Pages

Thursday, October 15, 2015

Năm nay 2015 không có mùa nước nổi

image
Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Dòng sông dài dữ dội bản trường ca

Nguyên Sa

Mùa nước nổi ĐBSCL

Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt".  Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]

image
Ngày xưa, cũng chỉ cách đây hơn 300 năm thôi, các thế hệ tiền nhân thời kỳ Nam Tiến, khi mới đến khai phá vùng ĐBSCL thường chọn sống lập nghiệp trên các khu đất cao hay còn gọi là “đất giồng” nên đến mùa nước nổi, cho dù những cánh đồng thẳng cánh cò bay biến thành biển nước mênh mông, các khu đất giồng này vẫn là vùng cư trú an toàn cho người dân và cả vô số các loài rắn. Sau này do dân số gia tăng, không còn đủ các khu "đất giồng" nên những di dân mới tới phải chọn định cư ngay trên những vùng đất mà họ có thể canh tác. Và để thích nghi, nhà cửa dọc hai bên sông rạch được cất theo kiểu nhà sàn, với chiều cao của các cây cột sàn được tính toán sao cho đến Mùa Nước Nổi, con nước đổ về không ngập lụt đến sàn nhà.

image
Mùa Nước Nổi hay còn gọi là Mùa Nước Lên thường rất hiền hoà khác hẳn với các mùa lũ lụt tàn phá dữ dội như ở miền Bắc hoặc miền Trung. Dấu hiệu "mùa nước nổi" tại vùng ĐBSCL chủ yếu là vào khoảng tháng tám Âm lịch [tháng 9 tháng 10 Dương lịch], thường được báo trước bằng những "giề" hay bè lục bình từ các cánh đồng trên đất Campuchia bị nước ngập, cuốn bật rễ nối đuôi nhau trôi theo dòng xuống đến phần đất Nam Việt Nam. [2]

image
Mực nước hai con sông Tiền sông Hậu trong "mùa nước nổi" có đặc tính dâng cao lên từ từ rồi tràn qua các bờ sông rạch, làm ngập các cánh đồng. Nước lũ có công dụng không chỉ rửa đất rửa phèn mà còn thêm lượng phù sa như một thứ phân bón thiên nhiên "trời cho" khiến đất đai thêm phần màu mỡ, biến ĐBSCL thành vựa lúa của cả nước và Việt Nam đã từng đứng thứ hai trên thế giới về xuất cảng lúa gạo, chỉ đứng sau Thái Lan. Trước đây vùng ĐBSCL còn có một loại lúa thiên nhiên có tên là lúa mù/ lúa sạ hay người Pháp gọi là lúa nổi/ riz flottant, có đặc tính "phóng ống" mọc rất nhanh theo mực nước dâng cao có khi đến 7, 8 mét, và khi đến mùa nước giựt thì thân cây lúa nằm rạp mình trên đất chờ gặt. Từ ngày có giống lúa Thần Nông/ HYV với năng xuất cao, lúa nổi không còn được nông dân quan tâm tới nữa.

Thông thường, đến "mùa nước nổi", người dân Miền Tây vẫn phải canh chừng đo mực nước lên từng giờ để phản ứng kịp thời trong trường hợp con nước vượt cao quá mức bình thường hơn các năm trước. Khi áp lực nước từ thượng nguồn bớt đi, thì mực nước liền đứng lại và rồi hạ xuống rất nhanh và giới bình dân gọi là “nước giựt”. Người ta nói nước giựt, vì mực nước hạ xuống trông thấy rõ từng giờ.

image
Cũng vẫn theo anh Dohamide thì hiện tượng nước nổi và nước giựt không diễn ra đồng đều cùng một lúc trên toàn vùng sông nước Cửu Long. Trên dòng nước cuồn cuộn chảy ra các cửa biển, hễ ở vùng Tân Châu, Châu Đốc nước giựt xuống thì vùng Cần Thơ, Vĩnh Long ở hạ lưu nước lại bắt đầu dâng lên, ngập tràn bờ, tràn đồng, rồi cũng lại hạ xuống, giống như hiện tượng xảy ra trong bình thông nhau. [2]

Cùng với con nước đỏ ngầu mang đẫm phù sa, là các loại cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng, cho đến thời kỳ nước giựt thì loại nước cỏ vàng xậm từ trong các đồng ruộng chảy ra, cùng với vô số cá lúc nhúc từng đàn, nhất là loại cá linh, ùa theo nhau tràn vào các kinh rạch để ra sông lớn. Cho nên đến mùa nước giựt, chưa bận mùa cấy trồng, người nông dân đóng đáy bắt cá suốt dọc theo các kinh rạch này, có thời điểm trong mấy thập niên trước đây cá nhiều tới mức lưới không chịu nổi phải giở lên thả cho đi bớt; bằng không thì sẽ bị rách lưới. [Hình I]

image
Sinh hoạt trong Mùa Nước Nổi 2000
Nhưng rồi hiện tượng cân bằng sinh thái tự nhiên đó hầu như không còn nữa. Và "mùa nước nổi" nếu chưa hoàn toàn biến mất thì cũng đã giảm rất nhiều cả về tần suất lẫn cường độ. Hiện tượng đó không phải do thiên tai mà là "nhân tai" một thứ thảm hoạ môi sinh/ ecological disaster do chính con người gây ra.

Năm nay không có mùa nước nổi

Mới đây thôi, từ eMail một người bạn gửi cho, khi anh ấy đọc thấy trên facebook của nhà văn Nguyễn Đình Bổn, ghi nhận năm nay không có "mùa nước nổi" khiến những ai từng theo dõi con sông Mekong không thể không quan tâm. Nguyễn Đình Bổn không phải gốc gác dân ĐBSCL mà sinh quán tại Quảng Nam, sau 1975 từ tuổi nhỏ 13 theo gia đình vào sống tại một vùng quê của Miền Tây ngót 20 năm và đã nảy sinh bao nhiêu tình cảm gắn bó với vùng đất mới này. Mới đây trên trang facebook cá nhân anh viết:

"Gần hết tháng 8 âm lịch, cậu em vợ lên chơi, hỏi nước có ngập không, lắc đầu. Vậy là năm nay miền Tây không có mùa nước nổi! Mưa giữa chiều. Nhớ một nơi không phải là quê hương nhưng thương như thương người thân thiết. Nhớ gần 40 năm trước, lần đầu biết mùa nước nổi là gì. Nước phù sa miệt Hậu Giang bỗng trong xanh, dòng chảy trên các kinh lững lờ, không có nước ròng. Và đủ loại cá tràn về, cá linh, cá thiểu, cá vồ... và đặc biệt là cá trê trắng, nấu canh chua bông súng hay bông so đũa ngon lạ lùng...Miền Tây còn đó nhưng môi trường đã quá nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu. Hết Tàu đến Thái Lan, Lào, Miên thay nhau xây đập trên dòng Mekong. Và thực tế nghiệt ngã mất mùa nước nổi đã hiện tiền. Không có mùa nước nổi, miền Tây mất phân nửa bản sắc của mình, đáng sợ hơn không có lũ tràn về, ruộng đồng sẽ nhanh chóng bị nước biển xâm nhập, và vựa lúa sẽ còn không? "Hết trích dẫn.

image
Ngày hôm sau, người viết nhận được thêm một eMail của một bạn trẻ từ vùng Thất Sơn Châu Đốc cho biết: "mùa nước năm nay nhỏ đến thất thường", rồi anh ấy tự hỏi: "phải chăng các con đập thượng nguồn sông Mekong đang tích nước?"

Những gốc rễ 'nhân tai'

http://baomai.blogspot.com/


Từ Nạn Phá Rừng:

Những khu rừng mưa (rainforest) từ xa xưa vẫn mang chức năng điều hợp, giữ lại trong lòng đất một lượng nước mưa quan trọng từ thượng nguồn thì nay không còn nữa, khi cơn mưa đổ xuống thì không những nước mưa xói mòn làm trơ đất và nước mưa thì cứ chảy thẳng ra ngoài dòng sông, tức thời làm tăng khối lượng nước và trong ngắn hạn mực nước sông đột ngột dâng cao khi có mưa nhiều ở thượng nguồn.

Những năm gần đây do ảnh hưởng nạn phá rừng tự sát (suicidal deforestation) của các quốc gia lưu vực sông Mekong: của người Tàu trên Vân Nam, của người Lào người Campuchia ở vùng Hạ lưu Sông Mekong với hai đồng lõa dấu mặt là Thái Lan và Việt Nam, khiến cho người dân Việt nơi ĐBSCL càng thêm khốn khổ: tới mùa mưa lũ đổ về sớm hơn, nhanh hơn lại lớn hơn khiến nhà nông trở tay không kịp gây tổn hại nặng mùa màng và cả về nhân mạng. Và tiếp đến mùa khô do không còn những khu rừng mưa như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước nên hậu quả tất yếu là hạn hán.

image
Tin Reuters gửi đi từ Nam Vang, “Nhóm Môi Sinh Anh Global Witness tố cáo các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam đã dính líu đến vụ đốn rừng lậu đại quy mô, đe dọa hủy hoại các khu rừng cấm của Cam Bốt. Những cây gỗ quý bị đốn bừa bãi ấy được đưa qua ngả Gia Lai, Sông Bé để chuyển xuống cảng Quy Nhơn hay Sài Gòn trước khi xuất cảng.” Bản tin ấy viết tiếp, “Một vụ làm ăn buôn bán lớn lao như thế, bất chấp luật pháp phải là kết quả của sự tham ô và đồng lõa ở cấp chánh quyền cao nhất của hai nước.” Một tình huống tương tự không kém nguy hại cũng đã diễn ra trong các khu rừng mưa trên đất nước Lào. [3]

image
Đồng lõa phá rừng mưa, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã và đang trực tiếp “tự gây ra một thảm họa môi sinh (self-inflicted ecological disaster)” với hậu quả lâu dài không chỉ ở đồng bằng châu thổ mà trên khắp các ngả sông rạch và nguồn nước của cả một quốc gia.

Đến Những Hồ Chứa Đập Thuỷ Điện:

Với những hồ chứa khổng lồ từ chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam (Mekong Cascades) mà Trung Cộng đã và đang xây trên thượng nguồn sông MK, cộng thêm những con đập Lào và Campuchia đang xây thì "mùa nước nổi" ở ĐBSCL có thể rồi ra sẽ hoàn toàn biến mất.

image
Chức năng của những hồ chứa thủy điện khổng lồ, trên lý thuyết, là tích trữ nước trong mùa mưa lũ để sử dụng trong mùa khô.  Nhưng khi các hồ chứa ở thượng lưu tích nước thì lưu lượng lũ đổ về hạ nguồn sẽ ít hơn. Không còn lũ đổ về có nghĩa là không còn "mùa nước nổi". Với hậu quả là Biển Hồ Tonle Sap trên Campuchia sẽ không được làm đầy, và vào mùa khô nước từ Biển Hồ chảy về ĐBSCL ít đi và đồng thời với mực nước biển ngày một dâng cao (Sea Level Rise) thì nạn nhiễm mặn ngày càng gia tăng trầm trọng.

Để tự bào chữa cho các con đập thuỷ điện Vân Nam, các công trình sư thuỷ điện Trung Cộng đã lý luận rằng các hồ chứa đập thuỷ điện ở thượng lưu mang chức năng điều hoà dòng chảy con sông Mekong: giữ nước trong Mùa Lũ làm giảm lũ lụt hạ nguồn và rồi trong mùa khô cũng vẫn những con đập ấy xả nước xuống hạ lưu nhiều hơn lưu lượng tự nhiên do có sẵn lượng nước ở những hồ chứa tích từ mùa lũ năm trước, nhưng hiện thực thì không đơn giản như vậy.

image
Bởi vì chính những con đập thuỷ điện thượng nguồn đã phá huỷ chu kỳ điều hợp thiên nhiên vô cùng kỳ diệu của con sông Mekong. Khi mà các hồ thuỷ điện ngăn chặn nguồn nước lũ trong Mùa Mưa từ thượng nguồn cũng chính là nguyên nhân triệt tiêu "mùa nước nổi" nơi ĐBSCL. Để rồi sang Mùa Khô, nguồn nước ấy lại bị chính Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia cùng chuyển dòng (diversion) lấy nước từ con sông Mekong cho nhu cầu nông nghiệp nên Cửu Long càng thêm cạn dòng. Nhà nông học Võ Tòng Xuân đã từng ghi nhận:

"Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Cam Bốt, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng.” [26-10-2013]

http://baomai.blogspot.com/
Và như vậy, theo kỹ sư thuỷ học Đỗ Văn Tùng từ Canada thì ĐBSCL đã và đang chịu "tai họa kép" thiếu nước cả trong mùa lũ lẫn mùa khô! Cũng vẫn theo anh, thì bắt đầu từ giữa tháng 8/2015 mực nước ở Biển Hồ trụt khoảng 1.3 mét trong vòng 10 ngày là một điều bất thường. Đối với một Biển Hồ lớn như Tonle Sap thì ngay cả khi không có nước chảy vào hồ thì mực nước hồ cũng thay đổi rất ít vì chỉ bị mất nước do bốc hơi, nên phải kể thêm yếu tố chuyển dòng (diversion) lấy nước ra khỏi hồ tiêu tưới cho những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên Campuchia, như vậy đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể nơi cuối nguồn là ĐBSCL.

Theo KS Phạm Phan Long của Viet Ecology Foundation, tình trạng mực nước Biển Hồ Tonle Sap, theo đồ biểu của Uỷ Hội Sông Mekong / MRC, thì hai tháng nay mực nước xuống thấp dưới cả mức thấp kỷ lục năm hạn hán 1992. Mưa ngày càng ít đi, mà hồ chứa đập thuỷ điện với trữ lượng ngày càng lớn hơn và nhiều thêm, hậu quả là Biển Hồ Tonle Sap tránh sao cho khỏi trơ đáy và ĐBSCL làm sao còn "mùa nước nổi". Tình trạng tai họa kép đã xảy ra vào cả hai Mùa Mưa lẫn Mùa Khô, và còn là "tai họa kép" của nhân tai lẫn thiên tai. [2] 

ĐBSCL và hội chứng luộc ếch

http://baomai.blogspot.com/
Trên báo chí truyền thông, người ta hay dùng "giai thoại luộc ếch" như một ẩn dụ (metaphor). Đó là nếu ta bỏ một con ếch vào nồi nước nóng, thì con ếch sẽ có phản ứng và nhẩy ngay ra khỏi nồi nước. Nhưng nếu ta đặt ếch vào một nồi nước lạnh, để ếch ngồi trong đó, rồi từ từ nâng nhiệt độ lên, một cách rất chậm thì con ếch vẫn thoải mái ngồi trong đó và không nhúc nhích, cho đến khi con ếch bị luộc chín từ lúc nào mà chính nó cũng không biết.

Trên thực tế, thì con ếch sẽ nhẩy ra khi nước bắt đầu nóng. Nhưng không sao, "Hội chứng Luộc ếch (Boiling Frog Syndrome)" vẫn có một ý nghĩa ẩn dụ rất hữu ích khi muốn nói tới nói tới tình trạng con người bị "mất khả năng phản ứng" đối với những mối hiểm nguy đến rất từ từ (gradual threats).

Al Gore, nguyên Phó Tổng thống Mỹ, đồng chia giải Nobel Hoà Bình 2007 do nỗ lực phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu do con người gây ra (man-made climate change) và xây dựng nền móng cho những biện pháp chống lại sự biến đổi ấy. Trong cuốn phim An Inconvenient Truth (2006) Al Gore cũng đã dùng ẩn dụ "con ếch luộc" để nói tới sự "vô minh" của con người trước hiện tượng "hâm nóng toàn cầu (global warming)" nhưng trong cuốn phim ấy, con ếch đã được cứu sống. [4]

http://baomai.blogspot.com/
Cũng không phải là quá đáng nếu đem ví Đồng Bằng Sông Cửu Long đang trở thành một "con ếch luộc", đang đi dần vào một "Cái Chết Tiệm Tiến của Thế Kỷ" với hơn 20 triệu cư dân thì vẫn cứ đang sống lặng lẽ trong đó, không có phản ứng gì trước một thảm hoạ đến rất từ từ và không thể thấy ngay một cách "nhãn tiền" cho đến khi tất cả một Vùng Châu Thổ cùng với một Nền Văn Minh Miệt Vườn đã bị chìm sâu trong một biển mặn.



Ngô Thế Vinh
California, Oct 12, 2015


Tham Khảo:
1/ Prek Kdam (Tonle Sap), Water Level. Mekong River Commission
http://ffw.mrcmekong.org/stations/pre.htm
2/ Đọc tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Đỗ Hải Minh, Tập san Thế Kỷ 21, Số 139, 11/ 2000.
3/ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Nghệ 2000.
4/ An Inconvemient Truth: The Crisis of Global Warming. Al Gore. Viking Books, 1st Edition, April 2007.

http://baomai.blogspot.com/

Những thành phố nổi tiếng nhất về cà phê
Lạc Bước Rừng Thu
Chuyện lạ ở Thái Lan: Trâu có vảy
Hay ở chỗ: càng học càng nguy hiểm!
DLV_Trần Nhật Quang giáp mặt các nhà bất đồng
Nỗi khát khao chính đáng và cần kíp
Tàu ngầm, đồ chơi đắt tiền của tỷ phú
Nhà máy Fukushima: thảm họa hạt nhân năm 2011
Trung Cộng khánh thành hải đăng ở Trường Sa
Thống đốc California phê chuẩn dự luật về quyền đư...
Sống trong sợ hãi
Phim kinh dị về sư Thái bị kiểm duyệt
Hà Lan điều tra: MH17 bị hỏa tiễn bắn
Cuộc phiêu lưu của Putin tại Syria
Đối sách điệu hổ ly sơn của nhà cầm quyền Việt Nam...
Chiến thuật trấn áp sự phản kháng trong nước
Du lịch Việt Nam: Không chỉ ăn và uống
Rượu trước bia sau là mau say xỉn?
Làn khói shisha và những điều ít ai biết
Mỹ đẩy mạnh viện trợ thực thi luật hàng hải cho Vi...
20 nước dễ bị tổn hại vì biến đổi khí hậu lập liên...
Ghế lãnh đạo và cán cân Trung-Mỹ
Bờ biển Việt Nam đang rơi dần vào tay Trung Cộng
Bắc Hàn chầm chậm đổi thay
Khi mèo trải qua cú sốc tâm lý
Những ảo tưởng về TPP
Ta mang trong mình cơ thể người khác?
Ở Hà Nội sống bằng ‘đường’ nào?
Cây bút 'can đảm' được giải Nobel 2015
Đâu là nơi ẩm ướt nhất hành tinh?
Bác sĩ bỏ đảng, khám chữa bệnh cho Thương Phế Binh...
Thần dược
Hai con vào đại học là cha mẹ 'cháy túi'?
Bác vu khống cháu la làng
Obama: ‘Không để TC viết luật chơi mậu dịch’
Nhân ngày giỗ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Phó Tế Nguyễn Mạnh San: Luật Pháp Hoa Kỳ
Tâm sự người về hưu
Bà Đồ U U và 'thuốc chữa bộ đội VN'
Giải thích hiệp định đối tác mậu dịch xuyên Thái B...

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.