Sunday, May 12, 2013

Công hàm 1958 và hai nhà nước VN

image
Trong giai đoạn 1954-1976, có hai Nhà nước riêng biệt?

Tại Hội thảo quốc tế về tranh chấp Biển Đông ở New York với sự tham gia của học giả, quan chức từ Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, giữa tháng Ba vừa qua, quan chức Trung Quốc trích dẫn Công hàm Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (CHNDTH) Chu Ân Lai năm 1958 như bằng chứng Việt Nam công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc.

image
Mục đích của bài viết này là để trả lời câu hỏi, có chăng hai Nhà nước Việt Nam hiện hữu trong 20 năm trước khi khai sinh Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và để xét đến một số vấn đề nóng bỏng liên hệ đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa ?

Hai Việt Nam
Hội nghị Geneva 1954, với sự tham dự của Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Anh, Mỹ, và ba nước Đông Dương, đưa đến việc ký kết Hiệp định phục hồi hoà bình trên bán đảo Đông Dương. Điều 7 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị nói, hai miền Bắc và Nam Việt Nam tổ chức bầu cử tự do, dưới sự giám sát của quốc tế, vào tháng 7 năm 1956, để thống nhất đất nước. Cuộc bầu cử năm 1956 không xảy ra như quy định.

Tháng Một năm 1957, Liên Xô đề nghị Liên Hiệp Quốc thu nhận VNDCCH và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) làm thành viên.
Liên Xô lập luận, “ở Việt Nam hai Nhà nước riêng biệt hiện hữu, khác biệt trong cấu trúc chính trị và kinh tế. Do đó, thống nhất qua bầu cử trở thành xa vời đối với Việt Nam như trong trường hợp nước Triều Tiên hay nước Đức”.
Không muốn công nhận VNCH, VNDCCH phản đối đề nghị của Liên Xô.
Khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố VNCH hội đủ điều kiện gia nhập và đa số thành viên trong Đại hội đồng biểu quyết thu nhận VNCH vào LHQ, Liên Xô dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn.

Tháng 9 năm 1958, Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thu nhận VNCH làm thành viên. Một lần nữa, Liên Xô dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn.

Tháng 8 năm 1975, sau khi VNCH ngừng hiện hữu, Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), chính quyền ở phía Nam vĩ tuyến 17, và VNDCCH nộp đơn gia nhập LHQ. Mặc dù ở Đại hội đồng LHQ, có 123 nước ủng hộ, không có nước chống đơn gia nhập của CHMNVN và VNDCCH, Mỹ dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn.

Từ cuối năm 1975 cho đến tháng 7 năm 1976, chính phủ CHMNVN và VNDCCH tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị, tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cho cả nước, khai sinh Nhà nước CHXHCNVN.

image
Tháng 9 năm 1977, CHXHCNVN chính thức gia nhập LHQ.
Trước sự kiện Mỹ dùng quyền phủ quyết năm 1975, Trung Quốc tuyên bố hành động ngăn chặn hai Nhà nước CHMNVN và VNDCCH gia nhập LHQ là “sự vi phạm toàn diện các quy định rõ rệt của Hiến chương LHQ và các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng”.

Phản ứng của Trung Quốc cho thấy chính Trung Quốc cũng công nhận, từ Hội nghị Geneva 1954 cho đến mùa Hè năm 1976, Việt Nam có hai Nhà nước riêng biệt: VNCH/CHMNVN và VNDCCH.

Để phản ánh quan điểm trên, Trung Quốc đề nghị lập quan hệ ngoại giao với VNCH sau Hội nghị Geneva năm 1954 và sau Hội nghị Paris năm 1973. VNCH không đáp ứng đề nghị của Trung Quốc.
Phản ứng không thuận lợi của Liên Xô hay Mỹ, ở mỗi giai đoạn khác nhau, ngăn chặn nỗ lực gia nhập LHQ của VNCH/CHMNVN và VNDCCH trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, hành động ngăn chặn hay không công nhận của một vài nước không thể phủ nhận sự hiện hữu của hai Nhà nước trên đất nước Việt Nam trong hơn hai thập niên, như tổ chức LHQ và Điều 3 của Công ước Montevideo 1933 khẳng định.
Những dữ kiện lịch sử vừa nêu chứng minh rõ ràng hai điểm sau:

1. Trong giai đoạn 1954-1976, có hai Nhà nước riêng biệt, cùng hiện hữu trên đất nước Việt Nam, ngăn cách bởi vĩ tuyến 17.

2. Cộng đồng thế giới nói chung, Trung Quốc, Liên Xô, và Mỹ nói riêng, công nhận thực tế này.

CHXHCNVN “công nhận” VNCH?
image
Có tác giả so sánh Công hàm 1958 của VNDCCH với Công hàm 1953 của Johor trong vụ kiện tranh chấp cụm đảo Pedra Branca trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) giữa Malaysia và Singapore.
Họ đề nghị CHXHCHVN “công nhận” VNCH nhằm làm tăng “tính thuyết phục của việc viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền của VNCH về Hoàng Sa, Trường Sa”.

Nhưng chứng cứ lịch sử và pháp lý cho thấy:
Vốn là thuộc địa của Anh, Malaysia và Singapore lần lượt giành độc lập năm 1957 và 1965; Johor là một trong 13 bang thuộc Malaysia.

Trong phán quyết về Pedra Branca năm 2008, ICJ cho rằng Johor có chủ quyền đối với Pedra Branca cho đến giữa thế kỷ XIX.

image
Khi Singapore nêu câu hỏi về Pedra Branca năm 1953, quan chức Johor trả lời Pedra Branca không thuộc quyền sở hữu của chính quyền Johor.
ICJ cho rằng Johor đưa quan điểm rõ ràng về chủ quyền Pedra Branca qua Công hàm 1953.
Dựa trên phương cách hành xử chủ quyền của Singapore trong giai đoạn 1953-1980 và dựa trên sự thiếu vắng hoạt động hành xử chủ quyền của Johor và của Malaysia, đối với Pedra Branca trong hơn 100 năm, kể từ giữa thế kỷ XIX, ICJ kết luận ở thời điểm năm 1980, khi Malaysia và Singapore chính thức khởi kiện, chủ quyền Pedra Branca thuộc về Singapore.
Khác biệt giữa Công hàm 1953 của Johor và Công hàm 1958 của VNDCCH:

Về Công hàm 1953 của Johor:
-ICJ kết luận, dựa trên chứng cứ lịch sử, Pedra Branca thuộc chủ quyền của Johor cho đến giữa thế kỷ XIX.

-Johor không hành xử chủ quyền đối với Pedra Branca trong hơn 100 năm sau đấy.

-Công hàm 1953 của quan chức Johor phủ nhận chủ quyền Pedra Branca thuộc Johor.

-Trong gần 30 năm sau khi có Công hàm 1953, Singapore hành xử chủ quyền một cách hoà bình đối với Pedra Branca trong khi Malaysia không có hành xử nào đáng ghi nhận.

Về Công hàm 1958 của VNDCCH:
-Quốc gia Việt Nam (QGVN) và Nhà nước kế thừa, VNCH, luôn luôn khẳng định và hành xử chủ quyền một cách hoà bình đối với Hoàng Sa-Trường Sa.

image
-Từ khi khai sinh cho đến cuối năm 1975, VNDCCH không đòi chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Công hàm 1958 và tuyên bố của quan chức VNDCCH ra đời trong bối cảnh này.

-Vì cộng đồng thế giới công nhận sự hiện hữu của hai Việt Nam, VNCH và VNDCCH, và vì Hoàng Sa-Trường Sa thuộc quyền quản lý của VNCH, mọi tuyên bố hay cam kết, nếu có, của VNDCCH, trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa không có giá trị pháp lý.

-CHMNVN, khai sinh năm 1969 và ngừng hiện hữu năm 1976, trực tiếp hay gián tiếp, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, trước và sau khi VNCH ngừng hiện hữu.
Sự hiện hữu của hai Nhà nước Việt Nam và sự khác biệt trong bản chất giữa Công hàm 1953 và Công hàm 1958 cho thấy việc CHXHCNVN “công nhận” VNCH vì Hoàng Sa-Trường Sa là không cần thiết.

Đổi tên Nhà nước thành “VNDCCH”?

Trong phong trào chỉnh sửa Hiến pháp 2013 hiện nay, có không ít ý kiến đề nghị đổi tên Nhà nước thành VNDCCH.
Vì Trung Quốc tích cực sử dụng Công hàm 1958 và tuyên bố của quan chức VNDCCH về Hoàng Sa-Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975 để đánh lừa dư luận quốc tế và nhân dân Trung Quốc, một tên Nhà nước VNDCCH hay tương tự như CHDCVN, do không khác biệt đáng kể khi dịch sang tiếng nước ngoài, sẽ gây trở ngại rất lớn cho quá trình đấu tranh vì chủ quyền trên Biển Đông.

image
Một tên Nhà nước “Cộng hoà Việt Nam” (CHVN), như trong CHMNVN, chính quyền ở phía Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1969-1976, từng trực tiếp hay gián tiếp khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, tạo nhiều thuận lợi hơn, so với tên Nhà nước VNDCCH hay CHDCVN, cho nỗ lực bảo vệ quyền lợi đất nước.



Thái Văn Cầu

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.