Cụ thể, Tổng thống Biden vắng mặt năm thứ hai liên tiếp tại Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ (thuộc khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45) hôm 11/10. Thay vào đó, Ngoại trưởng Antony Blinken là người đại diện Mỹ tham dự.
Một số nhà phân tích đánh giá đây thậm chí là một "bước lùi" so với năm 2023 khi ông Biden cử ngoại trưởng thay vì phó tổng thống như năm ngoái.
Cũng theo giới phân tích, Mỹ có lý do chính đáng cho động thái này vì Phó Tổng thống Kamala Harris đang ở chặng nước rút của cuộc tranh cử năm nay, và ngày bầu cử 5/11 thì đang cận kề. Tuy nhiên, ông Biden có lịch trình đi Đức và Angola cùng khoảng thời gian với Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ (dù sau đó ông đã hoãn chuyến thăm do siêu bão Milton đổ bộ vào bang Florida) khiến các chuyên gia nghi ngờ sự ưu tiên ngoại giao của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.
Nhà nghiên cứu cấp cao Joanne Lin, từ Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore, nhận định trên trang Fulcrum rằng hành động của Washington cho thấy ASEAN vẫn bị xếp sau trong các tính toán địa chính trị rộng lớn hơn của Mỹ.
Học giả Joshua Kurlantzick, từ tổ chức Council on Foreign Relations chuyên về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ, chia sẻ quan sát của mình trên trang web của tổ chức rằng có nhiều dấu hiệu chỉ ra Trung cộng đang chiếm ưu thế theo nhiều cách khác nhau ở hầu hết các nước trong khu vực, ngoại trừ Philippines.
Nhiều tổ chức nghiên cứu đồng ý rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung cộng giúp giải quyết các nhu cầu phát triển của khu vực Đông Nam Á và làm sâu sắc thêm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh, dù còn nhiều tranh cãi.
Các dự án nổi bật của BRI có thể kể đến Đường sắt Trung cộng-Lào, Đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung hay Đường sắt Trung cộng-Thái Lan.
Hồi đầu tháng 4/2024, Viện ISEAS – Yusof Ishak công bố một khảo sát cho thấy nếu ASEAN phải chọn phe, thì 50.55% số người được hỏi chọn Trung cộng và còn lại trả lời là Mỹ.
Điều này đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh vượt qua Washington tính từ khi khảo sát thường niên này được tiến hành vào năm 2020.
Khi cuộc bầu cử 2024 dần ngã ngũ, liệu vị tổng thống Mỹ thứ 47 có thể đảo chiều xu hướng này, nhất là khi Đông Nam Á thường được xem như trụ cột quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, và ASEAN chính là trọng tâm trong nỗ lực "hướng sang châu Á" mà cựu Tổng thống Barack Obama đã triển khai?
Bên cạnh đó, chủ nhân mới của Nhà Trắng có thể tác động gì đến tình hình Biển Đông hiện nay - một trong những tuyến biển thương mại quan trọng nhất thế giới, đồng thời là nơi xảy ra nhiều xung đột hàng đầu khu vực?
Tác động gì tới Đông Nam Á?
Một số học giả chỉ ra thương mại là một trong những lý do chính khiến Đông Nam Á có xu hướng "xa Mỹ, gần Trung" trong những năm gần đây.
Sự vắng mặt của Mỹ trong các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và sự rút lui của Mỹ khỏi chủ nghĩa đa phương kinh tế đã tạo ra một khoảng trống mà Trung cộng nhanh chóng lấp đầy.
Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (IPEF) do Tổng thống Biden khởi xướng bị đánh giá chưa đạt được nhiều tiến triển do thiếu tiếp cận thị trường.
Ở chiều ngược lại, Trung cộng từ lâu đã hiểu tầm quan trọng của ASEAN là đối tác trong hội nhập kinh tế và quản trị khu vực, và đã định vị mình là một đối tác không thể thiếu.
Và một số nước Đông Nam Á, vốn đã phụ thuộc rất lớn vào Trung cộng về thương mại và đôi khi là viện trợ, đầu tư, đã trở nên thất vọng vì thiếu một chính sách thương mại thống nhất của Mỹ đối với châu Á trong bốn năm qua, theo lời nhà nghiên cứu Joshua Kurlantzick.
Nhưng liệu điều đó có nghĩa phía Mỹ cũng đang "bỏ rơi" Đông Nam Á?
Tiến sĩ Satoru Nagao chuyên về an ninh, quốc phòng, ngoại giao từ Viện Hudson ở Washington DC, Mỹ cho rằng Mỹ thực tế vẫn quan tâm khu vực này.
Ông nói: "Lịch sử Hoa Kỳ chỉ ra rằng ưu tiên của chính sách của Mỹ là cạnh tranh với Trung cộng. Trong 250 năm qua, Mỹ không cho phép bất kỳ đối thủ nào, bao gồm Đức, Nhật Bản và Liên Xô, tồn tại."
Ông không cho rằng việc không tham dự các hội nghị ASEAN là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang "bỏ rơi" Đông Nam Á. Ông viện dẫn các đời tổng thống trước đó, dù Dân chủ hay Cộng hòa, cũng không tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN thường xuyên.
Tổng thống Joe Biden gọi Trung cộng là "đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất" (most serious competitor), ngụ ý rằng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung cộng là "một mất, một còn". Và do đó, các vị tổng thống mới sẽ không làm ngơ trước sàn đấu Đông Nam Á - trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo ông Nagao.
Tuy vậy, cách tiếp cận giữa hai chính đảng ở Mỹ đối với các nước Đông Nam Á có những khác biệt nhất định, chuyên gia từ Viện Hudson nhận định.
Khi một tổng thống Mỹ mới nhậm chức, các lãnh đạo trên khắp chính phủ liên bang sẽ thay đổi. Khoảng 4.000 nhân viên có thể bị thay thế và có tới 400 cơ quan chính phủ có khả năng chào đón lãnh đạo mới.
"Do đó, Dân chủ hay Cộng hòa chiến thắng là một vấn đề lớn."
Tiến sĩ Nagao dự báo hai ứng viên tổng thống sẽ có hai cách tiếp cận khu vực này khác nhau.
Trong khi bà Harris có thể kế thừa chính sách ông Biden nhằm duy trì, phát triển các khuôn khổ đa phương hiện nay thì chính quyền Trump lần thứ hai có khả năng tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ, hợp tác song phương.
"Một sự khác biệt thú vị khác giữa Dân chủ và Cộng hòa là hệ tư tưởng. Dưới thời chính quyền Biden, dân chủ hay sự độc tài là chủ đề chính. Những người ủng hộ Đảng Dân chủ chỉ trích mức độ dân chủ của các nước Đông Nam Á và Ấn Độ,... " theo ông Nagao.
Về phía Cộng hòa, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trump trên cương vị tổng thống là đến Ả Rập Xê Út vào tháng 5/2017. Ở Đông Nam Á, ông thúc đẩy hợp tác quốc phòng, thương mại với Việt Nam và đã đến thăm Việt Nam.
"Chính quyền Trump không quan tâm tới hệ tư tưởng. Cả hai nước này đều không phải là các quốc gia dân chủ. Về phía các nước Đông Nam Á, họ có thể cũng sẽ thấy dễ dàng hơn khi làm việc với ông Trump."
Chia sẻ cùng quan điểm với ông Satoru Nagao, bà Trần Thị Mộng Tuyền từ Pacific Forum, nhà nghiên cứu tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, bình luận rằng tầm quan trọng của Đông Nam Á khó có thể tách rời khỏi chính sách của Mỹ nhưng mức độ ưu tiên của hai ứng viên tổng thống có thể khác nhau.
Bà Tuyền cho rằng Phó Tổng thống Harris có thể giúp củng cố vai trò của ASEAN hơn khi đã có sự gắn bó với Đông Nam Á qua nhiều chuyến thăm.
Phó Tổng thống Harris trong bốn năm qua đã đến Đông Nam Á ba lần và tới năm quốc gia, bao gồm Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Singapore và Indonesia.
"Nếu Trump tái đắc cử thì có khả năng đặt mức ưu tiên đối với khu vực này tương đối thấp. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump có cách tiếp cận thương mại mang tính dân tộc chủ nghĩa, điều này trái ngược rõ rệt với sự hội nhập kinh tế đang diễn ra ở khu vực," bà Tuyền nói.
"Nhưng dù gì đi nữa, sự ảnh hưởng của Mỹ lớn hay bé là tùy thuộc vào mỗi quốc gia," ông Nagao kết luận.
Về Biển Đông
Biển Đông là tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm.
Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông bằng, xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia ven bờ, bao gồm Việt Nam.
Philippines, Brunei, Malaysia hay Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền liên quan đến vùng biển này.
Đây là khu vực đang chứng kiến sự leo thang căng thẳng, đặc biệt giữa Trung cộng và Philippines.
Mối quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, dù được đánh giá ôn hòa hơn Manila-Bắc Kinh, nhưng vẫn xảy ra mâu thuẫn trong thời gian gần đây.
Đơn cử, cuối tháng 9/2024, lực lượng thực thi pháp luật của Trung cộng trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) "trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".
Bình luận về vai trò của vị tổng thống mới của Mỹ đến thế cục Biển Đông, Tiến sĩ Benjamin Sacks chuyên về địa chính trị từ Rand Corporation trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 31/10:
"Bất kể Dân chủ hay Cộng hòa lên nắm quyền, Biển Đông vẫn sẽ là một trong những mặt trận ưu tiên của chính phủ Mỹ, và họ sẽ tập trung giảm thiểu căng thẳng ở đây. Cả chính quyền hiện tại lẫn chính quyền trước đó đã tuyên bố rằng họ sẽ bảo vệ Philippines và các đồng minh và đối tác ven biển khác khỏi các hoạt động hàng hải hung hăng, bất hợp pháp của Trung cộng."
"Nhưng đó là 'một trong những' chứ không phải sự ưu tiên duy nhất," ông lưu ý.
Điều đáng bàn ở đây, theo ông Sacks, là chính quyền ông Trump và chính quyền bà Harris sẽ có cách tiếp cận tình hình ở khu vực này ra sao.
"Tôi nghĩ bà Harris, nếu được bầu làm tổng thống người Mỹ gốc Á đầu tiên của Mỹ (mẹ bà Harris là người Ấn Độ), sẽ tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận đa phương, đồng thời tăng cường mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á và gây sức ép buộc Trung cộng phải đàm phán đa phương với họ.
"Còn quá sớm để nói liệu Harris sẽ theo đuổi cách tiếp cận 'mạnh hơn' hay 'yếu hơn' so với ông Biden. Trong các bài phát biểu trước công chúng, Harris đã nhắc lại cam kết của Biden trong việc thực thi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bảo vệ lợi ích của tất cả các quốc gia ở Biển Đông để đối đầu với cái gọi là "đường 10 đoạn" của Trung cộng.
"Bà cũng cam kết duy trì sự hiện diện đáng kể của Mỹ trong khu vực thông qua các Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) cũng như luân phiên các lực lượng vũ trang của Mỹ ở Philippines."
Ông Sacks đánh giá chính quyền bà Harris có thể giúp tiến triển Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông giữa ASEAN và Trung cộng vốn dây dưa không hồi kết hơn 10 năm nay.
"Nếu ông Trump thắng cử, một mặt, tôi nghĩ sẽ có sự tiếp tục chính sách đã có dưới chính quyền Trump đầu tiên và chính quyền Biden hiện nay: tiếp tục nỗ lực ngăn chặn một Trung cộng hung hăng tích cực tìm cách phá hoại trật tự dựa trên luật lệ hiện có ở Biển Đông.
"Việc Trung cộng tuyên bố chủ quyền để kiểm soát tuyến thương mại khổng lồ, giao thông hàng hải và nguồn tài nguyên đánh bắt cá và hydrocarbon khổng lồ đều vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)."
Nhưng mặt khác, theo Tiến sĩ Benjamin Sacks, chính quyền Trump đầu tiên nhìn chung phản ánh mô hình “nước Mỹ trên hết” của ông.
Đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa cô lập của Mỹ; một xu hướng ủng hộ các cuộc đàm phán song phương trực tiếp, có tính chất giao dịch với các đối thủ (điều mà Bắc Kinh cũng thích) hơn là ngoại giao đa phương (bao gồm ưu tiên các nỗ lực phát triển mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình); một niềm tin rằng Washington đang hỗ trợ quá mức cho các đồng minh và đối tác truyền thống và các tổ chức như NATO; cùng với các quyết định, hành động không chắc chắn và/hoặc bất ngờ.
"Đối với Biển Đông, tôi nghĩ chính quyền Trump thứ hai sẽ tiếp tục các hoạt động này: tìm cách răn đe Trung cộng, đồng thời đàm phán một số loại 'thỏa thuận' giao dịch có thể tác động đến các quốc gia Biển Đông khác (và xa hơn nữa) theo những cách không rõ ràng.
"Ông ấy có thể muốn rút lực lượng vũ trang Mỹ khỏi khu vực càng sớm càng tốt. Cách tiếp cận này sẽ phản ánh lợi ích của nhóm ủng hộ trong nước của Trump."
Một chính quyền thứ hai của ông Trump có thể khiến các quan chức Philippines vốn có niềm tin vào sự hỗ trợ an ninh lâu dài của Mỹ cảm thấy bất an, theo Tiến sĩ Sacks.
Đồng tình với Tiến sĩ Benjamin Sacks, Tiến sĩ Satoru Nagao nhận xét các nước đi của chính quyền ông Trump là "khó lường". Đó chính là điều mà ông Nagao cho rằng sẽ kiềm chế các động thái táo bạo của Trung cộng.
Ông dẫn chứng không chỉ Trung cộng mà còn các đối thủ khác đã leo thang các hoạt động của mình trong thời gian Đảng Dân chủ nắm quyền ở Mỹ.
Năm 2014, khi ông Barack Obama đương nhiệm, Trung cộng xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Nga sáp nhập Crimea. Khi ông Biden nắm quyền, Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và Hamas khơi màn chiến sự ở Gaza bằng cách tấn công Israel. Trung cộng, trong thời gian ông Biden làm tổng thống Mỹ, cũng hung hăng hơn đối với Đài Loan và Philippines.
"Nhưng dưới thời chính quyền Trump từ năm 2016-2020, Trung cộng đã 'dịu' lại. Có hai lý do khiến các hoạt động của Trung cộng không quá hung hãn. Thứ nhất, Trung cộng sợ sự khó lường của Trump. Thứ hai, đảng Cộng hòa có nhiều chuyên gia quân sự," ông Nagao nói.
Trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, lập luận "đã không có cuộc chiến mới nào xảy dưới thời Trump" được Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ vị cựu tổng thống sử dụng.
Nhưng ông Nagao cũng thừa nhận sự "khó lường" của ông Trump có thể phần nào gây khó cho cả đồng minh, đối tác của Mỹ: "Nếu tân tổng thống là Trump, ông sẽ tìm kiếm một chiến lược chống Trung cộng đơn giản dựa trên quân sự và kinh tế. Chính quyền của ông sẽ tìm kiếm sự hợp tác quốc phòng dựa trên 'thỏa thuận' song phương. Ông có thể sẽ yêu cầu các đồng minh và đối tác chi nhiều ngân sách quốc phòng hơn và chia sẻ gánh nặng an ninh."
Điều này có nghĩa là ông sẽ yêu cầu Philippines, Việt Nam và Đài Loan mua nhiều vũ khí do Mỹ sản xuất hơn.
"Nhưng dù sao đi nữa, ưu tiên của cả chính quyền Dân chủ và Cộng hòa đều như nhau. Chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung cộng là ưu tiên. Điều này có nghĩa là cả hai chính quyền sẽ không bỏ rơi Philippines, Việt Nam và đặc biệt là Đài Loan, những nơi có vị trí tốt nhất để tấn công và đe dọa các thành phố ven biển của Trung cộng," Tiến sĩ Nagao kết luận.
Đối với riêng Việt Nam, nhà nghiên cứu Benjamin Sacks nhận định Hà Nội có thể sẽ tiếp tục thận trọng điều hướng giữa Trung cộng và Mỹ, cả hai nước mà Việt Nam có lịch sử phức tạp và đang tìm cách hợp tác để tăng cường phát triển kinh tế xã hội và địa chính trị của riêng mình.
Với những kinh nghiệm của Việt Nam trong cả chính quyền ông Trump lẫn ông Biden, Việt Nam có thể thích một chính quyền bà Harris hơn, theo quan sát của ông Sacks.
"Dưới thời Trump, quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ kinh tế, đã suy giảm do chính quyền của ông nhận thức rằng Hà Nội đang tìm cách phá hoại quan hệ thương mại theo hướng có lợi cho mình.
"Ngược lại, Biden đã đảo ngược nhiều chính sách bảo hộ của người tiền nhiệm trực tiếp và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Bất kể bên nào thắng trong kỳ bầu cử này, Hà Nội sẽ tiếp tục trông chờ vào Washington để ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông trong khi tiếp tục tìm cách định vị mình là một cường quốc khu vực theo cách riêng."
***
Căn cứ Quân Sự của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương
Như chúng ta đã nhận ra rằng để giữ an ninh cho vùng biển Á châu-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã dàn quân và đặt căn cứ quân sự ở nhiều quốc gia xung quanh phía Đông của Trung Cộng (TC). Nơi đây, chúng ta thử điểm qua những căn cứ quân sự quan trọng đó.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.