Tôi có một anh bạn đồng
nghiệp cũ ở đài BBC. Anh ta thuộc loại mà chúng tôi gọi là đã “gone native” tức
là đã trở thành dân bản xứ. Và xứ của anh là Philippines. Ðã lâu lắm tôi không
gặp anh. Hôm nọ đột nhiên tôi nhận được một bức email của anh hỏi thăm có phải
tôi vẫn còn ở địa chỉ email này không. Khi tôi trả lời, anh mừng rỡ.
Chúng tôi gặp nhau qua
Gmail chat. Sau khi chào hỏi qua loa, anh vào ngay mục đích. Anh hỏi tôi có còn
theo dõi tình hình Á Châu nữa hay không. Tôi bảo, làm sao mà không theo dõi được
bởi tôi vẫn còn hành nghề. Lập tức anh viết “Bạn có biết Trung Quốc muốn gì
không? Chúng tôi ở Philippines đang rất lo.” Ngạc nhiên tôi hỏi lại “Nhưng
Philippines có hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ cơ mà?” Anh viết “Hừ. Có
ích gì đâu!” Tôi chưa kịp hỏi thêm thì anh viết tiếp “Hoa Kỳ làm gì khi chúng
tôi mất bãi Scarborough.” Tôi hỏi “Mất bãi Scarborough? Nhưng các bạn đâu đã mất
bãi Scarborough?” “Kể cũng như là mất rồi.”
Anh tiếp tục kể sự tức giận
của Philippines khi vào lúc túng quẫn nhất, lúc Philippines không có cả lực lượng
để bảo vệ cho hòn đảo nhỏ này, Phi quay sang cầu cứu Hoa Kỳ. Anh viết tiếp, “Bạn
đã thấy họ làm gì rồi đó. Họ gửi cho chúng tôi một cái tàu cũ mèm, sau khi đã lấy
hết các dụng cụ điện tử mặc dầu đó là loại dụng cụ cũng đã lỗi thời rồi.” Anh
viết tiếp, “Ðó là lý do tại sao Noynoy (Tổng Thống Benigno Aquino) đã phải chạy
sang cầu cứu Nhật Bản. Và so với người Mỹ, người Nhật tử tế hơn. Ít nhất họ cho
chúng tôi mua trả góp 10 con tàu mà thực sự khả năng ngang với một khu trục hạm
mặc dầu họ nói là tàu tuần duyên.”
Cả giờ đồng hồ chúng tôi
chat, sau cùng anh bảo tôi tìm đọc bài trên tờ Japan Times của ông Brahma
Chellaney. Anh bảo, “Hắn nói có lý.”
Cái bài anh nói là một bài
góp ý của ông Brahma Chellaney, một nhà chiến lược địa lý mà cuốn sách nổi tiếng
nhất là “Asian Juggernaut,” viết về Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nhật Bản, mang cái tựa
đề “China’s stealth wars of acquisition” (Cuộc chiến lén lút để lấn chiếm của
Trung Quốc). Là một người Ấn, ông Chellany mở đầu nói là cũng như việc Bắc Kinh
chiếm lấn trên toàn vùng Hy Mã Lap Sơn thời thập niên 1950 bằng chiến thuật lén
lút, và Trung Quốc nay đang tổ chức một cuộc chiến tranh “tàng hình,” không cần
bắn một phát súng, mà có thể thay đổi được hiện trạng ở các biển Hoa Nam và Hoa
Ðông, trên lằn ranh giới với Ấn Ðộ và trên giòng chảy của sông ngòi quốc tế.
Theo ông, Bắc Kinh vẫn tiếp
tục tin theo Mưu công thiên trong Tôn Tử Binh Pháp, là không đáng mà thắng mới
là sách lược tốt nhất. Ông Chellaney giải thích là sau khi từ bỏ chủ nghĩa
Marxist Leninism, các lãnh tụ Trung Quốc nay đặt quốc gia chủ nghĩa là tâm điểm
cho chính nghĩa chính trị của họ. Trong hoàn cảnh đó, việc Bắc Kinh đã dùng đến
chiến thuật “chiến tranh lén lút tàng hình” để đạt được các mục tiêu quân sự và
chính trị đang là một trong những nguồn bất ổn chiến lược chính của Á Châu. Ông
nói khí cụ cho chiến tranh kiểu này rất đa dạng, từ chiến tranh kinh tế đến tạo
nên một loạt các binh chủng mới núp bóng dưới các cơ quan bán quân sự từ hải
giám đến ngư chính và cả đến cơ quan quản trị hải dương.
Ông chỉ ra là những cơ quan
này, với sự hỗ trợ của Hải Quân Trung Quốc, đã là lực lượng tiền phương trong
việc thay đổi hiện trạng để cho lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc. Và sự thành
công đã càng làm cho họ hăng say theo đuổi một chiến dịch lấn chiếm đa phương.
Ông đưa ra một thí dụ là sau mấy tháng đối đầu với Philippines, sau cùng Trung
Quốc đã nắm kiểm soát trên thực tế ở bãi từ năm ngoái qua việc luôn
khai triển tàu quanh đó từ chối không cho kẻ địch được đến gần. Các ngư dân Phi
không còn có thể vào được khu chính giữa bãi cạn, vốn là một vịnh nhỏ thiên
nhiên và là nơi đánh cá truyền thống của họ. Với các con tàu của Trung Quốc tiếp
tục ở đó, Philippines chỉ còn có hai lựa chọn chiến lược: chấp nhận thua Trung
Quốc hay là đối diện với chiến tranh.
Trong khi Bắc Kinh tiếp tục
gây hấn, Hoa Kỳ đã không làm gì giúp đồng minh mà ngược lại còn kêu gọi hai bên
hãy tự chế và thận trọng. Khi Philippines cương quyết không chịu đầu hàng, gửi
chiến hạm tới, Bắc Kinh quay sang dùng chiến tranh kinh tế. Họ tìm cách làm phá
sản các nhà trồng chuối ở Phi cũng như kỹ nghệ du lịch qua việc cắt giảm mạnh
nhập cảng chuối và đưa ra khuyến cáo cho người Hoa đừng đi du lịch đến
Philippines nữa. Mà đây là một bãi cạn nằm trong khu “đặc quyền kinh tế của
Philippines” trong khi cách Trung Quốc 800km.
Cuộc chiến tranh “du kích”
này của Trung Quốc cũng được áp dụng đối với quần đảo Sensaku mà Nhật Bản đã
cai trị từ nhiều thập niên nay. Sau khi thành công trong việc đưa ra vấn đề chủ
quyền trên năm hòn đảo đã nằm trong tay của một quốc gia khác, Bắc Kinh bắt đầu
một cuộc chiến tiêu hao đối với Nhật. Qua việc luôn gửi tàu tuần đến vùng biển
quanh các hòn đảo này từ mùa thu năm ngoái, và vi phạm không phận, Bắc Kinh bất
kể nguy cơ là những vụ như vậy có thể vượt quyền kiểm soát của họ.
Cuộc chiến lén lút này với
Nhật Bản cũng đã kèm theo chiến tranh kinh tế qua tẩy chay hàng Nhật Bản dẫn đến
sụt giảm xuất cảng của Nhật Bản sang Trung Quốc. Mà quả thật vậy, sau nhiều năm
liên tiếp, năm 2012 là năm Hoa Kỳ trở lại là quốc gia mà Nhật xuất cảng nhiều
nhất, thay thế Trung Quốc.
Dĩ nhiên chiến thuật
“stealth” này cũng được áp dụng khi một cuộc tấn công có thể không tạo nên sự
chú ý như trường hợp Bắc Kinh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm
1974 chẳng hạn. Họ biết rằng lúc đó và ngay cả bây giờ nữa, Hoa Kỳ sẽ không muốn
có một cuộc chiến với Trung Quốc qua một hòn đảo nhỏ trong Biển Ðông.
Nhưng theo ông Chellaney, mảnh
đất mà Trung Quốc muốn nhất không phải ở biển Hoa Nam hay Hoa Ðông. Nó cũng
không phải là Ðài Loan. Mảnh đất đó nằm ở Ấn Ðộ, ở cái vùng gọi là bang
Arunachal Pradesh của Ấn, ba lần lớn hơn Ðài Loan. Vùng đất này, tuy ông
Chellaney không nói ra, nhưng nhiều chiến lược gia khác đã chỉ ra, là một vùng
với nhiều tiềm năng dầu khí, và nó cũng nằm trong khu vực mà Bắc Kinh coi là
thuộc Tây Tạng. Họ chẳng đã gọi vùng này là Ðông Tạng đó sao.
Và cũng như hồi năm 2007, số
các vụ lấn chiếm vào bên trong lãnh thổ Ấn ngày càng tăng vào năm ngoái. Với
vùng biên giới trên dãy Hy Mã Lạp Sơn khó canh phòng, Trung Quốc liên tiếp lấn
tới, một là để chọc tức Ấn Ðộ mà hai nữa là để đẩy biên giới về phía Nam.
Mới tuần rồi, một trung đội
Trung Quốc đã đột nhập vào sâu khoảng từ 10 đến 19km vào một đêm hôm tháng 4,
và thản nhiên dựng trại ở đó. Vụ đột nhập này đang có nguy cơ hâm nóng biên giới
vì Ấn Ðộ đã vội đưa quân tới đối đầu. Nhưng giữ đúng nguyên tắc, ở Bắc Kinh,
phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thản nhiên chối, nói là không làm
gì có chuyện xâm phạm lãnh thổ của Ấn cả.
Là một người đã nghiên cứu
nhiều về vai trò của nước trong các vấn đề chính trị, kinh tế và chiến tranh,
ông Chellaney cho chiến lược ma quỷ nhất của Trung Quốc là về nước. Mục đích của
Trung Quốc là qua hệ thống đập trên các vùng thượng nguồn của những con sông
chính chảy xuống phía Nam, Trung Quốc đã ngấm ngầm tạo ra, cũng như khi lấn chiếm
lãnh thổ và lãnh hải, một tình trạng “fait accompli,” chuyện đã rồi, khiến
không ai làm gì được. Một khi hệ thống đập nước trên các con sông xuyên quốc đã
hoàn tất, lúc đó Bắc Kinh có thể kiểm soát nguồn nước ở Hạ lưu.
Ông Chellaney dầu sao cũng
là người ngoài nhưng đối với Ðông Nam Á, hành động trắng trợn nhất nhưng cũng
quỷ quyệt nhất của Trung Quốc là loan báo đường lưỡi bò lấn chiếm gần hết 3.5
triệu cây số vuông của Biển Ðông, một trong những hải lộ bận rộn nhất của thế
giới và là con đường huyết mạch nối Ấn Ðộ Dương với Thái Bình Dương. Nhật Bản
và Ấn Ðộ có thể đủ khả năng quân sự để đối phó với cuộc chiến lén lút của Bắc
Kinh nhưng những quốc gia Ðông Nam Á như Philippines thì chẳng có thể làm gì
hơn ngoài việc đưa ra kiện ở tòa án quốc tế, một việc không khác gì con kiến kiện củ
khoai vì Bắc Kinh, khi ký kết Công ước Biển đã chọn không nhận quyền tài phán của
Ủy ban Công ước Biển rồi.
Chả trách mà anh bạn
Philippines gốc Anh của tôi bực tức.
Lê Phan
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.