Theo
dõi tình hình chính trị Việt Nam,
hầu như giới quan sát, từ người Việt đến người ngoại quốc, đều đi đến kết luận
giống nhau: Chưa bao giờ Việt Nam
yếu như hiện nay.
Tuy nhiên, nói đến cái yếu của Việt Nam,
phần lớn đều tập trung vào quan hệ đối ngoại, chủ yếu giữa Việt Nam và Trung
Quốc. Có thể nói, ở châu Á, không có nước nào bị Trung Quốc “ăn hiếp” nhiều như
Việt Nam.
Với Nhật Bản hay Philippines,
họ chỉ dòm ngó một hai hòn đảo; với Việt Nam, họ dòm ngó cả chùm đảo và cả
một vùng biển mênh mông. Với các nước khác, lâu lâu họ đưa tàu đánh cá hay tàu
hải giám lượn qua lượn lại vài vòng thị uy; với Việt Nam,
họ tung tàu đánh cá và tàu hải giám ào ạt như vào chỗ không người, hơn nữa, còn
bắt bớ, thậm chí, hãm hại cả ngư dân Việt Nam. Cũng có thể nói, trước sự đe
dọa của Trung Quốc, không có nước nào có phản ứng nhu nhược như Việt Nam. Nhật Bản
dám dọa đánh chìm tàu Trung Quốc, Philippines đem Trung Quốc ra trước tòa án quốc
tế, còn Việt Nam?
Ngay cả một lời lên án, họ cũng không dám nói; và khi, trước áp lực của dân
chúng, phải nói, thì chỉ nói một cách… thì thầm. Vừa lên án vừa run lẩy bẩy.
Tuy nhiên, cái yếu của Việt Nam
còn thể hiện ở nhiều lãnh vực khác nữa. Phân tích những cái yếu ấy, chúng ta dễ
thấy xu hướng phát triển của tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay.
Trước
hết là lãnh đạo yếu.
Nói đến lãnh đạo chủ yếu là nói đến đảng Cộng sản, và nói đến “yếu” là nói đến
tương quan quyền lực với các thiết chế khác. Công thức phân quyền ở Việt Nam, ai cũng
biết, là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”. Suốt hơn nửa thế kỷ, hầu như mọi
quyền lực đều nằm trong tay đảng. Còn nhà nước, như chính lời thú nhận của Phạm
Văn Đồng, người làm Thủ tướng lâu nhất ở Việt Nam (1955-1987), với những người
quen: Chưa có ai làm Thủ tướng lâu mà bất lực như ông. Ông không những bị lép
vế trước Lê Duẩn, Tổng Bí thư, mà còn bị lép vế cả trước Lê Đức Thọ, Trưởng ban
Tổ chức Trung ương đảng. Là Thủ tướng, Phạm Văn Đồng hoàn toàn không có quyền
hạn gì trong việc chọn lựa, bổ nhiệm hoặc cách chức các Bộ trưởng hay Thứ
trưởng, thậm chí, các giám đốc Sở ở địa phương. Quyền lực tập trung hết trong
tay giới lãnh đạo đảng, chủ yếu là Tổng Bí thư. Tuy nhiên, sau Lê Duẩn, rõ ràng
quyền lực của Tổng Bí thư cứ giảm dần. Quyền lực của các Tổng Bí thư kế tiếp Lê
Duẩn, từ Trường Chinh (14/7/1986-18/12/1986) đến Nguyễn Văn Linh (1986-1991) và
Đỗ Mười (1991-1997), không thể so sánh được với Lê Duẩn. Tuy nhiên, dù vậy, họ
vẫn giống như những ông vua. Yếu thế, nhưng vẫn là vua. Chỉ từ Lê Khả Phiêu
(1997-2001) trở đi, quyền lực của Tổng Bí thư mới bắt đầu mờ nhạt. Hơn nữa,
càng lúc càng mờ nhạt. Nông Đức Mạnh (2001-2011) mờ nhạt hơn Lê Khả Phiêu. Đến
nay, mờ nhạt nhất là Nguyễn Phú Trọng, người được lên làm Tổng Bí thư từ ngày
19 tháng 1 năm 2011.
Vai trò mờ nhạt của Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ nhất là qua hai lần thua cuộc
trước Nguyễn Tấn Dũng. Lần thứ nhất, ở hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 năm
2012, khi Nguyễn Phú Trọng liên kết với Trương Tấn Sang tấn công Nguyễn Tấn
Dũng - người được gọi là “đồng chí X” -, nhưng cuối cùng, cả hai đều thất bại.
Lần thứ hai, mới đây, ở hội nghị Trung ương 7 vào đầu tháng 5/2013, Nguyễn Phú
Trọng lại thất bại trước Nguyễn Tấn Dũng lần nữa khi đề nghị đưa Nguyễn Bá
Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị nhưng bị Trung ương đảng bác bỏ. Thế
vào đó, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu. Cả hai đều là người
của Nguyễn Tấn Dũng.
Có thể nói, trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ có một Tổng Bí
thư nào lại thua cuộc một cách thê thảm và nhục nhã đến như vậy.
Nhưng việc Tổng Bí thư và cùng với ông, cả cái Đảng do ông lãnh đạo yếu thế và
việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng tỏ quyền lực mạnh mẽ của mình như vậy có
làm cho chính phủ mạnh hơn không?
Không.
Thủ tướng mạnh. Nhưng chính phủ vẫn yếu. Nguyễn Tấn Dũng mạnh đủ để thoát các
đòn tấn công hiểm hóc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nhà nước
Trương Tấn Sang, nhưng chính phủ do ông cầm đầu, trên nguyên tắc, vẫn phải được
lãnh đạo bởi đảng. Các chính sách lớn vẫn do đảng quyết định.
Như vậy, ở đây, chúng ta thấy một nghịch lý: Người có chức năng lãnh đạo thì
yếu; còn người mạnh lại không thể lãnh đạo. Hậu quả là ở Việt Nam hiện nay,
giới cầm quyền, từ đảng đến chính phủ, chỉ quản lý (management) chứ không hề có
lãnh đạo (leadership). Sự khác biệt căn bản giữa quản lý và lãnh đạo là với
quản lý, người ta chỉ làm theo mệnh lệnh và chỉ nhắm tới những mục tiêu ngắn
hạn; nhưng khi không có lãnh đạo, người ta vừa không có tầm nhìn xa lại vừa
không có mệnh lệnh cụ thể để thực hiện. Một nền quản lý thiếu lãnh đạo bao giờ
cũng vừa thiển cận vừa lúng túng, vá víu và đầy mâu thuẫn. Chúng ta có thể thấy
rõ những điều đó qua các chính sách và cung cách làm việc của nhà cầm quyền
Việt Nam
những năm gần đây. Rõ nhất là qua cuộc thảo luận về thay đổi Hiến pháp do chính
họ đề xướng. Thoạt đầu, bảo không có vùng cấm trong thảo luận; sau, lại lên án
kịch liệt những người kiến nghị. Thoạt đầu, hứa hẹn như một sự thay đổi lớn
lao; sau, cứ thu hẹp dần lại. Thoạt đầu, định thay đổi cả tên nước; sau, lại
loại bỏ ý định ấy, v.v.. Nhưng nguy hiểm nhất là thái độ lúng ta lúng túng của
họ trong việc đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ.
Ngoài vài lời thề nguyền là sẽ không bán nước, cho đến nay, vẫn không có ai
trong giới lãnh đạo phác họa được một chiến lược rõ ràng, chưa nói đến việc có
hiệu quả hay không. Một chút rõ ràng cũng không có.
Đảng lãnh đạo yếu, chính phủ cũng yếu, hậu quả tất nhiên là đất nước yếu theo.
Tất cả những sự nhu nhược được đề cập ở phần đầu bài viết này đều là hậu quả
của hai cái yếu ấy. Ngư dân Việt Nam đi đánh cá ngoài biển cả bị
“tàu lạ” đâm chìm, bắt bớ hay giết chết, không có ai can thiệp. Dân chúng hàng
ngày phải ăn uống hoặc tiêu dùng những thứ độc hại được nhập cảng chính thức
hay qua các con đường không chính thức không hề được ai bảo vệ. Kinh tế ngày
càng kiệt quệ, gánh nặng nợ nần trên đầu người càng ngày càng chồng chất, không
có ai quan tâm. Những người có lòng với đất nước đứng lên chống lại Trung Quốc
bị đối xử như tội phạm. Mở các trang báo ngoại quốc, mỗi khi thấy tin tức về
Việt Nam,
đoán mười lần đến chín lần đúng: tin xấu. Nếu không phải tham nhũng thì là trấn
áp.
Đảng
yếu, chính phủ cũng yếu. Vậy thì ai mạnh?
Thứ nhất, các phe phái mạnh.
Thật ra, đảng Cộng sản lúc nào cũng có nạn phe phái. Trong hồi ký của
mình, Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng và Tổng biên tập
báo Nhân Dân, giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, kể, lúc Hồ Chí Minh còn sống và
ngay cả trước mặt Hồ Chí Minh, các thành viên trong Bộ Chính trị cũng không thèm
nói chuyện với nhau. Hồ Chí Minh khuyên mấy cũng không được. Nhưng, dù vậy,
những sự xung khắc ấy chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân. Không có phe hay nhóm nào
dám công khai chống lại phe Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Thành ra, Lê Duẩn và dưới
bóng Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tha hồ tác oai tác quái. Sau này, các phe phái nổi lên
rõ hơn, nhưng không có lúc nào các phe phái lại tấn công nhau một cách công
khai như bây giờ. Trước, nếu tranh chấp, hầu như chỉ dừng lại trong phạm vi mấy
người trong Bộ Chính trị với nhau; bây giờ, chúng bày ra trước Trung ương đảng
gồm cả gần 200 người; hơn nữa, còn tràn ra cả trước quần chúng, dù được ngụy
trang dưới mật danh “đồng chí X”.
Thứ hai, vai trò của các nhóm lợi ích. Cần nói ngay, ở nước nào cũng có các
nhóm lợi ích luôn tìm cách ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước. Ở các
quốc gia dân chủ, các nhóm lợi ích ấy có thể là các nhà tài phiệt, các công
đoàn, các tổ chức xã hội dân sự, các hội nghề nghiệp, v.v.. Các nhóm lợi ích ấy
thường hoạt động công khai, một cách trực tiếp, dưới hình thức kiến nghị hoặc
thậm chí, đình công và biểu tình, hoặc qua trung gian các cơ quan lobby chính
thức, chuyên đi ngả tắt. Ở Việt Nam, trước đây, ngay cả sự hiện diện của cái
gọi là “nhóm lợi ích” như thế cũng không thể có, thậm chí, không thể tưởng tượng
được. Thế nhưng gần đây, các nhóm lợi ích ấy lại phát triển rất mạnh và khuynh
đảo cả tình hình chính trị Việt Nam.
Theo Trần Kinh Nghị, chiến thắng của Nguyễn Tấn Dũng đối với Nguyễn Phú Trọng
trong hai kỳ hội nghị 6 và 7 của Trung ương đảng vừa qua chính là chiến thắng
của nhóm lợi ích đối với nhóm bảo thủ. Mới đây, trong bài “Đổi luật chơi
trong đảng”, nhà bình luận chính trị Ngô Nhân Dụng cũng có quan niệm tương tự
khi cho lý do chính khiến Nguyễn Tấn Dũng chiến thắng liên tiếp là nhờ biết sử
dụng một thứ luật chơi mới: dựa trên tiền.
Thường, để cai trị, người ta sử dụng một trong hai, hoặc cả hai yếu tố: quyền
và tiền. Quyền để khai thác lòng sợ hãi; tiền để kích thích lòng tham. Trước,
người ta chỉ dùng quyền; bây giờ, người ta dùng cả quyền lẫn tiền. Theo Ngô
Nhân Dụng:
“Từ khi làm thủ tướng năm 2006, […] Nguyễn Tấn Dũng tập trung quyền điều động
các xí nghiệp quốc doanh vào phủ thủ tướng, thay vì chia quyền cho các “bộ chủ
quản” theo lối cũ. Từ đó, người đóng vai thủ tướng tạo cơ hội kiếm tiền cho tay
chân của mình; phân phát cơ hội kiếm tiền để mua lòng trung thành của đồng
đảng. Các ủy viên Trung Ương Ðảng được chia chỗ trong Hội Ðồng Quản Trị của các
doanh nghiệp nhà nước. Các chương trình kinh tế đều nhằm tạo cơ hội kiếm tiền
cho những thủ túc chứng tỏ lòng trung thành. Khi người dân Việt Nam
nhận thấy cả guồng máy cai trị là một mạng lưới tham nhũng chằng chịt liên kết
với nhau, người cầm đầu mạng lưới đó là ông thủ tướng.”
Như vậy, cái mà Trần Kinh Nghị gọi là nhóm lợi ích ấy chủ yếu là những kẻ vừa
có quyền vừa có tiền. Sức mạnh của Nguyễn Tấn Dũng so với Nguyễn Phú Trọng và
Trương Tấn Sang chính là sức mạnh của nhóm lợi ích vừa có quyền vừa có tiền ấy.
Sự thao
túng của nhóm lợi ích ấy dẫn đến hai hệ quả:
Thứ nhất, nó tạo ra một vẻ dân chủ giả, thường được gọi là dân chủ trong nội bộ
đảng (intra-Party democracy). Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật Thủ tướng, Trung
ương đảng bác bỏ: Bộ Chính trị chịu thua. Tổng Bí thư đích thân đề cử Nguyễn Bá
Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị, Trung ương đảng bác bỏ: Tổng Bí thư
chịu thua. Giới quan sát chính trị quốc tế, ở xa, dễ ngỡ đó là dân chủ. Nhưng
không phải. Một là, thứ dân chủ nội bộ ấy không biến thành dân chủ xã hội
(social democracy). Hai là, nó chỉ là cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ. Chứ
không phải là dân chủ.
Thứ hai, sự thắng thế của các nhóm lợi ích vừa có quyền vừa có tiền ấy biến
đảng Cộng sản thành một đám mafia không những khuynh loát chính trị mà còn vét
kiệt hết tài nguyên của đất nước và tài sản của dân chúng, ngay cả của những
người dân chưa ra đời (với số nợ khổng lồ nó tạo ra!).
Điều đáng chú ý là tất cả các hiện tượng trên, từ chuyện đảng và chính phủ yếu
đến chuyện phe phái và các nhóm lợi ích mạnh đều cũng xuất hiện ở Trung Quốc.
Trong bài “The end of the CCP’s resilient authoritarianism? A tripartite
assessment of shifting power in China”
đăng trên tạp chí The China Quarterly năm 2012, Cheng Li cũng phân
tích các hiện tượng tương tự tại Trung Quốc. Chỉ có hai sự khác biệt lớn. Thứ
nhất, ở mức độ: Cũng yếu, nhưng cái yếu của đảng và chính phủ Việt Nam ở mức trầm
trọng hơn hẳn ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, quyền hạn của Chủ tịch đảng chưa bao
giờ bị thách thức một cách nghiêm trọng như ở Việt Nam. Quyền lực của Tập Cận Bình
cũng như của Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ lớn bằng Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình
nhưng dù sao vẫn nghiêng trời lệch đất; cả Trung ương đảng cũng không dám chống
lại. Thứ hai, theo Cheng Li, nhiều nhà phân tích chiến lược tin tưởng: đảng
Cộng sản Trung Quốc có thể yếu và càng ngày càng yếu, nhưng đất nước Trung Quốc
thì vẫn mạnh.
Còn Việt Nam?
Chính cái mạnh không cưỡng nổi của Trung Quốc là một tai họa cho Việt Nam. Việt Nam càng yếu,
cái họa ấy càng lớn.
Nguyễn
Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.