Pages

Wednesday, October 31, 2018

Boeing 747 _ Siêu máy bay chinh phục thế giới

baomai.blogspot.com

Ngày 30/09/1968, hàng ngàn người tụ tập tại xưởng sản xuất Boeing mới tại Everett, nằm cách 50km về phía bắc thành phố Seattle để chứng kiến thiết kế cách tân của hãng sản xuất máy bay này.

Chiếc máy bay mà hãng Boeing ra mắt trong ngày này sẽ trở thành biểu tượng của những hành trình đường dài hào nhoáng - chiếc phi cơ có thể đưa bạn đến bãi biển đầy nắng cách xa cả lục địa.

Nó sẽ định danh lại hình dáng và kích cỡ của sân bay, và trở thành người hùng thầm lặng của dòng máy bay vận tải trên thế giới.

Nó có thể vận chuyển số lượng hàng hóa khổng lồ đi khắp toàn cầu ngày nay.

Nó sẽ trở thành tên tuổi nổi tiếng nhờ vào kích cỡ khổng lồ, với tên gọi "Jumbo Jet" (máy bay phản lực khổng lồ).

Boeing đặt tên chiếc máy bay này là 747.

Số phận trắc trở

baomai.blogspot.com
Một vấn đề mà các hãng hàng không nhận ra đó là chiếc máy bay quá lớn không thể vừa các bãi đậu máy bay hiện có

Được bắt đầu với một hợp đồng quân sự, quá trình thiết kế và chế tạo Boeing 747 trải qua nhiều trắc trở.

Sau khi được giới thiệu vào tháng 9/1968, khi thế giới đã lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay khổng lồ, cột mốc quan trọng kế tiếp đến vào tháng 2/1969.

Các phi công lái thử gồm có Jack Waddel và Biren Wigle bay chuyến thử nghiệm đầu tiên trên chiếc 747 từ Everett.

baomai.blogspot.com
  
Chiếc phản lực khổng lồ của Boeing chứng minh là nó có thể bay, nhưng liệu các hãng hàng không trên thế giới có mua nó không?

Pan Am là khách hàng tiên phong - Boeing đã hứa sẽ chuyển cho họ đơn hàng vào cuối năm 1969. Chiếc máy bay phải được thiết kế và chế tạo trong vòng 28 tháng, trái với thông lệ 42 tháng để chế tạo máy bay chở khách mới.

Boeing đã sản xuất chiếc 747 đầu tiên với tốc độ nhanh chóng đó tại nhà máy khổng lồ ở Everett trước khi trần của nhà máy được làm xong.

Các hãng hàng không khác quyết định là họ cũng muốn có phần với chiếc "phản lực khổng lồ".

Một trong số đó là Hãng Hàng không British Airways. Một kỹ sư bảo trì trẻ tuổi tên Stewart John được đưa tới Seattle để tìm hiểu về chiếc máy bay mới.

"Tôi được mời đến Seattle, vào khoảng [thời gian] mẫu máy bay thứ hai, với màu sắc của hãng Pan Am, được đưa đi bay," John kể lại.

"Everett vừa mới xây xong. Chúng tôi có hai người từ hãng BA và nhiều người khác từ hãng Lufthansa, Qantas, American Airlines và hãng Delta.

"Chúng tôi làm việc rất giống với một lớp học. Một thứ Sáu, có tin đồn trong lớp: 'Người ta sẽ cho bay chiếc thứ hai hôm nay.'

"Vì vậy tất cả chúng tôi đều đi đến cuối đường băng. Chúng tôi không thể tin nổi khi thấy kích cỡ của nó. Khi vật thể đó bay trên đầu bạn, cảm giác thật tuyệt vời."

baomai.blogspot.com
  
Ban đầu cũng có những ý kiến chống lại chiếc 747, đặc biệt là một số hãng hàng không Hoa Kỳ, vì kích cỡ khổng lồ của nó - có nhiều quan ngại là hầu hết sân bay đều không thể chứa được chiếc máy bay.

Nhưng Boeing đã thuyết phục được các hãng hàng không phải băng qua đại dương - như các hãng bay từ New York đến London và quay lại - họ sẽ nhìn thấy lợi ích của máy bay cỡ lớn như vậy.

Yếu tố quan trọng khiến nó được yêu thích đó là máy bay có thể chở đến 550 hành khách, gần gấp bốn lần chiếc 707.

baomai.blogspot.com
Chiếc máy bay 747 đã được chế tạo với kích cỡ gấp đôi dòng sản phẩm trước nó, chiếc 707

Ngày 15/1/1970, chiếc 747-100 đầu tiên dành cho hãng Pan Am (là mẫu 747 đầu tiên đi vào phục vụ) chính thức được khai trương bởi Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Pat Nixon.

Chiếc 747 của hãng bắt đầu bay hành trình đầu tiên từ New York đến London, chỉ một tuần sau đó.

Nhưng chiếc 747 vẫn chưa qua khỏi thời gian khó khăn.

baomai.blogspot.com
  
Hãng Boeing đã chi phí quá nhiều vào dự án - và nợ 1,2 tỷ đô la Mỹ ở ngân hàng, một kỷ lục nợ vào thời đó - khoản nợ đến ngay vào thời gian Hoa Kỳ bước vào đợt suy thoái kinh tế.

Chiếc 747 không hề rẻ. Mỗi chiếc máy bay trị giá 24 triệu đô la Mỹ tương đương với số tiền 155 triệu đô la Mỹ vào năm 2018. Hãng Boeing chỉ có thể bán được hai chiếc 747 trong một năm rưỡi kể từ tháng 9/1970.

Các hãng hàng không đã mua chiếc máy bay nhanh chóng đổi chúng lấy các dòng máy bay nhỏ hơn vì cơn khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 dẫn đến tình trạng giá nhiên liệu tăng cao.

baomai.blogspot.com
  
Ngay cả British Airways, hãng hàng không đã bay chiếc 747 nhiều hơn bất cứ hãng nào, cũng gặp rắc rối với chiếc máy bay.

"Chúng tôi đặt hàng ba máy bay từ 20 chiếc đầu tiên được sản xuất," John kể lại. "Ban đầu đã xảy ra sự cố kinh khủng với động cơ. (Sau đó) phi công còn đình công ở hãng BA - họ muốn có thêm tiền để bay loại máy bay này.

"Các máy bay chỉ nằm đó - cuối cùng chúng tôi cho hãng Pan Am thuê động cơ máy bay của mình. Máy bay của chúng tôi thì nằm ở sân bay với những khối bê tông đè ở phần cánh, chờ động cơ về."

Những khách hàng khác nhận thấy một trong những ưu điểm hấp dẫn của chiếc máy bay - là chi phí thấp hơn khi vận hành vì nó có thể chở nhiều hành khách hơn - chỉ có thể trở thành hiện thực khi máy bay đầy khách. Một chiếc máy bay 747 chỉ chở 70% số hành khách vẫn đốt lượng nhiên liệu tương đương với máy bay đầy khách.

Liên tục điều chỉnh

Nhưng chiếc 747 vượt qua được những trở ngại đó.

Hãng Boeing cần chiếc 747 phải thành công. Vì vậy hãng điều chỉnh thiết kế và lắng nghe đề xuất từ các khách hàng là hãng hàng không.

Các hãng hàng không từ Nhật Bản muốn sử dụng chiếc 747 làm máy bay phản lực chở khách tầm ngắn với số lượng ghế nhiều nhất là 550 ghế, vì vậy Boeing chế tạo môt phiên bản ngắn hơn, chứa được ít nhiên nhiên liệu nhưng nhiều hành lý hơn.

baomai.blogspot.com

Chiếc 747-200 ra đời năm 1971, với động cơ mạnh hơn và tải trọng tối đa khi cất cánh cao hơn rất nhiều.

Ngày càng nhiều hãng hàng không đặt hàng Boeing.

Trong suốt thập niên 1970 và 1980, hình dáng cong gù khác biệt của chiếc 747 trở thành biểu tượng của các chuyến bay đường dài sang trọng.

Cabin hành khách của 747 rất rộng, và chiếc máy bay thậm chí còn có cả cầu thang cuốn để lên tầng trên.

Trong nỗ lực khuyến khích mọi người bay trên máy bay khổng lồ, một số hãng hàng không tận dụng kích cỡ của máy bay 747 để tạo ra sự sang trọng chưa từng có.

baomai.blogspot.com
Hãng Pan Am bay chuyến đầu tiên vượt Đại Tây Dương vào tháng 1/1970

Chiếc 747 của hãng American Airlines có một quán bar chơi piano trên khoang bình dân vào thập niên 1970; mẫu thiết kế của hãng Continental có một quầy rượu với ghế sofa.

Robert Scott là phi công đã bay với chiếc máy bay khổng lồ. "Hãng của chúng tôi là một trong những hãng đầu tiên đưa 747 vào phục vụ và chúng tôi khá hào hứng khi bay trên chiếc máy bay lớn nhất và tốt nhất trên thế giới vào thời đó," ông nói.

"Người ta sẽ cảm thấy sửng sốt khi đứng đó và thán phục kích cỡ của máy bay. Nó đúng nghĩa là to như cả một khối nhà. Thời gian đi bay ban đầu của tôi là với Hạm đội Không quân của Hải Quân Hoàng gia, vì vậy tôi vốn quen với loại máy bay nhỏ hơn nhiều so với 747."

"Tôi đã bay các loại máy bay dân sự khác trước khi tham dự khóa học về 747 nhưng không có chiếc nào gần được như vậy về mặt kích cỡ."

"Dù có kích cỡ khổng lồ, bay chiếc máy bay này lại rất thú vị. Người ta thường nghĩ rằng sẽ khó khăn khi điều khiển nó bởi nó có vấn đề về điểm nhìn, rằng chiếc máy bay không chỉ to như cả một khối nhà mà khi bay nó cũng như bay cả khối nhà."

"Vì vậy, cảm giác thật kinh ngạc tuyệt vời khi nhận ra xử lý nó gần giống với các loại máy bay nhỏ hơn và nó cực kỳ linh hoạt."

"Chỉ khi chiếc máy bay ở trên mặt đất người ta mới phải chú ý đến kích cỡ khổng lồ và cẩn thận khi di chuyển, đặc biệt trong các khu vực cấm."

Các hãng hàng không tiếp tục đặt hàng mua phi cơ 747, và nhiều sân bay kéo dài đường băng và tăng kích cỡ nhà ga để có thể cho máy bay đậu. Và Boeing thì tiếp tục điều chỉnh thiết kế khi công nghệ tiên tiến hơn.

Vào giữa thập niên 1980, Stewart John rời hãng British Airways để bắt đầu công việc mới ở hãng Cathay Pacific ở Hong Kong.

Thiết kế linh hoạt

baomai.blogspot.com
  
"Vào năm 1986, tôi bắt đầu nói chuyện với hãng Boeing xem liệu họ có thể tạo ra thay đổi lớn với thiết kế hay không."

"Ở Hong Kong chúng tôi thực sự đã đẩy giới hạn của phiên bản 200 của máy bay 747 tới mức tối đa của nó. Chúng tôi bay từ Hong Kong tới Vancouver, Vancouver về Hong Kong. Trên đường về máy bay tốn thêm một giờ rưỡi vì gió mạnh. Chuyến đi khổ sở luôn là bay từ Bờ Tây Hoa Kỳ về lại Đông Á."

"Cathay có những hành trình bay dài nhất trên thế giới, vì vậy Boeing gửi một nhóm đến và nói chuyện để xem họ phải làm gì. Họ đưa ra đề xuất về chiếc 747-400 và chúng tôi là khách hàng đầu tiên cho phiên bản với động cơ do hãng Rolls-Royce cung cấp."

baomai.blogspot.com
  
Chiếc 747-400 là bước tiến khổng lồ. Chiếc máy bay được một số hãng hàng không gọi là "Longreach" (Bay đường dài), và có thể bay tối đa không ngừng trên quãng đường 14.200km.

Nó có thể làm được điều này một phần nhờ vào "cánh lượn" được gắn thêm ở cuối phần cánh, giúp cải tiến khí động học và nghĩa là chiếc máy bay sẽ đốt ít nhiên liệu hơn trên mỗi dặm bay.

Nếu các hãng hàng không muốn, họ có thể sắp xếp 660 hành khách nhờ thiết kế toàn bộ lại khoang bình dân.

baomai.blogspot.com
  
Lần đầu tiên được đưa vào bay năm 1988, chiếc 747-400 là thành công to lớn: gần 700 chiếc được bán ra. Ngày nay vẫn còn rất nhiều chiếc đang được sản xuất.

"Thiết kế lại trong hệ thống và buồng lái nghĩa là không cần có kỹ sư trên chuyến bay nữa," Scott cho biết.

"Đó không chỉ là khoản tiết kiệm tài chính với đội bay mà còn là biểu hiện cho thấy công nghệ đang định hình tương lai của thiết kế máy bay như chưa từng có trước đó."

Một mẫu tinh chỉnh thêm nữa của 747 xuất hiện vào năm 2005, với sự ra đời của chiếc 747-8; đến thời đó, tiên đoán của Sutter rằng chiếc máy bay sẽ trở thành phương tiện vận tải hàng hóa đã thành hiện thực. Boeing đề nghị đưa chiếc 800 vào làm máy bay chở hàng từ khi còn mới, thay vì các hãng máy bay vận tải hàng hóa phải gỡ bỏ cabin hành khách khi chiếc máy bay kết thúc sự nghiệp làm máy bay chở khách.

baomai.blogspot.com
  
Nhưng vào năm 2005, chiếc "phản lực khổng lồ" không còn địa vị như cũ nữa.

Đối thủ của Boeing ở châu Âu là hãng Airbus đã thiết kế chiếc máy bay siêu kích cỡ có tên A380; có thể chở đến 853 hành khác. Giống như chiếc 747 trước đây, kích cỡ khổng lồ của máy bay này đòi hỏi các sân bay vận hành chúng phải thích nghi.

baomai.blogspot.com

Tương lai ngành hàng không

Thị trường hàng không đã thay đổi rất nhiều từ khi máy bay 747 được thiết kế.

Trở lại thời đó thì không có máy bay hai động cơ nào được phép bay xa hơn thời gian 60 phút để tới một sân bay, đề phòng có trục trặc động cơ xảy ra.

baomai.blogspot.com
  
Giờ đây những dòng máy bay như 777 hoặc 787 có thể bay trong thời gian suốt 5 giờ trước khi đến sân bay gần nhất - điều đó có nghĩa là chúng có thể vượt qua các đại dương khổng lồ như Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Di chuyển bằng đường hàng không cũng đã thay đổi nhiều. Sự ra đời của máy bay 747 và A380 đã dẫn đến sự ra đời của các sân bay khổng lồ, với các máy bay phản lực khổng lồ bay ở đó.

Hành khách từ các sân bay nhỏ hơn thời đó có thể bắt các chuyến bay trên máy bay nhỏ hơn. Nó đã giúp định hình hệ thống "trục xe và nan hoa" - mô hình vận tải hàng không trong đó các thành phố lớn là trục và có rất nhiều chuyến bay hướng về đó, và sau đó các thành phố nhỏ nối với nhau như nan hoa xe, ít chuyến bay đến hơn - đã định hình ngành hàng không trong suốt 40 năm qua.

Nhưng trong vài năm gần đây nhiều thứ đã thay đổi. Các máy bay hai động cơ nhỏ hơn giờ đây có thể bay xa hơn, và vì chúng chỉ cần hai động cơ, nên vận hành chúng rẻ hơn, vì vậy ngày càng có nhiều điểm đến hơn.

Điều đó có nghĩa là những chuyến bay dài từ các nơi như London tới Nashville - với khoảng khách 6.720km giờ đây có thể thực hiện bằng máy bay hai động cơ.

Bỗng nhiên, các dòng máy bay khổng lồ bay từ sân bay khổng lồ này đến sân bay khổng lồ khác trở nên ít nhiều yếm thế.

baomai.blogspot.com
  
Hãng Airbus bắt đầu thấy ảnh hưởng này đến dây chuyền lắp ráp; ngoài đơn hàng cho 20 chiếc A380 từ hãng Emirates trong tháng 1/2018, Airbus đã không bán được bất cứ chiếc máy bay khổng lồ nào trong hơn hai năm qua. Và những hãng hàng không đặt mua dòng máy bay này đang hủy đơn hàng.

Điểm hay của chiếc 747 là ở điểm nó có thể dễ dàng chuyển thành máy bay vận tải.

"Bạn có thể chở hành khách, và nếu bạn không thể chở khách bạn có thể chở hàng, và nếu bạn không thể chở hàng bạn có thể chở nhiên liệu," John nói. "Còn chiếc A380? Bạn không thể chở hàng được."

baomai.blogspot.com
  
Dây chuyền lắp ráp máy bay Boeing 747 chưa ngừng lại, nhưng có vẻ như đến năm 2020, hầu hết những chiếc 747 được chế tạo sẽ là phiên bản máy bay chở hàng hoặc máy bay riêng cho chính phủ và giới siêu giàu.

Cùng với đó sẽ là sự kết thúc của hơn 50 năm sản xuất dòng máy bay phản lực khổng lồ của Boeing. Kế hoạch của hãng này trong hai thập niên tới vẫn chưa đề cập đến loại máy bay nào cùng kích cỡ. Thế nhưng tính đến năm 2018, đã có 1.500 chiếc xuất xưởng.

"Trong khi nhiều người vẫn cảm thấy hoài nhớ quầy bar và những chiếc đàn piano lớn vốn làm rạng danh máy bay 747, đặc biệt là thời mới ra đời, thì kinh tế mới là yếu tố quyết định hình dáng và kích cỡ của các loại máy bay sắp tới," Robert Scott nói.

"Những người giữ trong tim hình ảnh chiếc 747 yêu quý sẽ phải nói lời chia tay với chiếc máy bay đã ấn định chuẩn mực gần như là bất khả thi chỉ một thế hệ trước đó."

Vào lúc này, sáng tạo của Sutter sẽ tiếp tục phủ bóng ở những nhà ga sân bay khắp thế giới.

Mỗi lần Mike Lombardi nhìn thấy một chiếc, ông như được nhắc nhở về nhà thiết kế đã cương quyết theo đuổi mục tiêu là chiếc 747 phải được cất cánh.

"Vài năm trước, tôi định bay đi London từ Seattle. Chỉ ngay trước khi tôi định đi thì Joe Sutter qua đời. Joe giống như một người cậu nhiệt thành đã bảo bọc cho tôi. Tôi nhìn thấy chiếc 747 đi trên đường băng về hướng mình, và tôi nghĩ về Joe, và đó là khoảnh khắc nhiều xúc động."

baomai.blogspot.com
Joe Sutter

Lombardi cho biết những chiếc 747 còn lại - ngày càng chở hàng nhiều hơn so với chở hành khách - sẽ còn hoạt động trong nhiều năm nữa. Thế hệ tương lai sẽ chia sẻ ký ức với ông khi còn nhỏ, xem chiếc 747 bay dần lên cao và tự hỏi sao nó có thể bay trên ấy.

"Thậm chí ngay cả khi bạn hiểu tất cả khoa học về máy bay, tôi vẫn nghĩ hẳn là có chút điều kỳ diệu nào ở đó."



Stephen Dowling 

baomai.blogspot.com

Chấm dứt hiệp ước INF _ Đối sách của Hoa Kỳ đối với Trung cộng?
Lời nói cuối cùng của Steve Job
Một y tá giết 99 bệnh nhân bằng thuốc độc
Chính trị và lời nói không mất tiền mua
Tiếng gọi từ trái tim của Richard Gere
Tại sao Nhật Bản có nhiều plutonium đến vậy?
Mỹ đánh TC đỡ không nổi
Tại sao Nhân dân tệ đang tụt dốc?
Nhà văn Kim Dung rất gần gũi với văn hóa đại chúng
Trump muốn bỏ quyền ‘trẻ sinh ở Mỹ thì có quốc tịch’
Opossum con vật săn bọ chét
Tác giả kiếm hiệp Kim Dung qua đời ở tuổi 94
Bầu cử Hoa Kỳ _ Bầu cho ai?
Ngày Nấm 12 tuổi
Đảng Dân Chủ đã thay đổi lý tưởng?
Khi nữ nhân ăn phở
Công chúa Nhật kết hôn với thường dân
Máy bay tàng hình của Hoa Kỳ
Bạn có vấn đề về uống nước không?
Lộn xộn thực sự có thể dẫn đến lo âu

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.