Friday, May 24, 2013

Tiếng vang và tranh cãi vì 'Người kỳ diệu'

image

'Người kỳ diệu' Nick Vujicic đến Việt Nam được theo dõi bởi 25.000 người trên sân vận động Mỹ Đình, hàng triệu khán giả truyền hình, nhiều người rơi nước mắt nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều.

Người không tay không chân Nick Vujicic đã vượt lên số phận không may để trở thành một diễn giả truyền bá Phúc âm nổi tiếng.
Anh được mời thuyết trình để truyền cảm hứng tới doanh nhân và người khuyết tật Việt Nam, theo thông cáo của nhà tổ chức, song đã gặp phải không ít chỉ trích, chủ yếu xoay quanh số tiền đầu tư và những lợi ích mà Hoa Sen Group thu được.

Theo truyền thông trong nước, Hoa Sen Group đầu tư hơn 30 tỷ đồng để tổ chức việc đưa Nick Vujicic sang Việt Nam thuyết trình trong bốn ngày.
Một số báo như Thanh Niên hay VnEconomy đưa tin giá cổ phiếu của tập đoàn Hoa Sen tăng “vùn vụt”, và tài sản của ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn, có lẽ tăng tới hơn 170 tỷ đồng tính theo vốn hóa thị trường chỉ sau 4 ngày.

image
Bình luận về sự kiện này dưới góc độ truyền thông, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn Le Group, nói nhà tổ chức đã đầu tư hiệu quả về mặt nhận biết thương hiệu.
“Rõ ràng là chương trình này mang lại lợi ích rất to lớn cho Tôn Hoa Sen, và chương trình này khá là nhân văn. Bản thân tôi đánh giá cao sáng kiến này,” CEO của tập đoàn chuyên về truyền thông, quảng cáo và quan hệ công chúng nói với BBC hôm 24/05.

image
Về vấn đề kinh phí, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, hơn 30 tỷ đồng là khoản tiền lớn trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay, và gọi đây là sự đầu tư ‘mạnh bạo’.
“Nhưng rõ ràng là họ đã đạt được mục đích là gây tiếng vang rất lớn. Gần như người dân Việt Nam nào cũng biết đến thương hiệu của họ, cho nên với một chiến dịch như vậy, 30 tỷ không phải là số tiền bỏ đi.”

Tuy nhiên, theo chủ tịch Le Group, việc tổ chức có thể kín kẽ hơn, chuẩn bị kỹ càng hơn thì sẽ ít gặp phải chỉ trích của truyền thông hơn.
“Tôi không nói ở đây có sự phân biệt đối xử, nhưng phong cách cư xử [của nhà tổ chức] tạo ra hố quá lớn giữa hai nhóm người khuyết tật này [Nick Vujicic và người khuyết tật Việt Nam] và tạo ra cho người ta cảm giác không hài lòng.”
Ông Vinh gợi ý, đưa cả hai nhóm vào một chiến dịch truyền thông như nhau thì vừa đỡ tốn kém lại vừa “xóa bỏ được những ý kiến trái chiều”.

Truyền thông hay truyền giáo

image
Trong khi truyền thông Việt Nam ca ngợi khả năng diễn thuyết của chàng trai không chân không tay, báo chí phương Tây tỏ ra ngạc nhiên khi thấy Việt Nam không kiểm duyệt khi Nick Vujicic nói về Thượng đế và Thiên Đường.

Hãng AP thuật lại buổi thuyết trình của Nick trước 25,000 người ở sân Mỹ Đình: “Em biết vì sao tôi yêu Chúa không?” Nick Vujicic hỏi một bé gái đứng trên sân khấu, cô bé cũng không tay không chân như anh.

image
“Bởi vì thiên đường có thật. Và một ngày kia, khi chúng ta lên thiên đường, chúng ta sẽ có tay có chân. Và chúng ta sẽ được chạy, sẽ vui đùa, chúng ta sẽ chạy thi.”

image
Phóng viên của AP, Chris Brummit phân tích, phần lớn khán giả không phải là người theo Công giáo, nhưng bị cuốn hút bởi Nick như một ví dụ sống của một người vượt lên hoàn cảnh.
“Đối với Vujicic và 12 thành viên của “đội Nick”, trong đó chủ yếu là người California, tổ chức cho chuyến đi châu Á của anh, đây là một nước nữa được thêm vào bản danh sách dài mà anh đã truyền đến chân lý của Chúa.

image
“Tổ chức từ thiện của anh đã thu được hơn 1.6 triệu đôla Mỹ trong năm ngoái, video trên YouTube của anh cũng được xem tới hàng triệu lần và anh là tác giả của ba cuốn sách bán chạy.”
Đây cũng là yếu tố khiến Nick Vujicic trở thành lựa chọn rất “khôn ngoan” cho truyền thông của tập đoàn Hoa Sen, theo ông Lê Quốc Vinh nhận xét.

image
So với người khuyết tật Việt Nam, mặc dù ở Việt Nam cũng có những người khuyết tật có nghị lực, “nhưng Nick Vujicic là người có khả năng diễn thuyết rất tài, anh ấy có thể gây được cảm hứng qua những lời nói, bên cạnh đó lại có những sản phẩm truyền thông đi kèm như video và sách, là những thứ không thể thiếu trong những chiến dịch truyền thông như vậy,” ông Vinh nhận xét.
Trả lời câu hỏi của BBC về điều kiện cho người khuyết tật Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, họ chưa được quan tâm xứng đáng, ngoài việc còn đang thiếu vắng những cơ sở hạ tầng cơ bản cho người khuyết tật.

image
Song xã hội cũng có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đặc biệt là với những người làm truyền thông, thì “việc làm cho người khuyết tật có cảm hứng, có động lực sống trong xã hội bình thường là quan trọng hơn cả.”

image
“Không phải bằng cách tài trợ cho họ một khoản tiền mà cần những chương trình cụ thể, đào tạo cho họ, đưa họ vào cuộc sống, đưa họ vào cộng đồng, thì tự họ sẽ biết cách phát triển khả năng của họ như thế nào,” ông Lê Quốc Vinh nói thêm.

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

Lá thư nghẹn ngào của một quan tham Việt Nam gửi Nick Vujicic


Anh Nick thân mến!

Đúng lúc mà tôi định buông xuôi theo cái cách mà dân gian gọi một cách đầy ác khẩu là “hạ cánh an toàn”, thì thật may, tôi nghe tin anh đến Việt Nam.
Nếu còn trẻ như bọn trẻ bây giờ thì có lẽ tôi cũng phải kêu lên một tí bằng tiếng Tây cho sành điệu: Oh, My God, để bày tỏ sự sung sướng khi mọi hy vọng đang tắt trong tôi chợt bừng sáng trở lại.
Tại sao tôi – một người đầy đủ bộ phận và chỉ hơn anh vài tuổi – lại có thể đầu hàng số phận – chấp nhận về vườn – chỉ vì vướng phải một thử thách nhỏ nhoi là ăn bẩn bị kỷ luật buộc thôi việc, trong khi anh – một người không chân không tay – đã kiên cường vượt qua ý định tự tử trong bồn tắm từ năm 10 tuổi?
Phải thú thật là tôi đang mềm yếu, đang hèn nhát. Người ta nói “miệng nhà quan có gang có thép” nhưng  cũng có câu “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Chỉ nghĩ đến việc còn đương chức, khách khứa tấp nập, còn sau khi về vườn, nhà vắng như chùa Bà Đanh, đã thấy lòng mình mềm yếu đến phát điên lên rồi.
Nếu không có sự xuất hiện của anh, thì tôi đã mềm yếu đến mức không thể nhớ nổi rằng, trong suốt mười mấy năm lăn lộn quan trường, tôi đã vượt qua được nhiều thử thách, thậm chí còn khủng khiếp hơn anh, Nick ạ.
Năm 10 tuổi, khi anh chiến thắng cái ý định tự tử trong bồn nước, thì năm lên 10, tôi cũng đã chiến thắng được số phận hẩm hiu. Vì muốn tôi trở thành tướng tá, nên bố mẹ đã quyết định gửi tôi vào trường thiếu sinh quân – nơi học sinh phải chịu kỷ luật khắc nghiệt như bộ đội.
Bằng ý chí sắt thép bê tông, không thể chia lìa với cuộc sống nhung lụa, tôi đã quyết đinh tuyệt thực 1,5 ngày để phản đối. Run sợ trước ý chí ấy, bố mẹ tôi đã phải thỏa hiệp dù tôi mới tuyệt thực được nửa ngày.
Năm 17 tuổi – cái tuổi mà anh đã sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận “Cuộc sống không giới hạn” – thì tôi lại dính phải một kiếp nạn khủng khiếp.
Trong buổi sinh nhật mình, tôi đã bồng bột tặng bạn bè đến 9 chiếc xe @ xịn, mà giá mỗi chiếc lúc đó bằng mấy gia tài của người nông dân.
Sự bồng bột của một đứa trẻ càng trở nên tệ hại hơn khi báo chí nhúng cái mũi dài ngoằng của mình vào và đặt câu hỏi về “ông bố quyền thế của cậu ấm”.
Cáu tiết vì bị ảnh hưởng, bố đã xử tôi bằng những hình phạt tàn khốc nhất: Không cho đi vũ trường overnight; cắt giảm tiền tiêu vặt từ 10 triệu đồng/ tháng xuống còn 7 triệu; không được phép dùng xe @ đi học mà chỉ được đi…vespa…
“Khổ tận” đến như vậy mà tôi vẫn vượt qua được một cách phi thường, dù đôi khi phải khóc lóc hoặc đập phá đồ đạc cho đỡ sốc.
Năm 21 tuổi – cái tuổi mà anh lấy được cùng lúc 2 bằng đại học kế toán và kế hoạch tài chính – thì tôi vẫn đang kiên trì học năm thứ nhất của trường Dân lập (tôi bị “nhuận” 4 năm. Nhuận = lưu ban).
Nhưng học mãi không ra trường chưa phải là câu chuyện đen tối nhất của tôi trong năm đó.
Vì ham mê tốc độ nên trong một lần khiến dân Sài Gòn xanh mặt, tôi bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng” (đua xe) và tội “đưa hối lộ” cho công an, rồi bị xử 3 năm tù treo.
Nếu anh cũng bị 3 năm tù treo như thế, tôi nghĩ chắc gì anh đã vượt qua để trở thành người đặc biệt?!
Thế mà tôi vượt qua được đấy, tất nhiên là có sự giúp sức “xoa dịu nỗi đau” của những cuộc du lịch nước ngoài, nhiều hộp xì gà Havana, vô số rượu Tây và bộ sưu tập “trường túc bất chi lao” (Chân dài không biết mệt).
Ở độ tuổi 23, 25, khi anh đi khắp thế giới diễn thuyết thì tôi lại phải chống chọi với những thử thách ghê gớm khác.
Anh thì ngẩng cao đầu “chém gió” ở những nơi sáng lòa tại 47 nước thì tôi phải cúi mặt, bẩm tâu, thưa gửi “hầu hạ” các sếp trong những căn phòng tối lờ nhờ, chỉ có chút ánh sáng hắt ra từ … da thịt các em.
Trong khi anh mỏi mồm…ký tặng fan hâm mộ, thì tôi phải mỏi tay dâng quà và phong bì cho thượng cấp.
Tuy nhiên, trên võ đài quan trường, những thử thách kể trên chỉ là “hạng ruồi”, “hạng lông”, “hạng gà”.
Cú đánh lớn của số phận giáng xuống đầu tôi là một tai nạn giao thông mà tôi không phải là nạn nhân.
Một đoàn tàu trật bánh, nhiều người chết và bị thương, với tính bình tĩnh bẩm sinh, tôi vẫn bay đến một thành phố xinh đẹp để… tắm bùn.
Việc cứu hộ và giải quyết sự cố là của nhân viên kỹ thuật, ấy thế mà cánh báo chí vẫn cứ nhè lãnh đạo trên tận cao xa là tôi, để mà nã đạn.
Cú đánh lớn thứ 2 của cả số phận và cuộc đời nhằm vào tôi, thì lãng xẹt nhưng hiểm ác hơn nhiều. Đó là khi cánh báo chí phát hiện một chi tiết nhầm lẫn nhỏ trong một tấm thiệp nhỏ.
Trong thiệp mời cưới con và thiệp mời ăn giỗ mẹ, tôi đã “ghi nhầm” chức danh quan trọng của mình vào phần ghi tên bố mẹ cô dâu chú rể.
Việc “ghi nhầm chức danh” này, cùng lắm chỉ có tác dụng nhắc nhở khách mời bỏ thêm vài tờ xanh vào phong bao và tế nhị nhắc họ rằng: Nhân vật chính của đám cưới không phải là cô dâu chú rể, mà là bố của cô dâu chú rể – tức là tôi.
Chỉ đơn giản vậy thôi mà cánh báo chí nỡ lập cả diễn đàn để đưa tôi lên bàn mổ.
Cú đánh thứ 3 của cuộc đời và số phận, bổ thẳng vào mặt tôi chỉ vì tính đãng trí bác học của tôi.
Nhận 70 triệu đồng để chạy một suất tạp vụ lương 2 triệu đồng/ tháng, nhưng vì nhiều người chạy quá nên tôi… quên mất ai là người dâng 70 triệu ấy.
Khổ một nỗi là tôi đãng trí nhưng lại rất nhớ tiền. Vì thế tiền đã cầm nhưng việc tạp vụ thì không có. Kết cục thế nào thì anh biết rồi đấy: Bọn báo chí vớ ngay được đề tài béo bở.
Nick thân mến!
Thư đã dài, nên tôi không thể kể hết những kiếp nạn mình đã vượt qua. Nhưng rất ngạc nhiên là, những kiếp nạn đó chả thấm vào đâu với nhiều thử thách đến từ cuộc sống… đầy đủ.
Tôi biết, phải cố gắng phi thường thì một người không tay chân như anh mới có thể làm được những việc như: Gội đầu, chải tóc, bưng nước, cạo râu, bơi lội, thậm chí là nhảy dù và đánh golf bằng…mồm
Tôi có đủ chân tay và cũng làm được tất cả những điều anh làm. Riêng “nhảy dù thoát hiểm” trong những vụ bê bối thì tôi còn làm rất giỏi.
Nhưng anh biết đấy, cái thử thách khiến cho tôi khó vượt qua nhất, lại là chuyện khác: Chống lại bệnh gút, mỡ máu, tiểu đường…
Là quan chức, người ta đã biếu cao hổ, sừng tê, nhung hươu, lộc nai, yến sào, vi cá, bào ngư, đông trùng hạ thảo, nhân sâm… thì không thể không nhận. Đã nhận thì không thể không ăn. Mà đã ăn thì không thể không bệnh. Đã có bệnh thì không thể không chữa.
Tâm sự như thế để anh thấy, hai chúng ta đều là những con người phi thường, thế mà sự nghiệp của anh thì đang đi lên, còn tôi thì đang đứng trước bờ vực thẳm.
Tôi cứ nghĩ mãi, tại sao số phận của chúng ta lại chia đôi ngả ngược nhau như vậy?
Cuối cùng thì tôi đã tìm ra được câu trả lời.
Vì không có chân tay, nên anh phải dùng đầu để đứng lên (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
Cả đời tôi cũng đứng lên bằng đầu nhưng là…đầu gối và “đầu… tiên” (tiền đâu). Tôi cam đoan đó là khác biệt duy nhất của hai người phi thường là tôi và anh.
Tôi biết sự khác biệt này không lấp đầy được, nhưng tôi lại nghĩ đến hai tuyên ngôn nổi tiếng nhất của anh: “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”.
Khát vọng leo cao, luồn sâu, vơ nhiều, chơi lắm chưa bao giờ tắt trong tôi. Mặt khác, làm gì có giới hạn nào trong việc lật ngược thế cờ để lại tung tăng trên con đường quan lộ, phải không anh?
Anh hãy chờ tin vui của tôi nhé!
Chào thân ái và quyết thắng!
Người vừa mới biết ơn và ngưỡng mộ anh!


Kính thư!
Trần Tham


P/s: Tôi biết rằng mình sẽ bật khóc tối nay nếu gặp anh. Khóc vì anh đã cho tôi tìm lại một trời hy vọng. Biết thế nên tôi kiên quyết không đến. Tối nay, tôi còn phải khóc một trận to, thật thê thảm nữa ở nhà thượng cấp, mong ông ấy đoái thương. Nước mắt là thứ có hạn, phải biết để dành cho những dịp quan trọng, phải không anh?


 image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.