Nhưng giờ đây ở khắp nơi người ta lại nói về sự hồi sinh của công nghệ này, cũng như áp lực ngày càng tăng lên các quốc gia giàu có trong việc giảm phát thải carbon. Các trao đổi này được thúc đẩy bởi các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google và Amazon - hiện đều thông báo đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân.
Nhưng sự hồi sinh này thực tới mức nào?
Khi điện hạt nhân thương mại lần đầu được phát triển vào những năm 1950 và 1960, các chính phủ bị quyến rũ bởi tiềm năng có vẻ không giới hạn của loại năng lượng này.
Các lò phản ứng hạt nhân có thể khai thác và kiểm soát các lực mạnh khủng khiếp cùng loại với thứ được phóng thích từ bom nguyên tử - để cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình. Với việc chỉ một kí lô uranium có thể giải phóng năng lượng gấp khoảng 20.000 lần năng lượng giải phóng từ một kí lô than, năng lượng hạt nhân từng được xem là loại năng lượng của tương lai.
Nhưng công nghệ này cũng khiến người dân sợ hãi. Và nỗi sợ hãi này dường như được chứng minh bởi thảm họa Chernobyl, sự kiện đã phát tán phóng xạ khắp châu Âu vào đầu năm 1986.
Thảm họa này đã thổi bùng lên sự phản đối từ người dân và giới chính trị - và làm chậm lại sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này.
Một tai nạn khác, tại nhà máy Fukushima Daichi ở Nhật Bản vào năm 2011, đã lại làm dấy lên nỗi sợ hãi về an toàn hạt nhân. Bản thân Nhật Bản đã đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng của mình ngay sau sự cố và chỉ 12 lò được tái hoạt động kể từ đó.
Đức đã quyết định loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân. Các nước khác thu hẹp kế hoạch đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân mới, hoặc gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở cũ.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, việc này đã dẫn đến mất 48GW điện toàn cầu từ năm 2011 đến 2020.
Nhưng việc phát triển năng lượng hạt nhân không dừng lại
Ví dụ, tại Trung cộng, có 13 lò phản ứng hạt nhân năm 2011 thì nay đã có 55 và 23 lò đang được xây.
Đối với Bắc Kinh, nơi đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, điện hạt nhân đã, và đang, đóng một vai trò sống còn.
Hiện nay, sự quan tâm tới lĩnh vực này lại có vẻ tăng ở các nơi khác. Việc này một phần là bởi các nước phát triển đang tìm cách đáp ứng nhu cầu năng lượng, cùng lúc đang nỗ lực để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon theo Thỏa thuận Paris.
Với năm 2024 được dự đoán là năm nóng nhất trong lịch sử, áp lực cắt giảm phát thải carbon ngày càng tăng. Sự chú ý trở lại đối với an ninh năng lượng, theo sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cũng là một yếu tố thúc đẩy.
Hàn Quốc, ví dụ, gần đây đã hủy bỏ hoàn toàn các kế hoạch loại bỏ hàng loạt nhà máy điện hạt nhân trong vòng bốn thập kỷ tới - thay vào đó sẽ xây thêm.
Pháp đã đảo ngược kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, vốn cung cấp 70% điện. Thay vào đó, nước này muốn xây thêm tám nhà máy mới.
Thêm vào đó, tuần trước, chính phủ Mỹ đã tái khẳng định tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (COP29) tại Azerbaijan rằng họ dự định tăng gấp ba lần năng suất điện hạt nhân vào năm 2050.
Nhà Trắng ban đầu từng hứa hẹn sẽ thực hiện việc này bên lề hội nghị năm ngoái, COP28. Tới nay đã có tổng cộng 31 quốc gia nhất trí tìm cách tăng gấp ba công suất điện hạt nhân được tiêu thụ vào năm 2050, trong đó có Anh, Pháp và Nhật Bản.
Cũng tại COP29 vừa kết thúc hôm thứ Sáu 22/11, Mỹ và Anh đã tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác để tăng tốc việc phát triển năng lượng hạt nhân.
Sự hợp tác này được đưa ra sau thỏa thuận trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị, COP28 vào năm ngoái, hay còn gọi là "đánh giá tổng thể", rằng điện hạt nhân nên là một trong những công nghệ không carbon, hoặc carbon thấp cần được phát triển để giúp chống biến đổi khí hậu.
Nhưng nhu cầu về năng lượng sạch không chỉ đến từ các chính phủ. Các tập đoàn công nghệ lớn cũng đang nỗ lực để phát triển ngày càng nhiều các ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo.
AI dựa vào dữ liệu - và các trung tâm dữ liệu cần nguồn điện liên tục, ổn định.
Theo Barclays Research, các trung tâm dữ liệu chiếm 3,5% lượng điện tiêu thụ ở bang Pennsylvania - nơi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi một lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy một phần vào năm 1979.
Bất chấp hình ảnh có phần bị hoen ố trong mắt công chúng, một lò phản ứng khác tại nhà máy nói trên tiếp tục sản xuất điện cho đến năm 2019. Joe Dominguez, Giám đốc điều hành của Constellation Energy (Mỹ), mô tả thỏa thuận tái khởi động lò phản ứng này như một biểu tượng cho sự tái sinh của năng lượng hạt nhân với tư cách là một nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy.
Các công ty công nghệ lớn khác đã có những cách tiếp cận khác nhau. Google có kế hoạch mua năng lượng được sản xuất từ một loạt cái gọi là Các lò phản ứng Module nhỏ, hay SMR - một công nghệ mới nhằm làm năng lượng hạt nhân trở nên dễ triển khai hơn và rẻ hơn. Amazon cũng đang hỗ trợ việc phát triển và xây dựng SMR.
Bản thân công nghệ SMR cũng đang được quảng bá, một phần, như một giải pháp cho một trong những nhược điểm lớn nhất mà năng lượng hạt nhân ngày nay đang phải đối mặt. Ở các quốc gia phương Tây, các nhà máy điện hạt nhân mới phải được xây dựng theo các tiêu chuẩn an toàn hiện đại nghiêm ngặt. Điều này khiến việc xây dựng chúng trở nên đắt đỏ hơn và phức tạp hơn.
Hinkley Point C là một ví dụ. Nhà máy điện hạt nhân mới đầu tiên của Anh kể từ giữa thập kỷ 1990 được xây dựng tại bờ biển hẻo lánh ở vùng tây nam đất nước.
Đây dự kiến sẽ là những nhà máy mới đầu tiên được xây dựng để thay thế các lò phản ứng hạt nhân đã già cỗi của Anh. Nhưng dự án này hiện đang trễ tiến độ hơn năm năm so với kế hoạch và sẽ đội thêm tới 11,5 tỷ USD kinh phí so với dự kiến.
Đây không phải là một trường hợp cá biệt. Các lò phản ứng mới nhất của Mỹ tại Plant Vogtle ở bang Georgia đã hoàn thành trễ bảy năm, tốn thêm hơn 35 tỷ USD - gấp đôi ngân sách dự kiến ban đầu.
SMR được thiết kế để giải quyết vấn đề này. Các lò phản ứng sẽ nhỏ hơn loại truyền thống, sử dụng các bộ phận được tiêu chuẩn hóa có thể được lắp ráp nhanh chóng, tại các địa điểm gần với nơi đang có nhu cầu sử dụng năng lượng.
Nhưng trong khi có khoảng 80 thiết kế khác nhau đang được phát triển trên toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, ý tưởng này vẫn chưa chứng minh là khả thi về mặt thương mại.
Quan điểm về năng lượng hạt nhân vẫn rất chia rẽ.
Những người ủng hộ cho rằng công nghệ này là không thể thiếu nếu muốn đạt được các mục tiêu khí hậu.
Một trong số đó là Rod Adams, người điều hành quỹ Nucleation Capital, quỹ thúc đẩy đầu tư vào công nghệ hạt nhân.
"Phân hạch hạt nhân có một lịch sử kéo dài bảy thập kỷ cho thấy nó là một trong những nguồn năng lượng an toàn nhất hiện có," ông giải thích.
"Nó là một nguồn năng lượng bền bỉ, đáng tin cậy với chi phí vận hành thấp, nhưng chi phí đầu tư ban đầu ở các quốc gia phương Tây đã quá cao."
Tuy nhiên, những người phản đối lại khẳng định rằng năng lượng hạt nhân không phải là câu trả lời.
Theo Giáo sư M.V. Ramana từ Đại học British Columbia, việc coi năng lượng hạt nhân là sạch là “một sự ngu ngốc”. Ông nói, "đây là một trong những cách đắt đỏ nhất để sản xuất điện. Đầu tư vào các nguồn năng lượng carbon thấp giá rẻ sẽ giúp giảm phát thải hiệu quả hơn với mỗi đồng tiền chi ra."
Nếu các xu hướng hiện tại báo hiệu một kỷ nguyên năng lượng hạt nhân mới, một vấn đề cũ vẫn còn tồn tại. Sau 70 năm sử dụng năng lượng hạt nhân, vẫn còn bất đồng về cách xử lý lượng chất thải phóng xạ tích lũy – một số trong đó sẽ vẫn nguy hiểm trong hàng trăm ngàn năm.
Giải pháp mà nhiều chính phủ đang theo đuổi là việc xử lý chất thải bằng cách chôn nó trong các hầm sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, chỉ có một quốc gia, Phần Lan, đã thực sự xây dựng một cơ sở như vậy, trong khi các nhà bảo vệ môi trường và các chiến dịch chống hạt nhân cho rằng việc chôn lấp chất thải chỉ đơn giản là cách để "không nhìn không thấy" nó, trong khi nguy cơ là quá cao.
Giải quyết vấn đề rác thải hạt nhân có thể là yếu tố quyết định xem liệu có thực sự xuất hiện một kỷ nguyên năng lượng hạt nhân mới hay không.
TheoLeggett
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.