Thành Kính Phân Ưu
Nguyễn Đạt Thịnh: Con Người Và Tác Phẩm
-Nguyễn Đạt Thịnh thích viết chuyện ngắn; anh quan niệm chuyện ngắn là những bức ảnh thời sự chỉ có thể trung thực qua ống kính ghi nhận của một nhiếp ảnh gia sinh cùng thời, cùng chỗ với diễn biến.
Cô Vương Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du không thể yêu Kim Trọng như Đặng Bích Hà của anh yêu Võ Nguyên Giáp vì hai nhân vật đó sinh cách nhau nhiều thế hệ. Anh tin là chỉ có Nguyễn Du mới chụp được niềm tiếc rẻ nội tâm, "Biết thân đến bước lạc loài, Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung," của Thúy Kiều. Anh xác nhận anh không diễn tả nhẹ nhàng được như vậy, thấm thía được như vậy một niềm tiếc rẻ lớn lao đến như vậy của một cô thiếu nữ bị cướp quyền lựa chọn người "bẻ nhụy đào."
300 năm sau anh khóc cụ Tố Như.
Tác phẩm: Mộng Xuân (1963). Dường Như Mùi Hương (1968). Tương Khúc Dậy Thì (1968). Di Sản (1976). Đôi Mắt Phương (1987). Chân Dung Tên Khủng Bố (1997). Mua Vợ (2004).
Trước 1975, ông chủ trương Tuần Báo Diều Hâu và Chương trình Vành Khăn Sô. Ông viết nhiều bài Chính Trị Giả Tưởng khả dĩ giúp các nhà Lãnh đạo bấy giờ có cái nhìn sâu rộng hơn về thực trạng cuộc chiến ý thức hệ.
Sau 1975, ông tốt nghiệp Đại Học Báo Chí Hoa Kỳ, tại viện đại học Hawaii, vẫn viết nghị luận thường xuyên cho các Nhật báo tại Cali và Texas.... Hiện ông là chủ bút Thời Báo Houston.
Nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh gửi cho Phố Núi Pleiku hai truyện ngắn và ông hứa là sẵn sàng cộng tác với Nhóm Chủ trương trong khả năng của ông, (chỉ cần sống thêm 20 năm nữa là ông đại thọ 100!)
Nhưng anh lại cả quyết là cụ không chụp được bức chân dung của tên sát nhân Võ Nguyên Giáp trung thực như ảnh chụp trong chuyện ngắn Đặng Bích Hà. Cụ vẽ anh chàng Từ Hải cũng đa tình, cũng tài ba như anh vẽ Võ Nguyên Giáp, nhưng không độc ác, không bất lương bằng.
Qua ngòi bút của hai tác giả viết trước sau nhau vài trăm năm, khuôn mặt hai người tình của hai tướng giặc này cũng khác, cách họ yêu, và cách họ vĩnh viễn rời xa người yêu cũng khác.
Nguyễn Đạt Thịnh còn ca tụng sức mạnh vô biên của chuyện ngắn. Trong vai trò một quân nhân miền Nam anh chỉ có thể ghìm súng trên chiến tuyến ngăn chặn bước chân xâm lược của Võ Nguyên Giáp, nhưng cầm cây bút sáng tác lên anh đoạt quyền Thượng Đế, bắt Giáp nói câu gì Giáp phải nói câu đó, bắt Giáp làm điều gì, Giáp phải làm điều đó. Và anh đã bắt Giáp giết vợ để giúp anh vẽ khuôn mặt sát nhân cực hung, cùng ác của hắn.
Nước mất, anh xuống sông Tiền Giang, mướn một con đò nhỏ cùng với 5 người bạn đồng đội tìm đường ra biển Nam Hải.
Sang Mỹ, anh đeo cặp vào viện Đại Học Hawaii học về ngành báo chí. Anh muốn tìm lời giải thích lập luận xuyên tạc của đa số phóng viên Mỹ viết về Việt Nam. Trong vai trò trưởng phòng báo chí, anh thường hướng dẫn những phóng viên này ra chiến trường, giúp họ liên lạc với những đơn vị Việt Nam đang giao tranh với địch, để rồi tuần sau, đọc những bài tường thuật của họ, thông thường trái ngược với những điều anh giúp họ mắt thấy tai nghe.
Giờ này Nguyễn Đạt Thịnh hiểu: nhu cầu chủ quan bênh vực Hoa Kỳ của những phóng viên này chặn đứng lương tâm ngòi bút của họ trên biên giới. Họ tìm cớ giải thích với độc giả sự thất trận của Hoa Kỳ, và lời giải thích gian dối của họ là giá trị chiến đấu kém của QLVHCH lôi kéo Hoa Kỳ vào chỗ thất trận.
Bằng cử nhân báo chí Mỹ giúp Nguyễn Đạt Thịnh rất nhiều. Anh thích cách viết minh bạch, dứt khoát của người Mỹ. Anh chấp nhận quan niệm của họ" viết là để truyền đạt tư tưởng, chuyển đạt quan điểm từ người viết đến người đọc; nếu người đọc không hiểu, hiểu lầm, hay hiểu không đủ điều người viết muốn nói là người viết đã thất bại."
Anh viết rất kỹ, sửa đi sửa lại cho đến lúc thật hài lòng mới thôi. Anh tìm những động từ mạnh, những danh từ đúng để tránh phải mô tả thêm những động từ, những danh từ này bằng tĩnh từ, trạng từ.
Nhưng cũng chỉ sau ngày mất nước anh mới có môi trường để viết thận trọng như anh đang viết. Trước kia, anh viết vội vàng hơn, vì có nhiều bận rộn khác, cấp bách hơn, mà cũng quan trọng hơn.
Anh là chủ bút 2 tờ báo chính thức của QLVNCH, tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa dành cho binh sĩ, và tờ Tiền Phong, dành cho sĩ quan. Để những tờ báo anh chịu trách nhiệm biên tập đáp ứng được nhu cầu tin tức của độc giả quân nhân, anh thường có mặt ngoài tiền tuyến với các đơn vị tác chiến nhiều hơn là ngồi trong tòa soạn tại Saigon.
Nhưng trong quân đội lại có nhiều vấn đề mà báo chí quân đội không được quyền đụng tới, như vấn đề tham nhũng và thái độ đôi khi "trở quẻ" của người bạn đồng minh Hoa Kỳ chẳng hạn.
Nguyễn Đạt Thịnh và một số bạn đồng đội xuất bản một tờ báo tư của họ -- tờ tuần báo Diều Hâu -- để phục vụ quân đội trong những góc cạnh tế nhị này.
Họ giải quyết được nhiều vụ tham nhũng lớn, mà vụ lớn nhất liên quan đến 5 tỉ bạc tiền túi của người lính. Bộ Quốc Phòng trừ thẳng trên lương mỗi người lính, mỗi tháng $100; một triệu người, 100 triệu đồng. Trong 4 năm trời, số tiền cắt, trừ ngang ngược này -- được gọi là Quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm-- lên đến 5 tỉ bạc.
Tiền tồn kho tiết kiệm là để cho vay; Nguyễn Đạt Thịnh đề nghị thành phần được ưu tiên vay tiền trước nhất phải là anh em quân nhân, những trương chủ của Quỹ.
Anh vẽ lên những giả thuyết kinh tế xử dụng vốn lính, thân nhân lính, và thị trường tiêu thụ lính.
Giả thuyết đầu tiên là kỹ nghệ làm dầu ăn bằng đậu nành. Năm đó mỗi quân nhân được mua của quân tiếp vụ mỗi tháng 2 lít dầu đậu nành. Anh đề nghị Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đang đóng tại Xuân Lộc, vùng đất đỏ rất màu mỡ, thuận lợi cho việc làm rẫy trồng đậu nành được mượn của Quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm một số vốn đủ để mua máy móc trang bị cho một xưởng làm dầu đậu nành, mướn kỹ sư ngoại quốc về làm việc tại xưởng, nếu cần; mua máy cày, cày đất cấp cho những thân nhân binh sĩ sống trong trại gia binh muốn trồng đậu bán cho nhà máy của Sư Đoàn. Những quân nhân gia chủ sẽ được Quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm cho vay vốn để canh tác.
Anh nêu lên với Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, tổng trưởng quốc phòng câu hỏi, "chúng ta có vốn, có nhân lực, có thị trường tiêu thụ, thì còn thua lỗ chỗ nào?"
Tuần sau anh nêu lên kế hoạch làm đường cát cho hai Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 25 đóng quân trên những vùng đất gò thuận lợi cho việc trồng mía. Họ cũng sẽ lập nhà máy ép mía, làm đường như Sư Đoàn 18 làm dầu ăn. Anh nhấn mạnh là không có vấn đề xử dụng nhân lực của quân đội trên địa hạt kinh tế vì vào thời điểm đó mỗi trại gia binh đều có một nhân số trên dưới 3 sư đoàn thân nhân, với những ông cậu, bà dì tá túc để tránh cảnh bất an trong nông thôn...
Giờ này gác súng cầm bút trở lại, nhưng Nguyễn Đạt Thịnh vẫn là một người lính. Không ai hùng biện hơn anh trong những lập luận bênh vực vai trò của người lính VNCH, và vạch trần dã tâm của cộng sản, hoặc nói lên những bất nhất của người bạn đồng minh Hoa Kỳ.
Nguyễn Khánh Văn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.