Thịnh Nguyễn được biết đến qua trang Chuyện Của Thịnh
Thịnh Nguyễn tự nhận là một nghệ sĩ "tự cho phép mình phải hiểu đủ sâu về những vấn đề không được học trong nhà trường, như những cộng đồng dân oan yếu thế, những cộng đồng bị bắt phải tị nạn, những nhà hoạt động bị ép với danh tính là phản động".
Gần đây, cộng đồng mạng biết đến Thịnh qua trang Chuyện Của Thịnh đăng tải nhiều hình ảnh, clip chất chứa nỗi niềm của những thân phận mà người ta không thể thấy trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước.
Nhưng trước đó vài năm, những gì người ta biết về Thịnh là biệt danh Thịnh 'Rồ' và là đội trưởng đội xe bay Hà Nội.
Cũng có người khi nghe nhắc tên Thịnh thì miêu tả: "Đó là một hoạ sĩ ngông cuồng và tự do, có lúc biểu diễn màn đi dây trên nhà cao tầng."
Hồi năm 2012, tờ Người Đưa Tin từng viết về Thịnh: "Một "thằng rồ" không có nghĩa là ngờ nghệch, ngu ngốc, hay ngông cuồng, những thú vui mà Thịnh say mê tất nhiên đều có ý nghĩa với anh, cho dù đôi khi anh nói đơn giản là: Chơi để vui."
"Khi vẫn còn tuổi trẻ, vẫn còn sức lực, thay vì trì trệ một chỗ hay lao đầu vào những thú vui có phần vô bổ như nhiều người trẻ khác, Thịnh khoái sự dịch chuyển, khám phá và cảm giác mạnh. Cảm giác khi đi lên những vùng núi phía Bắc đã từng thú vị với Thịnh bao nhiêu, thì khi tham gia leo núi, anh lại nhìn những ngọn núi với sự thú vị tăng gấp nhiều lần."
Thịnh: "thằng rồ"
"Thịnh rất hay cười, cái cười có thể nói là duyên, khi anh cười lớn thì lại rất hồn nhiên như thể đó là con người vô lo vô nghĩ nhất trần đời. Nghe nói ngoài việc vẽ tranh trừu tượng, Thịnh còn đa tài bởi hát hay, chơi đàn giỏi, tán chuyện khéo, ắt hẳn phải làm nhiều cô gái điêu đứng.
Nhưng cái nổi bật nhất đáng bàn ở đây là chất "rồ" trong con người anh."
Nhưng nay Thịnh, người đàn ông tuổi 38, có vẻ khác "Thịnh của ngày hôm qua" rồi. Thịnh bảo:
"Ngày trước tôi là Thịnh 'Rồ' vì làm những điều mình thích, hồi xưa tự do, làm gì thì làm và không sợ định kiến."
Một cảnh trong phim ngắn của Thịnh Nguyễn về người Tây Nguyên
"Nhưng từ ngày biết về những nỗi đau trong xã hội thì thấy mình không tự do nữa. Tôi chợt nhận ra ở Việt Nam mọi thứ dạy trong sách, những thứ tưởng là tự hào hóa ra là sai lầm."
"Và nhận ra là mình sợ nhiều hơn thế, sợ nói lẽ phải, cái sợ từ trong vô thức. Chưa bao giờ mình dám đối diện với nó."
"Bây giờ thì những gì Thịnh làm là về xã hội."
Bên lề một đoạn phim về những gia đình tử tù oan, Thịnh viết: "Tôi đã phỏng vấn họ rất rất nhiều, cố gắng hiểu về nỗi đau để chạm vào nó. Nhưng nỗi đau này lớn quá, nó mơ hồ gây ảo giác như một cơn ác mộng đỏ lòm dỉ máu. Tôi chỉ mập mờ biết rằng họ đang phải đấu tranh, đấu tranh bằng mọi giá để tìm được cửa thoát ra. Nhưng mê cung này thật khác biệt, tưởng có lúc tìm được sợi dây bấu víu, nhưng vỡ vụn. Lại rơi vào một mê cung nhiều cửa. Làm lại từ đầu."
"Hàng nghìn tập đơn kêu oan mang ra Hà Nội chất thành xe. Gửi đến nơi kiến nghị ư? Gửi đến văn phòng tiếp dân ư? Phủ chủ tịch, nhà thủ tướng… Vẫn vậy thôi, những tập đơn không có hồi âm."
"Nhiều lúc tôi tự an ủi về nỗi đau họ chịu cho tâm hồn mình đỡ tổn thương. Nỗi đau của họ bắt buộc phải có một giá trị nào đó chứ. Ông trời có mắt, luật vũ trụ có ý nghĩa chứ. Nỗi đau này biết đâu cách nào đó sẽ khiến họ hiểu được buồn vui của cuộc đời thì sao? Để cho họ những trải nghiệm mới để vượt qua những khôn lớn bình thường..."
BBC: Thịnh Nguyễn tự định danh mình là gì, nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim tài liệu hay nhà hoạt động hay...?
Thịnh Nguyễn: Tôi không cố gắng định danh mình là gì, vì hiện cái ranh giới đó đang làm tôi thấy áp lực, một chút mất tự do mà tôi mong muốn.
Hiện tôi làm những gì mà pháp luật của nhà nước Việt Nam và lương tri của cá nhân tôi cho phép. Nhưng tuy nhiên để nói thứ tôi nghiêng về nhiều hơn.
Tôi là nghệ sĩ, một họa sĩ. Trước kia tôi dùng màu sắc để tạo nên tác phẩm của mình. Nhưng đến một ngày tôi thấy màu sắc, bút pháp không còn đủ mạnh để nói những điều tôi biết, tôi trải qua nữa. Tôi bắt buộc phải chọn một phương tiện khác tốt hơn, tự do hơn để biểu đạt và nói lên tư tưởng của mình.
Một tấm trong phóng sự ảnh về người dân Dương Nội của Thịnh Nguyễn
Tôi không dám nói mình là một nhà làm phim tài liệu. Mặc dù những phim ngắn tôi làm mang tính tài liệu cao. Tuy nhiên là một nghệ sĩ, tôi tự cho phép mình phải hiểu đủ sâu về những vấn đề tôi quan tâm.
Những vấn đề tôi đã không được học trong nhà trường, như những cộng đồng dân oan yếu thế, những cộng đồng bắt phải tị nạn, những nhà hoạt động bị ép với danh tính là "phản động".
Muốn tiếp cận những vấn đề này, làm phim và chụp ảnh đang là phương tiện làm tôi thấy tự tin để gặp và hỏi kỹ những con người tôi đã và đang quan tâm. Chỉ khi có những cái nhìn khách quan hơn, sâu và đa chiều hơn. Tôi sẽ làm nên những tác phẩm lớn hơn cho mình.
BBC: Mảng phim tài liệu ở Việt Nam dường chịu nhiều thiệt thòi về cơ hội, danh tiếng hoặc kiếm tiền. Đã vậy, ông lại chọn làm về dân oan, gia đình tử tù oan. Tại sao? Những thách thức, rủi ro nào mà ông phải đối mặt với chọn lựa này?
Thịnh Nguyễn: Tôi không là nhà làm phim tài liệu chuyên nghiệp nên tôi không thể đưa ra nhận định về thể loại phim này ở Việt Nam đang như thế nào.
Nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi thấy nhà làm phim đều có những mục đích khác nhau.
Anh đang đưa có một vế mục đích để lựa chọn, là tiền, danh tiếng, cơ hội thì tôi thấy hơi thiếu.
Làm phim tài liệu còn có những góc nhìn khác nhân văn hơn, là có những trải nghiệm thật sâu, những tương tác để thấu hiểu với nhân vật, sự chia sẻ, tình yêu thương và niềm tin và hạnh phúc với mục đích mình đã chọn nữa.
Anh sẽ nhìn thấy sự việc này đầu tiên, và anh sẽ đưa góc nhìn này cho mọi người tìm hiểu và phản biện. Vì vậy những việc tôi đang làm có thể như anh nói không mang cơ hội và tiền bạc đến với tôi, nhưng tôi rất tự hào vì bây giờ tôi biết nhiều hơn khi tôi chỉ đứng nhìn mà quan sát.
Một khi cầm máy quay, máy chụp ảnh, tức là bạn đã phải đến thật gần, để lắng nghe để nhìn vào mắt nhân vật, nhìn vào từng cử chỉ thái độ, để cố đi tìm bản chất của vấn đề bạn quan tâm.
Và sẽ là một nghệ sĩ như thế nào khi anh không thể nói sâu vê tác phẩm của mình? Muốn hiểu về nó đành phải cố quên đi những rủi ro và thách thức mình đang đối mặt mà thôi.
BBC: Ông có nghĩ đến chuyện đem phim đến các liên hoan phim quốc tế hoặc các sự kiện ở nước ngoài, như bộ phim Mẹ Vắng Nhà (về blogger Mẹ Nấm) gần đây?
Thịnh Nguyễn: Có những lời mời tôi tham gia trình chiếu những trích đoạn phim tôi đã làm. Tôi không hiểu và nghĩ mình được nhiều sự quan tâm như vậy. Nhưng bây giờ tôi hiểu là có thể tôi đang làm những điều khác biệt và ít người làm. Tôi sẽ dành thời gian nhiều để nghĩ về việc tham gia những liên hoan phim.
Tôi không thể mang những hiểu biết về kỹ thuật hay tiền bạc để khoe trong những liên hoan phim. Hiểu rằng mình như thế nào đang ở đâu, vị thế nào rất quan trọng.
Nếu tôi chạy theo về mặt kỹ thuật hay tiền bạc trong những liên hoan phim, chắc chắn tôi sẽ thua thiệt, vì phương Tây họ đã đi trước về vấn đề này nhiều năm, phải biết mình nhà nghèo và đưa hết những thứ mình nghèo cho họ. Đây có thể là một cơ hội để thấy mình khác biệt. Tôi chỉ cần nói sự thật, không quá tô vẽ đã là một lợi thế.
BBC: Có đề tài nào ông muốn làm mà không thể làm, vì quá nguy hiểm/khó khăn ở Việt Nam?
Thịnh Nguyễn: Những vấn đề khó khăn ở Việt Nam thì rất nhiều. Vì bất cứ thứ gì anh muốn làm liên quan đến nghệ thuật đều phải xin giấy phép và chấp nhận kiểm duyệt.
Đứa con tinh thần của anh nếu chỉ là chủ đề giải trí thì không quá khó khăn, nhưng nếu anh nói về chính trị thì gần như 100% là tác phẩm sẽ bị bác bỏ.
Cá nhân tôi thì chưa gặp quá nhiều khó khăn trong những phim tôi làm, vì hiện tại tôi chưa quảng bá nó trên những phương tiện truyền thông do Nhà nước quản lý.
Một cảnh trong đoạn phim của Thịnh Nguyễn về những gia đình tử tù đang đi kêu oan cho con em họ ở Hà Nội
Chủ đề tôi đề cập chỉ là những người dân oan, yếu thế. Tôi vẫn có thể tiếp cận họ thường xuyên. Chỉ là không có qua nhiều người nói về họ mà thôi, chứ không bị cấm đoán như những vấn đề chính trị, tranh chấp quyền lực.
Khó khăn phần lớn đến từ phía tôi, có thể là vì không đủ gây dựng niềm tin với cộng đồng hoặc chưa đủ hiểu những gì họ chia sẻ và chưa đủ tài năng để chuyển thể ra những điều mình mong muốn.
BBC: Nếu mà nói thành quả của ông với lĩnh vực phim tài liệu thì đó là gì? Và thất bại?
Thịnh Nguyễn: Thành quả của tôi ,nếu có là tôi được tiêp xúc với nhiều cộng đồng, bắt đầu có nhiều cái nhìn khách quan hơn, rộng hơn về những vấn đề tôi quan tâm.
Thông qua làm phim, tôi được tiếp xúc với những tâm hồn mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ được gặp và biết tới. Nhiều người tử tế hơn, có lý tưởng.
Tôi phá được những định kiến cố hữu về bản thân mà xã hội áp đặt. Tôi bắt đầu mở rộng cái ranh giới tự do của mình với pháp luật và quyền của bản thân.
Thịnh Nguyễn cùng những bạn trẻ tham gia tham gia phản đối việc chặt hạ cây xanh tại Hà Nội hồi năm 2015
Tôi gặp những con người nông dân bé nhỏ, nhưng họ có một sức mạnh phi thường, súc mạnh của công lý khiến họ vượt qua nhiều thử thách đến độ nếu bạn chỉ trải qua một phần tư những gì họ trải qua, có lẽ bạn sẽ chết vì trầm cảm.
Tôi tiếp xúc được với những nguời nghèo tiền bạc, nhưng họ lại đang có một cuộc cách mạng trong tư tưởng mà không phải ai cũng có, kể cả giàu sang. Đó là tư tưởng đòi công lý đòi lẽ phải và công bằng lẽ phải. Điều này đang quá khác biệt trong tư duy nhận thức của tôi trước đây.
Thành công nữa là trong thời gian tôi làm phim, việc đó khiến tôi phải đặt câu hỏi nhiều hơn về những vấn đề tôi quan tâm. Được đặt câu hỏi về bản thân, về xã hội, phản biện chính suy nghĩ của mình khiến tôi có một tư duy mở hơn và khác hẳn cậu họa sĩ - là tôi - chỉ biết chơi bời cách đây hai năm.
Còn nói về thất bại ư? Thứ nhất là tôi chưa đủ năng lực để có thể hiểu được bản chất vấn đề, nhiều kết quả tôi đưa ra không hoàn toàn như tôi nghĩ.
Thứ hai, tôi thất bại với việc chia sẻ gia đình, bạn bè. Nay thì không còn nhiều người muốn biết về tôi nữa. Khi làm quá nhiều, thời gian cho bản thân và gia đình phải hy sinh.
Tuy đó là sự lựa chọn, nhưng nếu được cả hai thì tôi không quá bị cảm thấy tổn thương thế này.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.