đức “có nhiều vết bầm tím trên ngực, hai bên đùi bị tím đen,” tờ báo thuật lại.
Nhìn xuống dưới, quý vị có thể thấy bản tin trên báo Tuổi Trẻ, kể chuyện “tổ tuần tra” quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ “phát hiện” anh Nguyễn Chí Hiếu, 30 tuổi, “chạy xe trên đường Tôn Đức Thắng” từ Ô Môn Bình Thủy, “có biểu hiện say xỉn,” bèn tốp lại.
Theo lời cảnh sát, anh Hiếu không chịu cho cảnh sát đo độ rượu trong máu, cũng không chịu ký tên vào biên bản. Bản tin kể hai anh công an “Bùi Đức Nghĩa và Nguyễn Tuấn Anh bực tức nhào đến đánh nhiều lần vào mặt, bụng của anh Hiếu.” Khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, anh Hiếu qua đời.
Các cháu bé 10 tuổi ở nước ta chắc không bao giờ dám gọi tới sở công an nhờ làm giúp một bài toán. Điện thoại vào, có thể gọi trúng những vị như các ông Bùi Đức Nghĩa và Nguyễn Tuấn Anh, bố mẹ các cháu sẽ mang tai họa.
Ngô Nhân Dụng
***
Tản mạn: cảnh sát Tây, cảnh sát Ta
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.