Ông Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đánh dấu một cuộc tái xuất lịch sử, sau khi đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris.
Không phải là sự kiện khiến nhiều người hồi hộp mong chờ - không giống như cuộc kiểm phiếu vật vã vào năm 2020, ông Donald Trump giữ thế dẫn đầu ngay từ đầu, với đa số người Mỹ ở các bang chiến trường quan trọng bỏ phiếu cho ông.
Bà Kamala Harris, người giành được đề cử từ Đảng Dân chủ khi tổng thống đương nhiệm Joe Biden bỏ cuộc vào tháng 7, là nữ ứng viên tổng thống thứ hai thua ông Donald Trump, sau khi bà Hillary Clinton thất bại vào năm 2016.
Chúng ta hãy cùng xem xét năm lý do khiến Kamala Harris thua Donald Trump.
Kinh tế
Bất chấp tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường chứng khoán vững mạnh, hầu hết người dân Mỹ cho biết họ đang lãnh hậu quả từ tình trạng giá cả leo thang và kinh tế là mối bận tâm lớn đối với các cử tri.
Sau đại dịch Covid, lạm phát tăng lên mức chưa từng thấy kể từ những năm 1970 đã tạo cơ hội cho ông Trump đặt câu hỏi đanh thép: "Giờ quý vị có sung túc hơn bốn năm trước hay không?"
Trong năm 2024, người dân trên toàn thế giới đã có vài lần hạ bệ đảng cầm quyền, với nguyên nhân thường xuất phát từ chi phí sinh hoạt cao thời kỳ hậu đại dịch Covid. Cử tri Mỹ dường như cũng khát khao sự thay đổi.
Tính trong bốn người Mỹ thì chỉ có một người hài lòng với định hướng của quốc gia và hai trong số ba người có quan điểm bi quan về nền kinh tế.
"Lạm phát - một phần gia tăng từ các chương trình chi tiêu quy mô lớn của ông Biden - vẫn còn là một vấn đề dai dẳng và tâm lý cử tri về chương trình hành động của Biden tiếp tục bị ghi nhận ở mức tiêu cực nghiêm trọng, khiến ứng viên Harris gặp nhiều khó khăn," Michael Hirsh, chuyên gia phân tích từ chuyên trang Foreign Policy, đánh giá.
Hơn 50% số cử tri nói họ ủng hộ Trump hơn Harris, khi xét đến năng lực điều hành kinh tế - theo đó, 31% cử tri cho biết đây là vấn đề hàng đầu của họ, theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu được đài CNN tiến hành.
Ông Biden không được lòng dân
Bà Harris tự định vị mình là ứng viên tổng thống tạo sự thay đổi, nhưng với vai trò là phó tổng thống của Joe Biden, bà đã phải chật vật trong việc tách biệt khỏi người sếp của bà. Trong khi đó, ông Biden chỉ có tỷ lệ ủng hộ của người dân ở mức khoảng 40% trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống.
Mặc dù vậy, bà Harris vẫn trung thành với ông Biden, ngay cả khi người Mỹ thể hiện sự bất bình liên quan đến cách ông xử lý lạm phát và cuộc khủng hoảng biên giới giữa Mỹ-Mexico.
Theo các nhà phân tích chính trị, một ví dụ điển hình về chuyện này đã bộc lộ khi bà Harris xuất hiện trên chương trình The View của đài ABC hồi tháng trước.
Nhiều người nhận định đây là một cơ hội để Harris tự giới thiệu mình với những người Mỹ chưa biết rõ lý lịch của bà.
Ấy thế mà ứng viên từ Đảng Dân chủ đã chật vật trong việc giải thích bà sẽ khác với Tổng thống Biden thế nào và thừa nhận "tôi không nghĩ ra được sự khác biệt nào".
Ông David Axelrod, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, gọi buổi nói chuyện trên đài ABC này - sau đó được sử dụng trong quảng cáo chiến dịch tranh cử của Trump - là một "thảm họa" đối với ứng viên từ Đảng Dân chủ.
Một chuyên viên chính trị của Đảng Dân chủ tại thủ đô Washington DC đã nói với phóng viên Ione Wells của BBC rằng đảng này "cần phải thải loại những kẻ kiêu ngạo theo chủ nghĩa tinh hoa ở Washington DC để có sự khởi đầu mới".
Còn những người khác, trong lúc ca ngợi những nỗ lực của chiến dịch tranh cử, cảm thấy đảng này có "vấn đề về hình ảnh", đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề như chi phí sinh hoạt đè nặng lên tâm trí cử tri.
"Sự tuyệt vọng này của Đảng Dân chủ làm tôi nhớ đến một cuộc trò chuyện của mình với một đảng viên Cộng hòa trong một cuộc mít tinh của Trump," phóng viên Wells nói.
"Ông ấy nói rằng ứng viên tổng thống từ Đảng Cộng hòa đã hoàn toàn 'định hình lại' đảng này, thoát khỏi hình ảnh câu lạc bộ đồng quê để thu hút các gia đình thuộc tầng lớp lao động, trong khi Đảng Dân chủ đã trở thành 'đảng của Hollywood'".
Các vấn đề xã hội
Ngoài chủ đề kinh tế, các cuộc bầu cử còn thường được định hình bởi các vấn đề mang tính cảm xúc.
Đảng Dân chủ đang dựa vào quyền phá thai để tác động đến các cử tri, trong khi ông Trump lại đặt cược vào vấn đề nhập cư.
Theo một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện, số vụ đối mặt với người nhập cư ở biên giới tăng cao kỷ lục trong thời kỳ chính quyền tổng thống của ông Biden và tác động của vấn đề nhập cư ở các bang xa biên giới đã khiến cử tri tin tưởng Trump hơn về vấn đề này.
Trong khi đó, bà Kamala Harris đã vận động mạnh mẽ để khôi phục quyền tiếp cận phá thai và giành được thế dẫn đầu vững chắc 54% so với 44% trong số các cử tri nữ, theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu của công ty Edison Research.
Tuy nhiên, đây là một sự chênh lệch ít hơn so với tỷ lệ dẫn trước ở mức 57% so với mức 42% của ông Biden đối với phụ nữ vào năm 2020.
Còn đối với Trump, 54% những người ủng hộ ông là nam giới, trong khi 44% là phụ nữ.
Cuối cùng thì vấn đề về quyền phá thai không có tác động mạnh mẽ như năm 2022, khi Đảng Dân chủ có màn thể hiện tốt hơn mong đợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Sử gia người Mỹ gốc Anh Niall Ferguson, thành viên cấp cao tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, cho biết cử tri Mỹ đã "dứt khoát nói không đối với các chính sách trong bốn năm qua".
Ông lập luận rằng người Mỹ đã quay lưng lại với các chính sách kinh tế thất bại khiến lạm phát tăng vọt, một chính sách đối ngoại dẫn đến chiến tranh ở Trung Đông và một chương trình nghị sự xã hội thường được dán nhãn là "thức tỉnh" (woke).
"Trong nhiều hình thức cấp tiến khác nhau của Đảng Dân chủ, chương trình nghị sự này không chỉ xa lạ với người Mỹ da trắng, người Mỹ thuộc tầng lớp lao động, mà cả người Mỹ Latinh, người gốc Tây Ban Nha-Latinh, mà còn xa rời với người dân trên khắp đất nước," ông Niall Ferguson nói.
"Đảng Dân chủ đã nhận được một thông điệp rõ ràng: Người dân Mỹ không muốn những chính sách này. Họ muốn hòa bình thông qua sức mạnh và sự thịnh vượng mà không có lạm phát. Họ chắc chắn không muốn những người 'theo chủ nghĩa thức tỉnh' nằm trong các chính sách xã hội".
Kém thu hút cử tri da đen và Mỹ Latinh
Hành trình trở lại Nhà Trắng của Donald Trump trở nên chắc chắn sau khi ông gom được 19 phiếu đại cử tri tại Pennsylvania - một bang mà Đảng Dân chủ chỉ thua có một lần kể từ năm 1988, khi ông Trump đánh bại Hillary Clinton vào năm 2016.
Ban tranh cử của bà Harris đã đổ nguồn lực vào các bang chiến trường Vành đai Mặt trời (Sun Belt) như Arizona, Nevada, Georgia và Bắc Carolina, với hy vọng giành được sự ủng hộ của những đảng viên Cộng hòa ôn hòa và những người theo trường phái độc lập, vốn thất vọng vì sự chia rẽ trong thời đại Trump. Tuy nhiên, khoản đầu tư đó đã không sinh lời.
Sự ủng hộ thường thấy của Đảng Dân chủ trong số các cử tri da đen, người Mỹ Latinh và trẻ tuổi đã bị chia nhỏ và trong khi Harris vẫn duy trì được một số sự ủng hộ ở các vùng ngoại ô với cử tri có trình độ đại học, điều này vẫn không đủ để bù đắp cho những gì mà ông Trump giành được tại các thành trì của Đảng Dân chủ.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau bỏ phiếu do công ty Edison Research tiến hành cho thấy bà Harris giành được 86% số phiếu của cử tri da đen so với 12% của Đảng Cộng hòa và 53% số phiếu của cử tri gốc Latinh so với 45% của Đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, vào năm 2020, biên độ của Biden cao hơn, khi giành được 87% số phiếu của cử tri da đen và 65% số phiếu của cử tri gốc Mỹ Latinh.
Trong một chuyển biến quan trọng, ông Trump đã giành được thêm nhiều phiếu nhất trong số những cử tri là nam giới gốc Mỹ Latinh, giành được 54% hơn mức 44% của Harris, so với chiến thắng 59% so với 36% của ông Biden trong cùng nhóm cử tri này vào năm 2020.
Khi so với chiến thắng của ông Biden vào năm 2020, thành tích của bà Harris cũng kém hơn ở các hạt nông thôn mà Đảng Cộng hòa áp đảo, tụt xuống ngang mức ủng hộ dành cho bà Hilary Clinton vào năm 2016.
Tập trung quá mức vào Trump
Giống như những gì bà Hillary Clinton đã thực hiện vào năm 2016, bà Harris tập trung nhiều vào sự không phù hợp của Donald Trump đối với chức danh tổng thống.
Ngay từ đầu, bà Harris đã định vị cuộc đua vào Nhà Trắng như một cuộc trưng cầu dân ý về Trump.
Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, bà Harris đã tăng cường lời lẽ công kích ông Trump, gọi đối thủ là "kẻ phát xít", "thần kinh", "bất ổn", dẫn tuyên bố của cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, về việc Trump được xem là ngưỡng mộ Hitler.
Bà Harris định hình cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là đấu tranh cho nền dân chủ, lặp lại cách tiếp cận của ông Biden trước khi tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ tuyên bố rời khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 7.
"Kamala Harris đã thua cuộc khi chỉ tập trung gần như hoàn toàn vào việc công kích Donald Trump," nhà thăm dò ý kiến Frank Luntz đăng trên mạng xã hội X.
"Các cử tri đã biết Trump; họ muốn biết thêm về các kế hoạch của Harris trong những ngày đầu tiên và năm đầu tiên tại nhiệm."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.