Wednesday, June 12, 2013

Heo sữa quay & Thạch rau câu

image
Món ăn khoái khẩu mà hiện nay người dân thưởng thức phần lớn được làm từ những con heo sữa bị bệnh, không kiểm dịch…

Gom tất

“Cả nhà tui chưa bao giờ ăn thịt heo quay”- ông Mẫn ở Hóc Môn (TPHCM) cho biết. Từng là lái heo, ông Mẫn hiểu rõ đường đi của những con heo vào lò quay nên mỗi lần nhắc đến món ăn này, ông ngán tận cổ. “Lúc vào mùa dịch bệnh, mua heo bệnh, heo chết rẻ như mua rau. Nhưng dân Sài Gòn vẫn đổ về Đồng Nai, Bình Dương lùng sục.

image
Số heo bệnh, chết gom được đều đưa về xử lý sau đó đưa đi các lò quay”. Mỗi ký heo bệnh, heo chết theo ông Mẫn chỉ 5.000-10.000 đồng/kg, tuy nhiên khi được “tân trang”, nó được bán lên 80.000-100.000 đồng/kg. Trong khi heo nguyên con chỉ có giá vài chục nghìn nhưng sau khi tẩm gia vị, quay lên, bán nguyên con cho các đám tiệc vài trăm nghìn/con.

Bà Năm, một hộ nuôi heo có tiếng ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết, gặp những lúc trái gió trở trời heo ngã bệnh, thương lái gom ngay. “Heo khỏe có giá khác, heo bệnh và heo chết có giá khác, bao nhiêu họ cũng gom” – bà Năm nói.

Theo Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, mỗi ngày có khoảng 50.000 con heo sữa vào TPHCM tiêu thụ, đó là chưa kể hàng nghìn heo sữa lậu khác ngụy trang đủ kiểu để vào các lò quay. Bà Đặng Thị Tuyết- Trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, do tiêu thụ mạnh nên heo sữa không kiểm dịch, heo bệnh và cả heo chết giá rẻ từ các tỉnh miền Trung đổ về TPHCM.

image
Mới đây, ngày 19/7, qua kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1A, trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện xe tải BKS 54T-0064 do ông Hồ Hữu Trường Giang điều khiển đang vận chuyển 3 thùng xốp đựng hơn 110 kg thịt heo sữa. Số thịt heo này không có giấy tờ chứng minh, thịt heo đã bốc mùi.

Ông Giang cho biết số heo sữa trên do ông nhận chở thuê cho ông Trần Minh Vũ từ ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai về nhà số 9/13 Ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh để vào lò quay bán cho các quán ăn. Trong khi vừa chặn đứng số heo sữa không nguồn gốc trên, thì chiều cùng ngày một xe chở thịt heo sữa khác có BKS 57L-2281 vận chuyển 250kg thịt heo sữa ướp đá bốc mùi. Tài xế là ông Nguyễn Trọng Anh khai số thịt heo sữa này được gom từ Quảng Ngãi vào TPHCM tiêu thụ.

image
Một lượng thịt heo bệnh bị phát hiện trước khi chúng được bán đi cho một lò quay ở huyện Bình Chánh.

Muôn nẻo vào… lò

“Hầu hết heo sữa không được kiểm dịch đều là heo bệnh do thương lái mua lại ở các tỉnh miền Trung, sau đó lén lút đưa vào các lò quay ở TPHCM” – một đầu nậu chở heo bị Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện mới đây khai nhận.

image
Hiếu, nhân viên đã nghỉ việc ở lò heo quay số 46/4 Âu Cơ, quận Tân Bình cho biết, nếu heo lành thì mổ thịt bán tươi, còn heo chết, bệnh và heo sữa khi đưa về đây sau khi xử lý đều được ngâm tẩy trắng, sau đó dùng phẩm màu công nghiệp, phụ gia, hương liệu mua ở chợ Kim Biên về ngâm tẩm rồi đưa vào quay. “Chết hay thối rữa, bệnh xuất huyết da hay tai xanh, tai đỏ, bầm tím gì sau khi quay đều ngon như heo khỏe”- Hiếu nói.

image
Anh này cho biết, có nhiều người đặt heo quay để cúng, đặt heo quay để đi lễ cưới…giá cao từ 500.000- 1 triệu đồng nhưng có khi đó cũng là heo bệnh hoặc chết. Theo các cửa hàng, mỗi con heo sữa quay có giá không dưới 500.000 đồng, trong khi heo quay nguyên con trên 15kg có giá từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/con. Hỏi về nguồn gốc cũng như kiểm dịch các cửa hàng đều lắc đầu: “Vào lò quay cả nghìn độ C thấy đâu dấu kiểm dịch”.

image
Tại lò quay trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp mới đây Chi cục thú y quận phát hiện gần 100 con heo sữa đang phân hủy, bốc mùi hôi thối được chủ lò chuẩn bị cho vào quay. Trong khi trên sàn lò mổ, một lượng thịt khác đang ngâm phẩm màu công nghiệp chuẩn bị vào lò.

image

Sản xuất thạch rau câu bẩn kinh người

image
Mùa hè nóng bức, những chiếc thạch rau câu hoa quả xinh xinh, đủ màu sắc, hương vị từ socala, nho, cam, dứa, bạc hà… ăn cùng với nước cốt dừa sánh ngọt, ngầy ngậy kèm theo hạt trân châu dẻo quánh, chút dừa tươi và vị vani thơm dịu sẽ là món ăn khoái khẩu của bất kỳ dân teen nào. Tuy nhiên, ít ai biết rằng sau đó là cả một quá trình chế biển bẩn đến kinh người.

image
Thạch rau câu: “Lợn ăn còn tiêu chảy huống chi người”
Nằm cách trung tâm Hà Nội 12km, từ bao đời nay, La Phù vẫn được coi là làng nghề sản xuất bánh kẹo lớn nhất của Hà Tây (cũ) với các chủng loại hàng phong phú, đa dạng, số lượng lớn, giá cả bình dân… Thời điểm này, để chuẩn bị cho mùa hè nóng nực sắp tới, các cơ sở đã tạm ngừng sản xuất các mặt hàng quen thuộc như ngô cay, các loại kẹo béo, kẹo dẻo,… để tập trung cho các loại thạch phục vụ nhu cầu đồ uống phong phú, giải nhiệt cơn khát của người dân.
Mới đây, chúng tôi có dịp được mục kích những hình ảnh không mong muốn về quy trình sản xuất thạch rau câu ở La Phù – Hoài Đức – Hà Nội.

image
Những chiếc thùng đựng nước bột cáu bẩn, vẩn màu loang lổ, thoạt nhìn, ai cũng cảm thấy ghê người.
Không biển hiệu quảng cáo, cơ sở sản xuất bánh kẹo của gia đình ông T. nằm khuất trong một con phố nhỏ. Bước vào căn phòng tuy rộng lớn nhưng ẩm thấp, đập vào mắt pv là cảnh tượng la liệt với các vật dụng được vất ngổn ngang, trông chẳng khác nào một “chiến trường” bừa bãi.
Những chiếc thùng đựng nước bột cáu bẩn, vẩn màu loang lổ, thoạt nhìn, ai cũng cảm thấy ghê người. Hàng đống thạch rau câu đã đóng túi giấy bóng trắng bên ngoài được đổ tràn ra nền nhà, các nhân công làm việc tại đây tay không đeo găng, chân trần vô tư giẫm cả lên trên sản phẩm. Phía ngoài, gần cửa ra vào là hàng chục tấn hàng đã đóng chặt trong các thùng carton đổ đống cao chất ngất.

image
Một nhân viên nữ đang ngồi rạch túi bóng bao bì ngoài của những chiếc thạch rau câu hỏng để tận dụng lại “phần ruột”. Khi chúng tôi hỏi: Phần thạch hỏng này “bán cho lợn à”, một cô công nhân khác nửa đùa nửa thật: “Hỏng bỏ đi cho lợn ăn sẽ tiêu chảy… Em ăn còn tiêu chảy nữa là lợn”.
Quả thật, nhìn dung dịch màu vàng sền sệt nước được các bàn tay nhơm nhớm của các công nhân nữ bóp, nặn và gom vào một cái thùng cũ, bám đầy cặn đen, chúng tôi không khỏi gai người sợ hãi. Chỉ quan sát thông thường đã thấy những tiêu chuẩn về vệ sinh quang cảnh, trang phục người công nhân ở đây đều không đạt yêu cầu. Có cô quần ống thấp, ống cao, tay lấm lem đất cát vẫn tự nhiên nhúng tay vào nồi nước, khuơ khoắng những vỏ ni lông, gom lại để “lần sau sử dụng tiếp”. Khi được hỏi, không một ai nắm được những qui định về VSATTP.

image
Mặc dù vậy, ông T. – chủ của hộ sản xuất này vẫn luôn miệng khẳng định: “Mua ở đây là yên tâm” về chất lượng. Ông T. cho biết: Mỗi vụ, cơ sở của ông cung cấp ra thị trường khoảng hơn 200 tấn hàng hóa, trong đó, bao gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ kẹo cứng, kẹo béo, kẹo dẻo cho tới thạch rau câu. Tùy từng thời điểm, mùa vụ mà gia đình ông lựa chọn sản phẩm sản xuất và kinh doanh cho mình. Hiện tại, mới chớm mùa hè, doanh số mỗi ngày cơ sở sản xuất được khoảng 2 tấn thạch rau câu, phân phối cho các đại lý, chợ lớn và các mối đặt hàng “khủng”, chủ yếu trong TP. HcM.

image
Máy móc cáu bẩn, lâu ngày không được cọ rửa.
“Trước đây, tôi đã từng bán cho 2 mối hàng ở Đắc Lắc và Chợ Lớn, thậm chí cung cấp cho các địa chỉ ở tận Đồng Tháp. Phần lớn đều là mối làm ăn lớn, có người sẵn sàng gửi trước 200 triệu đồng để “làm tin” trước khi lấy hàng”, ông T. tự hào giới thiệu.
Tuy nhiên, nếu chứng kiến cảnh chế biến mất vệ sinh như thế này, chúng tôi cũng không dám chắc khách hàng có ai can đảm ăn một miếng thạch rau câu này không?

Giá siêu rẻ

Trong cuộc trò chuyện với công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất thạch rau câu của ông T., chúng tôi được biết: Nguyên liệu được làm thạch rau câu ngô chủ yếu bao gồm: Hương ngô và bột thạch. “Nếu thích thạch rau câu có hương gì thì người sản xuất có thể cho vào tinh dầu hương vị đó”, ông T cho biết.
“Ban đầu, tôi cứ nghĩ thạch rau câu trái cây cũng như kẹo trái cây phải được chiết xuất, tinh chế từ những loại quả trái cây, nhưng sự thực thì lại không phải như thế. Kẹo ngô nhưng không phải được làm từ những hạt ngô, kẹo ổi cũng hoàn toàn không hề có sự góp mặt của quả ổi”, chị Thu Hoài – đại lý bán bánh kẹo trong nội thành Hà Nội từng rất bất ngờ khi phát hiện ra sự thật này.

image
Tại phố Hàng Buồm (Hà Nội), chỉ cần hỏi nguyên liệu để làm thạch rau câu trái cây hoặc nguyên liệu để làm kẹo trái cây, hầu hết các chủ cửa hàng đều hỏi: “Lấy tinh (hương) hay lấy phẩm màu?”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Loại tinh (hương) ngô, tinh ổi, tinh dâu… để làm thạch trái cây thực chất là một dung dịch màu trong suốt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, giá bán dao động từ 300.000 – 350.000 đồng/lít. Mua thử một ít và ngửi thử, mùi hương của chúng giống hệt mùi thơm mà khách hàng vẫn thường cảm nhận được khi ngửi thạch trái cây hay kẹo trái cây.
“Tinh ngô thì giống nhau nhưng pha chế ngon hay không lại là do mình”, một chủ tiệm sản xuất thạch rau câu, bánh kẹo hướng dẫn. Theo đó, chỉ cần một hàm lượng rất nhỏ, tinh (hương) trái cây này có thể dậy mùi cho một khối lượng lớn thành phẩm là thạch rau câu và kẹo trái cây.

image
Về giá cả, các mặt hàng ở đây đều thuộc dạng “siêu rẻ”. Đối với thạch rau câu ngô, cơ sở của ông T. (La Phù, Hà Nội) ra giá: 94.000 đồng/thùng (mỗi thùng bao gồm 12 gói), tính ra mỗi gói 1kg có giá khoảng gần 8.000 đồng. Trong khi đó, giá cả bình quân trên thị trường khoảng 13.5000 đồng/gói. Tuy nhiên, khi chúng tôi buột miệng kêu đắt, ông chủ hộ liền rào đón: Nếu mua nhiều, cứ 10 gói, khách hàng sẽ được khuyến mại thêm một gói.

Công cuộc thương lượng giá cả diễn ra một cách chóng vánh. Dễ thấy, thạch rau câu cũng như một số loại bánh kẹo khác được sản xuất ở La Phù có giá “siêu rẻ” đều được sản xuất theo công nghệ thủ công, chưa tuân thủ nghiêm những qui định về VSATTP. Các hộp đựng phẩm màu, chất phụ gia đã cáu bẩn, xếp gọn trong góc nhà vẫn được lôi ra sử dụng. Thậm chí, không ít người tiêu dùng hoài nghi: Để giảm giá thành sản phẩm, liệu các chủ hàng có thường xuyên mua các loại nguyên liệu giá rẻ nhập từ Trung Quốc về để sử dụng hay không?

Với mục đích tìm hiểu về việc đảm bảo VSATTP của các hộ sản xuất và việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng tại đây, pv báo Giáo dục Việt Nam đã tìm đến UBND xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi trình giấy giới thiệu và biết được nội dung mà chúng tôi quan tâm, bộ phận văn phòng đã điện thoại hỏi ý kiến lãnh đạo. Sau một cuộc điện thoại ngắn, họ quay sang hẹn chúng tôi: Đầu tuần sau quay lại với lý do: Lãnh đạo bận họp, trong khi ngày hôm đó mới là thứ Tư.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, BS. Nguyễn Xuân Mai – Nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM cho biết: Theo quy định của Bộ Y tế, một số hương liệu, tinh dầu vẫn được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cần phải xem xét tỷ lệ sử dụng như nào cho phù hợp và không vượt mức cho phép. “Nếu nhà sản xuất sử dụng quá mức giới hạn, thành phẩm đó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người ăn chúng”.

image
Thêm vào đó, vấn đề VSATTP luôn được đặt lên hàng hầu. Trong năm, Thanh tra của Sở Y tế Hà Nội vẫn thường xuyên kiểm tra và phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm trong việc không đảm bảo vệ sinh trong sản xuất, chế biến.

image
Ngày 17/6/2010, tại Hà Nội, Đội chống hàng giả, Phòng cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội đã phát hiện hơn 2 tấn thạch rau câu trộn lẫn đường hóa học Sodium Cyclamate – hóa chất bị cấm dùng trong thực phẩm. Quản lý xưởng sản xuất cũng thừa nhận số đường trên được trộn cùng với các phụ gia khác tạo thành các sản phẩm thạch rau câu và thạch sữa chua…

Loại đường này có thành phần chính là Aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo, đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm do ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, vì nó ngọt hơn đường thông thường 30-70 lần, thậm chí là 200-600 lần nên nhiều cơ sở vấn cố tình vi phạm.

image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.