Đảng Cộng sản Việt
Nam vừa đánh dấu 70 năm cuộc cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9.
Tháng Chín vừa qua lại
chứng kiến thêm các vụ 'bắt - thả', 'xuất - nhập kho' khi một tù nhân lương tâm
'được thả', đó là bà Tạ Phong Tần, cựu sĩ quan công an, thành viên của Câu lạc
bộ Nhà báo Tự do, từ nhà tù bị đưa thẳng ra nước ngoài hôm 19/9/2015 .
Tuy nhiên, ngay sau
đó, một cựu tù nhân chính trị khác lại bị bắt lại hôm 21/9 là cựu trung tá quân
đội Trần Anh Kim và còn một số người khác nữa.
Có vẻ dưới sức ép của
quốc tế, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, nhà cầm quyền đã có những hành động thả tù
chính trị để chứng tỏ đang có tiến bộ về nhân quyền.
Đó cũng là điều đáng
hoan nghênh, song việc bắt, bắt lại, trấn áp những nhà hoạt động xã hội ôn hòa,
các cựu tù chính trị, lương tâm khác thì sao?
Đặc biệt, việc đưa
quyền con người lên chương 2 của hiến pháp 2013 và việc nhà cầm quyền Việt Nam
có chân trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc có thực sự chứng tỏ đang
có tiến bộ về nhân quyền thì thế nào? Bài viết này xin đề cập một vài khía cạnh
liên quan, dưới đây.
Những động thái đó
thật ra không chứng tỏ được gì nhiều, vì chế độ pháp trị để bảo vệ những quyền
con người ấy không tồn tại ở Việt Nam mà chỉ chứng tỏ rõ ràng hơn về sự cầm quyền
của một chế độ đảng trị.
Thật vậy, trong lời
mở đầu của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế đã ghi rất rõ:
“Xét rằng điều cốt yếu
là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị (rule of law) bảo vệ để con người
khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền.”
Chế độ pháp trị
Ai cũng biết rằng chế
độ pháp trị phải được bắt đầu từ bản hiến pháp chuẩn mực của toàn dân.
Từ bản Hiến pháp đó
mới quy định ra thế nào là tự do, bình đẳng, dân chủ, nhân quyền, hệ thống nhà
nước tam quyền phân lập, v.v… Đó là cách thức bền vững nhất để bảo vệ nhân quyền,
để thực hiện mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” của chính đảng cộng sản.
Năm 2013, toàn dân,
các trí thức như nhóm Kiến nghị 72 đã sôi nổi góp ý để sửa đổi hiến pháp theo
hướng dân chủ, pháp trị. Dù hiến pháp 2013 đã được thông qua mà không thèm đếm
xỉa đến nguyện vọng của toàn dân, nhưng hoạt động để có một bản hiến pháp dân
chủ bảo vệ quyền con người luôn là vấn đề thời sự, cấp bách nhất của đất nước.
Tác giả đặt lại câu
hỏi về tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền hiện nay.
Mới đây, nhìn vào việc
dự thảo Luật tự do lập hội lại bị nhà cầm quyền trì hoãn, hay nhìn vào đề án
quy hoạch báo chí tiếp tục ngăn cấm báo chí tư nhân, chỉ còn cho duy trì báo
chí của đảng cộng sản thì ta thấy rõ là dù quyền con người được ghi rất trang
trọng trong chương 2 hiến pháp nhưng đều chỉ là hình thức.
Chắc chắn chế độ độc
đảng không bao giờ chấp nhận dân có quyền tự do lập hội hay ra báo, nếu nhà cầm
quyền chấp nhận điều đó thì họ sẽ không thể nào tiếp tục duy trì chế độ độc đảng
với đầy đặc quyền đặc lợi cho tầng lớp cai trị bên trên.
Do đó, đấu tranh cho
quyền con người thiết thực nhất chính là liên kết, đứng cùng nhau, không phân
biệt cộng sản hay là không, vận động vì mục tiêu nền tảng chung là “nhân dân
làm chủ, pháp luật chuẩn mực”, bắt đầu từ bản một bản Hiến pháp của toàn dân.
Chính danh, bình đẳng
Với cái nhìn đó, điều
21 của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế lại là điều quan trọng nhất với tinh thần
ý dân là nền tảng của quyền lực, tự do ứng cử, tự do bầu cử, lãnh đạo quốc gia
phải do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng, có định kỳ.
Nói cách khác, nhà
nước phải chính danh.
Nếu ở quốc gia nào
mà điều 21 bị vi phạm, nhà cầm quyền không chính danh thì chắc chắn tất cả những
quyền con người khác đều sẽ bị vi phạm vì quyền của dân không chỉ đã bị mâu thuẫn,
xung đột mà còn bị lấn át, xâm phạm nghiêm trọng bởi quyền lực của nhà cầm quyền
không do dân bầu lên.
Viết đến đây, tôi nhớ
đến các biểu ngữ đang giăng đầy đường phố để quảng bá cho luật Bình đẳng giới,
ví dụ như câu “Nam nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước”, “Nam nữ bình
đẳng trước pháp luật"…
Thế thì có bao giờ
các lãnh đạo của đảng cộng sản nghĩ đến việc cần ra luật bình đẳng giữa công
dân là đảng viên cộng sản và công dân ngoài đảng cộng sản hay không?
Vì thật ra bất công
giữa lãnh đạo đảng cộng sản và người dân mới là bất công lớn nhất hiện nay, và
đó cũng là mâu thuẫn gây ra đổ vỡ xã hội.
Nếu không làm được
chuyện đó thì tất cả những điều tốt đẹp mà nhà cầm quyền đã quảng bá về chủ
nghĩa xã hội để hướng tới mục tiêu xã hội công bằng, hoặc kêu gọi hòa hợp hòa
giải đều chỉ là nói suông, không thực.
Lương hưu, công lao
Rất nhiều các cựu
chiến binh, kể cả các sĩ quan an ninh nhà nước Việt Nam mà tôi có dịp tiếp xúc
cũng hiểu rõ nhu cầu dân chủ, pháp trị của đất nước. Tuy nhiên, họ lại sợ bị mất
lương hưu nếu chuyển đổi qua thể chế dân chủ.
Nhìn sang các nước
mà “diễn biến hòa bình” (theo cách gọi của Đảng Cộng sản và chính quyền Việt
Nam) đã thành công như nước Đức hay nước Nga, các cựu chiến binh, công chức
không hề bị mất lương hưu. Thậm chí, lương còn được tăng lên. Cũng không có
chuyện trả thù hay đổ máu gì.
Tác giả nhắc lại lời
của Chủ tịch TC Tập Cận Bình tại diễn đàn Liên Hợp Quốc hôm 25/9 nói các quần đảo
ở Biển Đông 'từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Cộng.'
Vì sao? Vì thể chế
dân chủ, pháp trị đảm bảo quyền con người, không phân biệt đó là người cộng sản
hay người không cộng sản, cũng không phân biệt lý lịch của công dân.
Một vấn đề khác đó
là dân chủ để chống ngoại xâm. Mới đây, trong một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng
ngày 25/9/2015, Chủ tịch Trung Cộng, ông Tập Cận Bình đã không ngần ngại khẳng
định trước thế giới rằng “Các quần đảo ở Nam Hải (tức Biển Đông) từ thời cổ đại
là lãnh thổ của Trung Hoa”.
Điều này một lần nữa
chỉ chứng tỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng là không thay đổi. Theo
tôi được biết, vẫn có nhiều chiến sĩ và các tướng tá quân đội sôi sục ý chí chống
xâm lược, cụ thể ở đây là Trung Cộng. Họ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Thế nhưng, nếu các
chiến sĩ và tướng tá của quân đội hi sinh để bảo vệ đất nước, nhiều khả năng
người dân chỉ đánh giá là quân đội đang chiến đấu để bảo vệ cho chế độ độc đảng
không chính danh, chiến đấu chỉ vì lãnh đạo đảng cộng sản ra lệnh chứ không phải
vì dân vì nước. Sự hi sinh của quân đội vì thế sẽ không hoặc khó được lịch sử,
nhân dân ghi công đúng mức.
Ngay cả những chiến sĩ
hi sinh trong chiến tranh với Khmer Đỏ hay với Trung Cộng từ năm 1979 trở lại
đây cũng bị nhà cầm quyền lãng quên vì quyền lợi ích kỷ của giới lãnh đạo trong
việc thân thiết với Bắc Kinh. Chỉ trong chế độ dân chủ, pháp trị, quân đội chiến
đấu theo mệnh lệnh của một chính quyền chính danh, do dân bầu ra, thì sự hi
sinh và công lao của các chiến sĩ, tướng lãnh mới thật sự có ý nghĩa cao quý là
bảo vệ Tổ quốc, nhân dân và được người dân tưởng nhớ, biết ơn và suy tôn.
Hành động thế nào?
Người dân bây giờ lại
có câu nói đùa rằng: Anh/chị ấy là đảng viên [cộng sản] nhưng mà là người tốt.
Nếu nhà cầm quyền bảo
thủ không chấp nhận cải cách dân chủ, lại đợi đến khi chỉ còn hai lựa chọn “đổi
mới hoặc chết” như năm 1986 hay bây giờ với việc ký rất nhiều các hiệp định
thương mại tự do và buộc phải chấp nhận công đoàn độc lập để vào TPP (Hiệp định
hợp tác đối tác xuyên Thái Bình Dương), nếu để dân phải dùng đến bạo lực để chống
lại áp bức, bất công thì lúc đó không còn đảng viên cộng sản tốt.
Trong mắt dân lúc đó
tất cả đảng viên cộng sản đều xấu. Tính mạng và tài sản của các đảng viên cộng
sản e khó mà bảo đảm trong tình trạng vô chính phủ như vậy.
Tác giả đặt vấn đề
liệu các đảng viên cộng sản và thành viên lực lượng vũ trang có nên lựa chọn đứng
về phía nhân dân và dân chủ?
Do đó, các chiến sĩ
và tướng lãnh quân đội, công an cần dứt khoát ủng hộ thể chế dân chủ.
Thể chế dân chủ cũng
sẽ giải phóng các đảng viên cộng sản cấp trung và cấp thấp khỏi những ràng buộc
phi lý, vi hiến, phạm pháp như 19 điều đảng viên không được làm.
Vấn đề bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ quốc gia đang rất cấp bách, thế nhưng chỉ có thể bảo vệ được chủ
quyền khi có chính phủ chính danh hành động theo ý dân, đoàn kết được toàn dân
để các công chức nói chung, quân đội, công an nói riêng có thể cống hiến, hi
sinh.
Và tất cả những vấn
đề nóng khác của xã hội như quyền con người, xã hội dân sự, giáo dục, y tế, môi
trường, kinh tế… chỉ có thể giải quyết khi vấn đề nền tảng đã được giải quyết
xong.
Đó là “nhân dân làm
chủ, pháp luật chuẩn mực”, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân.
Đó cũng là nền tảng
thiết thực nhất để mọi người cùng đi tới, kể cả đảng cộng sản.
Th.S Nguyễn Tiến
Trung
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.