Pages

Thursday, June 13, 2013

Biển Đông và nguy cơ tăng xung đột

image
Từ tháng Giêng cho tới tháng Năm vừa qua, cuộc tranh cãi biển Đông tiếp tục đi theo chiều hướng tiêu cực, với việc các bên, đặc biệt là Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, quyết giữ quan điểm riêng về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán, khiến các bên khác phản đối, cây viết Ian Storey nhận định trong bài viết đăng trên trang AsiaTimes mới đây.

Về mặt quốc tế, Liên hợp quốc đã chỉ định hội đồng thẩm phán xem xét hồ sơ khiếu nại của Philippine đối với các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông.
Trong mối quan hệ khu vực, Bắc Kinh cùng khối ASEAN đã có kế hoạch thảo luận Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC).
Tuy nhiên, các diễn biến đó không hề làm dịu bớt mức căng thẳng trước mắt cũng như không tạo ra một môi trường tích cực để tìm giải pháp trung hạn hoặc dài hạn, tác giả bài viết bình luận.

Cuộc chiến pháp lý

Về việc Philippines hôm 22/01 đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc lên Liên hợp quốc liên quan tới đường lưỡi bò và việc Bắc Kinh hôm 19/02 chính thức bác bỏ khiếu nại của Manila là "đưa ra những cáo buộc sai trái", tác giả bài viết nói rằng hành động của Trung Quốc không khiến người ta ngạc nhiên, nhưng lại làm nhiều chuyên gia pháp lý thất vọng.
Chẳng hạn, giáo sư luật Jerome Cohen được dẫn lời, theo đó lập luận rằng với việc khước từ tham gia tiến trình phân xử của Liên hợp quốc, Trung Quốc đang tự tạo nên hình ảnh là một bên "bắt nạt" và "vi phạm" luật quốc tế.
Một cây viết khác, Peter Dutton, cho rằng Trung Quốc đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để đảm bảo "với các láng giềng đang ngày càng lo lắng rằng [Bắc Kinh] cam kết tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp dựa trên luật pháp thay vì trên sức mạnh".
Chưa kể, việc khước từ đó không làm thay đổi được thực tế là việc phân xử pháp lý sẽ vẫn được tiếp tục, với bước đầu tiên là hội đồng thẩm phán sẽ xác định xem đơn kiện của Philippines có thuộc thẩm quyền xét xử của hội đồng hay không, dự kiến sớm nhất là trong tháng Bảy.
Nếu câu trả lời là "có", thì các bước xét xử tiếp theo cũng mất vài năm mà phán quyết đưa ra tuy có giá trị ràng buộc nhưng lại không thể cưỡng chế thi hành.
Tuy nhiên, nếu phán quyết nói rằng các đòi hỏi của Trung Quốc là không phù hợp với luật biển của Liên hợp quốc thì đó sẽ là thắng lợi cả về pháp lý lẫn tinh thần của Philippines, và sẽ khiến Trung Quốc phải có trách nhiệm giải thích về các cơ sở cho đòi hỏi trên biển của mình.
Điều đáng nói là tuy đã khước từ tham gia tiến trình tố tụng, Bắc Kinh dường như khó có thể phớt lờ nội dung phán quyết, tác giả bài viết nhận định.

Hướng đi ngoại giao

image
Về mặt ngoại giao, gần đây cũng đã có ít nhiều tin tức đáng khích lệ trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN liên quan tới CoC.
Các bên đã ký Tuyên bố về Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DoC) từ 2002 nhưng cho tới cuối 2011, Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu thảo luận cùng ASEAN, để rồi giữa năm 2012 Bắc Kinh lại nói "thời điểm chưa chín muồi" khi, theo lời Bắc Kinh, là chả có lý gì để bàn bạc khi mà Việt Nam và Philippines liên tục vi phạm DoC.
Tác giả điểm lại các sự kiện, từ việc Brunei, chủ tịch ASEAN năm 2013, và tân Tổng thư ký Lê Lương Minh, đưa CoC lên cao trong nghị trình làm việc, tới việc Singapore và Indonesia cùng thúc đẩy vấn đề, và đưa ra nhận định là bước đột phá chỉ xảy ra khi Trung Quốc bật đèn xanh cho các cuộc đối thoại.
Hôm 2/4, tại cuộc họp tham vấn lần thứ 19 các quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh, tân ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các vị khách rằng không nên để tranh chấp biển Đông làm xói mòn quan hệ ASEAN - Trung Quốc, và Bắc Kinh sẵn lòng bắt đầu thảo luận về CoC.
Ngày 11/4, các ngoại trưởng ASEAN đã nhóm họp ở Brunei để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 vào cuối tháng, và sau cuộc họp này, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa thông báo tới báo giới rằng Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu thảo luận, tuy Bắc Kinh không chính thức đưa ra xác nhận.
Trong hội nghị thượng đỉnh, dẫu không tạo được gì mới nhưng khác với sự thất bại bẽ bàng hồi tháng 7/2012 khi không ra được bản tuyên bố chung, lần này ASEAN đã đưa ra được nội dung rằng các nhà lãnh đạo của khối đã yêu cầu các bộ trưởng "tiếp tục tích cực làm việc với Trung Quốc nhằm hướng tới việc sớm có kết luận về [CoC] trên cơ sở đồng thuận".
Vài tuần sau đó, Ngoại trưởng Vương Nghị lần đầu tiên công du Indonesia, Thái Lan, Singapore và Brunei trong cương vị mới, cũng là dịp ông tuyên bố Trung Quốc đồng ý thảo luận về CoC. Thậm chí các bên đã đạt được thỏa thuận về tiến trình thảo luận "từng bước" nhằm triển khai DoC.
Tuy không phải là việc chứng tỏ Trung Quốc hậu thuẫn hoàn toàn cho CoC, nhưng ít nhất nó thể hiện những tiến bộ đạt được sau gần một năm đứt quãng.
Điều quan trọng là nó cho thấy Bắc Kinh dường như đã thay đổi quan điểm nhằm tránh áp lực từ các nước trong khối ASEAN để chuyển hướng tập trung vào cuộc tranh cãi Senkaku/Điếu ngư ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh coi là nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề Trường Sa, theo tác giả bài viết.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về CoC vẫn diễn ra một cách nhọc nhằn, chậm chạp, và có vẻ như sẽ là phi thực tế nếu như ai đó kỳ vọng vào việc các bên sẽ sẵn sàng ký CoC trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng Mười tới.

Tranh chấp tài nguyên

image
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy hồi cuối tháng Ba
Cuộc cạnh tranh về năng lượng và nguồn cá vẫn là một trong những nguyên nhân chính trong cuộc tranh cãi ở biển Đông.
Trong năm tháng đầu năm, hoạt động đánh bắt cá của ngư dân tại vùng biển tranh chấp đã gây ra một số vụ đụng độ nghiêm trọng, gồm cả một vụ gây chết người.
Trong số các vụ nổi cộm, đáng kể là vụ ngày 20/3 các tàu Trung Quốc bắn cảnh cáo bốn tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa khiến một tàu bốc cháy. Hà Nội lên án vụ việc là "sai trái và vô nhân đạo" nhưng Bắc Kinh bác bỏ đòi hỏi bồi thường cho các gia đình ngư dân từ phía Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn nữa là vụ nổ súng của lực lượng tuần duyên Philippines khiến một ngư dân Đài Loan thiệt mạng hôm 09/05.
Đài Bắc giận dữ, đòi Manila phải chính thức xin lỗi, điều tra và trừng phạt những người có trách nhiệm, bồi thường cho gia đình ngư dân và có các cuộc đàm phán về nghề cá nhằm tránh các vụ việc tương tự trong tương lai.
Thậm chí Đài Loan còn tiến hành cuộc phô trương chưa từng có sức mạnh hải quân, không quân và tuần duyên ở gần vùng biển xảy ra vụ việc, rồi bác bỏ hai lời xin lỗi từ Manila mà Đài Bắc cho là "không chân thành", và áp dụng 11 biện pháp trừng phạt.
Trong số này gồm cả việc không thuê nhân công Philippines nữa và khuyến cáo người Đài Loan không tới thăm Philippines. Căng thẳng chỉ dịu xuống vào cuối tháng, khi hai bên đồng ý tiến hành điều tra song song về vụ việc.
Trước khi xảy ra vụ nổ súng chết người, Đài Loan có vai trò khá mờ nhạt trong cuộc tranh cãi ở biển Đông, tuy đang chiếm giữ đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa là đảo Ba Bình, hay còn gọi là đảo Itu Aba.

image
Đài Loan đã tiến hành phô trương sức mạnh sau vụ một ngư dân bị phía Philippines bắn chết
Thái độ mạnh mẽ của Đài Bắc dường như xuất phát từ một số yếu tố, tác giả Ian Storey nhận định.
Bên cạnh việc muốn phản ánh sự tức giận chính đáng của người dân Đài Loan quanh cái chết của ngư dân đồng bào, chính phủ của ông Mã Anh Cửu cũng muốn thể hiện sự khó chịu về việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán về tranh chấp với các bên khác, hậu quả của chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Chưa kể ông Mã có thể cũng muốn hướng sự chú ý trong nước ra khỏi vấn đề tăng trưởng kinh tế kém, đồng thời muốn nâng mức tín nhiệm của mình lên, hiện đang ở mức thấp.
Bắc Kinh cũng nhanh chóng thể hiện sự ủng hộ về tinh thần với Đài Bắc, tuy điều này không giúp tăng mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Nguy cơ đụng độ

Các cuộc đụng độ thêm nữa trên biển trong vài tháng tới không phải là điều không thể xảy ra.
Hôm 16/05, Trung Quốc đã áp lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, kéo dài ba tháng, ở mạn bắc vĩ tuyến 12, điều mà Hà Nội liên tục coi là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Chỉ trước đó một tuần, một đội gồm 30 tàu cá và tàu vận tải đã từ đảo Hải Nam ra khơi, tới Trường Sa trong chuyến đi kéo dài 40 ngày.
Còn trước đó một tháng, trong chuyến viếng thăm Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn với các ngư dân nước mình là sẽ bảo vệ họ nhiều hơn nữa.
Các hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh rất quyết tâm duy trì hoạt động đánh bắt cá thương mại ở Trường Sa, kể cả dùng vũ lực, nếu cần, để đảm bảo thực hiện quyết tâm này.
Với những gì đã diển ra trong nửa đầu năm 2013, có thể thấy bất chấp các cam kết hướng tới CoC của Trung Quốc và ASEAN, cuộc tranh cãi trên biển Đông đang tiếp tục đi sai hướng.
Nếu như các nước có vai trò chính trong cuộc chơi này tiếp tục hành động thuần túy vì chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và không chịu nhân nhượng trong các tuyên bố chủ quyền cũng như trong việc cạnh tranh về tài nguyên biển, thì khó có khả năng cuộc tranh cãi đó sẽ đổi hướng trong thời gian tới, tác giả bài viết kết luận.

Ian Storey là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore và là tác giả cuốn sách Southeast Asia and the Rise of China: The Search for Security (Routledge, May 2011).

image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.