Thế là ba ngày sau chúng tôi có sự vụ lệnh đi Côn Sơn.
Côn Sơn là nhà tù giam giữ những tội phạm bị kết án 5 năm trở lên, và tù mang án tử hình. Trong trại tù có những mảnh đời tù tội được lan truyền đến công chức và tù nhân. Câu chuyện đáng chú ý mà báo chí đăng tải là “Chuồng Cọp” ở Côn Đảo. Vấn đề bị phát giác và gây phẫn nộ khắp thế giới, về sự tàn bạo và xâm phạm trầm trọng về nhân quyền. Những tù nhân đặc biệt như: Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, người tù Sơn Vương, người tử tù Hà Minh Trí. Nhóm đảo chánh ngày 11-11-1960.
Vài nét tổng quát về tỉnh Côn Sơn và nhà tù
Việc thành lập tỉnh Côn Sơn
Nhà tù Côn Sơn được thành lập ngày 1-2-1862 do tướng người Pháp là Bonard, tư lịnh quân viễn chinh, cho lập ra để giam giữ những người Việt chống Pháp.
Ngày 22-10-1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lịnh số 143-NV, công bố danh sách các đơn vị hành chánh cấp tỉnh trong đó có tỉnh Côn Sơn.
Ngày 24-4-1965 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tỉnh Côn Sơn thành cơ sở Hành chánh Côn Sơn, trực thuộc Bộ Nội vụ. Chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên Hành chánh,
Về địa lý
Quần đảo Côn Sơn, trước kia có tên Pháp là Poulo Condor, rồi Côn Đảo, gồm 16 đảo, diện tích 76km2. Ngoài đảo Côn Sơn lớn nhất, 50km2, còn có những đảo nhỏ như: Hòn Bà, Hòn Cau, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài Nhỏ, Hòn Trứng, Hòn Bãi Cạnh…
Côn Sơn cách Vũng Tàu 185Km. Cách Sài Gòn 230Km.
Bộ máy hành chánh tỉnh của Côn Sơn
Vào những năm 1960, Côn Sơn có bộ máy hành chánh cấp tỉnh để phục vụ công tác cải huấn. Cũng có đầy đủ các ty như: Ty Công Chánh, ty Kiến Thiết (chỉ có 1 người làm trưởng ty, không có nhân viên), ty Canh Nông (1 người), ty Ngân Khố (1 người) ty Thông Tin (1 người), Ty Y Tế (4 người: trưởng ty, 2 y tá, và 1 “bà mụ”), ty Bưu Điện (2 người), ty Tiểu Học và trường Trung học trên 15 người. Ty Cảnh Sát (3 người), ty Khí Tượng (2 người), và rất đông giám thị cải huấn. Một nhà máy điện cung cấp điện cho tỉnh. Một tiểu đoàn Địa Phương Quân giữ an ninh cho các trại trên đảo.
Một hợp tác xã bán đầy đủ các thức ăn khô, các loại rượu ngoại quốc…
Nhà cửa rất khang trang, rất đẹp, do người Pháp xây khi họ làm chủ Côn Sơn. Các dãy nhà giống nhau, theo một kiểu. Đặc biệt là nhà không có cửa trước, cửa sau. Mỗi nhà đều có một bức tường bằng gạch bao quanh. Dọc theo tường, thường trồng cây ăn trái, đa số là mãng cầu (quả na), và các loại bông hoa.
Sau mỗi nhà đều có 5 căn phòng nhỏ, không có cửa, để làm nhà bếp, chứa lương thực và mọi thứ lặt vặt.
Dân cư Côn Sơn
Côn Sơn không có thường dân trên đảo. Chỉ có công chức, quân nhân và gia đình.
Không có điện thoại và báo chí, không có rạp ciné, không có những cửa hàng và cũng không có những bóng hồng, đối tượng của những chàng trai độc thân, cho nên độc thân vẫn độc thân suốt thời gian sống ở đảo. Đời sống Côn Sơn hầu như cách biệt với đất liền. Mỗi tháng có hai chuyến tàu tiếp tế ra đảo, chở lương thực cho tù nhân, và nhất là thơ cho bưu điện. Như thế công chức được nhận thơ từ trong đất liền ra đảo, hai lần trong một tháng. Người ta chờ tàu ra, cảm thấy vui mừng khi nghe tiếng trống báo hiệu tàu đến, để nhận thơ và quà.
Vì không có những bóng hồng, các chàng trai độc thân tìm bạn gái trong các mục “Tìm bạn bốn phương”. Gởi thơ và nhận thơ qua những con tàu đến Côn Sơn. Vì thế, tàu đến là một tin mừng. Nhận được thơ của bạn gái bốn phương.
Có một bạn trẻ là giám thị cải huấn, không quen viết thơ “tán gái” nên tụi tôi viết thơ giúp anh ta. Cuối cùng là một tin mừng, tụi tôi được mời ăn đám cưới với tư cách bí mật là ông mai, bà mối.
Thỉnh thoảng có tàu hải quân, loại chở quân đổ bộ, thường gọi là tàu đầu bằng há mõm. Đó là các tàu HQ-400, HQ 401, 402, HQ 405…ghé bến Côn Sơn.
Phó thường dân
Ngoài gia đình công chức và quân nhân, không có thường dân sống trên đảo, mà chỉ có một nhóm người được gọi là “phó thường dân”. Họ bị kết tội “lưu đày”, không có thời hạn mãn án.
Họ tự túc lương thực, trồng rau quả, nuôi heo, gà, vịt đem ra bán cho những gia đình công chức.
Được tự do đi lại trong thị trấn của tỉnh, nhưng bị cấm đến những nơi có thể vượt ngục được. Họ không phải là những người nguy hiểm, nhưng không có thể sống trong xã hội bình thường được, ví dụ như bị đưa ra toà vài chục lần về tội ăn cắp vặt. Phó thường dân là không có quyền công dân. Không có quyền bầu cử và ứng cử.
Nhà tù Côn Đảo
Các trại giam ở Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo được thành lập ngày 1-2-1862, do Tướng Bonard, Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp, dùng để giam giữ những người Việt chống Pháp.
Nhà tù có 7 trại, với 460 phòng giam. Có khoản 8,000 tù nhân ở những năm 1960. Không có nữ tù nhân.
Mỗi trại là một khu vực riêng, có 4 bức tường bằng gạch cao 4m, trên đầu tường có dây kẽm gai. Ở mỗi góc tường có trạm gác. Mỗi trại có 2 dãy nhà giam, 20 xà lim, nhà nguyện, giảng đường, phòng giam tập thể, xà lim và Chuồng Cọp. Xà lim là một phòng hẹp và tối tăm để giam chỉ có một người
Cũng có nhà bếp, nhà ăn, kho lương thực do phạm nhân quản lý. Cũng có bệnh xá, nhà nguyện, hội trường và một tiệm hớt tóc.
Chuồng Cọp Côn Đảo
Người ngoại quốc đầu tiên khám phá ra Chuồng Cọp (Tiger cages) là nhà báo Mỹ tên Don Luce. Nhà báo này đưa ra sự thật hãi hùng trước quần chúng Mỹ và lan truyền ra thế giới.
Ngày 17-7-1970 hình ảnh Chuồng Cọp được đăng trên báo Life, cho thấy cảnh tra tấn và cách đối xử tù nhân rất dã man.
Một phái đoàn dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ và các nhà báo quốc tế đến Việt Nam để tìm hiểu sự thật về Chuồng Cọp ở Côn Đảo.
Chuồng Cọp Côn Đảo được xây qua hai thời kỳ, Chuồng Cọp do Pháp xây, và Chuồng Cọp do “Mỹ xây”.
Chuồng Cọp do Pháp xây
Năm 1940, Pháp xây Chuồng Cọp với tổng diện tích là 5,475m² gồm có:
-Diện tích các phòng giam: 1,408m²
Phòng tắm nắng: 1,873m²
Khoảng trống: 2,194m²
Bao gồm: 120 phòng biệt giam, chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng.
Đặc điểm: Bên trên có song sắt kiên cố và hành lang ở giữa dành cho giám thị cải huấn đi lại để kiểm soát. Tù nhân nào không tuân kỷ luật và nội quy của nhà tù thì bị ném vôi bột hoặc dội nước dơ.
Phòng tắm nắng
Một phần của trại tắm nắng
Phòng tắm nắng chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng. Phòng này để hành hạ tù nhân bằng cách phơi nắng, phơi mưa. Chưa kể việc đánh đập của cai tù, khí hậu nóng lạnh và gió cũng đủ sức giết hại con người.
Chuồng Cọp kiểu Mỹ. Trại 7 tên Phú Bình
Trại Phú Bình.
Xây dựng năm 1971.
Tổng diện tích: 25,768m².
Trong đó:
Diện tích phòng giam: 3,800m²
Các nhà phụ thuộc: 673m²
Nhà ở: 173m²
Khoảng trống: 22,369m²
Trại Phú Bình có 384 phòng biệt giam, chia làm 4 khu: AB-CD, EF-GH. Mỗi dãy có 48 phòng.
Đặc điểm của Chuồng Cọp Phú Bình là nhà bằng bê tông, không có bệ nằm, tù nhân phải nằm trên nền xi măng ẩm thấp.
Chuồng Cọp là nơi giam giữ khắc nghiệt nhất. Mỗi người tù ở trong căn phòng rộng 5m². Không có giường nằm. Người tù bị cùm chân. Điều kiện vệ sinh, ăn uống rất tồi tệ.
Chuồng Cọp do “Mỹ xây” là khu biệt lập và được giữ kín trong một thời gian dài.
Chuồng Cọp do nhà báo Mỹ tên Don Luce phát hiện và quảng bá ra khắp thế giới. Du khách thế giới đến xem rất đông đảo. Nhiều công ty du lịch Việt Nam được mở ra để phục vụ và hướng dẫn du khách. Những hướng dẫn viên, tiếng Anh rất thông thạo, hướng dẫn du khách quan sát đủ các nơi và nói về lịch sử của từng nơi. Nhấn mạnh về tội ác của “Mỹ ngụy”.
Có một lần cho thấy vợ chồng tài tử điện ảnh Angelina Jolie-Brad Pitt trong đám du khách đến thăm Chuồng Cọp Côn Đảo.
Xà lim
Một trại đặc biệt là trại 2, mang tên Trại Cải huấn Phú Hải để giam giữ tù Việt Cộng và tù mang án tử hình. Trại có diện tích là 12,015m². Trại Phú Hải có 10 phòng giam tập thể, một phòng giam tù đặc biệt, 20 xà lim.
“Khoảng năm 1970, trại tù Côn Đảo có một đơn vị khoảng 10 người Mỹ đóng ở sườn núi Côn Sơn để theo dõi về việc vi phạm nhân quyền. Do đó tù nhân Việt Cộng và tù tử hình, “làm trời làm đất”, chống đối giám thị cải huấn, khiến cho các giám thị không dám đi một mình để quan sát và kiểm tra.
Người tù Côn Đảo
Tù khổ sai và cấm cố
Nhà tù Côn Đảo giam giữ những phạm nhân bị kết án 5 năm trở lên, và những người bị kết án tử hình. Khi đến nhà tù, thì phạm nhân không còn bị tra khảo hay đánh đập gì nữa, trừ những người vi phạm kỹ luật. Có hai loại tù: thường phạm (tù hình sự) và chính trị phạm. Tù hình sự để giam những người cướp của giết người, hiếp dâm…
Tù chính trị gồm có chính trị quốc gia và Việt Cộng.
Án tù cũng chia làm hai loại: tù “khổ sai” và tù “cấm cố”. Tù cấm cố luôn luôn ở trong phòng giam. Họ mơ ước được làm tù khổ sai để được “xuất ngoại”, tức là ra ngoài làm lao động, sáng ra tối vào trại. Ra ngoài được hít thở không khí trong lành, được cử động tay chân, tắm nắng. Lao động khổ sai có mức quy định, cũng vừa đủ khả năng của con người trong suốt thời gian thụ án, 5 năm trở lên. Như những người thợ chuyên môn ở ngoài xã hội, làm việc hàng ngày, đến suốt cuộc đời. Giữ gìn sức khỏe để làm việc cả chục năm theo mức án.
Tù cấm cố thì luôn luôn suốt năm ở trong phòng giam.
Tù khổ sai được cho ra ngoài làm việc.
Sáng ra, tối vào.
Điểm danh hàng ngày.
Những người có hạnh kiểm tốt, sắp mãn hạn tù, có tay nghề, thì được cho ra ngoài làm việc tại các ty hành chánh, nhất là những ty chỉ có một người là trưởng ty.
Giúp việc cho các gia đình công chức.
Mỗi gia đình công chức được xin một phạm nhân ra giúp việc nhà như: đi chợ, nấu ăn và làm những công việc lặt vặt rong nhà. Thường thì mỗi tháng được gia đình cho một số tiền. Không cho cũng được, không bắt buộc, vì đó là khổ sai trong gia đình.
Các trại tù
Nhà giam Côn Sơn có 7 trại. Những trại được mang tên là Phú Hải, Phú Bình, Phú Thọ, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Phong, Phú An.
Thi vị hóa cuộc đời tù tội
Nhiều phạm nhân thi vị hóa cuộc đời tù tội để lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn này.
“…Cuốc đất lăng xăng như Trương Phi thí võ,
Bị thầy chú đánh đập như thí võ Tràng An.
Trưa ngồi nhổ cỏ như Khương Thượng tán binh
Trống đánh ình ình như La Thông tảo Bắc.
Trời mưa ướt mặt như tắm nước Cam Lồ
Quần áo không khô như Hoàng Tiên Cô tắm gội,
Vào tù ra tội như thái tử vào lầu…”.
Câu chuyện về Ngô Đình Ngạc
Cái tên rất dễ nhớ thời đệ nhất cộng hòa vì họ Ngô Đình. Ngô Đình Ngạc phải trở về Sài Gòn để ra tòa về một tội khác. Trên đường đi, vui vẻ bình thản, thân thiện và mưu trí thoát ra khỏi những giám thị cải huấn, áp giải anh ta về khám Chí Hòa, chờ ngày ra tòa. Anh ta gốc người miền Trung, không có bà con, bạn bè gì ở miền Nam cả. Không có một đồng xu dính túi, anh ta đi lang thang trong khu vực vườn Tao Đàn. Buồn quá, anh ta cầu xin bà bán bánh mì trên lề đường, được một ổ bánh mì, vừa đi vừa ăn trên đường trở về “mái nhà xưa” khám Chí Hòa, chờ ngày ra tòa. Cuối cùng anh ta trở về Côn Sơn, mang theo bản án thêm 5 năm nữa. Bạn bè mừng rỡ. Anh ta cũng vui.
Nhà tù có rất nhiều câu chuyện lý thú, lạ đời. Một anh mãn hạn tù mà không muốn rời bạn bè cùng phòng giam, vì trong chuyến thăm sau cùng ở Khám Chí Hòa, bà vợ lấy tay che cái bụng lúp lúp…
Nhóm tù “đảo chánh hụt” ngày 11-11-1960
Tàu Hải Quân HQ-400 Hàn Giang chở phạm nhân ra Côn Đảo, gồm có nhóm người liên hệ đến vụ “đảo chánh hụt” ngày 11-11-1960, và người tù tử hình là Hà Minh Trí, ám sát hụt Tổng thống Ngô Đình Diệm ở hội chợ Tết Ban Mê Thuột năm 1957.
Ngay khi đến Côn Sơn, những tù chính trị quốc gia được cho ra ăn ở và làm việc trong các ty, sở hành chánh Côn Sơn. Họ không bị giữ trong trại giam. Có hai nhóm, nhóm dân sự và nhóm quân nhân liên quan đến vụ binh biến 11-11-1960.
Nhóm quân nhân
Nhóm quân nhân thuộc Binh chủng Nhảy dù được cho ra ăn ở tại nhà của anh Nguyễn Văn Đồng, trưởng ty tiểu học, gồm có: Đại úy Nguyễn Thành Chuẩn, Trung úy Nguyễn Vũ Từ Thức, Tr/u Nguyễn Bá Mạnh Hùng, và một vài người nữa không nhớ tên. Nhà ở Côn Sơn do Pháp xây cất, nên ngoài toà nhà chính ra, còn có một số phòng phía sau làm nhà kho, nhà bếp và chứa những dụng cụ cần thiết, vì thế có chỗ ngủ cho hơn 10 người.
Nhóm tù chính trị
Nhóm chính trị gồm có những chính khách tham gia vụ đảo chánh và những người đối lập với chế độ Ngô Đình Diệm.
Nhóm chính trị được cho ra ở nhà của Trưởng ty Y tế Côn Sơn, gồm có: BS Phan Quang Đán, ông Phan Bá Cầm (Hoà Hảo), Trương Bảo Sơn, Phan Đình Nghị, Vũ Đình Lý và võ sư Phạm Lợi. Hai ông Nghị và Lý thuộc các tổ chức miền Trung.
BS Phan Quang Đán được cho ra Ty Y tế khám bệnh cho quân nhân, công chức và gia đình.
Câu chuyện của ông Phan Bá Cầm
Trong một bữa ăn chiều, ông Phan Bá Cầm ngẫu hứng đọc bài thơ giúp vui. Ông là lãnh tụ của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là “Đảng Dân Xã” của Hòa Hảo.
Câu chuyện về gia đình của một ông có hai bà vợ. Trong căn buồng ngủ chật hẹp có ba cái giường. Bà lớn, “ỷ lớn” chiếm cái giường ở giữa. Xem như đấp mô, dựng cái đồn kiểm soát sự đi lại giữa hai bên.
Bà nhỏ buồn thân, tủi phận của người làm lẽ như thơ của Hồ Xuân Hương mô tả:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.
Năm thì mười họa chăng hay chớ,
Môt tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong” (Hồ Xuân Hương)
Phan Bá Cầm đọc thơ.
Nửa đêm trằn trọc không ngủ được,
bà bé đọc hai câu thơ
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến này một mực khăng khăng nhớ thuyền?”.
Ông chồng:
Thuyền này nhớ bến không nguôi
Đồn tuần áng ngữ làm sao xuôi dòng.
Bà bé:
Đồn tuần mặc kệ đồn tuần
Qua đồn nộp thuế, qua thì cứ qua.
Ông chồng buồn rầu:
Thuyền này vốn liếng bao nhiêu
Qua đồn nộp thuế thì xiêu cột buồm.
Mọi người vui cười để quên cuộc sống tù tội.
Nhà văn, nhà báo trở thành tướng cướp Sơn Vương
Cuộc đời của Sơn Vương
Sơn Vương tên là Trương Văn Thoại, sinh năm 1908 tại làng Bình Nghị, huyện Tân Hòa, tỉnh Gò Công. Là con thứ năm của ông Trương Đình Cung Anh, một địa chủ có học, lại thêm nghề bốc thuốc chữa bịnh, và là người có lòng hào hiệp, thường giúp đỡ người nghèo khó.
Sau khi học hết chương trình Cours Supérieur, (lớp nhất tiểu học), Trương Văn Thoại chuyển sang học võ nghệ và chữ Hán.
Năm 1925, ông bỏ làng đi theo một lão sư, mai danh ẩn tích, để học võ và học đạo trên núi Thị Vải, vùng Long Hải, Bà Rịa.
Nhà báo, nhà văn.
Năm 1931, sau khi sư phụ qua đời, Trương Văn Thoại về Sài Gòn. Ông đến văn phòng tờ báo "Đông Pháp Thời Báo" xin làm bất cứ việc gì, có lương hay không cũng được, miễn là được tham gia chủ trương "Thức tĩnh đồng bào" của tờ báo. Sau đó, ông gặp Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ báo La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè) và ông trở thành một cộng sự viên đắc lực của Nguyễn An Ninh và tờ La Cloche Fêlée, với bút hiệu là Sơn Vương.
Các bài báo ông viết mang màu sắc bình dân, và nổi cảm thông với tầng lớp nghèo khổ.
Những năm 1932-1933, Sơn Vương nổi tiếng nhờ những tiểu thuyết đăng tải trên báo. Đó là những tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, những tướng cướp hào hoa, nghĩa hiệp, cướp giàu giúp nghèo. Tình tiết rất gay cấn, hồi hộp…
Cách đánh cướp cũng mới lạ so với lối cổ điển. Đó là những xe hơi rượt đuổi nhau, chạy như bay. Bắn súng hai tay. Ném tạc đạn. Tác giả những cuốn tiểu thuyết là nhà văn Sơn Vương. Đó là cốt chuyện trong tiểu thuyết của ông.
Tướng cướp Sơn Vương
Những năm 1931-1933, một mình Sơn Vương gây ra hàng chục vụ cướp mà đối tượng là những phú hộ, địa chủ gian ác ở Biên Hòa, Sài Gòn, Tân An.
Năm 1933, Sơn Vương gặp gỡ và kết nghĩa anh em với Nguyễn Phương Thảo. Sau đó Phương Thảo trở thành Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh các lực lượng quân sự của Việt Minh ở miền Đông Nam Bộ.
Tháng 7 năm 1933, 25 tuổi. Để giúp tiền cho người em kết nghĩa Nguyễn Bình, Sơn Vương thực hiện việc cướp tiền của René Gaillard, là Phó Giám đốc đồn điền cao su Mimot, lấy được số tiền rất lớn thời đó là 50 ngàn đồng Đông Dương.
Vụ cướp trót lọt nhưng sau đó, tài xế Năm Đường bị bắt nên Sơn Vương bị bắt vào ngày 16-8-1933. Bị kết án 5 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo.
Năm Đường là bạn của Sơn Vương, làm tài xế, thừa lúc ông chủ về Pháp nghỉ hè, Năm Đường lái xe giúp Sơn Vương đi ăn cướp.
Vì ở Sài Gòn lúc đó chỉ có 5 chiếc xe đắt tiền tên là Clement Bayard, vì thế Năm Đường bị bắt điều tra và khai ra hết mọi việc.
Bắt đầu cuộc đời tù đày
Sau vụ cướp lấy 50 ngàn đồng Đông Dương, ngày 16-8-1933 Sơn Vương bị kết án 5 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo.
Đến Côn đảo, Sơn Vương được những tù thường phạm nể phục vì ông có học và giỏi tiếng Pháp. Cuối năm 1933, Sơn Vương chiếm giải nhất trong cuộc thi viết chữ đẹp, của tù nhân trên đảo, nên được Tổng giám thị cải huấn là Nguyễn Văn Liễn (Vệ Liễn) đưa ra cho vào làm việc tại Ty Ngân Khố Côn Đảo. Đồng thời cho ông dạy học con gái tên là Nguyễn Thị Lệ Hoa, 9 tuổi.
Tháng 7 năm 1936, Sơn Vương được chuyển về đất liền, tiếp tục thụ hình tại Hà Tiên. Trong tù, Sơn Vương tổ chức la ó, đập phá để phản đối một giám đốc nhà tù người Pháp, vì đã tra khảo anh bồi (phạm nhân làm bồi) đến chết chỉ vì nghi ngờ anh ăn cắp 200 đồng bạc. Vì vậy, Sơn Vương bị đày đi Phú Quốc.
Đến tháng 2 năm 1938 thì được thả vì đã mãn hạn tù 5 năm khổ sai.
Tiếp tục đánh cướp
Ra tù được 6 tháng, Sơn Vương lại tiếp tục đánh 3 vụ cướp:
- Vụ ông Kiệt ở Phú Nhuận, là một chủ nợ cho vay cắt cổ, và là cộng sự viên của người Pháp.
- Vụ Lý Tư, một người trong đám giang hồ Chợ Lớn có liên hệ với vua cờ bạc Sài Gòn là Sáu Ngọ.
- Vụ Cọp Lửa Từ Bi, hỗn danh của một viên đội người Pháp nổi tiếng gian ác trong phòng điều tra của bót cảnh sát Polô, Chợ Lớn.
Ngày 16-8-1938, Sơn Vương bị tống giam về tội du đảng và bị đưa đi giam giữ tại trại Camp Pursat (Cam Bốt). Trên đường đi, Sơn Vương mưu trí bỏ trốn sang Thái Lan. Một thời gian sau, bị bắt khi tìm cách về Sài Gòn, đồng thời cũng bị phát hiện ra ba vụ cướp trước kia.
Lần này, Sơn Vương bị án 10 năm tù khổ sai về 2 tội, vượt ngục và 3 vụ cướp nói trên.
Tổng cộng hai án tù là 15 năm tù khổ sai đày đi Côn Đảo lần thứ hai.
Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Côn Đảo
Năm 1942, Sơn Vương bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Ngày 9-3-1945, Nhật Bản đổ bộ lên Côn Đảo. Quân Nhật bắt giữ giám đốc nhà tù người Pháp là Tyssery. Sau đó, Nhật Bản làm "Lễ Trao trả Độc lập" cho quần đảo Côn Nôn (Poulo Condore) cho cái gọi là "Quốc Gia Tự Do Nông Dân Huynh Đệ quần đảo Côn Nôn" (État Libre Agricole et Fraternel d'Archipel de Poulo Condore) và trao quyền chúa đảo lại cho Lê Văn Trà, nguyên là thư ký của Tyssery. Lê Văn Trà ra tờ báo Tiếng Nói Tự Do và giao cho Sơn Vương làm chủ bút.
Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Lê Văn Trà nạp mình và con dấu nhà tù cho Việt Minh.
Ngày 11-12-1945, phái đoàn đại diện Uỷ Ban Hành chánh Nam Bộ, cử Sơn Vương làm Chủ Tịch Uỷ Ban Hành chánh Côn Đảo.
Xưng Vương
Ngay sau khi phái đoàn đại diện Uỷ Ban Hành chánh Nam Bộ về đất liền, Sơn Vương tuyên bố quần đảo Côn Nôn chính thức trở thành một "Quốc Gia Trung Lập Dân Chúng Quần Đảo An Ninh" (État Neutre des Insulaires de L'Archipel d'An Ninh) và tự xưng là Quốc Vương. (d’An Ninh là tên của Nguyễn An Ninh)
Sơn Vương mở cửa các nhà giam cho 400 phạm nhân ra làm thần dân của nhà vua. Đồng thời đưa tất cả giám thị cải huấn, công chức và nhân viên an ninh vào các nhà giam. Thay đổi địa vị.
Sau đó, ông ta ép buộc cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hoa, cô học trò 9 tuổi thuở nào, làm vợ. Đám cưới được tổ chức linh đình, mọi người được tha hồ ăn uống và nhảy múa tưng bừng.
Nhiều tù nhân căm hận Sơn Vương vì ông không cho họ trở về đất liền với gia đình. Vì ông cần có thần dân trên đảo để nhà vua cai trị.
Tiếp tục cuộc đời tù đày
Ngày 8-4-1946, Pháp tái chiếm Côn Đảo. Sơn Vương và toàn bộ 400 thường phạm lại bị đưa trở vào nhà giam.
Để trả thù Sơn Vương đã bắt giam những cai tù và nhũng nhiễu họ, cảnh sát trưởng Nguyễn Thành Út đã vu cáo Sơn Vương, đang giữ tấm bản đồ kho báu của vua Gia Long, khi bị quân Tây Sơn rượt đuổi phải chạy ra trốn ngoài Côn Đảo, vào năm 1783. Sơn Vương bị tên chúa đảo Gilbert và tên cò Pellier tra khảo hết sức dã man để tìm tấm bản đồ kho báu.
Năm 1947, Sơn Vương lại bị đưa về Sài Gòn, ra tòa với 2 tội danh, là cưỡng hôn cô Lệ Hoa và chủ mưu giết ông già Quýt, người tố cáo Sơn Vương dùng quyền lực ép hôn cô Lệ Hoa, và tội lãng phí công quỹ. Sơn Vương bị kết án chung thân khổ sai và bị đày trở ra Côn Đảo.
Ngày 8-8-1953, Sơn Vương giết Nguyễn Thành Út, người đã vu oan giá họa cho ông ta, về vụ tấm bản đồ kho báu của vua Gia Long. Sơn Vương lại nhận thêm một bản án chung thân khổ sai nữa.
Như vậy, 2 cái án chung thân 60 năm *( Luật VNCH thời đó án tù chung thân là 30 năm), cộng với 2 bản án là 15 năm tất cả là 75 năm khổ sai.
Sơn Vương được phóng thích, cho ra tù sớm vào ngày 18-11-1968 sau khi ngồi 34 năm tù, phần lớn là ở Côn Đảo.
Khi trở lại đời thường, Sơn Vương cho đăng thiên phóng sự "Sơn Vương-Người tù thế kỷ" trên một số báo, đã gây xôn xao dư luận một thời.
Xuất bản năm 1930, 11 tác phẩm.
Xuất bản năm 1931, 9 tác phẩm.
Thiên phóng sự. Sơn Vương người tù thế kỷ.
Hồi ký: Máu hòa nước mắt I, Máu hòa nước mắt II
Ngày 27-8-1987, ông mất tại quê nhà, Gò Công, thọ 79 tuổi
Kết luận
Côn Sơn là một trại tù, giam giữ những phạm nhân bị kết án 5 năm tù trở lên, gồm tội hình sự và tù chính trị. Trên nguyên tắc sau khi bị tòa kết án thì phạm nhân không còn bị tra khảo gì nữa. Khi mãn hạn tù thì phạm nhân được tự do trở về với gia đình. Có rất nhiều người bị kết án khổ sai, được cho ra làm việc tại các ty sở hành chánh ở Côn Sơn.
Côn Sơn nổi tiếng vì Chuồng Cọp đã giam giữ những tù nhân rất nguy hiểm, nhất là tù chính trị và tù nhân mang án tử hình.
Vì bị tố cáo Chuồng Cọp là do Mỹ xây, nên năm 1970, có một nhóm khoảng 10 người Mỹ, đóng trại trên một sườn núi để theo dõi việc vi phạm nhân quyền tại các Chuồng Cọp. Mỗi tuần, có 2 chuyến bay C-130 từ Hạm Đội 7 Thái Bình Dương tiếp tế tất cả những nhu cầu cho nhóm người Mỹ này.
“Côn Nôn đi dễ khó về. Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”
Đó không phải là tuyệt đối. Nhiều người mãn hạn tù rất buồn vì phải xa bạn bè cùng chung số phận tù đày.
Chuồng cọp (Tiger cages)
Chuồng cọp là những khu nhà giam, thường dành cho tù cấm cố, sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Trong những khu chuồng cọp này, có những xà lim biệt giam dành cho những tù nhân cứng đầu, vi phạm kỷ luật như không chịu chào cờ VNCH.
Những người có hạnh kiểm tốt hoặc sắp hết mãn hạn tù thì được cho ra làm việc tại các văn phòng của các ty, sở hoặc giúp việc cho các gia đình công chức, như làm vườn, chợ búa, nấu nướng, quét dọn, trồng rau cải…thường được cho tiền mỗi tháng, ăn cơm của chủ nhà, phần tiền ăn cơm tù được giữ lại, và phát ra khi mãn hạn tù.
Trúc Giang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.