"Đánh cho Mỹ cút, Ngụy
nhào, xong ...nhào theo..." ?!?
Mình chỉ ngẫm nghĩ, không biết dư luận viên bị bỏ lại sẽ ra sao
ta...
***
Trên con đường dài dẫn
ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là
người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường
nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của
thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những
khu định cư mới của “Việt cộng”.
Những ngôi nhà đó được
mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1
triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt
Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình.
Phần lớn những người
này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây
ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản
ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được
mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”.
Không chỉ ở nơi đó,
nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu
Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy.
Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền –
họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến
các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy
đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn.
Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc
sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”.
Bellaire Village
Shopping Center
Có lẽ vì vậy, mà ở
các khu người Việt như vậy, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều.
Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách
lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ.
Sẽ là một điều chua
chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi
Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan
chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Cộng. Thậm chí
các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để
được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho mình là cho con cái của mình.
Nhiều người Việt Nam
sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ
là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời. Trong những người đến Mỹ hay bất kỳ
quốc gia phương Tây thù địch nào khác, có những người làm mọi cách như một cuộc
tỵ nạn về an sinh, giáo dục… nhưng cũng có những người chạy đi, để âm thầm đào
thoát khỏi lý tưởng của mình.
Anh Mến, một người sống
ở Kansas chỉ hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng
anh chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2,3 căn nhà. Thậm chí họ còn
luôn đón mua hàng chục chiếc Iphone đời mới nhất để gửi về, so với anh đến nay
vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi. “Việt Nam
bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?”, anh Mến ngơ ngác hỏi.
Thật khó mà giải
thích với anh Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê
hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc
đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải
xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to
và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.
Trường St Polycarp ở
thành phố Stanton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều
gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến
thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến
và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái,
chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi
học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo,
giày dép vả cả giọng nói.
Khi gia đình này bước
qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một
vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải
nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người
Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn “Anh có
làm ở đây không, anh nên nói với ban giám hiệu”.
Tôi nhớ đến Sài Gòn,
Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập
học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải
gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen
dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm
và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau ấy không lâu,
mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân
sách.
Gia đình đó
khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những
ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy
mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên
gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có
thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội
móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh.
Một trong những câu
nói nổi tiếng của nhà văn, diễn thuyết gia John Mason, cũng là tựa đề một quyển
sách nổi tiếng của ông, có tựa đề “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng
chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy) có lẽ là
một trong những động lực thúc đẩy âm thầm nhưng mãnh liệt trong lòng người Việt
từ nhiều đời nay. Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của
mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn
có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của
mình.
Nghèo khó, họ có thể
thành người rơm ở Anh hay bị xua đuổi ở Campuchia. Giàu có, họ trở thành những
kẻ lưu vong hoặc nhấp nhổm với cuộc sống mới mà mắt vẫn đau đáu về quê nhà. Lịch
sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú
lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm
nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu
chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.
Nhưng tại sao chúng
ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là
mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi
đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều
con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì
sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ đó sẽ không chất vấn một ban
giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói như vậy trên chính đất nước
mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo
bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?
Chúng ta được dặn dò
hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt
đã rất mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế
giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức
đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà
trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.
Cuộc sống đang như vậy.
Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận
viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một
khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy.
Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau
đó là gì?
nhạc sĩ Tuấn Khanh
Thì sông cứ chảy phận người cứ trôi. Đất nước nầy như vậy đó ?
ReplyDelete