Monday, April 8, 2013

Chỉ dấu của lòng nhân đạo, hòa giải?

image
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ, một trong các dấu tích lịch sử cuộc chiến VN

Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn có đến thăm và thắp hương tại đài tưởng niệm bằng đá đen mới được dựng lên trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ, nơi chôn cất 16 nghìn binh lính Việt Nam Cộng hoà từ binh nhì đến cấp tướng đã tử trận trong cuộc chiến Nam Bắc vào thế kỷ trước.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cộng sản Việt Nam bày tỏ nghĩa cử tưởng nhớ đối với tử sĩ Việt Nam Cộng hoà, những chiến binh của phía thua cuộc.

Gần 40 năm đã qua từ ngày chiến tranh chấm dứt với chiến thắng thuộc về phía miền Bắc và đã đem đến biết bao tù ngục, cay đắng, cùng chính sách kỳ thị lý lịch đối với cựu quân cán chính quyền miền Nam mà hệ lụy còn kéo dài đến nay, như thế tại sao lúc này lãnh đạo Hà Nội lại có hành động tưởng niệm những tử sĩ thuộc về phe thua trận? Đây là vấn đề nhân đạo, hòa giải hay chính trị?

Cùng đi thăm nghĩa trang với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có ông Nguyễn Đạc Thành, nguyên thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà, cựu tù cải tạo và hiện là chủ tịch hội Vietnamese American Foundation (VAF).
Sau chuyến viếng thăm của quan chức Hà Nội, ông Thành lại tháp tùng phái đoàn của Tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn là ông Lê Thành Ân đến nghĩa trang thắp hương tưởng niệm.
Hai sự kiện này đang gây xôn xao dư luận hải ngoại với những nhận định, phê phán cùng tìm hiểu về mục đích, chủ trương đối với một địa danh mang tính lịch sử của miền Nam và về chính sách hòa giải của nhà nước Việt Nam.
Chuyến thăm viếng trên cho thấy lãnh đạo Hà Nội một lần nữa muốn chứng tỏ với người Việt hải ngoại về chính sách hòa giải được ban hành từ năm 2004 bằng Nghị quyết 36. Nhưng tiến trình đi đến hòa giải đã tiến hành rất chậm.

image
Từ năm 2004, cùng lúc với Nghị quyết 36 được ban hành, vấn đề Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã được một số người Việt đặt ra với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Phó trưởng Ban văn hoá tư tưởng, trong một dịp ông đến vùng Vịnh San Francisco. Khi nghe được những quan tâm này, ông Bình cho biết lãnh đạo đang bàn đến việc dân sự hoá nghĩa trang.

Cuối năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định chuyển việc quản lý khu đất nghĩa trang từ quân đội sang dân sự.
Trước sự việc này, từ hải ngoại đã có những quan ngại cho tương lai nghĩa trang sẽ không còn thuần túy là nơi an nghỉ của chiến binh Việt Nam Cộng hòa mà sẽ cho phép chôn cất cả dân trong đó để dần sẽ mất đi tính lịch sử của nó.

Điều 7 của Quyết định: “Yêu cầu các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương khẩn trương và phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện nội dung của Quyết định này. Báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 7 năm 2007”.

'Khó khăn hơn trước'
Có dư luận lo ngại nghĩa trang có thể bị giải tỏa cho mục đích kinh tế vì quyết định ghi rõ là chuyển mục đích “sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương”.
Báo cáo và đề nghị của giới chức tỉnh Bình Dương lên trung ương gồm những gì thì không thấy phổ biến.
Từ đó đến nay, sau khi được chuyển giao từ quân đội qua dân sự, nghĩa trang đã được bắt đầu sửa sang và cũng không có người dân nào được chôn cất trong đó. Nơi này nay chính thức có tên “Nghĩa trang Nhân dân Bình An”.
Tuy nhiên việc thăm viếng lại có phần khó khăn hơn trước. Tin riêng từ quê nhà vào đầu năm nay cho biết muốn thăm nghĩa trang phải xác định danh tính tử sĩ thì mới được phép vào.

image
Sau khi hình ảnh về hai chuyến viếng thăm nghĩa trang của quan chức Việt và Mỹ được hội VAF phổ biến, có dư luận tỏ vẻ hoài nghi về thực tâm của Hà Nội vì những thông tin đó chỉ nhắm vào người Việt hải ngoại. Nếu nghĩa cử của một quan chức là thuần túy nhân đạo thì sao truyền thông trong nước lại không nhắc gì đến.
Từ hơn thập niên qua, hội VAF của ông Nguyễn Đạc Thành đã khởi động việc tìm hài cốt cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa chết trong tù cải tạo để đưa về với gia đình hay để chôn cất cạnh đồng đội trong nghĩa trang quân đội cũ.

VAF đã đưa được hài cốt một số tù cải tạo về với gia đình họ. Nhưng liên quan đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ thì VAF mới được cho phép trùng tu sơ khởi và việc thực hiện còn nhiều khó khăn vì sự nhạy cảm của vấn đề đối với cả hai phía, chính quyền đương thời của Việt Nam và những cựu binh sĩ Việt Nam Cộng hoà. Có người ủng hộ việc làm của VAF và cũng có người phản đối.

'Nghĩa cử hòa giải?'
image
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, mặc áo vàng, viếng nghĩa trang Biên Hòa
Những sự kiện gần đây liên quan đến nghĩa trang, dù được nhấn mạnh là mang tính nhân đạo, có phải là nghĩa cử hòa giải của Hà Nội?

Chuyện hòa giải thường được lãnh đạo Việt Nam nhắc nhở, đặc biệt là với Việt kiều Mỹ. Nhưng lời nói của quan chức thì nhiều hơn những hành động cụ thể.
Từ việc có ý hướng để tiến tới chính sách hòa giải quốc gia còn là một con đường dài. Hòa giải luôn là một nghĩa cử cao đẹp. Nhưng những người có ý hòa giải cần một không gian mở để thể hiện ước vọng của mình. Chẳng hạn như chuyến thăm viếng nghĩa trang của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam được dư luận đón nhận ra sao, đó có phải là điều cần được tôn vinh hay không thì trong nước chưa tạo môi trường thảo luận để ước nguyện đó được thăng tiến.

image
Với người Việt ở nước ngoài, những ai muốn hòa giải theo tinh thần Nghị quyết 36 thì có người ủng hộ, có người phản đối. Nhưng muốn thực hiện hòa giải chưa chắc đã được lãnh đạo Việt Nam chấp nhận. Nhiều người danh tiếng đã mở rộng con tim, nhưng kết quả được nhà nước đáp lại như thế nào thì đã rõ.

Tướng Kỳ về nước chỉ mong khi chết được chôn cất tại quê hương. Nhưng ước nguyện của ông đã không thành.

Hồi hương từ năm 2005 và thường phát biểu ủng hộ chính sách hòa giải của nhà nước, nhưng cho đến khi ông qua đời vào đầu năm nay phần lớn gia tài âm nhạc của Phạm Duy vẫn chưa được phép hát.

Thiền sư Nhất Hạnh trở về và được lãnh đạo trân trọng đón tiếp. Nhưng chỉ ít năm sau tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng với hằng trăm tăng ni theo thiền sư tu tập đã phải dẹp bỏ.
Vì thế có dư luận bày tỏ nghi ngờ về chuyến thăm viếng Nghĩa trang Quân đội của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn.

image
Nếu lãnh đạo Việt Nam ngày nay đã thay đổi cách nhìn và thực sự tôn trọng những hy sinh của những người lính Cộng hòa, Hà Nội hãy đẩy nhanh tiến trình hòa giải bằng một quyết định chính thức chọn Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũ là di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn.
Một quyết định như thế là dấu chỉ rất thực về chủ trương và chính sách hòa giải mà nhiều người Việt trong và ngoài nước đang mong đợi.



Bùi Văn Phú

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.