Càng gần đến ngày bầu cử giữa kỳ của Hiệp Chủng Quốc, tình hình vận động tranh cử càng sôi động. Mở TV, mở trang báo, mở smart phones, emails, bước ra đầu ngõ, signs, banners và messages tràn ngập. Đâu đâu, người người đều bình luận, vận động và phát biểu chính kiến của mình. Mà không phải chỉ người dân Mỹ đâu nghe! Người dân Central và South America, Âu Châu, Trung Đông, Tàu Quốc, ĐNÁ Châu… cũng phát sóng “live” cùng bầu cử Mỹ Quốc.
Tại sao thiên hạ quan tâm chuyện “bao đồng” dữ vậy? Dể hiểu thôi, vì các chuyện “bao đồng” đó lại trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền và an nguy của hầu hết các dân tộc và các quốc gia trên thế giới. Nước Mỹ ảnh hưởng đến thế giới nhiều dữ vậy sao? Để trả lời, ta không cần nhìn 4 phương tám hướng làm chi cho mệt, chỉ nhìn về phương Đông của Tàu cộng, nơi có gần 1 tỷ 400 triệu sinh linh, ta sẽ thấy từ đầu năm đến nay thị trường chứng khoán Tàu cộng mất đi gần 30%. Dân Tàu “nghèo” đi trông thấy. Gần như không nước nào dám vỗ ngực tuyên bố ta đây vô sự trước hành động cao bồi của TT Trump qua các chính sách đối ngoại của nước Mỹ đang được định hình.
Không quan tâm sao được khi những vấn đề như là điều cấm kỵ của bao đời TT trước đây, nay với TT Trump trở nên đơn giản như là “đang giỡn” vậy. Thí dụ như dời toà đại sứ Mỹ đến Jerusalem bất chấp sự phản đối dữ dội trong thế giới Hồi Giáo, thí dụ như dể dàng vứt bỏ hiệp ước nguyên tử ký kết với Nga Sô có từ thời TT Reagan thời chiến tranh lạnh làm thế giới ngỡ ngàng…
Nhưng tại sao lần này bầu cử bán kỳ của HK lại quan trọng dữ vậy? Lý do là vì ông TT Trump, qua đảng Cộng Hoà, muốn thực hiện được những quốc sách về ngoại giao và đối nội quan trọng. Họ phải kiểm soát cho được toàn thể quốc hội, cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Nếu mất một viện, TT Trump có quyền ngồi chơi xơi nước trong hai năm tới. Nếu mất cả hai viện, TT Trump rất dễ đối mặt với luận tội và truất phế (impeachment) vì ông có quá nhiều kẻ ganh tị và thù hằn. Thăm dò cử tri cho biết tỷ lệ ủng hộ giữa 2 đảng đang suýt soát nhau nên trong một số tiểu bang và địa phương có đông người Việt, lá phiếu cử tri Việt Nam sẽ phần nào tương đối quan trọng.
Nhìn chung trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, cử tri Cộng Hoà lúc nào cũng đông hơn Dân Chủ. Tình hình này sẽ bị đảo ngược trong khoảng một thập niên nữa, khi thế hệ một và một rưỡi ra đi. Thế hệ thứ hai và thứ ba (youngsters) của cộng đồng VN rất yêu thích đảng Dân chủ, đặc biệt là tại tiểu bang California. Đây cũng là hiện tượng chung của hầu hết các gia đình Việt Nam: “trên bảo dưới không nghe”! Trong cuộc bầu cử TT Mỹ 2016 vừa rồi, “thảm kịch” xãy ra trong rất nhiều gia đình người Mỹ và cả những gia đình Việt Nam, đưa đến cãi vả, thậm chí ly dị : Chồng quyết liệt “bảo vệ” Trump, vợ thề không đội trời chung với Trump! Cho nên những nhà “bỉnh bút”, thầy bàn VN không nên phán những câu xanh dờn đại loại như: Bầu cho Cộng Hoà là “yêu nước” hay Trump sẽ giúp VN lấy lại biển đảo và khai chiến với Tàu cộng để xoá sổ chủ nghĩa Cộng Sản.
Nhìn chung, người Việt tị nạn CS chúng ta đồng ý với TT Trump rất nhiều thứ: Ngoại giao mạnh, dứt khoát, thế giới kiêng nể và tôn trọng (chẳng bù với TT Obama). Kinh tế phát triển tốt, tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Chính sách di dân (immigration) hợp lý (cũng chẳng bù với TT Obama). Tuy nhiên, trong bước đi mạnh mẽ và dứt khoát của chính sách Trump cũng khó tránh khỏi những bất cập, chẳng hạn như:
* Cộng Hoà cố gắng bãi bỏ Obamacare nhưng chưa định hình chính sách bảo hiểm sức khỏe cho mấy chục triệu người bệnh hoạn, hoặc không có bảo hiểm nhưng chưa đến tuổi thụ hưởng medicare. Vấn đề này Canada, Âu Châu, Nhật Bản làm tốt hơn nhiều.
* Riêng một mình Hoa Kỳ và một vài quốc gia khác không tham gia chương trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu (global warming) trong khi 97% các quốc gia trên thế giới đều đồng thuận.
* Chính sách kinh tế của TT Trump có vẻ đúng hướng nhưng quá mạnh bạo, như giảm thuế thật nhiều cho các corporation khiến ngân sách thất thu trầm trọng, khiếm ngạch thương mại (deficits) với các nước đang thương lượng, phải vài năm nữa mới dần dần cân bằng mậu dịch. Điều quan trọng nhất nhưng ít người biết đến là khi kinh tế suy thoái, ngân hàng dự trữ liên bang (FED) áp dụnh chính sách tiền tệ, thuật ngữ gọi là Quantitative Easing (nới lỏng định lượng). Có nghĩa là bơm thật nhiều tiền vào các ngân hàng để cho thiên hạ mượn làm ăn. Tiền ở đâu ra cho thiên hạ mượn vậy? Câu trả lời là in (printing) thêm tiền, sau đó ngân hàng trung ương dùng tiền mới in ra này mua bond của chính phủ để phân phối số tiền đó ra thị trường! Con số lên đến 12 ngàn tỷ (12 trillion) dollars trôi nổi ngoài thị trường theo kiểu đó. Hiện nay kinh tế phát triển khấm khá, chính sách đảo ngược lại gọi là Quantitative Tightening (siết chặt định lượng). Mỗi năm ngân sách chính phủ liên bang phải bù khoảng 600 tỷ USD cho phần Quantitative Tightening này (xem attached ref.), cộng với thất thu do giảm thuế lên đến cả ngàn tỷ nữa.
Giải pháp là gì? Chính phủ phải bán bond ra để lấy tiền tiêu xài. Ác hại thay, chiến tranh mậu dịch cũng khiến China ào ạt bán bond của Mỹ ra… Đó cũng là lý do FED phải tăng phân lời ráo riết vì sợ lạm phát khiến thị trường chứng khoán Hoa Kỳ lãnh cái búa tạ. Nhưng đừng lo, sau bầu cử Trump sẽ đi gặp Tập Cận Bình và Tập sẽ nhượng bộ về nhiều mặt, mọi việc sẽ yên ổn lại ngay.
Nhìn chung, chúng ta nên đi bầu đông, bỏ phiếu cho đảng Cộng Hoà để chính quyền Trump dể dàng hơn khi thực hiện những chính sách táo bạo đặt nền móng cho sự hùng cường của nước Mỹ mai sau. Vấn đề đất nước Việt Nam vẫn còn dưới ách độc tài cộng sản, chúng ta phải nỗ lực tự cứu lấy mình, không nên ảo vọng trông chờ vào Hoa Kỳ vì TT Trump rất thờ ơ về vấn đề nhân quyền và lại càng không có tham vọng xóa sổ Trung Hoa Cộng Sản như một số thầy bàn kiểu “Bất Chiến Tự Nhiên Thành” mơ ước. Các thầy bàn này không muốn dấn thân vận động nhưng gặp nhau ở một điểm chung: Trump sẽ khai chiến với Tàu Cộng và Việt Nam sẽ thoát ách Cộng Sản một sớm một chiều, nhờ Trump (!)…
Quốc Phùng
Ref.
* Quantitative Tightening: https://www. bloomberg.com/news/articles/ 2018-07-09/after-years-of- easing-meet-quantitative- tightening-quicktake
* 7 Charts On Quantitative Tightening: https:// seekingalpha.com/article/ 4203021-7-charts-quantitative- tightening
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.