Trong bài “Vietnam’s
rising repression”, đăng trên tờ New Mandala mới đây, giáo sư Zachary
Abuza, một nhà Đông Nam Á học, cho rằng những sự đàn áp của chính quyền Việt
Nam đối với những người bất đồng chính kiến càng lúc càng gia tăng và càng lúc
càng tinh vi. Ông tóm tắt những sự đàn áp ấy vào năm chiến thuật chính:
Thứ nhất, trấn áp những
luật sư thường đứng ra bảo vệ và bào chữa cho những người đối kháng bị chính
quyền bắt giữ và đem ra xét xử. Tiêu biểu nhất cho những luật sư này là Lê Công
Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài và Võ An Đôn.
Thứ hai là sử dụng
những tội danh khác, phổ biến nhất là tội danh trốn thuế, để đánh lạc hướng dư
luận là ở Việt Nam không hề có tù nhân lương tâm.
Thứ ba là sử dụng
công an chìm để hành hung những nhà hoạt động dân chủ và những người hay lên tiếng
phê phán chế độ, kể cả các nhà báo đang tiến hành các cuộc điều tra việc công
an đàn áp dân chúng. Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, riêng trong năm 2014, đã
có tới 14 nhà báo bị hành hung.
Thứ tư là gia tăng
kiểm duyệt trên mạng lưới internet. Việt Nam được xem là quốc gia có hệ thống
kiểm duyệt truyền thông khắt khe nhất thế giới.
Cuối cùng, thứ năm
là tập trung bóp chết những trang blog có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng.
Cảnh sát canh gác
trước Tòa án Nhân dân TP HCM.
Theo tôi, trong năm
chiến thuật được Zachary Abuza nêu lên ở trên, hai chiến thuật sau cùng có thể
được gộp làm một: Trấn áp những tiếng nói đối kháng trên mạng lưới internet.
Có
ba hình thức trấn áp chính: Một là dựng tường lửa, đặc biệt với các trang web đặt
trụ sở ở hải ngoại; hai là dùng tin tặc để tấn công các trang web thù nghịch;
và ba là bắt bớ những blogger có nhiều ảnh hưởng như trường hợp của Trương Duy
Nhất (2 năm tù), Phạm Viết Đào (15 tháng tù), Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (bị bắt
ngày 5 tháng 5 năm 2014, chưa xét xử) và Nguyễn Quang Lập (bị bắt và tạm giam 2
tháng, đã thả).
Ngoài các chiến thuật
mà Zachary Abuza nêu trên, tôi nghĩ còn một chiến thuật khác chính quyền Việt
Nam gần đây sử dụng nhiều để đàn áp những người bất đồng chính kiến: Trục xuất
họ ra khỏi đất nước, chủ yếu là đẩy họ sang Mỹ. Cho đến nay, họ đã trục xuất bốn
người: nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ (ngày 23 tháng 2 năm 2011), luật sư Cù Huy
Hà Vũ (ngày 7 tháng 4 năm 2014), blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (ngày 21 tháng
10 năm 2014) và gần đây nhất, blogger Tạ Phong Tần (ngày 19 tháng 9 năm 2015).
Việc đưa các nhà bất
đồng chính kiến từ nhà tù đi thẳng sang Mỹ có ba lợi ích cho họ: Một là đáp ứng
được các yêu sách từ phương Tây, chủ yếu là từ Mỹ; hai là chứng tỏ họ có tinh
thần nhân đạo, và ba là để vô hiệu hoá những nhà bất đồng chính kiến ấy. Hai lợi
ích đầu tương đối dễ thấy. Tôi chỉ xin phân tích lợi ích thứ ba.
Trên nguyên tắc, sống
ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, các nhà bất đồng chính kiến ấy sẽ được tự do
hơn. Họ muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, không ai cấm cản được họ cả.
Hơn nữa, họ cũng được sự ủng hộ của nhiều người trong cộng đồng, nhờ thế, họ dễ
tập hợp thành một lực lượng với những tầm vóc nhất định. Nhưng tự do cũng là một
con dao hai lưỡi. Lưỡi kia của tự do là: người ta mất tư cách nạn nhân, những
người bị đày ải trong lao tù của bạo chính. Mất tư cách nạn nhân, người ta cũng
mất cả tư cách là anh hùng bởi anh hùng chỉ được thể hiện trong điều kiện đối
diện với thử thách và đặc biệt, với sự áp bức. Sống ở hải ngoại, tự do phơi phới,
không ai có thể anh hùng hơn ai được. Khái niệm anh hùng của những người bất đồng
chính kiến trở thành một thuộc tính của quá khứ, một thứ vang bóng một thời.
Hơn nữa, sống ở nước ngoài, người ta cũng mất cả tư cách chứng nhân; tiếng nói
của họ, do đó, cũng mất sức nặng của người trong cuộc.
Nói cách khác, mất cả
ba tư cách nạn nhân, anh hùng và chứng nhân, người ta mất tất cả.
Họ trở thành
bình thường như bao nhiêu người bình thường khác. Họ lại thua những người bình
thường khác ở chỗ: Họ ra ngoại quốc muộn hơn, gặp nhiều khó khăn trong tiến
trình hội nhập vào cuộc sống mới hơn, bởi vậy, với một mức độ nào đó, họ cũng mất
thế giá hơn. Đó là chưa kể trong môi trường tự do ở hải ngoại, người ta rất dễ
bộc lộ những sự nghi ngờ hay đố kỵ nhắm vào những người mới từ Việt Nam sang: Họ
là “tay sai” hay “sứ giả” của Việt Cộng sang phá hoại cộng đồng.
Trường hợp của
Nguyễn Chí Thiện trước đây là một ví dụ. Lúc còn trong nước, ông là một nhà thơ
anh hùng; sang Mỹ, ông chỉ còn là một nhà thơ. Không những vậy, ông còn đối diện
với những tin đồn thất thiệt, trong đó, có tin đồn ông chỉ là một Nguyễn Chí
Thiện… giả.
Trong bài “Chuyện Cù
Huy Hà Vũ sang Mỹ” đã đăng trên blog này năm ngoái, tôi có nêu lên kinh nghiệm
của nhà văn Dương Thu Hương và nhà văn Alexander Solzhenitsyn. Lúc còn ở trong
nước, các tác phẩm văn học cũng như các bài viết về chính trị của Dương Thu
Hương được đón nhận nhiệt liệt. Từ năm 2006, bà sang sống hẳn ở Pháp. Sống ở
đâu thì Dương Thu Hương cũng vẫn là Dương Thu Dương thôi. Vẫn thông minh, sắc sảo,
thẳng thắn và tài hoa. Không có gì thay đổi. Nhưng rõ ràng là sự tiếp nhận của
những người chung quanh, từ cộng đồng người Việt đến cộng đồng quốc tế, đã thay
đổi: Bà chỉ còn là một nhà văn chứ không phải nhà văn đối kháng nữa. Với bà,
người ta hờ hững dần. Và bà cũng im lặng dần.
Trong gần 20 năm ở Mỹ, Solzhenitsyn chỉ sống một cách lặng
lẽ ở một địa phương khuất lánh heo hút. Trừ sự ồn ã ở vài năm đầu, sau đó, dường
như người ta quên mất ông, hơn nữa, có khi còn bực bội vì ông. Một số quan điểm
của ông, lúc còn nằm trong nhà tù Xô Viết, được xem là dũng cảm; lúc đã sống ở
Mỹ, ngược lại, lại bị xem là cực đoan.
Cả Solzhenitsyn lẫn Dương Thu Hương đều không phải là những người làm chính trị. Họ chỉ là những nhà văn, khi còn trong nước, được xem là đối kháng. Nhưng ngay cả khi là một nhà văn, người ta còn không được nghe, huống gì chỉ là một người hoạt động chính trị? Cơ hội để được nghe chắc chắn sẽ hiếm hoi hơn nhiều.
Cả Solzhenitsyn lẫn Dương Thu Hương đều không phải là những người làm chính trị. Họ chỉ là những nhà văn, khi còn trong nước, được xem là đối kháng. Nhưng ngay cả khi là một nhà văn, người ta còn không được nghe, huống gì chỉ là một người hoạt động chính trị? Cơ hội để được nghe chắc chắn sẽ hiếm hoi hơn nhiều.
Bởi vậy, việc trục
xuất những người bất đồng chính kiến ra khỏi nước được xem là một cách vô hiệu
hoá họ. Chiến thuật này đã từng được Liên Xô sử dụng thường xuyên trong suốt thời
chiến tranh lạnh.
Bây giờ đến lượt Việt
Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Hưng
Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.