Friday, May 3, 2013

Bà Hà

image
Đêm qua, thằng Thứ, cháu tôi, gọi điện vào báo tin bà Hà mất đột ngột lúc chập tối. Nó nói, mấy hôm trời trở lạnh, bà húng hắng ho, nhưng vẫn ăn mỗi bữa được chén cơm. Chiểu hôm qua, bà bảo nấu cho bà nồi nước hương nhu. Bà tắm gội, mặc bộ quần áo mới, rồi gọi vợ thằng Thứ lên, bảo có câu chuyện muốn nói.

Vợ Thứ lên, bà  lấy ra chiếc túi nhỏ xíu, trong có chiếc nhẫn vàng, bọc mấy lần vải điều. Bà  nói:
- Bà có cái này từ ngày đi lấy chồng. Giờ bà để lại cho mày, giữ lấy làm của!
Vợ thứ giãy nảy:
- Cháu không lấy của bà đâu. Bà cứ giữ lấy!
Bà Hà mắng:
- Mẹ bố nhà cô! Tao giữ mang xuống mồ à?
- Bà còn sống lâu! Sống trăm tuổi!
- Gớm, định ăn hết của thiên hạ à?

Bà nói thế và nắm chặt tay vợ thằng Thứ, đặt chiếc nhẫn vào lòng bàn tay nó, hai hàng nước mắt chảy xuống hai gò má nhăn nheo. Rồi bà lả người đi, mắt từ từ nhắm lại. Vợ Thứ tưởng bà Hà trúng gió, kêu ầm lên, Thứ xoa dầu, ủ ấm, nhưng bà lả dần, rồi thiếp đi, lay gọi thế nào cũng không tỉnh. Bà Hà ra đi nhẹ nhàng, thanh thản như  vào giấc ngủ.

Hơn sáu chục năm trước, Hà là cô gái xinh đẹp ở xóm Trại. Bố mất sớm, mẹ thủ tiết nuôi con. Nhờ tần tảo với ruộng dâu nong tằm, mẹ con có cái ăn cái mặc.

Năm 1953, Hà vừa tròn 17 tuổi, có người làm mai làm mối, lấy anh Quỳnh, con bà Chức ở xóm Dè. Bà Chức chồng cũng chết sớm, một mình nuôi đứa con trai, hơn Hà ba tuổi. Cùng cảnh cùng làng, và thấy hai đứa cũng đẹp đôi, mẹ Hà nhận trầu cau. Bỏ ngõ xong, tết mùng năm , nhà trai đi sêu một cặp cá đé, ông  chú ruột Hà chê: “Sau phần xương một phần da ba phần thịt”.  Nhà trai xin  cuối năm  cưới, ông  chú  giao hẹn: “Đám cưới phải cỗ bàn đàng hoàng, chứ  như đi sêu là không xong!” .

Thế là Quỳnh đăng lính.  Bấy giờ làng tôi lập tề, nghĩa là theo Tây, một số thanh niên nhảy rào, ra vùng tự do theo Việt Minh,  một số  đi lính cho Tây. Quỳnh đi lính để có tiền cưới vợ.

Đám cưới Quỳnh tổ chức cuối năm 1953, bằng tiền bốn tháng lương lính Quỳnh tích cóp được, cỗ bàn tinh tươm.  Ông chú ruột Hà , uống rượu say, ngất nga ngất ngư, gọi vợ chồng Hà đến trước mặt. Mọi người hồi hộp thót tim, tưởng ông lại bắt bẻ chuyện gì.  Nhưng ông tỏ ra tỉnh táo lạ thường. Ông nói chậm rãi như , như  rút  từng lời từ gan ruột mình: “Quyền huynh thế phụ, cha chết còn chú!  Chú chỉ có một nhời, là đã lấy nhau thì phải giữ trọn đạo vợ chồng, không được bội bạc nhau”. Ông dừng lời, móc túi lấy chiếc nhẫn đưa cho cháu gái: “Chú  nghèo, chỉ  dành dụn được chỉ vàng, cho cháu làm của hồi môn, để cháu đỡ tủi thân!”.

Vợ chồng Hà quỳ xuống lạy chú. Bấy giờ mọi người mới hiểu tấm lòng người chú ruột giành cho đứa cháu gái mồ côi sâu đậm nhường nào.  Nó mộc mạc như gốc tre, bụi ruối quê nhà!

Cưới vợ cuối năm 1953, đầu năm sau kết thúc chiến tranh. Từ bốt Vũ Hạ, Quỳnh cởi vội bộ quần áo lính  về làng,  giữa lúc dân quân  du kích đang lùng bắt  ngụy quân ngụy quyền. Quỳnh  chạy bán sống bán chết, bơi qua sông Cầu Nghìn trốn sang Vĩnh Bảo, ra Hải Phòng  di cư vào Nam , không khịp tạm biệt ai, không biết  đã bỏ lại đứa con chưa đầy năm tuần tuổi.


image
Hơn tám tháng sau, Hà  sinh  được thằng cu  bụ bẫm, giống Quỳnh như đúc. Từ đó người ta gọi chị  là chị Quỳnh, theo phong tục  làng tôi . Cuộc đời chị từ đó chịu bao đắng cay tủi nhục vì người chồng mới  ăn ở với nhau  vài ngày ấy.

Đầu tiên chị phải ra công an xã khai báo, rồi  làm bản cam kết cắt đứt quan  hệ với kẻ theo giặc vào Nam. Bản cam kết ghi rõ : Một  không nhận bưu thiếp. Hai không gửi bưu thiếp. Ba  không nghe  tuyên truyền xúi dục của bọn phản động. Bốn không liên hệ với thành phần xấu có chồng con theo giặc. Năm   mỗi tuần  phải ra công an  trình diện một lần, khai báo những  việc có liên quan, và  báo cáo  kết quả chuyển biến tư tưởng  của mình.

Chị Quỳnh không biết chữ, lão Rộc , phó chủ tịch  xã,  phát cho chị quyển sổ “Nhật ký tu dưỡng”.  Quyển sổ có  12 trang , biểu hiện 12 tháng trong một năm,  mỗi trang  chia thành 4 ô , biểu hiện bốn tuần trong một tháng, và mỗi ô  có ba vòng tròn, tô ba mầu đỏ, vàng, đen.  Hàng tuần chị Hà mang “sổ tu dưỡng” lên gặp Rộc. Lão  nhận xét, nếu tiến bộ thì đánh  dấu cộng vào ô màu đỏ,  trung bình thì đánh dấu trừ  ô màu nâu, không tiến bộ thì đánh  dấu hỏi vào ô màu đen.  Một tháng mà  bị hai  vòng  đen là phải  học chính trị   một vài ngày , bị  bốn vòng đen phải đi lao động  cải tạo một tuần.  Số phận những người có chồng con đi lính cho Pháp , sau hòa bình di cư vào Nam , ở quê tôi đều như vậy cả, nhưng chị Hà khổ hơn vì chị còn quá trẻ và xinh đẹp.

Mười sáu, mười bảy tuổi,  Hà đã  xinh nhất làng.  Khi có con, tuổi đôi mươi, cơ thể phát triển hài hòa càng đẹp.   Chị có khuôn mặt  trái  xoan , đôi mắt đen huyền, vừa dịu dàng   mộc mạc , vừa đài các kiêu xa.  Dù con nhà nông chân lấm tay bùn, nhưng trời phú cho  chị  thân hình thon thả, thắt đáy lưng ong ,  nổi bật những đường cong quyến rũ và  nước da trắng trẻo mịn màng.  Người ta nói gái một con trông mòn con mắt!  Chị Hà không chỉ làm mòn con mắt,  mà khiến   bao chàng trai tân làng tôi ngày ấy  chết mê chết mệt!  

Lão Rộc ,  năm ấy đã ngoài ba mươi tuổi, chưa có vợ con, người  thấp lùn,   đi  khạng nang khạng nể,  vì nghe đâu  đã từng mắc bệnh giang mai.  Mặt lão rỗ  tổ ong , đôi mắt sâu hoáy ,  tương phản với cái miệng  hô,  hai hàm răng vẩu vàng khè  cáu thuốc lào . Rộc vẫn tự đắc, cho rằng mình bảnh trai , danh giá  nhất làng.  Rộc tự  phụ như vậy, vì Rộc thuộc thành phần cốt cán, là đảng viên. Thời ấy người ta nói, ngọc còn có vết, chứ đảng viên thì không! Dẫu nó méo mó thế nào cũng vo tròn,  đánh bóng như gương.

Thân phận những người như chị Hà  khốn khổ vì sự dả dối đó. Phải cắn răng  chịu đựng sự dày vò đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần , không được kêu than, nói ra sự thật.
Thực chất, khuôn mặt  Rộc xấu xa một , tâm địa  xấu xa mười, nhưng  ai cũng phải khen lão tốt.  Chị Hà phải âm thầm chịu đựng sự  bỉ ổi mang đậm  bản năng  thú vật của lão.
Mỗi lần chị Hà lên xã trình diện,  lão lại cười cợt tán tỉnh. Hắn bảo: “ Tôi thương cô thành phần cơ bản, lấy phải thằng chồng chó má,  phản quốc hại dân, trên đời này không  gì xấu xa  bằng. Bỏ  thằng khốn đó đi, tôi  giúp  làm lại cuộc đời!”

Rộc chõ  miệng  vào mặt chị Hà cười nhăn nhở, phả ra  mùi khói thuốc lào hôi hám.  Có khi lão chộp năm  ngón tay ngắn ngủn , sần sùi  vào ngực chị. Chị Hà  né tránh, lão  ôm ghì lấy chị , cắn vào ngực chị như con quỷ.   Chị  không  dám kêu , người co rúm, run rẩy, tim thót lại,  nước mắt ứa ra.
Những lần như thế, cuốn  “nhật ký tu dưỡng” của chị  được đánh dấu cộng,  đỏ như máu . Từ trụ sở  xã  ra, chị bước thất thểu, rã rời . Đêm  chị ôm con khóc.
Chị Hà không có bạn bè để chia sẻ. Chị muốn tìm những người cùng cảnh ngộ chia sẻ nhưng bị cấm. Chị chỉ còn niềm an ủi là mẹ đẻ, mẹ chồng, đứa con thơ và người chú ruột thịt.
Để quên bớt nỗi cô đơn, buồn tủi và nhục nhã, chị Hà  lăn xả vào công việc. Từ  cày , bừa, gieo cấy, hái dâu nuôi tằm đến  làm cỏ , bón phân,  mò cua, bắt ốc Chị làm đầu tắt mặt tối , không quản nắng mưa. Chị  tự đày đọa mình để nhan sắc phai tàn, khỏi ai nhòm ngó,  khỏi phải chịu nỗi khiếp sợ lão Rộc đeo bám!

Năm 1960, phong trảo xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở quê tôi rầm rộ bùng lên.  Tiếng trống ếch rập rình . Cờ đỏ rợp trời. Đường làng, ngõ xóm nhộn nhịp ngày đêm. Những cuộc họp ra mắt  ban quản trị, kết nạp xã viên,  những buổi liên hoan  vui không thể tả.

Gia đình chị Hà, cũng như những   gia đình thành phần địa chủ, phú nông , hoặc  có chồng con theo giặc vào Nam  không  được vào hợp tác.  Giờ tôi kể chuyện đó, chắc không ai tin, nhưng  sự thật là thế.  Hồi ấy,  xã viên hợp tác xã cũng phải có lý lịch trong sạch, được tổ chức kết nạp đàng hoàng.  Xã viên hợp tác xã  là một tầng nấc để đánh giá con người trong xã hội. Thân phận những người không được vào hợp tác xã  rẻ mạt hơn kẻ sống ngụ cư thời phong kiến.

Con cháu không được vào đoàn , vào đội, không được tham gia sinh hoạt cắm trại, hội hè, và dù có học hành giỏi giang cũng không được vào  trường trung học, cao đẳng chứ đưng mơ đại học.  Trong lý  lịch mà ghi “ thành phần  cá thể” thì xin một cái giấy thông hành từ quê ra Hà Nội cũng khó.

image
Nhà chị Hà có hai sào ruộng nằm lọt thỏm vào giữa những thửa ruộng của hợp tác xã. Người ta không cho mượn đường dẫn nước vào đổ ải, chị đành bỏ hoang.  Việc trồng dâu nuôi tằm  cũng bị cấm làm ăn cá thể. Chị  Hà đành phải xoay ra làm hàng xáo kiếm kế sinh nhai.

Mỗi ngày chị ra chợ đong ba thừng thóc, về cùng mẹ đẻ, mẹ chồng xay , giã sàng xảy lấy gạo bán.  Một thùng thóc mười đấu , xay giã được bảy đấu gạo, có khi gặp thóc non chỉ được sáu đấu rưỡi. Tiền bán gạo đủ đong lại ba thùng thóc khác, lời tí tấm  nuôi bốn miệng ăn,  tí cám nuôi lợn và tí trấu nhóm bếp. Những ngày không làm được hàng xáo, mẹ con bà cháu ăn cháo, hoặc ra đồng nhổ cây tầm khúc về giã nhỏ làm bánh tầm khúc ăn thay cơm. Những đêm đông rét cắt da, bốn con người rúc trong cái ổ rơm thay chăn nệm.

Năm này, tháng nọ  cuộc sống  của gia đình chị Hà trôi đi chậm chạp, lặng lẽ như những  cánh bèo trên dỏng kinh  Cầu Đá tù đọng hôi thối nhày nhụa . Ba người đàn bà, một trẻ hai già cố chăm chút cho đứa con trai của người đi xa .
Thằng Quảng mỗi ngày mỗi lớn, giống bố như đúc.  Nhiều lần nó hỏi bố tên gì, đi đâu, chị Hà và bà nội bà ngoại  nói quanh ,  cố dấu , để nó khỏi  mặc cảm

Tết trung thu năm ấy, thiếu niên nhi đồng trong  xóm  rước đèn ông sao rồi ra sân đình liên hoan phá cỗ. Thằng  Quảng  bắt mẹ mặc áo đẹp  lũn cũn chạy theo.  Nó vô tư len vào chỗ liên hoan , bị môt  thiếu niên véo tai lôi ra , quát : “ Mày là con thằng ngụy quân theo giặc không  có phần !” Thằng Quảng khóc chạy về. Từ đó trong ánh mắt thơ ngây của nó lởn vởn hình bóng một kẻ thù . Hình bóng ấy mỗi ngày một đậm nét qua  những bài học từ vỡ lòng đến lớp một, lớp hai thầy cô nhổi nhét vào đầu nó. Nó căm thù những người di cư vào Nam, trong đó có bố nó,  như tất cả những đứa trẻ được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa quê hương tôi.

Cuộc chiến phá hoại của Mỹ leo thang ra miền Bắc . Bắt đầu từ cái ngày 5-8-1964 ấy, những gia đình có người di cư vào Nam, đặc biệt phần tử ngụy quân, ngụy quyền bị giám sát chặt chẽ hơn. Công an, dân quân , du kích ngoài việc sẵn sàng chiến đấu phải thường xuyên bám sát từng đối tượng. Một ánh lửa lập lòe trong đêm, một chiếc khăn tay màu trắng phơi trên sào ban ngày,  đều có thể bị coi là làm ám hiệu chỉ mục tiêu cho máy bay Mỹ ném bom. Những  câu chuyện cảnh giác đọc trên loa công cộng nhắc nhở mọi người không được lơ là ,vì  những toán gián điệp biệt kích có thể nhảy dù xuống bất cứ lúc nào.

image
Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ mỗi ngày một ác liệt. Những trận bom ném xuống Cầu Nghìn, Cầu Bo và dọc tuyến đường quốc lộ  số 10 liên tiếp xảy ra. Trận địa  pháo phòng  không mọc lên giữa những cánh đồng quanh làng. Thanh niên trai gái đi bộ đội, thanh niên xung phong,  ra mặt trận. Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt, sự hy sinh gian khổ không của riêng ai, đã làm mềm lòng những người lãnh đạo đảng chính quyền quê tôi. Họ bớt phân biệt đối xử, bớt khắt khe với những người có chồng con di cư vào Nam  như chị Hà. Chị được vào hợp tác xã,  được bầu làm đội trưởng một đội sản xuất,  thay người đàn ông ra mặt trận. Một  ngày đầu năm 1971, chị tiễn đứa con trai vào bộ đội , khi nó mới vừa tròn mười bảy tuổi. Đứa con của người lính ngụy trở thành người chiến sĩ giải phóng quân. Lúc chia tay, chị Hà không  cầm được nước mắt, thắt lòng khi nghĩ một ngày nào đó hai bố con bắn chết nhau! Chị chỉ biết cầu trời khấn Phật cho điều ấy đừng sảy ra.  

Thương đứa cháu đi vào chốn bom đạn,  mẹ chồng và mẹ đẻ chị Hà héo hon, sinh bệnh, lần lượt qua đời, bỏ  lại mình chị chơ vơ như  cây gáo mồ côi ở đầu bờ ruộng rộc.
Một đêm trên sân kho hợp tác , chị Hà nằm trên đống rơm tươi , ngửa mặt lên trời.  Bầu trời đầy sao , nhấp nháy trong sương mờ ảo. Chị  có cảm giác những vì sao đang khóc, và nước mắt các vỉ sao ướt đẫm cả bầu trời . Tiếng khóc hòa vào tiếng kêu của bầy dế chung quanh sân kho, như một bản nhạc buồn tê tái.

Chị  nhắm mắt lại, bầu trời càng hiện ra thăm thẳm , mang nặng tâm trạng ưu tư của chị. Đời chẳng giành cho chị chút may mắn nào. Mười bảy tuổi lấy chồng , chưa đầy mười tám tuổi sinh con .  Mười bảy năm  tần tảo  nuôi con, nuôi mẹ đẻ, mẹ chồng . Chị không có tuổi xuân, đúng hơn  tuổi xuân bị vùi dập trong ngèo đói, cô đơn,  tủi nhục. Chị không được học hành,  nghĩ ngắn, nhưng chị vẫn cảm thấy thân phận mình  khổ hơn  nàng Kiều. ..

Chị Hà đang mơ màng trong những suy nghĩ mông lung như thế, thì một bóng đen ập xuống người chị. Chị nhận ra tiếng cười, mùi thuốc lào và những ngón tay sần sùi của lão Rộc. Mười bảy năm qua,  Rộc  vẫn không buông tha chị, nhưng hắn vẫn không sở hữu được chị. Trong trái tim chị, hắn vẫn chỉ là một loài cầm thú!

image
Sẵn chiếc nạng cào rơm, chị Hà vùng dậy vụt tới tấp vào lão Rộc. Chị vừa vụt vừa kêu thét, khiến những người ở gần kho chạy ra.  Mười bảy năm cam chịu, lần đầu tiên chị Hà phản kháng quyết liệt như vậy. Lão Rộc vội vã nhày qua bức tường,  lủi vào bụi rậm...

Một buổi sáng mùa đông 1972, chị Hà đang  nhổ mạ cùng mấy xã viên, thì chú ruột chị tất tưởi chạy ra đầu bờ. Ông vừa nói vừa thở đứt quãng:
- Cháu ơi! Thằng ... Quảng... nó...
Chị Hà buông nắm mạ hỏi:
- Nó làm sao hả chú?
Ông chú khóc òa:
- Nó hy sinh ở Quảng Trị rồi!

Chị Hà đứng lặng như chết trân giữa ruộng mạ. Từng cơn, từng cơn gió mùa đông bắc lạnh cắt da cắt thịt rít lên, làm xổ tung mái tóc gần như đã bạc trắng của người phụ nữ mới ba mươi lăm tuổi.   
Từ ngày ấy bà Hà chỉ còn nỗi khắc khoải duy nhất là chờ tin ông Quỳnh. Nhưng năm tháng qua đi vẫn biệt vô âm tín. Ông Quỳnh đã chết hay phiêu bạt chân trời góc biển nào không một hồi âm.

image
Cách đây vài năm, một lần về quê, thấy bà tuổi cao sức yếu, tôi mời bà về ở với thằng Thứ, cháu tôi. Có lẽ cuộc đời bà chỉ được an ủi vài năm lúc cuối đời từ đó.
Người ta nói, con người ta sướng nhất là khi về già được ra đi thanh thản, mà muốn được như vậy phải ăn ở hiền lành, ba Hà là một người như vậy. Cầu hương hồn bà dưới suối vàng bình an!



MINH DIỆN

image



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.