Monday, April 1, 2013

Hiện tượng nổi danh nhờ mạng Internet

image
Cadence, 12, and Emerson, 9

Từ ngày thế giới bước vào thế kỷ Internet chưa bao giờ con người cảm thấy gần nhau hơn bao giờ hết. Một tin tức nóng hổi hay một biến cố vừa xảy ra vài phút sau cả thế giới đều biết. Vòng tay lớn của con người ngày một khắn khít hơn. Một ông bố đã coi thường và đánh giá thấp sức mạnh của liên mạng và Facebook nên đã thách thức với các con của ông rằng “Các con sẽ được một con chó con khi các con lấy được 1 triệu chữ “likes” trên Facebook. Ryan Cordell đã nói đùa với hai cô con gái, Cadence 12 và Emerson 9 tuổi như vậy khi các cô và ba em trai đòi có một con chó mới thay thế cho con chó của gia đình đã chết vì ung thư. Các em hỏi xin bố vì thấy các con của gia đình Urbano ở Newton, Massachusetts đã được phép nuôi mèo khi các em có được 10 ngàn chữ likes trên Facebook. Các em đã chụp một bức hình 5 em bé cùng cầm một tờ giấy với hàng chữ “Mến chào thế giới toàn cầu, chúng tôi muốn có một con chó con, bố nói rằng nếu chúng tôi xin được 1 triệu chữ ‘likes’, chúng tôi sẽ có chó” . Các em còn cho thêm hàng chữ bên cạnh rằng “Ông không nghĩ chúng tôi có thể xin đủ số chữ likes”
Chuyện không thể ngờ được chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, các em đã có trên 1.2 triệu chữ “likes” và gia đình đã phải thực hiện lời hứa.

image
Năm 2012 có thể gọi là năm của cộng đồng mạng quốc tế vì nhờ nối mạng mà có các nhân vật ở những nơi khác nhau trên thế giới, khác quốc tịch, tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ, vẫn được người ta biết đến và nổi danh. Xưa nay những sinh hoạt văn học nghệ thuật hay âm nhạc nổi tiếng thế giới thường xuất phát từ Phương Tây. Những ca nhạc sĩ Pop, Rock hay Rap thường nổi danh trên sân khấu trời Âu, Mỹ. Có ai ngờ năm 2012 cả thế giới cùng lắc lư theo một điệu nhảy, hát theo một ngôn ngữ rất lạ tai xuất phát từ một nước Á Châu.

image
Park Jae Sung
Đó là trường hợp của một ca sĩ nhạc pop Nam Hàn Park Jae Sung phát hành một điệu nhảy của anh vào tháng 7, 2012. Vũ điệu “Gangnam Style” đã trở nên thông dụng và nổi tiếng khắp thế giới và đạt kỷ lục 500 triệu lần xem trên hệ thống You Tube. Nó trở thành một cơn sốt trong cộng đồng cư dân Hàn Quốc, lan rộng khắp châu Á, thậm chí làm điên đảo cả châu Âu và Mỹ. Gangnam Style cũng trở thành một cụm từ thời thượng, được sử dụng như một câu cửa miệng của giới trẻ, trở thành một trào lưu mang tên "Gangnam Style".

image
Điệu nhảy này phỏng theo dáng cưỡi ngựa, lắc người, đập tay vào nhau của một rapper có thân hình mũm mĩm với giai điệu có điệp khúc đơn giản: "Oppan Gangnam Style". Đằng sau điệu nhảy là một bài luận xã hội tinh tế châm biếm những người giàu mới nổi ở Gangnam. Tuy Gangnam chỉ là một góc nhỏ của Seoul nhưng nó nổi tiếng với tiệc tùng xa hoa, là nơi người dân phung phí tiền của vào các mặt hàng xa xỉ để làm nổi bật sự giàu có của họ. Gangnam trở thành địa chỉ được thèm muốn nhất ở Hàn Quốc nhưng cũng khiến người ta nảy sinh sự đố kỵ, dị ứng. Và "Gangnam Style" - một khái niệm phổ biến ở Hàn Quốc - chính là để chỉ phong cách sống của tầng lớp người giàu mới nổi này.

image
Karen Klein
Sức mạnh truyền đạt cảm thông của thế giới ảo đã khơi dậy tính nhân bản của con người nhanh nhạy hơn bao giờ hết. Câu chuyện một giám thị xe bus (Bus Monitor) tại New York, tháng 6 năm 2012, bị một đám học sinh trung học chế nhạo, được ghi lại trong một video clip được tung lên mạng, đã làm cư dân mạng phẫn uất. Karen Klein, 68 tuổi, lãnh một mức lương rất thấp 15,000 đô một năm, đã bị lũ học sinh giễu cợt, báng bổ, làm nhục và đem ra làm trò cười. Một diễn đàn Viral Philanthropy đã ra sức quyên góp và những người hảo tâm đã gom tặng bà hơn nửa triệu đô (700 ngàn) để bà có thể thực hiện một kỳ hè(vacation) tuyệt vời như bà từng mơ ước. Karen đã dùng một phần tiền tặng dữ này mở ra một tổ chức chống lại các sự nhạo báng, châm chọc.

image
Joseph Kony
Tháng 3, 2012, mạng lưới Invisible Childen đã tung ra một cuốn phim tài liệu nhắm vào Joseph Kony. Hắn ta là một lãnh tụ của Uganda đã bắt cóc, lường gạt trẻ em biến chúng thành những chú lính tí hon và nô lệ tình dục. Tội ác dã man của hắn đã được hơn 100 triệu cư dân mạng xem duyệt và phẫn nộ. Hàng triệu người đã bàn tán, chỉ trích tạo nên ngọn lửa giận phừng phừng thổi về Uganda. Invisible Children đã tạo được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ cộng đồng mạng trong một hành động hỗ trợ cho sự thù ghét cái ác.

image
Jamie Lynne Grumet
Hình chụp bìa số báo tháng 5 tạp chí Time đã gây tranh luận dữ dội trên mạng và Twitter. Nhìn hình bà mẹ Jamie Lynne Grumet chống nạnh, áo trần hở một bên vú cho cậu con trai 4 tuổi lớn tồng ngồng bú, ai cũng giật mình. Một câu hỏi nhanh chóng được đặt ra “Bà mẹ Grumet có đủ tư cách làm mẹ không?”.

Trước khi quả bom thời sự này bùng nổ, tấm hình của Grumet đã được truyền nhau, đăng tải khắp nơi nhất là trên mạng và trở nên một đề tài bốc lửa. Trung tâm của các cuộc tranh luận quay quanh vấn đề cho con bú hay không?. Người ủng hộ, kẻ chê bai, thành kiến, đạo đức, sức khoẻ, sự liên hệ thắm thiết giữa bà mẹ và đứa bé, tất cả các đề tài liên quan đều được mổ xẻ tận tình. Có những bà mẹ nêu ra những điểm tích cực của việc cho trẻ bú sữa mẹ và ủng hộ việc này. Có bà thú thật đã cho con bú tới lúc đứa bé 3, 4 tuổi và sẽ cho nó tiếp tục bú tới lúc 5 tuổi. Người thì nhạo báng việc ấy và cho rằng cho một đứa bé từ 3 tuổi trở lên bú là quá đáng. Kẻ ủng hộ nêu ra những điểm lợi của sữa mẹ khiến đứa bé ít bệnh tật và mạnh mẽ. Dù hệ thống phòng bệnh của cơ thể đứa bé được phát triển sau 2 tuổi nhưng nếu nó được tiếp tục hỗ trợ bằng sữa mẹ, đứa bé được bú vẫn mạnh khoẻ hơn đứa bé không bú sữa mẹ. Cho nên một đứa bé được bú đến năm 6,7 tuổi cũng chẳng sao mà tình thân giữa người mẹ và đứa con càng bền chặt.

image
Grumet đã biến thành một hiện tượng xã hội lây lan nhanh chóng, cư dân mạng đã lấy hình của bà và con bà chỉnh sửa lại thành những tấm hình độc đáo nổi tiếng và mạng Twitter đã dành riêng một ngày để bình luận về đề tài này.

Nhìn lại những hiện tượng nổi danh nhờ hệ thống mạng ảo này, ai có cái nhìn sâu sắc cũng nhận ra cái gì lên càng mau thì xuống càng lẹ. Quần chúng vốn chóng chán với cái gì lập đi lập lại và ưa thích đổi thay. Điệu nhảy ngựa “Gangnam Style” sẽ mau lẹ chìm vào quên lãng, người ta lại hùa nhau ưa chuộng một điệu nhảy, một bài hát khôi hài khác trong tích tắc. Điều chúng ta cần suy ngẫm là những hiện tượng sốc nổi này dạy chúng ta bài học gì về xã hội chúng ta hiện tại. Có phải ngày nay chúng ta có khuynh hướng chuộng cái gì ngắn hạn, thời sự và luôn luôn đòi hỏi những gì có tính lạ thường? Có phải các hệ thống truyền thông, TV, liên mạng làm giảm giá trị con người vì các món ăn tinh thần của con người ngày càng có tính thương mại.

image
Tính nhất thời của các nhân vật nổi danh nhờ ngọn lửa Internet chỉ là một ví dụ nhỏ thôi. Những kỹ thuật tân tiến đã cho ra đời bao nhiêu là điện thoại đời mới với tiện dụng tinh vi, mp3, Ipad, video games và bao nhiêu thiết bị tân thời nữa. Cái cũ được đào thải nhanh chóng và cái mới được sản sinh lẹ làng vì mục đích thương mại khiến con người cứ phải chạy theo cho kịp với sự đổi thay không thì bị bỏ lại phía sau. Tính ưa thay đổi sẽ ăn sâu vào thế hệ trẻ bây giờ và cái gì sẽ xảy ra với liên hệ tình cảm của con người và đôi lứa? Thói quen chuộng sự đổi thay sẽ tiêm nhiễm từ từ và đi vào tư duy con người như một điều ắt có.

image
Thế giới nhỏ bé nhờ liên mạng, con người xích lại gần nhau. Con người thích bàn tán, nhỏ to nên tranh luận nở ra rôm ran. Càng phê bình sự yêu, thích hay chê, ghét, càng thắt chặt mối quan hệ của con người với ngôi nhà ảo liên mạng. Sự thật hiển nhiên ai cũng thấy là người ta dùng và nghiện Internet nhiều hơn. Tuy nhiên điều chúng ta cần hỏi lại chính chúng ta, là xã hội nơi chúng ta sống sẽ đi về đâu khi con người bây giờ chỉ thích bỏ cái cũ chạy theo cái mới dù biết rằng “cái gì bạo phát, thì bạo tàn”.



Trịnh Thanh Thủy

Tài liệu tham khảo:
- 15 People Made Famous by the Internet in 2012
http://mashable.com/2012/11/15/internet-famous-people-2012/

image





No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.