Pages

Thursday, October 22, 2020

Liệu nước Mỹ còn giữ được tam quyền phân lập?

 image

Đã từ lâu người Việt thường xem tam quyền phân lập tại Mỹ như một mô hình kiểu mẫu cho một Việt Nam tự do, nhưng tiếc thay mô hình này đang bị chính những người Mỹ cấp tiến tìm mọi cách thay đổi và đã trở thành một đề tài tranh cử tổng thống 2020.

 

Bởi thế vào ngày 19/10/2020, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Texas) và năm Thượng nghị sĩ Cộng hòa khác đã đưa ra Thượng Viện một dự luật tu chính hiến pháp nhằm ngăn chặn đảng Dân chủ đưa thêm người vào Tối Cao Pháp Viện phá vỡ tính chuyên môn và độc lập của tư pháp, nếu lỡ ra ông Joe Biden thắng cử và đảng Dân chủ nắm được Thượng viện.

 

Tam quyền phân lập…


image

  

Năm 1787 khi bản Hiến Pháp được soạn thảo và ban hành, những nhà lập quốc lo ngại nước Mỹ sẽ lọt vào tay những kẻ độc tài nên đã xây dựng mô hình với 3 nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp hoàn toàn độc lập, kiểm soát và cân bằng quyền lực lẫn nhau.

 

Hành Pháp (Chính Phủ) và Lập Pháp (Quốc Hội) là hai nhánh do các đảng chính trị hay chính trị gia được dân chúng ủy quyền qua các cuộc bầu cử tự do.

 

Tư Pháp (Tối Cao Pháp Viện) là nhánh chuyên môn do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện cứu xét thông qua.

 

Vai trò của thẩm phán là bảo vệ giường mối quốc gia, phán xét những Đạo Luật Liên Bang hay Tiểu Bang và việc phân xử của các Tòa bên dưới có phù hợp với Hiến Pháp không.

 

Hiến Pháp cho phép thẩm phán được phục vụ trọn đời hay đến khi họ tình nguyện về hưu nhằm tránh cho họ bị các chính trị gia hay dân chúng làm áp lực chính trị mất đi tính chuyên môn và độc lập.


image

  

Nhưng Hiến pháp có lỗ hổng lớn là không quy định con số thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện.


Đó chính là nguyên nhân gây tranh cãi về việc mở rộng con số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, thách thức tam quyền phân lập và những quyền tự do được Hiến Pháp bảo vệ.

 

Pack the court

 

image

Tạm dịch “lấp đầy tòa án” là một thuật ngữ liên quan đến việc mở rộng con số thẩm phán tại Tối Cao Pháp Viện bắt nguồn từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt (1933-45) thuộc đảng Dân Chủ.

 

Nhiều chính sách trong Đối Sách Mới (New Deal) do ông Roosevelt đưa ra đã bị kiện lên Tối Cao Pháp Viện và bị xử là vi phạm Hiến Pháp.

 

Phản ứng lại ông đưa ra một dự luật trao cho tổng thống quyền đề cử một thẩm phán bổ sung cho mỗi thẩm phán trên 70 tuổi và 6 tháng, dự luật bị ngay chính các đảng viên đảng Dân Chủ trong Quốc Hội phản đối và bác bỏ.


image

  

Ngày nay ông Roosevelt được xem là Tổng thống Mỹ cấp tiến nhất vì đã khai sinh hệ thống an sinh xã hội tại Mỹ và nhiều cải cách xã hội khác.

 

Nhưng đồng thời ông cũng là người bị cho là coi thường Hiến Pháp và kỳ thị Á châu nhất vì trong Thế chiến thứ 2 vào tháng 2/1942 ông ra lệnh đưa 127,000 người Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung.

 

Vào tháng 7/1983, trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng nghị sĩ Joe Biden cho biết ý tưởng “lấp đầy tòa án” của Tổng thống Roosevelt không có gì là sai trái với Hiến Pháp, nhưng theo ông:


image

  

“…Đó là một ý tưởng dại khờ (a bonehead idea), một sai lầm khủng khiếp, thật khủng khiếp nếu được thực hiện, nó đặt ra câu hỏi về sự độc lập của cơ quan quan trọng nhất ở đất nước này: Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.”

 

Cuộc tranh cử Tổng thống 2020, ông Biden lại bị vướng mắc vào ý tưởng dại khờ “lấp đầy tòa án” của thành phần cấp tiến trong đảng Dân Chủ.

 

Từ cuộc tranh cử 2016…


image

  

Tháng 2/2016, thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia qua đời, Tổng Thống Obama đề cử ông Merrick Garland, Chánh án tòa Phúc Thẩm D.C. lên thay.

 

Khi đó đảng Cộng Hòa đang nắm Thượng viện nên lấy lý do gần ngày bầu cử tổng thống không tổ chức điều trần phê chuẩn thẩm phán cho ông Merrick Garland.

 

Đảng Dân Chủ lúc ấy rất tự tin bà Clinton sẽ thắng lớn và chiếm luôn Thượng Viện sẽ tiến hành thủ tục điều trần phê chuẩn cho ông Garland.


image

  

Nào ngờ ông Trump thắng cử tiến hành đề cử thẩm phán Neil Gorsuch thay thế, đảng Dân Chủ bắt đầu tố cáo ông Trump đánh cắp ghế tổng thống của bà Clinton vì thua bà hơn 3 triệu phiếu, đồng thời đánh cắp ghế thẩm phán lẽ ra thuộc đảng Dân Chủ.


image

  

Vào tháng 7/2018 thẩm phán Anthony Kennedy từ chức, Tổng thống Trump đề cử ông Brett Kavanaugh một thẩm phán bảo thủ lên thay, mặc dù được Thượng Viện chấp thuận nhưng ông Kavanaugh gặp nhiều chống đối từ phía đảng Dân Chủ.

 

Ngày 18/9/2020, Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời, đảng Cộng Hòa ngay sau đó tuyên bố sẽ tổ chức điều trần phê chuẩn thẩm phán nếu Tổng thống Trump đề cử người ra Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện.

 

Người Mỹ nghĩ gì ?

 

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến được hãng Gallup tiến hành khảo sát vài ngày trước khi Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời, thăm dò từ ngày 31/8 đến 13/9/2020, cho thấy đa số người Mỹ tin tưởng vào sự độc lập và chuyên môn của Tối Cao Pháp Viện.

 

Nói chung 42% người Mỹ tin rằng rằng hệ tư tưởng của Tối Cao Pháp Viện là "đúng đắn", chỉ 32% nói rằng quá bảo thủ và 23% cho rằng quá cấp tiến.

 

Điều khá lý thú là có đến 48% những người Mỹ độc lập không theo đảng nào lại tin tưởng vào hệ tư tưởng của Tối Cao Pháp Viện là "đúng đắn", vẫn 32% nói rằng quá bảo thủ và chỉ 16% cho rằng quá cấp tiến.


image

  

Trong lần thăm dò mới nhất của hãng Gallup công bố hôm 20/10/2020 vừa qua, được tiến hành khảo sát 4 ngày sau khi Tổng thống Trump chính thức đề cử bà Amy Coney Barrett, thăm dò từ ngày 30/9 đến ngày 15/10/2020, lên đến 51% người Mỹ ủng hộ việc đề cử bà Barrett với chỉ 3% là chưa có ý kiến về việc đề cử.


image


Điều đáng nói là có đến 84% người theo đảng Dân Chủ không ủng hộ việc đề cử.

 

Ông Biden lâm vào thế kẹt…

 

Chính vì đại đa số đảng Dân Chủ không chấp nhận việc đề cử nên ngay khi đảng Cộng Hòa công khai kêu gọi Tổng thống đề cử thẩm phán mới thay thế, thì phía cấp tiến cũng công khai đòi hỏi ông Biden khi thắng cử phải “lấp đầy tòa án”.

 

Những người cấp tiến còn đề nghị sẽ đưa các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện vượt quá 70 tuổi 6 tháng xuống tòa dưới hay các thẩm phán chỉ được phục vụ 18 năm tại Tối Cao Pháp Viện rồi được đưa xuống tòa dưới, như thế không vi phạm Hiến Pháp thẩm phán vẫn được phục vụ trọn đời.


image

  

“Lấp đầy tòa án” sẽ gây đổ vỡ sự độc lập và chuyên môn của Tối Cao Pháp Viện, phá vỡ tam quyền phân lập, các quyền tự do cũng nhanh chóng tan biến dưới bàn tay của những kẻ cầm quyền và phá vỡ nền tảng chính trị liên bang của nước Mỹ.

 

Dẫu biết rằng đó là những ý tưởng dại khờ thiếu suy nghĩ gây phân hóa ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ và là một ý tưởng nguy hiểm nhưng rõ ràng ông Biden đang lâm vào thế kẹt do cánh cấp tiến đưa ra.

 

Ông Biden đến nay vẫn không trả lời câu hỏi có “lấp đầy tòa án” không, nếu ông Biden ủng hộ thì sẽ bị cử tri ôn hòa phản đối, còn nếu trả lời không thì sẽ bị cánh tả cấp tiến tẩy chay, các chính trị gia đảng Cộng Hòa, truyền thông và cả cư tri thấy thế càng chất vấn ông.

 

Có lần ông Biden trả lời người Mỹ không xứng đáng (don't deserve) nhận câu trả lời.


image

  

Có lúc ông cho biết ông không ái mộ việc “lấp đầy tòa án” (a fan of court packing) rồi đổ lỗi cho chính ông Trump là người đã “lấp đầy tòa án” khi tiến hành đề cử bà Barrett, thay vì để cho cử tri Mỹ quyết định vào ngày bầu cử sắp tới.

 

Câu trả lời thiếu thuyết phục vì thế ông Biden tiếp tục bị truyền thông gặn hỏi, gần nhất ông cho biết sẽ trả lời khi Thượng Viện thông qua đề cử bà Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện.

 

Diễn trình đề cử bà Barrett…


image

  

Bài viết trước: “Cuộc chiến giành Tối Cao Pháp Viện” Bà đã trải qua một cuộc điều trần với nhiều câu hỏi nhưng câu trả lời chính là nếu được chấp nhận trở thành một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện bà sẽ triệt để thượng tôn pháp luật, chỉ dựa vào Hiến Pháp Hoa Kỳ để xét xử những tố tụng từ tòa dưới đưa lên.

Bà cho biết rất vinh dự nếu được phục vụ trong Tối Cao Pháp Viện để bảo vệ Hiến Pháp, bảo vệ đất nước, giữ gìn những giá trị truyền thống mà những vị khai quốc công thần đã khai sinh nước Mỹ, truyền lại cho các thế hệ sau trong số có 7 người con của bà.

 

Theo đúng thủ tục ngày 22/10/2020, Ủy ban Tư pháp sẽ họp để quyết định đưa đề cử bà Barrett ra trước Thượng Viện bỏ phiếu biểu quyết.

 

Đấu tranh văn hóa tư tưởng

 

Càng gần ngày bầu cử cuộc đấu tranh văn hóa tư tưởng giữa cánh bảo thủ và bên cấp tiến càng trở nên dữ dội, một bên muốn gìn giữ những giá trị truyền thống cha ông để lại còn phía bên kia cấp tiến (progressive) muốn tiến về phía trước phá bỏ cái cũ thay bằng cái mới.

 

Phe cấp tiến luôn thúc đẩy ông Biden công khai các chính sách cấp tiến nhằm thu hút giới trẻ đi bầu tăng cơ hội giúp ông thắng cử.


image

  

Phía bảo thủ bày tỏ lo lắng, ứng cử viên Phó Tổng Thống Kamala Harris, một người bị họ xem là cực tả sẵn sàng thực hiện những điều như việc “lấp đầy tòa án” mà bà từng công khai ủng hộ.

 

Còn 2 tuần mới đến ngày chính thức bầu cử 3/11/2020 những đoàn người nối đuôi nhau trước phòng phiếu, với trên 36 triệu người đã bỏ phiếu, đủ thấy sự quan tâm của người Mỹ đến kết quả của cuộc bầu cử lần này.

 

Chính tinh thần yêu chuộng tự do bầu cử, tự do chính trị là giá trị cao quý nhất, là nền tảng bảo vệ hệ thống chính trị của nước Mỹ và là điều chúng ta cần học hỏi.

 

 

 

Nguyễn Quang Duy

image



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.