Monday, April 8, 2013

Bí mật về chuyên cơ của các nguyên thủ

image

Mỗi chiếc máy bay khi chở những người đứng đầu nhà nước, chính phủ hay hoàng gia đều được coi là chuyên cơ. Những chiếc máy bay có trang bị rất đặc biệt và luôn nhận được quyền ưu tiên số một ở mọi nơi trên thế giới.


Chuyên cơ của tổng thống Mỹ

image

Chiếc Air Force One đang bay ngang qua đỉnh Rushmore, nơi có những bức tượng khổng lồ các tổng thống Mỹ tạc vào núi.


Hiện người đứng đầu Nhà Trắng sử dụng hai chiếc Boeing 747-200B đã được cải biến và mang số hiệu quân sự là VC-25A. Theo quy định, tín hiệu liên lạc của bất cứ chiếc máy bay nào đang chở tổng thống Mỹ đều có chữ One (Số một).
Do đó máy bay phản lực đi đường dài của lãnh đạo Mỹ được gọi là Air Force One, còn trực thăng cho nguyên thủ này công du ngắn thì được gọi là Marine One. Cũng chính vì nghĩa này mà chiếc ôtô đặc chủng của ông có tên là Cadillac One.
Mỗi lần Air Force One cất cánh đều được coi là đang thực thi một nhiệm vụ quân sự. Chiếc máy bay được chính phủ đặt hàng hãng Boeing chế tạo riêng, có khả năng phòng thủ cao nhờ các thiết bị chống tên lửa gắn kèm.
Hệ thống thông tin liên lạc trên Air Force One cũng cực kỳ hiện đại và có tính bảo mật tuyệt đối, giúp tổng thống Mỹ có thể điều hành công việc bình thường khi đang ở độ cao 13 km. Trên máy bay có 87 đường điện thoại khác nhau, trong đó có 28 đường tuyệt mật được mã hóa.
Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng Air Force One là John Kennedy với một phiên bản của chiếc Boeing 707. Hai chiếc đang phục vụ nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay là phiên bản của loại Boeing 747 có kích thước lớn hơn. Trên mỗi chiếc đều sơn cờ Mỹ ở phần đuôi và chữ United States of America (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) ở phần thân.

image
Tổng thống Mỹ George Bush cùng Thượng nghị sĩ Johny Isakson trên chiếc Air Force One.
Một số thông số chính của Air Force One: Phi hành đoàn 26 người (3 phi công còn lại là tiếp viên), dài 70,4 m, cao 19,4 m (tương đương hơn tòa nhà 5 tầng), sải cánh 59,6 mét, tốc độ tối đa 1.015 km/h, bay liên tục không phải tiếp dầu 12.550 km và trần bay là 13.700 m.
Trên chiếc Air Force One, nhân vật VIP được bố trí ngồi phía trước, tiếp đến là các trợ lý và phía sau cùng là các phóng viên tháp tùng. Máy bay có hai phòng bếp lớn sẵn sàng phục vụ khách vào mọi thời điểm. Khi không phục vụ, Air Force One nghỉ đỗ tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, cách Nhà Trắng không xa.

Chuyên cơ của Trung Quốc
image
Một chiếc Boeing 767-300ER của Air China.
Công tác vận chuyển bằng đường không đối với chủ tịch hoặc các quan chức cao cấp của chính phủ Trung Quốc thì do hãng hàng không quốc gia Air China đảm trách.
Một chiếc Boeing 747-400 thường được sử dụng để phục vụ các chuyến công du xa của nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Khi thực hiện những chuyến đi có độ xa trung bình thì một chiếc Boeing 767 được huy động, còn các chuyến công du gần đã có một chiếc Boeing 737-800 sẵn sàng.
Chính phủ Trung Quốc từng đặt mua một chiếc Boeing 767-300ER cho Chủ tịch Giang Trạch Dân sử dụng năm 2000. Nhưng một năm sau xảy ra vụ rắc rối mang tính quốc tế liên quan đến chiếc máy bay này. Trung Quốc tuyên bố họ phát hiện có 27 con bọ điện tử nghe lén cài bên trong máy bay.
Bắc Kinh khi đó tin rằng chiếc máy bay hai động cơ này đã bị CIA gài bọ điện tử trong thời gian nó trải qua quá trình hoán chuyển để trở thành chuyên cơ tại San Antonio, bang Texas. Các máy nghe lén được giấu dưới các ghế ngồi, phòng vệ sinh và sàn máy bay.
Nhưng CIA và cả tổng thống Mỹ đều tuyên bố khẳng định họ không hề hay biết gì về thiết bị nghe lén nói trên. Có 22 sĩ quan quân đội và quan chức Trung Quốc giám sát việc chuyển đổi máy bay đã bị bắt vì cáo buộc tội tắc trách và ăn hối lộ.
Chiếc máy bay nói trên do hãng Boeing chế tạo và giao cho hãng hàng không Mỹ Delta Airlines tháng 6/2000 theo đơn đặt hàng. Ngay sau đó nó được bán lại cho Trung Quốc để hoán chuyển thành chuyên cơ chở lãnh đạo.
Nhiều nhà ngoại giao lo ngại sự kiện liên quan đến máy nghe trộm sẽ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ Trung - Mỹ và danh tiếng của hãng Boeing ở thị trường đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, sau vụ rắc rối mối quan hệ song phương vẫn tốt đẹp và Trung Quốc quyết định mua chiếc Boeing 767-300ER.
Nhưng chiếc máy bay này không bao giờ được sử dụng làm chuyên cơ cho lãnh đạo nữa. Nó được thiết kế trở lại như máy bay tiêu chuẩn ban đầu và giao cho hãng hãng hàng không Air China khai thác như một máy bay chở khách thông thường.

Máy bay của tổng thống Nga
image

Chiếc chuyên cơ Ilyushin Il-96-300 đang chở Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ cánh xuống sân bay Munich, Đức, hôm 11/10/2006.
Hoạt động đi lại bằng máy bay của tổng thống do Công ty vận tải quốc gia Nga (Russian State Transport Company) phụ trách. Cơ quan này điều hành hai chiếc Ilyushin Il-96-300 chuyên dành để vận chuyển người đứng đầu điện Kremlin.
Ilyushin Il-96 là loại máy bay thân rộng tầm xa 4 động cơ do Nga chế tạo và có một số phiên bản khác nhau. Chuyên cơ dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện nay là phiên bản Ilyushin Il-96-300.
Một số thông số chính của chiếc Ilyushin Il-96-300: Dài 55,3 mét, sải cánh 60,11 mét, cao 17,5 mét, tầm bay 11.000 km (đủ sức bay thẳng từ Matxcơva tới các thành phố bên bờ biển phía tây nước Mỹ).
Chuyên cơ chở tổng thống Nga từng gặp một sự cố nghiêm trọng trong chuyến thăm Phần Lan tháng 8/2005. Chiếc Ilyushin Il-96-300 bị trục trặc tại bộ phận phanh, buộc Tổng thống Putin phải sử dụng máy bay dự phòng để về nước.
Sau sự cố trên, ngày 22/8/2005 Nga quyết định tạm ngừng khai thác tất cả những chiếc Ilyushin Il-96-300 cho đến ngày 3/10 để kiểm tra an toàn. Sự kiện này gây thiệt hại lớn về tài chính cho Aeroflot, hãng sở hữu 6 trên tổng số 13 chiếc máy bay loại này.

Các chuyên cơ của Nhật Bản
image
Một trong hai chiếc chuyên cơ Boeing 747-47C của Nhật Bản.
Nhật Bản sử dụng hai chiếc Boeing 747-47C chuyên dành cho thủ tướng, Nhật hoàng cùng hoàng hậu và các quan chức cao cấp của chính phủ đi lại. Lực lượng không quân thuộc Cục phòng vệ Nhật Bản phụ trách việc điều hành hai chiếc phi cơ đặc biệt này.
Những chiếc chuyên cơ đều được sơn dòng chữ "Nhật Bản" bằng tiếng Nhật và bằng tiếng Anh trên thân máy bay. Một vạch màu đỏ chạy ngang các cửa sổ máy bay từ phần mũi cho đến tận đuôi. Trên hai cánh máy bay và phần đuôi còn có hình biểu tượng mặt trời (Hinomaru).
Hai chiếc máy bay chuyên chở lãnh đạo Nhật đều nghỉ đỗ tại sân bay New Chitose gần Sapporo, nhưng chúng thường xuyên hoạt động tại sân bay Haneda ở Tokyo.

Máy bay chở thủ tướng Australia
image
Nội thất một chiếc BBJ tương tự chuyên cơ của thủ tướng Australia.
Năm 2002, không quân Australia mua hai chiếc máy bay mới vốn được đặt hàng làm máy bay riêng cho các doanh nhân do hãng Boeing chế tạo. Loại máy bay gọi tắt là BBJ này được chuyển đổi từ phiên bản Boeing 737, trên đó các hàng ghế thông thường được thay bằng những chiếc bàn họp, phòng làm việc, phòng ngủ và hệ thống liên lạc bảo mật.
Australia dành hai chiếc máy bay trên để các quan chức cấp cao như thủ tướng, ngoại trưởng và toàn quyền đi công cán. Những chuyên cơ được hãng Boeing cải tiến giúp chúng có khả năng bay xa hơn so với các máy bay cùng loại. Thủ tướng John Howard thường sử dụng chiếc chuyên cơ này để đi lại trong và ngoài nước.
Chuyên cơ của Australia cũng luôn sẵn sàng được trưng dụng để phục vụ cho các thành viên trong gia đình hoàng gia Anh mỗi khi họ tới xứ sở của loài chuột túi. Mới đây nhất, Thái tử Anh Charles đã đi trên chiếc máy bay này năm 2005 và Nữ hoàng Elizabeth cũng từng sử dụng nó trong năm 2006.
Phi đội số 34 của không quân Australia phụ trách điều hành các chuyên cơ và đóng căn cứ tại Fairbairn, Canberra. Trước khi Australia mua hai chiếc BBJ trên, thủ tướng nước này thường bay trên những chiếc Boeing 707 được lực lượng không quân cải biến thành chuyên cơ. So với BBJ, loại Boeing 707 có kích thước nhỉnh hơn một chút.
Ngoài những chiếc Boeing, trong đội chuyên cơ chuyên dành cho các VIP của Australia còn có một đội máy bay Bombardier Challenger. Tất cả các chuyên cơ tại nước này khi làm nhiệm vụ chở toàn quyền Australia, thành viên gia đình hoàng gia Anh hay thủ tướng Australia đều được gọi bằng biệt danh Commonwealth One.

Máy bay chở thủ tướng Anh
image
Thủ tướng Anh Tony Blair đang làm việc trên một chiếc máy bay thuê khi đi công cán
Mỗi nước có một chính sách khác nhau trong việc mua sắm chuyên cơ cho các nhà lãnh đạo của mình. Nhưng không phải bao giờ việc này cũng gặp thuận lợi mà trường hợp tại Anh là một ví dụ.
Việc đi lại bằng đường hàng không của Hoàng gia Anh và các quan chức cao cấp do phi đội số 32 của không quân hoàng gia (RAF) đảm nhiệm. Bên cạnh đó, những VIP như thủ tướng và các bộ trưởng thường xuyên phải sử dụng các máy bay thuê hoặc cả những chuyến bay thương mại bình thường để đi lại.
Chính phủ nước này đang có kế hoạch mua hai chiếc máy bay đặc biệt chuyên đưa đón các VIP của hoàng gia và chính phủ. Giới truyền thông Anh gọi chúng là Blair Force One, ám chỉ Thủ tướng Tony Blair và chiếc Air Force One của tổng thống Mỹ.
Theo nhiều nguồn tin, một trong số những chiếc chuyên cơ trên sẽ là loại máy bay tầm xa có khoảng 70 chỗ ngồi. Còn chiếc thứ hai có kích thước nhỏ hơn, chỉ có trên dưới 15 chỗ và chuyên dành cho những chuyến bay ngắn.
Kế hoạch mua Blair Force One của Anh liên tiếp gặp sóng gió trên chính trường. Đề xuất về việc này được đưa ra vào năm 1998 và chính phủ của phe Công đảng kiên quyết ủng hộ việc mua một chiếc máy bay riêng cho các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên nó trở thành đề tài chỉ trích của nhiều chính trị gia vì vấn đề tài chính.
Năm 2003, kế hoạch mua chuyên cơ lại được nhen nhóm khi Ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội Anh ủng hộ dùng máy bay riêng cho thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng để đảm bảo an toàn. Tháng 12/2004 kế hoạch trang bị chuyên cơ được giao cho cố vấn Sir Peter Gershon nghiên cứu một cách tỉ mỉ.

image

Chiếc Boeing 777-236ER chở Thủ tướng Tony Blair thuê của hãng British Airways đang hạ cánh xuống AucklandNew Zealand.
Theo đó chiếc máy bay mới phải được trang bị hệ thông liên lạc tối tân, có khả năng chuyên chở cả đội ngũ phóng viên tùy tùng cùng hệ thống an ninh hiệu quả nhất. Để giảm chi phí, những chiếc chuyên cơ này sẽ không được mua đứt mà là thuê dài hạn. Dự kiến nhanh nhất phải đến cuối năm 2007 chuyên cơ của Anh mới bắt đầu phục vụ.
Ước tính kế hoạch trên mỗi năm tiêu tốn 12,3 triệu bảng Anh và đắt hơn chi phí thuê máy bay hiện nay của giới lãnh đạo Anh khoảng 2,7 triệu bảng. Số tiền trả cho việc dùng các chuyên cơ mới nói trên sẽ do phía sử dụng chi trả, ví dụ văn phòng thủ tướng, Bộ Quốc phòng hay hoàng gia.
Tuy vậy, kế hoạch mua chuyên cơ vẫn tiếp tục bị nhiều nhóm chính trị “đánh đập” dữ dội. Đảng Bảo thủ chỉ trích đó là dự án lãng phí còn các chính trị gia khác lo ngại việc tiêu tốn tiền của người đóng thuế chỉ để giúp các quan chức đi lại cho “sành điệu”.
Bên cạnh đó, đảng Dân chủ Tự do và các tổ chức về môi trường như như Transport 200 và Friends of the Earth lên án kế hoạch trên vì lo ngại các tác động môi trường từ những chiếc máy bay phản lực riêng.
Cho đến nay Anh vẫn là nước duy nhất trong G8 chưa có chuyên cơ. Trong khi đó, báo cáo về kế hoạch mua máy bay mới cho lãnh đạo cũng chỉ ra rằng, phương thức dùng máy bay thuê hiện nay của Anh có nhiều rủi ro về an ninh và gây bất tiện cho chuyện công cán của các VIP như Thủ tướng Tony Blair.

Các chuyên cơ của Canada
image
Đây là chiếc Bombardier Challenger do cựu thủ tướng Canada Jean Chretien thường sử dụng.
Phi đội 437 thuộc Bộ tư lệnh không quân Canada đang điều hành một chiếc Airbus A310-300 đã được chuyển đổi thành máy bay chở VIP để phục vụ việc đi lại của thủ tướng, các quan chức chính phủ cao cấp và những thượng khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, phi đội số 412 của không quân Canada còn phụ trách 4 chiếc máy bay hiệu Bombardier Challenger 604 chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển các VIP của nước này.
Đây là một sản phẩm nội địa của Canada do hãng Bombardier Aerospace chế tạo. Bombardier là nhà sản xuất máy bay thương mại lớn thứ tư trên thế giới sau Boeing, Airbus và Embraer.

Phi đội chuyên cơ của các nhà lãnh đạo Pháp
image
Chiếc chuyên cơ Airbus của Tổng thống Pháp Jacques Chirac đang được chuẩn bị cho một chuyến công cán của ông.
Các quan chức cấp cao của Pháp đi lại bằng máy may do phi đội ETEC (tức phi đội vận tải, huấn luyện và kiểm tra), một đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, phụ trách. ETEC sử dụng 6 chiếc Falcon 900 để các nhà lãnh đạo công cán bên trong lục địa châu Âu và 2 chiếc Airbus A319 cho các chuyến bay tầm trung và tầm xa.
 Mới đây Pháp còn mua thêm 2 chiếc Airbus A340-200 của hãng hàng không Áo Austrian Airlines để phục vụ các nhà lãnh đạo đi công tác xa. Bên cạnh đó, chính phủ Pháp còn thuê máy bay của hãng Air France để phục vụ các VIP. Khi Concorde vẫn còn tung hoành trên bầu trời thì đây là sự lựa chọn quen thuộc nhất.

Các chuyên cơ của Đức
image
Chiếc chuyên cơ mang tên Theodor Heuss thường được dùng để chở tổng thống Đức.
Những quan chức cao cấp của Đức sử dụng hai chiếc Airbus 310-304 để đi lại. Trước đây những chiếc phi cơ này thuộc sở hữu của hãng hàng không Đông Đức Interflug. Sau đó chúng được tập đoàn Lufthansa Technik thiết kế lại để trở thành máy bay chuyên chở VIP trong những chuyến bay tầm trung và tầm xa.
Hai chuyên cơ Airbus 310-304 của Đức được đặt tên là Konrad Adenauer (thủ tướng đầu tiên của Tây Đức sau Chiến tranh thế giới II) và Theodor Heuss (tổng thống đầu tiên của Đức).
Bên cạnh đó, một đơn vị đặc biệt của không quân Đức Flugbereitschaft còn điều hành 6 chiếc phản lực Challenger 601 và 3 chiếc trực thăng Eurocopter Cougar AS532 để phục vụ nhu cầu đi lại cho các quan chức chính phủ, quốc hội và quân đội.

Việc đi lại của các nhà lãnh đạo ItalyVatican
image
Chỗ ngồi được chuẩn bị đặc biệt dành cho Giáo hoàng Benedict XVI trên chiếc Boeing 737-45D thuê của hãng hàng không Ba Lan LOT, khi ngài từ thành phố Krakow của Ba Lan trở về Vatican ngày 28/5/2006.
Không quân Italy sử dụng hai chiếc Airbus Corporate Jet làm chuyên cơ cho các nhà lãnh đạo nước này. Trong số đó một chiếc được thiết kế thành 30 chỗ ngồi dành cho thủ tướng hoặc tổng thống đi lại. Chiếc kia có 50 chỗ ngồi cũng được sử dụng cho nhu cầu di chuyển của các quan chức chính phủ khác.
Ngoài ra, Italy còn sử dụng những chiếc máy bay có kích thước nhỏ hơn là Dassault Falcon 50 và Dassault Falcon 900 làm chuyên cơ. Hai chiếc trực thăng hiệu Agusta SH-3D Sea King do Mỹ sản xuất cũng được dành riêng cho tổng thống, các quan chức chính phủ và cả giáo hoàng sử dụng.
Riêng trường hợp của giáo hoàng, tất cả những chiếc máy bay mà người đứng đầu tòa thánh Vatican có mặt đều được gọi là "Shepherd One". Theo truyền thống, giáo hoàng đến thăm một nước trên chiếc phản lực thuê của hãng Alitalia và khi trở về ngài sẽ đi trên chiếc máy bay thuê của hãng hàng không quốc gia vừa thăm viếng.
Ví dụ khi Giáo hoàng Benedict XVI trở về Vatican từ chuyến thăm thành phố Đức Cologne nhân Ngày Thanh niên thế giới năm 2005, ngài đã đi trên một chiếc Airbus A321 thuê của hãng hàng không Đức Lufthansa.
Nội thất của những chiếc chuyên cơ được thiết kế đặc biệt, thậm chí còn theo gu của từng nhà lãnh đạo. Chiếc máy bay của quốc vương Brunei giống như một cung điện trên không thể hiện rõ điều này.

Cung điện bay của Quốc vương Brunei
image
Chiếc Boeing 747-437 của quốc vương Brunei đang cất cánh từ sân bay Helsinki, Phần Lan, ngày 11/9/2006.
Quốc vương Brunei sở hữu một số máy bay riêng được thiết kế thành chuyên cơ để đưa ông và các nhân vật quan trọng khác trong hoàng gia đi công cán. Trong số này, chiếc Boeing 747-430 V8-ALI được sử dụng thường xuyên nhất.
Boeing 747 là loại phi cơ chở khách thông dụng và có khả năng chở nhiều người nhất trên thế giới hiện nay. Nó bắt đầu được đưa vào khai thác thương mại năm 1970 và giữ kỷ lục là máy bay chở khách lớn nhất thế giới trong hơn 35 năm mới bị chiếc Airbus A380 qua mặt.
Bên cạnh đó còn có những máy bay khác luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại của quốc vương Brunei. Đó là một chiếc Airbus A340-200 và một Boeing 767-200ER. Ngoài ra, ông còn sở hữu chiếc Boeing 747SP V8-AC1 nhưng nó đã được bán cho tập đoàn Bahrain Amiri Flight.

image
Chuyên cơ Airbus A340-200 của quốc vương Brunei.
Riêng nội thất của chiếc Airbus A340-200 không giống bất cứ máy bay nào khác trên thế giới. Nó được một công ty Mỹ thiết kế lại bằng các chất liệu cực kỳ sang trọng. Những trang thiết bị vốn thường thấy trong các cung điện hay khách sạn siêu sang trọng đã được ứng dụng, biến chuyên cơ của ông thành một "cung điện bay".

Dưới đây là những bức ảnh về nội thất của chiếc chuyên cơ Airbus A340-200.
image
Các bồn rửa trong phòng vệ sinh trên máy bay được dát vàng sáng choang.

image
Bộ bàn tiếp khách trên máy bay.

image
Phòng ngủ giống trong khách sạn 5 sao.

image
Hành lang trải thảm.

Máy bay chở tổng thống Philippines
image
Một chiếc Boeing 737-322 thuê của hãng Philippines Airlines đang chở tổng thống nước này hạ cánh xuống sân bay Kuala Lumpur, tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ 12 đến 14/12/2005.
Phi đội vận tải số 250 của không quân Philippines được giao nhiệm vụ đảm bảo chuyện đi lại bằng đường không của tổng thống nước này diễn ra thuận lợi và an toàn. Ngoài ra đơn vị còn phụ trách việc vận chuyển các quan chức chính phủ, nguyên thủ quốc gia đến thăm và các thượng khách của đất nước.
Phi đội chuyên cơ của Philippines gồm một chiếc Fokker F28 chuyên phục vụ các chuyến bay trong nước của tổng thống, một chiếc Fokker F-27 Friendships, 4 chiếc trực thăng Bell 412, 3 trực thăng Sikorsky S-76, hai trực thăng Aerospatiale SA-330 Puma và một trực thăng Sikorsky S-70.
Đối với các chuyến công du nước ngoài của tổng thống, không quân Philippines huy động một chiếc Bombardier Learjet 60 hoặc thuê từ hãng hàng không Philippines Airlines. Trước năm 1962, không quân nước này thường thuê chuyến của hàng không Mỹ Pan America World Airways.
Đối với các chuyến bay tầm ngắn, máy bay thuê dành cho tổng thống thường là Boeing 737 và Airbus A320. Còn khi thực hiện các chuyến bay tầm trung và tầm xa, một chiếc Boeing 747-400 hoặc Airbus A340-300 sẽ được huy động.
Philippine Airlines quy định, bất cứ chuyến bay nào chở tổng thống nước này đều được cấp mật khẩu liên lạc là PR 001.

Chuyên cơ của Thái Lan
image
Đây là chiếc Airbus A340-642 thuê của hãng Thai Airways chở ông Thaksin Shinawatra đang hạ cánh xuống New York để dự họp tại Liên Hợp Quốc. Trong khi đó một cuộc đảo chính hôm 19/9 tại quê nhà đã lật đổ chính phủ của ông.
Phi đội vệ binh hoàng gia số 602 của không quân Thái Lan phụ trách một chiếc Airbus A310-300 và một chiếc Boeing 737-200 làm chuyên cơ chở các VIP. Những chiếc máy bay này sẽ được thay thế bằng một chiếc Boeing 737-800 kể từ cuối năm 2006.
Ngoài ra, chính phủ Thái Lan còn sử dụng một chiếc Airbus A319CJ được đặt tên là Thai Ku Fah làm chuyên cơ. Bên cạnh đó, Bangkok cũng thuê máy bay của hãng hàng không quốc gia Thai Airways để phục vụ các quan chức cao cấp.
Bên cạnh các máy bay phản lực, một đơn vị khác của không quân Thái Lan là phi đội vệ binh hoàng gia số 402 còn điều hành một tổ trực thăng Bell 412ST để phục vụ hoàng gia. Chúng luôn được bảo dưỡng cẩn trọng và thay mới ngay khi sắp hết hạn phục vụ các chuyến bay VIP.

Chuyên cơ của Malaysia
image
Chuyên cơ Boeing 737-7H6 BBJ của Malaysia đang đỗ tại sân bay Kota Bharu khi chở thủ tướng nước này tới thăm bang Kelantan.
Thủ tướng Malaysia và các thành viên cao cấp của hoàng gia sử dụng một chiếc máy bay Boeing 737-7H6 BBJ. Không quân Malaysia là cơ quan phụ trách điều hành chiếc chuyên cơ có số hiệu M53-1 được sơn phía dưới lá quốc kỳ ở phía đuôi này.
Trước khi trở thành chuyên cơ, chiếc Boeing nói trên thuộc sở hữu của hãng hàng không Malaysia Airlines và số đăng ký là 9M-BBJ. Chính phủ mua chiếc Boeing này vào năm 2003 để làm phương tiện phục vụ các quan chức cấp cao.
Chiếc Boeing 737-7H6 BBJ được thiết kế lại từ bên ngoài cho tới nội thất để phù hợp với công năng sử dụng mới. Vỏ ngoài của chuyên cơ được sơn theo tông màu tiêu chuẩn dành cho máy bay VIP do không quân hoàng gia Malaysia quy định.
Ngoài ra, thủ tướng Malaysia còn có một chuyên cơ khác là Bombardier BD-700-1A10 Global Express cũng do không quân quản lý. Chiếc máy bay này có kích thước nhỏ hơn nhưng có cùng tông màu bên ngoài như chiếc Boeing 737-7H6 BBJ. Nó có biệt danh là Perdana Zero One.

image

Chuyên cơ Perdana Zero One đang chở Thủ tướng Badawi quay lại căn cứ không quân Subang, sau chuyến thăm nửa ngày tới thành phố Kuching ngày 5/8/2006.
Một trong những chuyện gây tranh cãi nhất liên quan đến chuyên cơ là trường hợp Tổng thống Zaire Mobuto Sese Seko. Chiếc Concorde thuê không chỉ dùng để ông đi công cán mà còn phục vụ vợ con nhà độc tài này đi mua sắm tận châu Âu.

Các chuyên cơ của Zaire
image
Chiếc chuyên cơ Boeing 707-382B của ông Mobutu đang nằm mốc meo tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Mobutu Sese Seko sinh năm 1930 và mất ngày 7/9/1997, làm tổng thống Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) trong suốt 32 năm. Nhà độc tài này giành được quyền lực qua một cuộc đảo chính quân sự năm 1965 và sau đó bị lật đổ vào năm 1997.
Vào đầu những năm 1990, Tổng thống Mobutu thuê hẳn một chiếc siêu âm Concorde của Air France và đưa về Gabadolite “ăn trực nằm chờ” phục vụ các nhu cầu đi lại của ông. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng của chiếc chuyên cơ này là đưa những người trong gia đình tổng thống tới các thành phố lớn ở châu Âu mua sắm.
Quốc gia không lấy gì làm giàu có ở phía nam châu Phi này còn có một chiếc Boeing 707-382B dùng làm chuyên cơ và rất hiếm khi được tổng thống đoái hoài. Suốt từ năm 1996 đến nay nó được cất giữ tại Lisbon, Bồ Đào Nha và xuống cấp dần theo thời gian. Ngoài ra, Zaire còn có một chiếc Boeing 727 và một chiếc McDonnel Douglas DC-8-72 chuyên phục vụ lãnh đạo.

Chuyên cơ của Kenya
Tổng thống Kenya Daniel Arap Moi có một chiếc Fokker 70 để sử dụng riêng. Chiếc chuyên cơ được chính phủ của ông cho mua mới hoàn toàn vào năm 1995. Quyết định này bị chỉ trích là quá tốn kém, trong khi GDP của Kenya rất thấp, nợ nước ngoài nhiều và nạn đói nghèo còn tràn lan.
Đây là dòng máy bay sang và hiện đại nhất lúc đó của nhà sản xuất Fokker với giá xấp xỉ 50 triệu USD. Chiếc máy bay có 70 chỗ ngồi nguyên bản được thiết kế lại thành 28 chỗ. Trên đó có 3 căn phòng sang trọng, một phòng tắm và một phòng bếp. Nó cũng được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tối tân.
Trước khi mua chiếc Fokker 70, Tổng thống Kenya Daniel Arap Moi thường thuê chuyến của hãng hàng không Anh British Airways để thực hiện các chuyến công du nước ngoài.

Chuyên cơ của tổng thống và thủ tướng Pakistan
image
Chuyên cơ Airbus A310-308 chở Tổng thống Pervez Musharraf rời Canberra, sau chuyến thăm chính thức tới Australia ngày 15/6/2005.
Chính phủ Pakistan có một nhà vận chuyển hàng không riêng chuyên làm nhiệm đưa đón các quan chức cấp cao. Cơ quan này điều hành hai chiếc chuyên cơ thường được gọi là Pak One, gồm một chiếc Airbus A310-308 và một chiếc Gulfstream Aerospace G-IV Gulfstream VI-SP để tổng thống và thủ tướng sử dụng.
Trước khi những chiếc chuyên cơ nói trên được đưa vào khai thác, chiếc máy bay đầu tiên dành cho tổng thống Pakistan là Boeing 707. Cựu tổng thống Muhammad Zia-ul-haq thì sử dụng một chiếc Lockheed C-130 để đi lại. Còn hai cựu thủ tướng Nawaz Sharif và Benazir Bhutto dùng một chiếc Boeing 737.
Không quân Pakistan có kế hoạch mua thêm một chiếc Gulfstream V để làm phương tiện vận chuyển cho các quan chức chính phủ cao cấp và những thượng khách ngoại quốc. Tất cả chuyên cơ của Pakistan đều đỗ tại căn cứ không quân Chaklala, gần thủ đô Islamabad.

image
Chiếc Gulfstream Aerospace G-IV Gulfstream VI-SP, một trong hai chuyên cơ được sử dụng nhiều nhất của Pakistan.
Gulfstream V là một loại máy bay riêng khá thông dụng hiện nay và là một sản phẩm của hãng Gulfstream Aerospace, một công ty con của tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị quốc phòng Mỹ mang tên General Dynamics.

Chuyên cơ của Ấn Độ
image
Chuyên cơ Boeing 747-237B của hãng Air India chở thủ tướng Ấn Độ.
Ấn Độ sử dụng hãng Air India và Indian Airlines làm nhà chuyên chở các quan chức cấp cao đi công cán nước ngoài. Air India dùng một chiếc Boeing 747-237B làm chuyên cơ cho thủ tướng và tổng thống với số hiệu liên lạc AI 001. Các bộ trưởng cũng có thể đi AI 001 nhưng phải được thủ tướng cho phép.
Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ còn mua 3 chiếc máy bay hạng sang Boeing BBJ làm chuyên cơ trong những trường hợp khác nhau. Khi trở thành máy bay VIP, những chiếc chuyên cơ này có thể chở 10 đến 30 người thẳng từ Ấn Độ tới Anh, Nhật Bản hay các địa điểm khác.
Chuyên cơ của Ấn Độ được trang bệ hệ thống an ninh hiện đại có thể làm chệch hướng các quả tên lửa. Mỗi chiếc chuyên cơ Boeing BBJ tiêu tốn của chính phủ khoảng 60 triệu USD. Ấn Độ cho biết họ mua phiên bản đặc biệt của Boeing BBJ với thân máy bay là của dòng Boeing 737-700 còn cánh là của dòng Boeing 737-800.

image
Nội thất tiêu chuẩn một chiếc Boeing BBJ.

Rắc rối chuyện chuyên cơ của Hy Lạp
image
Chiếc chuyên cơ Gulfstream V chở Thủ tướng Costas Simitis tới thăm Malta ngày 13/5/2003.
Chính phủ Hy Lạp đang sử dụng một chiếc Gulfstream V làm chuyên cơ cho thủ tướng và do lực lượng không quân điều hành. Chiếc máy bay này do Thủ tướng Costas Simitis (cầm quyền từ 1996-2004) mua, nhằm phục vụ cho thời kỳ Hy Lạp làm chủ tịch EU năm 2003 và chuẩn bị cho Olympic Athens năm 2004.
Trong hai thập kỷ trước đó, Hy Lạp có hai chiếc chuyên cơ và chúng đã gây ra những tranh cãi gay gắt. Trong số này có một chiếc Dassault Falcon 900, vốn liên tục mắc các trục trặc kỹ thuật. Đỉnh điểm của những sai sót là vụ tai nạn ngày 9/9/1999 tại Bucharest, làm chết Thứ trưởng ngoại giao Giannos Kranidiotis.
Do đó, ngay từ năm 1992 chính phủ của Thủ tướng Constantine Mitsotakis quyết định bổ sung một chuyên cơ khác vốn được thiết kế lại từ chiếc Boeing 727. Việc làm này gặp phải sự chỉ trích vì bị coi là quá phung phí. Người kế nhiệm ông Mitsotakis là Andreas Papandreou quyết định chuyển chiếc Boeing 727 thành một máy bay thuê vào năm 1994.
Những chiếc máy bay tổng thống luôn được ưu tiên số một tại mỗi quốc gia, nhưng cũng có những chiếc vẫn được sử dụng ngay cả khi đã quá cũ kỹ như chuyên cơ Fokker F28 của nhà lãnh đạo Colombia.

Colombia là một trong những quốc gia có chuyên cơ sớm nhất trên thế giới. Năm 1933, nước này mua một chiếc Junkers Ju 52/3M hiện đại bậc nhất vào thời đó làm phương tiện dành riêng cho tổng thống. Chiếc chuyên cơ đã phục vụ cựu tổng thống Colombia Enrique Olaya Herera cho tới tận khi hết hạn sử dụng vào năm 1950.

image
Chiếc chuyên cơ nhiều tai tiếng Fokker F28-1000 Fellowship chở Tổng thống Colombia Alvaro Uribe thăm Panama ngày 13/3/2005. Đây là lần cuối cùng nó phục vụ vì sau đó chuyên cơ của Colombia được thay bằng chiếc Boeing 737-700 BBJ.
Từ năm 1953 đến năm 1972, Colombia mua một chiếc hiện đại hơn là Douglass C-54 Skymaster làm chuyên cơ cho nhà độc tài khi đó là Gustavo Rojas Pinil.
Kể từ năm 1972, chuyên cơ của Colombia được thay bằng một chiếc Fokker F28-1000 Fellowship mới toanh dưới thời Tổng thống Misael Pastrana Borrero (1970-1974). Chiếc máy bay này có một tiếng xấu trong thời gian phục vụ Tổng thống Ernesto Samper Pizano (1994-1998).
Ngày 22/9/1996, người ta phát hiện có 3,5 kg heroin được giấu bên trong chiếc chuyên cơ Fokker F28 của Colombia, chỉ vài giờ trước khi nó cất cánh đi New York để đưa Tổng thống Samper dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Vụ rắc rối trên trở nên rất nghiêm trọng khi Mỹ quyết định hủy visa nhập cảnh của ông Samper với cáo buộc ông này có liên quan đến các trùm ma túy được cho là đã ủng hộ tài chính cho chiến dịch tranh cử của ông. Cuối cùng tổng thống Colombia đến Mỹ bằng một visa ngoại giao trên một chiếc máy bay thuê.

image
Chiếc chuyên cơ mới Boeing 737-700 BBJ của Tổng thống Uribe, tháng 9/2005.
Năm 2005, tổng thống mới của Colombia là Alvaro Uribe Velez hối thúc quốc hội mua một chiếc máy bay mới do lo ngại đến vấn đề an toàn và môi trường. Sau 33 năm phục vụ, chiếc Fokker F28 đã quá cũ kỹ và gây tiếng ồn nghiêm trọng và bị người Colombia đặt cho biệt hiệu là Bình cà phê của tổng thống.
Hơn nữa, trong rất nhiều trường hợp chiếc chuyên cơ nói trên đã suýt va chạm trong khi chuyên chở tổng thống đi công tác. Chiếc Fokker F28 này đã hơn một lần bị phạt vì vi phạm quy định về tiếng ồn tiêu chuẩn của các sân bay. Thậm chí nó đã từng bị cấm hạ cánh do gây ô nhiễm môi trường.
Mãi tới tháng 7/2005, chiếc Fokker F28 nói trên mới được nghỉ hưu và chính phủ Colombia mua một chiếc Boeing 737-700 BBJ làm chuyên cơ cho tổng thống. Mật mã liên lạc của chiếc máy bay mới này là FAC 0001 hay Fuerza Aerea Colombiana 0001 (tức Colombian Air Force 0001).

Máy bay của tổng thống Brazil
image
Chiếc chuyên cơ Boeing KC-137 của tổng thống Brazil tại Vienna, Áo.
Brazil có chuyên cơ cho tổng thống kể từ năm 1941, khi ông Getulio Vargas cho mua một chiếc Lockheed Lodestar để sử dụng. Năm 1959, Tổng thống Jusscelino Kubitschek thay thế máy bay này bằng hai chiếc Vickers Viscounts.
Nhưng đến năm 1967, nhà lãnh đạo mới của Brazil là Artur da Costa e Silva quyết định mua một chiếc BAC-111 làm chuyên cơ. Nó phục vụ cho đến năm 1976 khi Tổng thống Ernesto Geisel cho thay bằng hai chiếc Boeing 737-200. Cũng chỉ 10 năm sau, không quân Brazil thiết kế lại một trong 4 chiếc KC-137 của họ (phiên bản quân sự của chiếc Boeing 707) thành chiếc chuyên cơ phục vụ tổng thống.
Chiếc Boeing KC-137 này được sử dụng cho tới tháng 5/2003 thì Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cho mua một chiếc Airbus A319 Corporate Jetliner hoàn toàn mới làm chuyên cơ. Chiếc máy bay đặc biệt này được gọi bằng biệt danh FAB Uno (Brasilian Air Force One).

image
Chiếc chuyên cơ mới FAB Uno Airbus A319 mới của Brazil.
Chiếc chuyên cơ mới của Brazil còn có tên gọi khác là Santos Dumont và không đụng hàng với những chiếc Airbus A319 tiêu chuẩn nhờ những thiết kế đặc biệt về an ninh và nội thất. Cabin máy bay được chia thành 3 khu vực tách biệt với chức năng khác nhau.
Khu vực thứ nhất gần buồng lái là nơi dành riêng cho tổng thống, gồm một phòng làm việc, một phòng nghỉ sang trọng và một phòng họp. Khu vực kế tiếp nằm được bố trí thành 8 chỗ ngồi hạng nhất dành cho quan chức đặc biệt đi theo. Khu vực cuối cùng ở đuôi máy bay có 20 ghế hạng doanh nhân dành cho phóng viên và đoàn tùy tùng.
Trên chiếc FAB Uno còn được trang bị các thiết bị quân sự như những quả pháo sáng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chuyên cơ này còn có một phòng cấp cứu hoàn chỉnh và 3 phòng đặc biệt nối trực tiếp với vệ tinh liên lạc của quân đội Brazil Siscomis, dùng để chứa các loại tại liệu, hình ảnh và băng ghi âm tối mật.

image
Khu vực thứ hai trên chiếc chuyên cơ FAB Uno gồm 8 ghế hạng nhất, dành riêng cho các quan chức và khách đặc biệt.

Chuyên cơ của tổng thống Argentina
image
Boeing 707-387C, chuyên cơ cũ của tổng thống Argentina. Chiếc máy bay này đang chở Tổng thống Carlos Menem tới thăm Áo tháng 12/1991.
Argentina có một đơn vị riêng chuyên phục vụ các chuyến bay nhà nước mang tên Agrupación Aérea Presidencial, điều hành một phi đội nhỏ những chiếc máy bay và trực thăng đặc biệt dành cho tổng thống cùng gia đình và các quan chức cấp cao của chính phủ.
Mặc dù các chuyên cơ thuộc sự quản lý của không quân Argentina nhưng đơn vị trên nằm dưới sự điều hành trực tiếp của bộ phận an ninh bảo vệ tổng thống Casa Militar. Một số phi công dân sự cũng được trưng dụng để lái những chiếc chuyên cơ này.
Máy bay chính thức của nhà lãnh đạo Argentina có vỏ ngoài được sơn những vạch màu trắng và xanh theo quốc kỳ nước này. Chuyên cơ chính của Argentina hiện nay là một chiếc Boeing 757-23A có biệt danh Tango 01, bắt đầu được đưa vào phục vụ năm 1995 thay cho một chiếc Boeing 707-387C.
Trong hơn một thập kỷ qua, chiếc Tango 01 trở thành đề tài của các cuộc tranh cãi chính trị, đặc biệt là trong cuộc bầu cử năm 1999. Báo chí và nhiều chính trị gia chỉ trích chiếc chuyên cơ này là quá xa hoa và đôi khi thực hiện những mục đích không chính thức như phục vụ gia đình, bạn bè và các đồng minh của một số đời tổng thống.
Ngoài chiếc Tango 01, trong đội chuyên cơ của tổng thống Argentina hiện nay còn có hai chiếc Fokker F28 (biệt danh T-02 và T-03), một chiếc Learjet 60 (T-10) và một chiếc Rockwell Sabreliner (T-11). Tư lệnh không quân Argentina cũng thường sử dụng những chiếc máy bay này.
Phi đội trực thăng của nhà lãnh đạo Argentina có hai chiếc gồm một chiếc Sikorsky S-70 (biệt danh H-01) và một chiếc Sikorsky S-76 (biệt danh H-02). Bên cạnh đó, những chiếc Bell 212 của quân đội cũng luôn sẵn sàng phục vụ tổng thống và các quan chức bất cứ lúc nào.
Các tổng thống Argentina từng nhiều phen thót tim khi đi trên những chiếc chuyên cơ. Ngày 19/9/1993, chiếc trực thăng chở Tổng thống Carlos Menem bị rơi khi đang thăm một địa phương trong nước nhưng may mắn không có thương vong. Ngày 1/4/1998, cũng Tổng thống Menem lại trải qua một khoảnh khắc nguy hiểm khi chiếc chuyên cơ Tango 01 gặp trục trặc vì gió mạnh khi hạ cánh xuống Wellington, trong một chuyến thăm chính thức New Zealand.

image
Chiếc chuyên cơ Tango 01 tại Buenos Aires ngày 18/12/2003.
Hôm 19/10/2004, chiếc Tango 01 hạ cánh khẩn cấp thành công xuống căn cứ không quân El Palomar ngay sau khi cất cánh từ thủ đô Buenos Aires vì một động cơ bị cháy. Chiếc động cơ này sau đó được đưa tới Israel đại tu toàn bộ và hoạt động trở lại từ giữa năm 2005.
Trong thời gian chiếc chuyên cơ phải nghỉ bảo dưỡng, Argentina thuê hai chiếc Boeing 747 của hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas để làm phương tiện công cán nước ngoài cho tổng thống. Ngay cả khi Tango 01 hoạt động trở lại, Tổng thống Nestor Kirchner vẫn tiếp tục sử dụng những chiếc Boeing 747 đi thuê cho các chuyến bay tầm xa.

Chuyên cơ của Peru
image
Chuyên cơ Boeing 737-528 của Tổng thống Peru Alejandro Toledo đang hạ cánh xuống căn cứ không quân ở thủ đô Lima.
Máy bay chính thức của tổng thống Peru là chiếc Boeing 737-528 được mua từ thời ông Alberto Fujimori còn cầm quyền. Vỏ ngoài của chiếc chuyên cơ được lấy cảm hứng từ lá quốc kỳ Peru với màu chủ đạo là trắng. Dòng chữ đen Republica del Peru nổi bật trên nền trắng ở thân máy bay, cạnh hình quốc huy.
Không quân Peru được giao nhiều vụ điều hành chiếc máy bay phục vụ các chuyến công du của tổng thống với số hiệu FAP 356. Ngoài chiếc Boeing, trong phi đội chuyên cơ của Peru còn có những chiếc DC-8 cũ kỹ đang được không quân nước này duy tu và quản lý.



Đình Chính

image


Cô giáo Ngụy

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.