Wednesday, May 29, 2013

Hiệu ứng Trương Duy Nhất & Blogger Mẹ Nấm tình nguyện đi tù

image
Vài tháng trước, một người từng tham gia những hoạt động không được chính quyền Việt Nam ưu ái như biểu tình, kiến nghị, đồng thời là tác giả của một số bài viết thẳng thắn về những đề tài nhạy cảm đăng trên blog cá nhân, chia sẻ với tôi rằng cho đến nay ông vẫn an toàn và sự an toàn đó có ý nghĩa lớn, vì nó giúp những người khác bớt sợ hơn.

Quả thật số người không còn sợ hay đã bớt sợ bộ máy trấn áp của chế độ chưa bao giờ tăng nhanh như trong thập niên vừa qua tại Việt Nam, và một phần quan trọng là do được khích lệ bởi sự an toàn tương đối của cá nhân một số người đi ở hàng đầu. Cho đến Chủ nhật vừa rồi, blogger Trương Duy Nhất thuộc về số ấy. Song việc ông bị bắt khẩn cấp một lần nữa cho thấy: bảo hiểm chính trị ở Việt Nam chỉ đảm bảo một điều duy nhất, đó là: nó không bảo đảm điều gì hết.

Không đi biểu tình

image
Trương Duy Nhất đã chuẩn bị sẵn chỗ dựa lập luận để tránh cho mình khỏi trở thành nạn nhân của bộ máy trấn áp một cách vô ích. Bài trả lời một nhân vật Tom Cat nào đó của ông là tổng kết của những lập luận này, không ai có thể bảo vệ ông xuất sắc hơn. Ông trình bày mình như một tiếng nói độc lập chứ không đối lập, một nhà báo tự do chứ không ly khai, một người phát ngôn chính kiến riêng chứ không bất đồng chính kiến, phản biện chứ không phản động, phản đối chứ không chống đối.

Ông không treo biển “Kính Đảng, trọng chế độ, yêu Bác Hồ” [i], không trưng hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không đồng tình với mọi biểu hiện chống cộng cực đoan, không đi biểu tình, chưa bao giờ kí tên vào một bản tuyên bố hay kiến nghị, và bất chấp những tấn công và đe dọa từ nhiều phía vẫn không rời góc nhìn KHÁC của mình. Trong nhiều năm trời, ông đi ở ranh giới giữa an toàn và mạo hiểm mà tỉ lệ có thể là 51 % nghiêng về an toàn.

image
Một số người có cảm giác rằng thời gian gần đây, tỉ lệ ấy đã đảo ngược, Trương Duy Nhất đã ngày càng đi xa hơn trong quan điểm phê phán chế độ và đó là một trong những lý do khiến ông bị bắt. Tôi cho rằng mọi phỏng đoán đều vô nghĩa, vì không có một biểu giá an toàn nào cố định trong một chế độ công an trị, trừ biểu giá duy nhất là không làm gì hết. Ảo tưởng về những vùng an toàn nào đó, trớ trêu thay, được nuôi dưỡng trên mảnh đất đầy mìn, gài bởi chính sách chia để trị, kết tinh thành thủ pháp điêu luyện nhất của bộ máy an ninh Việt Nam.

'Khỏe mạnh tự chủ'

image
Ông Duy Nhất bình luận về các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ Chính Trị.
Người chưa bị đụng tới có thể là một cái thớt hữu ích cho con dao bổ xuống người nằm trên thớt. Hay đơn giản hơn, những người còn đi xa hơn Trương Duy Nhất mà vẫn an toàn chẳng qua là “của để dành”, nói theo cách dân dã của blogger Người Buôn Gió, cho những thao tác khác trong chiếc hộp đen của bộ máy quyền lực mà chúng ta chịu đựng và dung dưỡng.

Quan sát từ những bản án chính trị trong ba năm gần đây (2011, 2012, 2013), tôi nhận thấy hai đặc điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, tuyệt đại đa số những người bị kết án đều không phải là đảng viên Đảng Cộng sản [ii]. Thứ hai, tuyệt đại đa số những người bị kết án đều không ở trong biên chế cán bộ, nhân viên, công chức các cơ quan Đảng và nhà nước [iii]. Ông Trương Duy Nhất thỏa mãn cả hai đặc điểm này. Khả năng vụ điều tra ông được đình chỉ như trong trường hợp ông Phạm Chí Dũng, đảng viên, cán bộ Thành ủy TP. HCM khi bị bắt, có vẻ như xa vời.

image
Trở lại với câu chuyện mở đầu bài viết này, vâng, tôi đồng ý rằng người ta bớt sợ khi dựa lưng vào an toàn. Nhưng điều đáng nói hơn là: người ta có thể can đảm lên, khi chứng kiến người khác thách thức mạo hiểm và đường hoàng chấp nhận cái giá của hành động đó. Trương Duy Nhất rất chú trọng đến hiệu ứng thông điệp của các hình ảnh.

Ông từng ca ngợi hình ảnh hiên ngang của Cù Huy Hà Vũ, hình ảnh trong trắng, đĩnh đạc của Nguyễn Phương Uyên. Bức hình chụp ông trong ngày bị bắt cho thấy một Trương Duy Nhất khỏe mạnh và tự chủ, không một nét khiếp nhược. Tôi hoàn toàn tin rằng nếu phải đứng trước tòa, ông sẽ là một hình ảnh đẹp và hình ảnh ấy sẽ có ý nghĩa lớn, vì nó gây cảm hứng cho lòng can đảm, cũng như blog Một góc nhìn khác của ông đã góp phần quan trọng để giới blogger Việt Nam bớt e sợ, khi ông còn an toàn.

image
[i] Ngay sau khi Trương Duy Nhất bị bắt, chủ nhân của blog “Kính Đảng, trọng chế độ, yêu Bác Hồ” này, nhà báo kì cựu Đào Tuấn, người có nhiều bài viết nhạy bén và thẳng thắn mà tôi thường xuyên theo dõi, lập tức lên tiếng với bài “Cái còng và khẩu súng không thể chĩa vào Nhất”. Nhưng một ngày sau,bài ấy chỉ còn là mã 404 trên chính trang của chủ blog.

image
[ii] Riêng ông Vi Đức Hồi từng là giám đốc trường Đảng một huyện ở Lạng Sơn, nhưng đã trở thành thành viên Khối 8406 và bị khai trừ Đảng nhiều năm trước khi bị bắt.
[iii] Ngoại lệ duy nhất là ông Đinh Đăng Định, giáo viên trung học phổ thông ở Đắk Nông.



Phạm Thị Hoài



Trang blog 'Một Góc Nhìn Khác' trở thành bẫy nhử người truy cập


Trang mạng artstechnica.com nói rằng sau khi blogger Trương Duy Nhất bị bắt tại tư gia ở Đà Nẵng hôm thứ Hai 27 tháng Năm và chuyển ra Hà Nội trong cùng ngày để được điều tra, trang blog “Một Góc Nhìn Khác” của ông đã bị chặn.

Từ hôm qua, trang blog này đã hoạt động trở lại, nhưng lại trở thành một cái bẫy sập để nhử những người truy cập bằng cách gài mã độc vào máy của họ.

Hôm qua, một phúc trình của Tổ chức Ký giả Không biên giới nói rằng vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất đặc biệt đáng quan ngại bởi vì nó chứng tỏ quyết tâm của nhà nước Việt Nam tiếp tục đàn áp và tống giam giới bất đồng, bất chấp những lời kêu gọi của các tổ chức bênh vực nhân quyền, yêu cầu Việt Nam phóng thích các blogger bị bắt. '

Tổ chức Ký giả Không biên giới: “Chúng tôi kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do lập tức và vô điều kiện cho ông Trương Duy Nhất và chấm dứt hành động đàn áp vô cớ này.”

Nói chuyện với Ban Việt Ngữ Đài VOA, blogger Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu nói rằng vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất có liên quan tới tiến trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo cao cấp trong Đảng và nhà nước Việt Nam.

VOA: Vụ bắt giữ ông Trương Duy Nhất nói lên điều gì về các cấp lãnh đạo Việt Nam? Có phải họ lo sợ giới bất đồng ở trong nước đang ngày càng lên tiếng lớn hơn để đòi dân chủ?

Blogger Người Buôn Gió: “Tôi nghĩ rằng thường khi họ ổn định rồi, các vị trí của họ vững chắc rồi thì có nói xấu họ như thế này thì họ cũng lờ đi thôi, nhưng mà khi bây giờ ở trong nội bộ của họ đang có bỏ phiếu tín nhiệm để cân nhắc từng chức vụ thì cái vị trí của họ đang bấp bênh, mà lại có người khác bên ngoài mà chỉ trích đến họ họ không muốn, thì họ có quyền lực thì họ bắt để bảo đảm họ được giữ nguyên chức vụ.”

VOA: Có phải để trấn áp những tiếng nói bất đồng khác?

Người Buôn Gió: “Anh Nhất thì cũng là người mà từ xưa đến nay và cách đây vài năm, anh cũng là một trong những đối tượng cần bắt để mà trấn áp các tiếng nói khác.”

Blogger Trương Duy Nhất bị tố cáo về hành vi vi phạm điều 258 của Bộ Luật Hình sự, là “lạm dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, một tội trạng có thể bị phạt tới 7 năm tù.
   
Technica, Reporters without Borders, VOA's Interview


Vì sao blogger Mẹ Nấm tình nguyện đi tù cùng ông Trương Duy Nhất?

image
Một tuần trước khi ông Nhất bị bắt, bà Quỳnh cũng phải ‘làm việc với cơ quan an ninh điều tra’.
Blogger Mẹ Nấm (tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) kêu gọi cộng đồng người viết blog ở Việt Nam lên tiếng tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, sau khi một blogger khác là ông Trương Duy Nhất bị bắt vì ‘vi phạm pháp luật theo điều 258 Bộ luật Hình sự’.

Ông Nhất là chủ trang blog ‘Một góc nhìn khác’ (hiện không thể truy cập được), và nhiều lần chỉ trích giới chức chính phủ trong nước.

Bà Quỳnh cho rằng điều ông thể hiện ôn hòa trên mạng có thể đụng chạm đến cá nhân và nhà nước, nhưng đó là quyền tự do ngôn luận của blogger 49 tuổi.
Bà còn tuyên bố ‘tình nguyện đi tù’ cùng ông vì cho rằng vụ bắt giữ cựu ký giả đã ‘xâm phạm nặng nề tới quyền tự do’ của bà.
Blogger từ tỉnh Khánh Hòa nói với VOA Việt Ngữ: "Nếu như hôm nay bắt được Trương Duy Nhất thì ngày mai họ cũng sẽ bắt được tôi. Để chống lại điều này, tôi nghĩ rằng tôi tình nguyện đi tù để được nói điều mình muốn nói".

Bà nói tiếp: "Hy vọng rằng với phản ứng của tôi như vậy thì những blogger khác ở Việt Nam sẽ suy nghĩ làm sao lên tiếng để điều 258 không tiếp tục là cái mũ để chụp lên đầu những người sử dụng mạng".

Vụ bắt giữ ông Nhất đã khiến cộng đồng blogger ở Việt Nam rúng động, nhưng bà Quỳnh nói nó không làm bà nhụt chí.

Bà cho rằng nếu giới viết blog ở Việt Nam giữ im lặng thì ngày mai ‘sẽ đến phiên chúng ta chứ không phải một người nào khác’.

Blogger này cho biết bà cũng không quan tâm tới những tranh cãi hiện nay xoay quanh vụ bắt ông Nhất.
Bà nói: ‘Có thể những người khác họ theo dõi thường xuyên hơn họ sẽ nghĩ ông Nhất là người của phe này hay phe kia, và việc bắt ông là động thái của việc đánh nhau trong nội bộ của Bộ Chính trị. Tôi không quan tâm tới điều đó. Tôi chỉ quan tâm tới một điều duy nhất là ông Nhất dùng blog để nói điều mình nghĩ và ông bị bắt vì điều đó’.

Một tuần trước khi ông Nhất bị bắt, bà Quỳnh cũng phải ‘làm việc với cơ quan an ninh điều tra’ vì tham gia phát bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cho một số công dân ở Khánh Hòa.

image
Hồi năm 2009, bà cũng từng bị bắt giữ vì điều 258 Bộ luật Hình sự sau khi ‘phản đối dự án khai thác bô xít và tuyên bố Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam’.

Liên quan tới không gian ảo ở Việt Nam, bà Quỳnh nhận định rằng có sự bùng nổ, và nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để nói lên ý kiến của mình.

Nhưng theo blogger này, rất khó để các công dân mạng tại Việt Nam nói lên quan điểm trái chiều.

Bà nói: "Ý kiến của anh được ghi nhận thư thế nào và quyền được nói của anh nằm ở chỗ nào thì điều đó lại không phụ thuộc vào quyết định của người nói, người viết mà nó phụ thuộc vào quyết định của nhà nước. Với các blog bị coi là đi ngược lại với luồng thông tin chính thống từ báo chí thì dễ bị quy chụp là các trang mạng phản động".


Blogger Mẹ Nấm cho rằng sự bùng nổ thông tin khiến nhà nước không thể kiểm soát nên họ phải ban hành nhiều thông tư, nghị định hơn về luật sử dụng Internet.

image
Điều 258 Bộ luật Hình sự về tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ có khung hình phạt từ 2 tới 7 năm tù.

Việt Nam từng dẫn số người dùng Internet lên tới hàng chục triệu người làm bằng chứng cho quyền tự do sử dụng mạng của người dân.

Nhưng bà Quỳnh nói rằng phần đông giới trẻ sử dụng mạng toàn cầu để chơi game hay tìm hiểu các thông tin về thời trang, còn phần thông tin chính trị xã hội không có sự bùng nổ.


image
Việt Nam nhiều năm qua đã bị tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt vào danh sách các nước là kẻ thủ của mạng Internet vì đàn áp người bất đồng trên mạng.

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.