Thursday, May 9, 2013

Mất ngủ học kém

image

Mất ngủ là một nhân tố giấu mặt quan trọng gây ra tình trạng sa sút trong thành tích học tập ở học sinh, theo các nhà khoa học đang thực hiện một nghiên cứu về giáo dục quốc tế.
Vấn đề này đặc biệt xảy ra ở các nước giàu do tình trạng sử dụng điện thoại di động và máy tính trên giường ngủ đến tận khuya.

Mỹ vô địch mất ngủ
Nghiên cứu do trường Đại học Boston, Mỹ, tiến hành đã so sánh tình trạng mất ngủ giữa học sinh các nước.
Theo đó, Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng học sinh mất ngủ nhiều nhất với tỷ lệ lên đến 73% ở độ tuổi 9-10 và 80% ở độ tuổi 13-14 được các thầy cô giáo cho là bị tác động xấu bởi sự mất ngủ.
Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên bình diện quốc tế là 47% các trẻ tiểu học và 57% các em trong độ tuổi trung học phải cần ngủ thêm.
Những nước khác có tỷ lệ trẻ em mất ngủ nhiều tiếp theo là New Zealand, Ả rập Saudi, Úc, Anh, Ireland và Pháp. Học sinh Phần Lan, dù có thành tích học tập tốt, cũng nằm trong nhóm bị mất ngủ nhiều nhất.

Các nước được đánh giá là học sinh được ngủ đầy đủ nhất là Azerbaijan, Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Czech, Nhật Bản và đảo Malta.
Các kết luận này là một phần trong quá trình thu thập dữ liệu rộng lớn để xếp hạng giáo dục toàn cầu.

image
Các dữ liệu được thu thập bao gồm thành tích trong các môn Toán, Khoa học và Đọc. Đây là những tiêu chuẩn quốc tế quan trọng nhất để xếp hạng giáo dục. Các dữ liệu được thu thập dựa trên các bài kiểm tra của hơn 900.000 học sinh tiểu học và trung học ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kết quả xếp hạng Toán, Khoa học và Đọc được công bố hồi cuối năm ngoái với châu Á chiếm hầu hết những vị trí đầu bảng.
Các nhà nghiên cứu cũng muốn tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của cuộc sống gia đình đối với kết quả học tập.

Họ đã phân tích nhiều về tác động của sự giàu nghèo. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Đại học Boston muốn định lượng các nhân tố khác như giấc ngủ và dinh dưỡng.
Do đó cuộc khảo sát cũng đưa kèm các câu hỏi dành cho các giáo viên, học sinh và phụ huynh về thói quen ngủ. Các câu trả lời được đưa ra so sánh với thành tích học tập của học sinh, do đó thành tích học Toán, Khoa học và Đọc có thể được phân tích dựa trên mức độ ngủ.

‘Bài giảng đi xuống’
“Tôi nghĩ chúng ta đã xem nhẹ ảnh hưởng của giấc ngủ. Các dữ liệu chúng tôi thu thập được cho thấy giữa các nước khác nhau trên thế giới thì trung bình các học sinh ngủ nhiều hơn có kết quả học tập tốt hơn trong các môn Toán, Khoa học và Đọc,” ông Chad Minnich ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về thành tích học tập trong các môn học này, cho biết.
“Đối với các em thiếu những dưỡng chất cơ bản cũng có kết quả như thiếu ngủ,” ông nói thêm.
“Nếu các em không thể tập trung, đầu óc để đâu đâu thì các em không thể phát huy khả năng ở mức tối ưu bởi vì cả cơ thể và đầu óc các em cần những thứ cơ bản hơn.”
“Giấc ngủ là một nhu cầu cơ bản đối với mọi trẻ em. Nếu các giáo viên báo cáo số lượng lớn học sinh như thế mất ngủ thì tác động sẽ rất lớn.”
“Nhưng nghiêm trọng hơn, các thầy cô giáo phải điều chỉnh bài giảng cho phù hợp với các em bị mất ngủ,” ông diễn giải, “Những học sinh mất ngủ đang kéo bài giảng đi xuống.”
Điều này có nghĩa là ngay cả các học sinh ngủ đủ giấc cũng bị ảnh hưởng.
Các nước châu Á có học sinh đạt thành tích cao nhất trong môn Toán và Minnich cho rằng điều này thường được lý giải là học sinh ở đây phải ‘cày’ bài vở trong nhiều giờ trong những lớp học thêm sau giờ học.
“Ai đó có thể giả thiết rằng các em sẽ hết sức mệt mỏi,” ông nói, “Ấy vậy mà khi chúng tôi xem xét giấc ngủ của các học sinh này thì các em không bị mất ngủ nhiều như ở những nước khác.”

image
Tuy nhiên, ngủ đủ giấc cũng không thể giúp cho một nước có thành tích học tập yếu kém trở thành một siêu cường giáo dục. Chẳng hạn như học sinh ít bị mất ngủ nhất dường như ở Azerbaijan nhưng các em này học tập vẫn lẹt đẹt hơn rất nhiều so với thành tích của các học sinh bị mất ngủ nhiều nhất ở Phần Lan.
Các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng giấc ngủ vẫn là yếu tố đánh giá giữa các học sinh cụ thể trên thang năng lực: yếu tố mất ngủ chính là sự khác biệt giữa các học sinh có thành tích cao và học sinh trung bình.
Đối với các học sinh ở độ tuổi lớn hơn cũng có sự thay đổi lớn. Học sinh tiểu học ở Nam Hàn nằm trong nhóm mất ngủ ít nhất trên thế giới trong khi ở cấp trung học thì học sinh ở đây nằm trong nhóm mất ngủ nhiều nhất.

Lý do mất ngủ
Cái mà công trình nghiên cứu này không chỉ ra là tại sao các học sinh lại bị mất ngủ hay tại sao các nước có trình độ công nghệ tiên tiến hơn lại gặp vấn đề này trầm trọng hơn.
Tuy nhiên các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ lại chỉ ra một vấn đề liên quan đến công nghệ cao trên giường ngủ của trẻ em – nhất là việc sử dụng điện thoại di động và máy tính xách tay đến tận khuya.

image
Đó không chỉ là vì các em phải thức để nhắn tin cho bạn bè hay lướt web mà ánh sáng từ các màn hình khi được để gần mặt sẽ gây gián đoạn về mặt vật lý cho điểm khởi đầu giấc ngủ sinh học.
“Màn hình máy tính đặt cách mặt chỉ vài chục centimet sẽ làm các em đối diện với nhiều ánh sáng hơn so với xem truyền hình nằm ở phía bên kia,” Karrie Fitzpatrick, nhà nghiên cứu về giấc ngủ ở Đại học Tây Bắc thuộc tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, cho biết.
“Ánh sáng này là thông điệp để buộc não phải tỉnh táo,” ông lý giải.
“Ánh sáng này sẽ lập trình lại toàn bộ nhịp độ sinh học và nói với não rằng: ‘Chờ chút. Chưa đến lúc ngủ đâu.’”

image
Thiếu ngủ cũng là rào cản nghiêm trọng đối với việc học.
“Mất ngủ là một vấn đề trong tất cả các giai đoạn có liên quan đến học hành, trí nhớ và thành tích học tập,” Derk-Jan Dijk, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ ở Đại học Surrey, nói.
Các nghiên cứu về sự rối loạn giấc ngủ và chức năng não đã cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trí nhớ.
Nếu thiếu ngủ thì não bộ sẽ rất vất vả để tiếp nhận và lưu giữ thông tin.
“Càng ngày càng có nhiều quan tâm về mối liên hệ giữa ngủ đủ giấc và thành tích học tập,” ông nói.
Tuy nhiên tin tốt là nếu bạn bắt đầu ngủ đủ giấc thường xuyên thì bạn có thể đảo ngược những tác động xấu đối với việc học.
“Miễn là bạn chưa bị mắc chứng mất ngủ nghiêm trọng và bạn trở lại nhịp độ ngủ từ bảy cho đến chín tiếng mỗi đêm, miễn là não bộ của bạn chưa bị tổn thương vĩnh viễn thì bạn vẫn có thể khôi phục chức năng tích lũy, xử lý thông tin và khôi phục trí nhớ,” Tiến sỹ Fitzpatrick cho biết.


image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.