Pages

Tuesday, March 5, 2013

Vì sao Hội đồng Giám mục góp ý Hiến pháp?

image

Hội đồng Giám mục Việt Nam nói phải 'xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào'
Trong Bản nhận định và góp ý gửi tới Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm 01/03, Hội đồng Giám mục Việt Nam không chỉ bày tỏ bất đồng với Điều 4 mà còn mạnh dạn nêu lên những mâu thuẫn, bất hợp lý trong cơ cấu chính trị tại Việt Nam và những hậu quả mà những mâu thuẫn, phi lý ấy mang đến cho người dân và đất nước.
Có thể nói từ trước tới nay chưa bao giờ các Giám mục Việt Nam thẳng thắn, công khai và mạnh dạn lên tiếng như vậy.

image

Điểm ‘tử huyệt’ của chế độ
Bản nhận định, góp ý của các Giám mục Việt Nam đã nêu rõ rằng “trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân”.

image
Và vì vậy, cần “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào”.

Với những nhận định rõ ràng và dứt khoát như vậy, một cách gián tiếp Hội đồng Giám mục muốn loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp dù trước đó năm ngày, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho rằng những ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 là suy thoái đạo đức, lối sống.

image
Ngoài việc dám thẳng thắn điểm vào ‘tử huyệt’ của đảng Cộng sản, Bản nhận định và góp ý của các Giám mục còn nêu lên nhiều mâu thuẫn, phi lý trong cơ cấu chính trị ở Việt Nam và những mâu thuẫn, bất hợp lý ấy được thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp.

image
Theo nhận định của HĐGM, chính những mâu thuẫn và phi lý ấy là “lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt. Các Giám mục kêu gọi phải có những thay đổi căn bản về “quyền con người”, “quyền làm chủ của nhân dân”, và về việc “thi hành quyền bính chính trị”, trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.

Tiếng nói chính thức, mạnh mẽ
Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”."

image
Có thể nói đây cũng là lần đầu tiên các Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam công khai và mạnh mẽ lên tiếng về một việc hệ trọng của đất nước, dân tộc như vậy.
Vào năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có Thư ngỏ gửi lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam. Trong Thư ngỏ đó các Giám mục Việt Nam đã nhận định rằng để “xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người”, cần phải “xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội”, như “cơ chế xin-cho” và “phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn”.
Đó lần đầu tiên kể từ năm 1975, Giáo hội Công giáo mới công khai và mạnh dạn nêu những vấn nạn trong xã hội, đặc biệt là cơ chế xin-cho. Tuy vậy, so với những điều được nêu trong Bản nhận định, góp ý lần này, thì nội dung Thư ngỏ đó nhẹ nhàng hơn nhiều.
Trong thời gian qua có một vài Giám mục như Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Vinh, ký vào các kiến nghị của các nhân sĩ, trí thức về các vấn đề liên quan đến tình hình đất nước. Mới đây, Đức cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa và Đức cha Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Hà Nội, cũng ký vào ‘Kiến nghị 72’.

Vào tháng 5 năm 2012, Ủy Ban Công lý và Hòa bình thuộc HĐGM đưa ra một bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, trong đó đề cập đến một số vấn đề nhức nhối, hệ trọng liên quan đến nền kinh tế Việt Nam, luật đất đai, môi trường xã hội, chủ quyền quốc gia, pháp luật, sinh thái, vai trò của trí thức, giáo dục y tế và tự do tôn giáo.

image
Sáu tháng sau đó cũng Ủy ban này đã có “Bản phúc trình về tình hình công lý, hòa bình và nhân quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay”, trong đó nêu rõ những tệ nạn đang xảy ra tại Việt Nam. Sau vụ xử các thanh niên Công giáo và Tin Lành tại Nghệ An mới đây, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng đã lên tiếng “phản đối bản án phi pháp và bất công”.
Nhưng có thế nói dù rất thẳng thắn, mạnh dạn, những tiếng nói, nhận định hay phúc trình ấy được làm tương đối đơn lẻ, ở cấp thấp và mang tính nội bộ. Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý không được gửi cho lãnh đạo hay cơ quan nào của Việt Nam mà gửi cho các Giám mục trong HĐGM Việt Nam.

Còn Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được Đức cha Nguyễn Văn Nhơn và Đức cha Hoàng Văn Đạt – Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam – nhân danh HĐGM VN gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tại sao vào thời điểm này?

Giáo hội đưa ra những nhận định, góp ý như vậy lúc này vì cũng như bao người dân, nhân sĩ, trí thức khác, từ lâu giáo dân, linh mục, tu sĩ và các giám mục Việt Nam thấy rõ những bất cập, phi lý ở Việt Nam và cảm thấy đã đến lúc phải chính thức lên tiếng.
Chẳng hạn, Bản phúc trình của Ủy ban Công lý và Hòa bình đã nêu cụ thể bảy vấn nạn – nếu không muốn nói là tệ nạn – đang xảy ra tại Việt Nam, trong đó tình trạng “xử án bất công”, “dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự” hay “tham nhũng thành quốc nạn”.

image
Có thể nói những nhận định, góp ý của Hội đồng Giám mục lần này là kết quả của những ưu tư, lo lắng mà các Giám mục đã có từ trước.
Một yếu tố quan trọng khác làm các Giám mục Việt Nam lên tiếng đó là các Ngài ý thức rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một việc hệ trọng và cũng là một cơ hội có một không hai giúp Việt Nam có những thay đổi quan trọng để qua đó đất nước thực sự tiến tới tự do, dân chủ, giàu mạnh.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua người dân cũng như nhiều nhân sĩ, trí thức đã mạnh dạn lên tiếng góp ý và muốn có những thay đổi căn bản, quan trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
Và vì “không hề thờ ơ với tình hình đất nước” và muốn “góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái” như hai Bạn nhận định của Ủy ban Công lý và Hòa bình nêu rõ, Giáo hội không thể im lặng trước sự kiện quan trọng như vậy.

Chọn đồng hành với Dân tộc

image
Một điểm đáng lưu ý nữa là Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng gửi bản nhận định và góp ý đó đến “nhân dân cả nước”.
Và trong phần kết luận, các Giám mục đã nêu rõ mục đính chính của những nhận định, góp ý ấy là muốn “góp phần xây dựng Hiến pháp cho hợp lý và hợp lòng dân”, cũng như “ước mong mọi người dân Việt Nam tích cực góp phần vào việc điều chỉnh Hiến pháp, phục vụ sự phát triển toàn diện và bền vững của dân tộc Việt Nam”.
Có thể nói, qua những nhận định và góp ý ấy, HĐGM Việt Nam muốn chính thức và rõ ràng bày tỏ rằng Giáo hội luôn đồng hành với người dân, với Dân tộc Việt Nam, luôn đứng về phía người dân và với tư cách công dân của mình muốn góp tiếng nói, góp phần của mình để qua đó những quyền căn bản của người dân được tôn trọng, dân tộc Việt Nam được phát triển toàn diện, bền vững.

Cũng nên nhắc lại rằng năm 1980, các Giám mục Việt Nam đã ra một Thư chung kêu gọi con cái mình “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” hay “đồng hành với dân tộc”. Văn kiện này được xem như bản định hướng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sau biến cố 1975.
Nhưng kể từ đó, cụm từ “đồng hành với dân tộc” luôn được chính quyền Việt Nam dùng và thường được diễn giải theo hướng có lợi cho mình. Theo cách diễn giải đó, có lúc dân tộc được đồng hóa với đảng, với chế độ. Và như vậy, đồng hành với dân tộc cũng có nghĩa là đồng hành với đảng, với chế độ, hay ít ra không được đi ngược với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng.

image
Qua Bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này và với việc yêu cầu “xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào” trong Hiến pháp, Giáo hội muốn có một Hiến pháp thực sự là ‘của dân, do dân và vì dân’, chứ không phải một Hiến pháp của, do hay vì bất cứ một đảng phái chính trị nào.



Đoàn Xuân Lộc

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.