Sợ bị bắt nạt,
mối lo hàng đầu của học sinh
Không ai muốn
bị bắt nạt. Không ai đáng để bị ăn hiếp. Tuy nhiên điều này vẫn xảy ra mỗi ngày
ở khắp nơi, ngoài xã hội, trong các trường học từ cấp Tiểu Học cho tới Đại Học
mà nhiều nhất là ở bậc Trung Học. Một ngày con em bạn bỗng nằng nặc đòi chuyển
trường mà không hiểu lý do tại sao, hỏi thì các em nói quanh co, bạn có biết, có
thể các em đã dấu kín nguyên nhân mình là nạn nhân của vấn đề bắt nạt.
Nhiều phụ
huynh vì bận rộn với công việc, ỷ y quá nhiều vào nhà trường và cho rằng đó là
nơi giáo dục vẹn toàn cho con mình nên lơ là, ít gần gũi với con cái. Có rất
nhiều người, thường chỉ chú tâm đến học lực của con cái, xem chúng có đem về
điểm A mỗi học kỳ hay không mà quên hỏi
han xem chúng có bao giờ bị bạn bè ruồng bỏ hay ăn hiếp?. Nếu bạn hỏi một em
Trung Học rằng “Những vấn đề nghiêm trọng thường xảy ra mỗi ngày ở trường Trung
Học là gì ?” Câu trả lời sẽ là “ bị bắt nạt, áp lực từ bạn bè (peer pressure),
áp lực từ thầy cô”. Đối với các em tuổi teen, “bị bắt nạt” đã là một vấn đề
khiến các em lo lắng nhất.
Một đứa trẻ Á
Châu hay Việt Nam ,
nói tiếng Anh còn bập bẹ hay không lưu loát nên không dám đối đáp hay giao thiệp,
lại mang mặc cảm thua sút bạn bè rất dễ là mục tiêu của việc bị ăn hiếp. Các em
VN dù sinh ở ngoại quốc thường bị áp lực “phải học giỏi” từ ước muốn của cha mẹ
và chính mình, các em càng chú tâm vào việc học để thành học sinh ưu tú, càng
ít thời giờ giao tiếp với bè bạn. Vô tình các em trở nên một người kém giao tế
và tự cô lập, sẽ biến thành điểm nhắm của những đứa trẻ ganh ghét và ưa bắt nạt
kẻ khác.
Những kẻ thích
trêu chọc, ăn hiếp người khác thường
chọn nạn nhân là những đứa trẻ béo phì, dị dạng, là người đồng tính, khác chủng
tộc, ít được đám đông ưa chuộng, nhìn không giống ai, cô thế, ít giao thiệp, không
bạn bè bảo vệ, để tấn công. Khác biệt màu da cũng dễ bị đem ra chế giễu. Nơi
các trường có nhiều học sinh da trắng, học sinh thiểu số thường bị ăn hiếp và
cười nhạo.
Ở Mỹ, phần lớn
những em còn trong tuổi teen tự tử là do bị bắt nạt. Nhật Bản hiện giờ đang
phải đối đầu với số thanh thiếu niên tự tử cao nhất từ năm 1980 đến nay. Tự tử
vì bị hiếp đáp đã biến thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng của lịch sử
Nhật. Chỉ trong vòng 6 tháng có tới 75
ngàn vụ bắt nạt trong học đường. Trong năm vừa qua có tới 200 học sinh tự tử
trong số đó hẳn có những nạn nhân hay bị ghẹo nạt.
Theo một cuộc
nghiên cứu của đại học Yale, những nạn nhân bị ăn hiếp thường hay nghĩ đến cái
chết hay tự tử. Theo một cuộc nghiên cứu khác của Anh quốc, trong số những
thanh thiếu niên tự tử hàng năm, ít nhất một nửa là nạn nhân bị ăn hiếp. Theo
những báo cáo của ABC News gần 30 % học sinh
Mỹ trong các trường Trung Học là nạn nhân bị bắt nạt, 30% là kẻ thích bắt nạt và
phần còn lại thì đứng ngoài cuộc. Mỗi ngày có khoảng 160 ngàn học sinh cáo ốm
không đến trường vì sợ bị ức hiếp.
Bắt nạt có nhiều
hình thức như, tấn công, hăm doạ, với ý định tạo ra sự sợ hãi, đau khổ hay làm
hại thân thể (đấm đá, đánh đập), hoặc chế giễu, nhạo báng, nhục mạ, làm tổn thương
tâm trí. Nạn nhân thường bị hành hạ từ ngày này qua ngày khác. Con số nạn nhân
ngày càng gia tăng theo sự tiến bộ của kỹ thuật internet. Nạn nhân có thể bị tấn
công bằng một cộng đồng mạng trên các internet sites giống như các “bulletin
boards”. Trường hợp này được gọi là “cyber bullying”. Hậu quả thường là những vết
thương tâm thần kéo dài lâu lành dẫn đến bệnh trầm cảm, hồi hộp, tự kỷ, cô lập
và nhiều kết cuộc tiêu cực khác. June, 2008 em Sam Leeson 13 tuổi đã treo cổ
trong phòng ngủ tự sát vì bị một mạng xã hội gồm các thành viên của Bebo nhạo báng.
Chỉ vì em thích nhạc Rock và ăn mặc theo phong cách của Emo nên em bị hàng tấn
bom email với những lời lẽ chế nhạo , khủng bố rất tàn nhẫn.
Cuộc thảm sát
ở đại học Oakland, Cali vào tháng 4 năm 2012 của anh sinh viên Đại Hàn One L.
Goh đã là hậu quả của việc cười nhạo vì anh kém tiếng Anh. Hung thủ trước khi
dùng súng giết 7 người và làm 3 người bị thương đã la lớn vào mặt các sinh viên
“Tao sẽ giết hết bọn bay”.
Ngày 26 th áng
9 năm 2012, tại trường Trung học Stillwater Junior ở Oklahoma Mỹ, Cade Poulos, một
học sinh lớp 8, 13 tuổi, đã tự tử bằng súng khi đang mặc bộ quần áo giống như
Batman và nằm bất tỉnh trên vũng máu. Theo lời bạn bè kể lại em đã là nạn
nhân của những vụ bắt nạt. Những đứa bé đồng tính hay bị chế giễu và bắt nạt
khiến các em đã treo cổ tự tử. Đó là trường hợp của các em Jamey Rodemeyer, 14
tuổi ở New york; Billy Lucas, 15 tuổi ở Indiana; Carl Joseph, 11 tuổi ở Massachusetts;
Josh Pacheco, 17 tuổi ở Linden High School, Michigan.
Vai trò của các
phụ huynh trong việc hướng dẫn và giúp đỡ các em trong trường hợp các em bị bắt
nạt rất cần thiết. Các vị nên gần gũi, hỏi han, chăm sóc đến các em thường xuyên.
Ngoài việc học nên để ý đến sự giao du của con, nhất là tuổi teen, và xem chúng
có những cử chỉ bất thường như sợ hãi, buồn bã, lo lắng, ít tự tin, không thích
tới trường, có ý tự tử.
Nếu khám phá
ra con mình bị bắt nạt, đừng bao giờ bảo các em hãy bỏ qua mà phải hỏi sự việc
cho tỏ tường. Đừng quy lỗi cho con mình,
hay nghĩ rằng con mình đã khiêu khích người khác. Nghe chúng kể câu chuyện xảy
ra thế nào, cách bọn trẻ tấn công con mình, tên và bao nhiêu em trong bọn, những
ai có thể làm chứng. Bày tỏ sự quan tâm và thương mến các em, cho các em biết bắt
nạt người khác là xấu. Bảo với chúng rằng bạn rất vui khi chúng can đảm mà cho
bạn biết sự thật và hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp chúng không? Cho chúng biết
bạn sẽ làm gì và đối phó thế nào. Đừng dạy
con đánh lại hay thoi vào mặt bọn xấu như một cách giải quyết vì đánh qua đánh
lại, rốt cuộc con bạn sẽ bị trừng trị hay đuổi học.
Bạn phải báo
liền với các giáo sư hay hiệu trưởng của trường em đang theo học. Bình tĩnh tuyệt
đối, đừng liên lạc với cha mẹ những em ưa bắt nạt, hãy để nhà trường giải quyết
dùm. Theo dõi tình trạng và nói chuyện với nhà trường và các em xem sự việc bắt
nạt đã ngừng chưa, nếu còn phải nói chuyện với người có thẩm quyền của trường lần
nữa.
Việc quan trọng
hơn là giáo dục và giúp các em đối đầu với các đối tượng thích bắt nạt kẻ khác.
Bạn hãy nghiên cứu thật sâu lý do tại sao con bạn bị bắt nạt. Kém giao tế, nhút nhát, ngu dại, hay khờ khạo? Giúp các em
phát triển tài năng và lòng tự tin. Khích lệ các em nên giao thiệp với bạn tốt,
bỏ thêm thì giờ trong việc giao tế nếu các em ít tiếp xúc với ai. Giữ cân bằng
giữa việc học và giao du bè bạn. Nếu bạn không có khả năng giúp con bạn phát
triển những điều các em thiếu, nên tìm đến các cố vấn ở trường giúp dùm.
Dạy các em thói
quen nhìn thẳng, không cắn móng tay, không cúi gằm mặt, đi đứng toát ra một vẻ
tự tin. Dạy em phương cách tự bảo vệ mình khi bị bắt nạt, tìm người lớn để giúp
đỡ lúc lâm nguy. Nếu các em bị chòng ghẹo vì cách ăn mặc, đừng đổi thói quen, vì
đổi là chứng tỏ bị yếu thế. Khi bị chế nhạo không trả lời lại, nhìn thẳng vào mắt
đối thủ như ăn tươi nuốt sống chúng nhưng không đánh chúng. Nếu có bị đánh, đợi
chúng đánh trước sau sẽ phản công vì tự vệ, khi bị phân xử, sẽ không bị lỗi.
Khi bị bắt nạt, lúc nào cũng chú ý quanh mình vì chúng có thể tấn công bất cứ nơi
nào. Báo ngay với cha mẹ, thày cô hay ban quản đốc nhà trường mình đang trong tình
trạng bị bắt nạt.
Nhà là nơi chúng
ta gởi trái tim, mở rộng vòng tay và hãy cho con bạn sự bảo bọc thương yêu bất
cứ khi nào chúng về nhà. Khi có chuyện xảy ra chúng không ngại ngần báo cho bạn
biết chúng đang gặp nguy cơ. Con mình bị bắt nạt là chính mình bị bắt nạt, ai
không đau nhưng bình tĩnh mà giải quyết vấn đề sẽ khiến mọi việc sẽ khả quan và
các em sẽ học được bài học hay như câu nói này của Chris Colfer:
“Khi có người
liên tục làm bạn đau, hãy xem họ là miếng giấy nhám. Chúng mài dũa và làm bạn đau
chút chút, nhưng cuối cùng mảnh giấy nhám trở nên vô dụng, trong khi bạn trở thành
sáng ngời và lóng lánh.”
Note:
Những hình ảnh trong bài viết này là hình minh họa
Trinh
Thanh Thuy
Tài liệu tham
khảo
School
bullying on the rise in Japan
http://www.straitstimes.com/the-big-story/st-exclusives/story/school-bullying-the-rise-japan-20121016
Parents blame
bullying for son's suicide; Linden
High School junior
remembered for love of theater
http://www.mlive.com/news/flint/index.ssf/2012/12/parents_blame_bullying_for_son.html
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.