Pages

Sunday, December 27, 2020

Covid đã thay đổi những sự kiện thế giới trong năm 2020

 image

Năm 2020 không giống năm nào. Virus corona đã lây nhiễm cho hơn 67 triệu người, ảnh hưởng đến 80% việc làm và khiến hàng tỉ người bị phong tỏa.

 

Thật dễ để tưởng tượng năm 2020 sẽ diễn biến khác như thế nào nếu không có đại dịch. Chúng ta sẽ có thêm thời gian nào với những người thân yêu? Chúng ta đã bỏ lỡ sinh nhật, đám cưới và những cột mốc quan trọng nào?

 

Và trong khi cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nó cũng định hình các sự kiện trên khắp thế giới, ảnh hưởng hàng triệu người.

 

Đây chỉ là bốn vấn đề chính trị, từ bốn lục địa, đã bị thay đổi bởi đại dịch.


1. Cuộc bầu cử Hoa Kỳ


image


Cuộc bầu cử tổng thống đã có vẻ rất khác. Đáng lẽ phải có những cuộc vận động sôi nổi, và những chuyến đi bận rộn ngược xuôi theo suốt chiến dịch tranh cử.

 

Thay vào đó, đại dịch khiến nhiều cuộc vận động tranh cử bị trì hoãn, và Joe Biden chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ trong một căn phòng gần như trống rỗng. Một số người tham dự một sự kiện của Nhà Trắng bị nhiễm virus corona - trong khi bản thân tổng thống đã được đưa đến bệnh viện sau khi xét nghiệm dương tính.

 

Các chuyên gia tin rằng có nhiều lý do khiến Donald Trump thua cuộc - nhưng việc ông xử lý đại dịch là một trong những yếu tố lớn nhất.


image


Alan Abramowitz, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Emory nói: "Rõ ràng tác động của đại dịch đã làm tổn thương Trump một cách đáng kể. Ông Trump đã thất bại trong việc đưa ra các biện pháp thích hợp, và "ở một mức độ nào đó việc không khuyến khích" các hướng dẫn y tế công cộng như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, đã làm cho một số cử tri ở các bang xoay chiều bất mãn, làm nghiêng cán cân về phía có lợi cho ông Biden.

 

Trớ trêu thay, Giáo sư Abramowitz nói thêm, thường thì mọi người tập trung ủng hộ tổng thống trong một cuộc khủng hoảng. "Nếu ông Trump giải quyết đại dịch một cách nghiêm túc và hiệu quả, tôi nghĩ ông ấy sẽ đắc cử khá dễ dàng."

 

Đại dịch cũng gây ra suy thoái kinh tế, điều thường làm tổn thương các tổng thống đương nhiệm.


image


Allan Lichtman, nhà sử học đã nghĩ ra hệ thống "13 chìa khóa" dự đoán chính xác từng cuộc đua tổng thống kể từ năm 1984, vào tháng 8 tiên đoán là Joe Biden sẽ đắc cử - dựa trên một số yếu tố, bao gồm cả nền kinh tế ngắn hạn và dài hạn.

 

"Chính phản ứng thất bại của Trump với đại dịch đã dẫn đến thất cử của ông ấy," Giáo sư Lichtman, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ, nói. Ông Trump đã hạ thấp tầm quan trọng của đại dịch và do đó không thể ngăn chặn sự lây nhiễm nhanh chóng, điều này "khiến ông mất đi chìa khóa kinh tế ngắn hạn và chìa khóa kinh tế dài hạn".

 

Covid-19 cũng có nghĩa là đảng Dân chủ đã chuyển phần lớn chiến dịch tranh cử của họ qua trực tuyến - điều này cũng có thể đã giúp ích cho chiến dịch tranh cử của Biden.


image

Joe Biden chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ trong một căn phòng gần như trống rỗng

 

Miles Coleman, phó tổng biên tập của Sabato's Crystal Ball, một bản tin phân tích chính trị tại Đại học Virginia, nói: "Biden được biết đến như một người có tật hay nói vấp và nói sai."


Đại dịch có nghĩa là ông Biden đã chọn cách tranh cử ít ồn ào hơn - và cuộc bầu cử trở thành "chỉ là một cuộc bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối Trump", chứ không phải là "sự lựa chọn giữa hai ứng cử viên".


image

  

Tuy nhiên, ông Coleman nói thêm, việc đảng Cộng hòa tiếp tục với chiến dịch vận động tranh cử truyền thống cũng có nghĩa là "Trump đã đạt được nhiều sự ủng hộ của cử tri không phải da trắng ở các vùng nông thôn, nơi mọi người có thể không có internet tốt nhất - nơi bạn cần phải đi từng nhà để tiếp cận cử tri."

 

Cuối cùng, Giáo sư Lichtman tin rằng đại dịch cũng giúp thúc đẩy tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong hơn một thế kỷ. Đại dịch "đã tạo ra một cảm giác thực sự về tình trạng khẩn cấp quốc gia... Tôi nghĩ rằng điều đó đã thuyết phục người dân Mỹ - cả ủng hộ Trump và ủng hộ Biden - rằng cuộc bầu cử này là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của họ."

 

2. Biểu tình Hong Kong


image


Vào năm 2019, thế giới bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng diễn ra ở Hong Kong. Trung tâm tài chính quốc tế đã có các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài gần hàng tuần, thường bao gồm các cuộc đụng độ với cảnh sát, hơi cay và đôi khi bắn cả đạn thật.

 

Trong khi các cuộc biểu tình thu hút sự lên án từ Bắc Kinh và một số doanh nghiệp, công chúng phần lớn tỏ ra thông cảm - thể hiện trong các cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2019, nơi các nhóm ủng hộ dân chủ giành chiến thắng lở đất.

 

Tuy nhiên, đến năm 2020, đường phố Hong Kong hầu như yên tĩnh, phong trào trở nên dịu bớt và các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ hoặc từ chức - hoặc bỏ trốn khỏi lãnh thổ hoàn toàn. Điều gì đã thay đổi?


 image

  

Đại dịch tấn công Hong Kong vào tháng Giêng đã dẫn đến sự sụt giảm các cuộc biểu tình ngay từ đầu. "Người Hong Kong nhận thức được mức độ nghiêm trọng của virus, vì chúng tôi đã có kinh nghiệm về đợt bùng phát của Sars năm 2003," Joey Siu, một nhà hoạt động sinh viên nói.


Tuy nhiên, đợt thứ nhất và đợt thứ hai của đại dịch đã được kiềm chế tương đối nhanh chóng. Các nhà phân tích cho rằng tác động lớn hơn đến từ cách mà đại dịch đã dẫn đến các hướng dẫn giãn cách xã hội nghiêm ngặt - vốn cũng được sử dụng để trừng phạt những người tham gia biểu tình.


image

  

Victoria Hui, giáo sư chính trị tại Đại học Notre Dame, nói chính quyền luôn muốn ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính phủ, và "đại dịch đã tạo cho chính quyền một cái cớ" để làm như vậy dưới chiêu bài sức khỏe cộng đồng. Một số nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị phạt tiền, và các cuộc biểu tình bị cấm, theo các hướng dẫn giãn cách xã hội.

 

Bà Siu nói trước đây nhiều người sẵn sàng mạo hiểm tham gia các cuộc biểu tình trái phép vì vẫn có "cơ hội để chúng tôi không bị bắt và cơ hội chúng tôi có thể thắng tại tòa".

 

"Nhưng bây giờ, với lệnh cấm tụ tập công khai, cảnh sát có thể truy tố bất kỳ ai có vẻ như đang tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và phạt bạn 260 đôla.''

 

Chính phủ nói các quy định của họ dựa trên cơ sở khoa học và cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng.


image

Buổi lễ thắp nến hàng năm tưởng nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn nằm trong số những hoạt động bị cấm do các hạn chế về virus corona

 

Sau đó, có hai diễn biến chính - việc áp dụng luật an ninh quốc gia sâu rộng và hoãn bầu cử quốc hội - được nhiều người cho là đã hạn chế phong trào ủng hộ dân chủ của Hong Kong.


Luật an ninh quốc gia đã khiến việc "kích động thù hận" chính phủ, kêu gọi các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung cộng, hoặc sử dụng một số khẩu hiệu phản đối nhất định, thành các hành vi vi phạm có thể bị phạt tù chung thân. Bắc Kinh từ lâu đã nói rằng một luật như vậy cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn của Hong Kong - nhưng một số người cho rằng thời điểm của luật, cuối cùng được đưa ra vào tháng 5, đã "cơ bản được định hình bởi Covid-19".

 

"Bắc Kinh tính toán rằng phần còn lại của thế giới sẽ bận tâm vì virus corona,'' Giáo sư Hui nói.


image

  

Luật an ninh có tác động của ngay lập tức. Một số nhóm ủng hộ dân chủ đã giải tán và các cửa hàng gỡ bỏ các áp phích ủng hộ người biểu tình. Bà Siu nói, các nhà hoạt động trở nên sợ đi biểu tình hơn nhiều.

 

Tuy nhiên, những người ủng hộ đạo luật cho rằng cần phải khôi phục sự ổn định sau một năm thường xuyên xảy ra các cuộc biểu tình bạo động.

 

Một tháng sau, trong bối cảnh làn sóng nhiễm trùng thứ ba, chính phủ thông báo rằng các cuộc bầu cử lập pháp sẽ bị hoãn lại một năm - mặc dù một số chuyên gia y tế nói rằng vẫn có thể tổ chức các cuộc bỏ phiếu một cách an toàn. Chính phủ nói việc hoãn lại cần thiết vì có "nguy cơ lây nhiễm lớn", và hàng chục cuộc bầu cử khác trên khắp thế giới cũng đã bị trì hoãn.

 

Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền tin rằng đó là một động thái chính trị, vì các nhóm ủng hộ dân chủ đã hy vọng giành được đa số trong quốc hội. Trong những tháng sau đó, một số chính trị gia ủng hộ dân chủ khác đã bị cảnh sát buộc tội hoặc bị loại hoàn toàn.

 

Vào tháng 11, tất cả các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ của Hong Kong đã từ chức để phản đối - khiến cơ quan lập pháp gần như không có tiếng nói bất đồng nào lần đầu tiên.

 

3. Cuộc khủng hoảng Tigray của Ethiopia


image

Nhiều người bên ngoài châu Phi đã không nghe nói về Tigray, một khu vực ở phía bắc Ethiopia, trước năm 2020.

 

Nhưng vào tháng 11, một cuộc xung đột nổ ra giữa chính phủ Ethiopia và đảng khu vực, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) - dẫn đến báo cáo hàng trăm người chết và hơn 40.000 người chạy sang nước láng giềng Sudan. Đã có những lo ngại rằng cuộc giao tranh có thể gây mất ổn định toàn bộ khu vực.

 

Một trong những tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng là cách chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng hiến pháp xuất hiện sau khi các cuộc bầu cử quốc gia bị hoãn do Covid-19.

 

"Việc hoãn bầu cử là một trong những nguyên nhân cơ bản của cuộc chiến này,'' Tsedale Lemma, tổng biên tập của Addis Standard, nói.


image

  

Dưới thời tân Thủ tướng Abiy Ahmed, Ethiopia đã cam kết cải cách dân chủ vào năm 2018. Các cuộc bầu cử quốc gia dự kiến vào tháng 8 năm 2020 là cơ hội đầu tiên để hầu hết các nhóm đối lập cạnh tranh, "sau nhiều thập kỷ vắng bóng trên chính trường," "Mọi người đều rất phấn khích." Bà nói.

 

"Có rất nhiều căng thẳng chính trị giữa các nhóm đối thủ, và mặc dù một số đã bày tỏ lo ngại về khả năng bạo lực sau bầu cử... mọi người hy vọng rằng cuộc bầu cử sẽ giải quyết căng thẳng."


image

  

Khi đại dịch bùng phát vào tháng 3, quyết định ban đầu của ủy ban bầu cử về việc hoãn bỏ phiếu đã được hầu hết các nhóm đối lập chấp nhận. Tuy nhiên, nó cũng châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp khi nhiệm kỳ của chính phủ sẽ kết thúc vào tháng 9.

 

Bà Tsedale nói chính phủ đã không thỏa hiệp với các đảng đối lập về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thay vào đó, một hội đồng pháp lý đảng phái đã đưa ra quyết định kéo dài nhiệm kỳ của chính phủ và hoãn các cuộc bầu cử vô thời hạn cho đến khi đại dịch kết thúc - và điều này đã được bỏ phiếu thông qua bởi thượng viện của quốc hội, nơi hoàn toàn do đảng cầm quyền kiểm soát, bà nói thêm. Điều này có nghĩa là chính phủ mất tính hợp pháp với các đối thủ.


image

Cuộc khủng hoảng đã buộc hơn 40.000 người phải rời bỏ nhà cửa

 

Comfort Ero, giám đốc chương trình Châu Phi tại International Crisis Group, nói "đại dịch và quyết định xung quanh các cuộc bầu cử đã đổ thêm dầu vào những gì vốn đã là một tình huống dễ cháy".

 

Ethiopia đã ở trong một "quá trình chuyển đổi mong manh", với căng thẳng giữa chính phủ và các khu vực, và các mối đe dọa bạo lực cộng đồng, bà nói. Phe đối lập coi việc hoãn bầu cử "là một ví dụ khác về việc thủ tướng không tham khảo ý kiến của các đối thủ và hành động đơn phương".


image

  

Đáp lại, TPLF - vốn đã có căng thẳng lâu năm với ông Abiy - đã tổ chức cuộc bầu cử khu vực của riêng mình vào ngày 9/9, bất chấp chính phủ liên bang.

 

"Đó là sợi rơm đã bẻ gãy lưng lạc đà - TPLF không còn công nhận chính quyền trung ương, trong khi chính phủ liên bang từ chối công nhận TPLF - họ bước vào giai đoạn thách thức quyền lực của nhau và sau đó, chiến tranh chỉ là vấn đề khi nào, chứ không phải nếu," bà Tsedale nói.

 

Quân đội Ethiopia đã chiếm được thủ đô Tigray cuối tháng 11, tuyên bố chiến thắng - nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trong khu vực và Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về "tác động kinh hoàng đối với dân thường". Cuộc xung đột là "một kết cục bi thảm, đáng buồn... chúng tôi đã bỏ lỡ một cơ hội vàng để xây dựng nền chính trị được xây dựng dựa trên sự đồng thuận," bà Tsedale nói.

 

4. Khủng hoảng chính trị của Israel


image

Vào tháng 4, các nhà quan sát chính trị bắt đầu nói rằng đại dịch đã "cứu" sự nghiệp chính trị của Benjamin Netanyahu.

 

Ông Netanyahu vừa tuyên thệ nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ năm, trong một chính phủ đoàn kết với đối thủ Benny Gantz. Đất nước này đã ở trong tình trạng trì trệ chính trị trong gần một năm - mặc dù đã tổ chức ba cuộc bầu cử từ năm 2019 đến năm 2020 - vì không khối nào có đủ ghế để thành lập liên minh cầm quyền.

 

Trên thực tế, trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào tháng 3, ông Gantz đã được mời thành lập chính phủ trước, vì ông có đa số nghị sĩ ủng hộ, thống nhất với mục tiêu lật đổ ông Netanyahu.


Tuy nhiên, phe đối lập "gặp khó khăn trong việc thành lập chính phủ bởi vì họ đến từ rất nhiều đảng phái - từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đến những người cộng sản cánh tả", Anshel Pfeffer, một nhà bình luận của tờ báo Haaretz nói.

 

Sau đó, đại dịch ập đến, trong khi ông Netanyahu vẫn giữ vai trò người lãnh đạo.


image

  

"Mọi người đột nhiên cảm thấy có tình trạng khẩn cấp, và Netanyahu phụ trách chính sách Covid, nói rằng ông là người duy nhất dẫn đầu đất nước trong tình trạng khẩn cấp,'' ông Pfeffer nói: "Đại dịch xảy ra vào thời điểm chính trị tốt nhất có thể cho Netanyahu - nó chắc chắn đã giúp tạo thêm áp lực để Gantz hợp tác cùng với ông ta."

 

Ông Gantz, người từng tuyên bố sẽ không bao giờ ngồi trong chính phủ với ông Netanyahu trên cương vị thủ tướng, đã bảo vệ sự quay đầu lại của mình, nói rằng "đây không phải là thời điểm bình thường".

 

Theo các điều khoản của chính phủ đoàn kết, ông Netanyahu và ông Gantz sẽ luân phiên làm thủ tướng, trong đó ông Netanyahu đi trước. Thỏa thuận được nhiều người coi là một chiến thắng cho ông Netanyahu, người đã bất chấp lời kêu gọi từ chức của đối thủ sau khi bị buộc tội tham nhũng vài tháng trước đó. Ông phủ nhận các cáo buộc hối lộ, gian lận và vi phạm lòng tin. 


 image

Người biểu tình đã tập hợp chống lại ông Netanyahu bị cáo buộc tham nhũng và cách ông xử lý đại dịch

 

Đại dịch đã mang lại cho ông Netanyahu không gian thở. "Toàn bộ vấn đề đằng sau hậu trường là phiên tòa hình sự - ông ấy chỉ mong có thêm thời gian," Tal Schneider, phóng viên ngoại giao tại Globes, nói.

 

Ngược lại, bà nói thêm, ông Gantz không còn gây ra mối đe dọa chính trị nữa vì ông bị coi là đã "lừa dối cử tri" và những người ủng hộ mình bằng cách tham gia vào chính phủ của Netanyahu.


Và chính phủ đoàn kết đã không duy trì được đoàn kết lâu - chỉ tám tháng sau, nó sụp đổ trong bối cảnh ngân sách nhà nước liên tục đổ vỡ.

 

Các cử tri Israel sẽ có cuộc bầu cử lần thứ tư trong hai năm vào tháng Ba, và ông Netanyahu đã tuyên bố sẽ trở lại với một "chiến thắng lớn".

 

 

 

Helier Cheung


image


Ranh giới khiêu dâm và khỏa thân nghệ thuật
Dữ liệu về 600,000 ngôi sao giải đáp nhiều bí ẩn trong dải Ngân Hà
Đối thủ thực sự của Tổng thống Trump là ai?
TT Trump ‘Quyết tâm và Kiên định’ về vấn đề bầu cử
Nước Mỹ Oái Ăm
TT Trump lên án chính sách kiểm duyệt ngôn luận của Big Tech
Vì sao một số người rất tàn nhẫn với người khác
Kêu gọi chấm dứt bỏ phiếu khiếm diện không lý do bang Georgia
Hai đảng đối đầu ở Hạ viện sau khi Trump ngăn gói kích cầu
Sức mạnh khủng khiếp của Google search engine
Gói hỗ trợ đại dịch và chi tiêu chính phủ
Những cách đơn giản để có một Giáng sinh đáng nhớ
Lý do khiến ngày càng nhiều phụ nữ bị lừa tình qua mạng
TT Trump phủ quyết Dự luật Quốc phòng trị giá 732 tỷ USD
TCPV không hành động ngay lập tức theo yêu cầu TT Trump
TNS McConnell sẽ tổ chức biểu quyết cho các ứng viên do Joe Biden đề xuất
Tài liệu mật có thể được sử dụng trong cuộc điều tra của ông Durham
R.I.P: NS Lam Phương qua đời trong niềm tiếc thương của công chúng
IBM_3M_PepsiCo và nhiều hãng lớn có người của Trung cộng ‘nằm vùng
Đeo khẩu trang dường như làm tăng tỷ lệ nhiễm virus Trung cộng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.