Trên thế giới, có
hàng triệu con mèo đang được nuôi giữ trong các trung tâm cứu trợ tạm thời. Đó
là những con mèo lạc, bị bỏ rơi hay bị chủ đối xử tệ bạc.
Nhiều con trong số
này đang chờ được ai đó nhận nuôi, nhưng có lẽ sẽ rất khó có người nhận nuôi
chúng. Đa phần những con mèo này đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn
và vì thế chúng sẽ không phải là những vật nuôi dễ thương, gần gũi trong gia
đình.
Ảnh hưởng tâm lý
Có những con rất hay
khè, cào và cắn. Nhiều con trong số đó phải mất nhiều ngày hay nhiều tháng được
chăm sóc chu đáo mới có thể trở lại bình thường. Một số con sẽ không bao giờ
vượt qua được nỗi sợ người lạ.
Mọi thứ sẽ càng trở
nên khó khăn hơn với việc phải ở trong nhà chăm sóc tạm. Nếu thời gian ở đó
quá lâu, chúng sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Để tạo điều kiện tốt
nhất cho chúng, những người chăm sóc ở nhà tạm phải làm sao cho chúng đỡ bị
căng thẳng nhất, giúp cho tình trạng sức khỏe chúng không trở nên xấu đi.
Để làm được điều
này, chúng ta cần hiểu tại sao mèo bị căng thẳng, và mèo bị căng thẳng như thế
nào.
Một nhóm các nhà
khoa học đã tìm hiểu hành vi của những con mèo này khi lần đầu tiên chúng được
đưa vào trong trung tâm. Họ muốn tìm hiểu xem hoàn cảnh sống của chúng ở đấy có
thể căng thẳng đến mức nào.
Họ đã nghiên cứu
trên 20 con mèo nhà, đa phần trong số này đã được chủ đem về nuôi từ khi còn nhỏ.
Trước hết, họ đánh
giá từng con mèo trên thang điểm căng thẳng từ thấp đến cao. Sau đó họ quan sát
hành vi của chúng khi chúng được nuôi giữ trong nhà tạm.
Khác biệt lớn
Người đứng đầu nhóm
nghiên cứu, bà Lydia Rehnberg từ Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc, đã dành thời
gian làm việc tại các trung tâm nuôi giữ mèo. Bà đã chứng kiến tận mắt sự
khác biệt to lớn mà những người chăm sóc chúng có thể tạo ra cho những con
mèo.
Quan sát hành vi của
những con mèo này trong điều kiện nuôi nhốt, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra
những con mèo có tâm lý bất ổn đều thể hiện một dạng hành vi giống nhau.
“Mặc dù được nuôi
trong những căn phòng tương đối rộng, hầu hết chúng đều thu mình trong hang
hay leo cao lên cột,” Rehnberg nói.
Càng căng thẳng chừng
nào, chúng càng có xu hướng thu mình trong hang chừng đó. Những con tự tin và
thoải mái hơn thì lại leo lên cột nhiều hơn.
“Những con mèo căng
thẳng cao độ dường như không muốn làm gì cả mà chỉ muốn thu mình trong hang,
trong khi đó những con ít căng thẳng hơn lại leo trèo và quan sát nơi ở mới từ
trên cao,” Rehnberg nói.
Nhóm nghiên cứu phát
hiện ra rằng những con mèo bị căng thẳng trở nên lười biếng và thụ động. Thường thì
chúng không làm gì cả.
“Những con mèo có mức
độ căng thẳng cao gần như không còn những hoạt động bình thường nữa mà chỉ
thu mình ở một chỗ trong hàng giờ,” Rehnberg nói.
Điều này trái ngược
hoàn toàn với những con mèo trong tình trạng ít căng thẳng, vốn hoạt động như
bình thường. Thông thường, mèo là động vật thích đùa giỡn và thích khám phá. Nhiều con trong số chúng chủ động tìm cách gần gũi với con người hay đồng loại.
Những con mèo cào
hay kêu to cũng ít bị căng thẳng hơn. Những con mèo dường như ‘nổi điên’ này lại
có điểm căng thẳng thấp hơn so với những con mèo thụ động.
“Nhiều người có thể
cho rằng hễ con mèo nào kêu to thì có nghĩa là chúng bị căng thẳng nhiều trong
khi những con thu mình trong góc lại là những con ‘ổn định’ nhưng thực tế lại
hoàn toàn trái ngược,” Rehnberg nói.
Các nhà nghiên cứu
đã đăng kết quả công trình của họ trên tạp chí khoa học Applied Animal
Behaviour Science.
Sự chăm sóc của con
người
Để tìm hiểu xem những
con mèo này sẽ tiến triển như thế nào với sự quan tâm của con người, nhóm
nghiên cứu đã để cho phân nửa đối tượng mèo mà họ theo dõi được chăm sóc cẩn
thận hơn. Những con mèo thuộc nhóm này đã trở nên bớt căng thẳng hơn vào ngày
thứ hai sống ở nhà tạm.
Điều này có nghĩa là
chủ nhân và những người chăm sóc có thể làm giảm sự căng thẳng đối với những
con mèo của họ bằng những hành động tương đối đơn giản.
Trong số này có
việc tiếp cận chúng một cách chậm rãi, cúi người xuống ngang với chúng, để
cho chúng quen trước khi chạm vào người chúng và dùng lời nói nhẹ nhàng tích cực
với chúng.
“Điều này dường như
chuyện vặt nhưng đối với loài nhạy cảm như mèo thì chúng có thể để ý bất kỳ
những điều gì nhỏ nhặt nhất từ bên ngoài,” Rehnberg nói.
Mèo có thể dần quen
với điều kiện sống nuôi nhốt, nhưng về lâu dài điều đó sẽ có hại cho chúng. Nếu
phải ở đó trong nhiều tháng, chúng không tránh khỏi bị ảnh hưởng về sức khỏe
cũng như tâm lý.
Do đó việc nuôi nhốt
càng ngắn chừng nào tốt chừng đó, các nhà nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, điều này
không phải lúc nào cũng khả thi. Cũng không phải lúc nào ta cũng kiếm được đủ
người nhận nuôi tất cả những con mèo ở trung tâm cứu trợ.
Để tránh tình trạng
này, theo Rehnberg, thì chủ nuôi nên triệt sản những con mèo của họ nếu có thể.
Điều này sẽ làm giảm nguy cơ có thêm mèo phải sống ở trung tâm cứu trợ.
Melissa Hogenboom
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.