Pages

Friday, April 24, 2015

Lính nào chẳng nhậu

image
Tôi từng là lính, mà lính nào chẳng nhậu. Không tiền nhậu vì chưa lãnh lương thì nhậu ghi sổ Câu Lạc Bộ, lãnh lương rồi thì trả. Người ta nói "tiền lính tính liền" là vậy.

Các quan uống rượu mạnh Rémy Martin, Johnny Walker. Lính nghèo chỉ nhậu la de Con Cọp. Tôi hay nhậu ở đường Bùi Viện, Ngã Tư Quốc Tế, xế xế đàng sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo đại lộ Trần Hưng Đạo Quận Nhì Sài Gòn. Đó là nơi tôi hay la cà lúc nhỏ để mong có dịp ngó mặt nghệ sĩ sắm tuồng, nhất là đào Thanh Nga chỉ lớn hơn tôi có hai tuổi. Lúc học các năm cuối trung học đệ nhị cấp thì tôi nhào vô quán cơm bình dân Anh Vũ ngay góc ngã tư làm một bữa ăn trưa có đầy đủ món canh món mặn và trà đá mà chỉ tốn có năm đồng bạc. Tới khi đi lính rồi, tôi cũng còn la cà khu đó để ngồi nhậu với bạn bè lính tráng với nhau. Dọc hai bên con đường Bùi Viện từ đường Ðề Thám trở đi về hướng đường Cống Quỳnh, cứ chiều đến là các quán nhậu kê thêm bàn ghế ra tận lòng đường để đón khách nhậu lính cũng như dân.

image
Note: hình trong bài này là minh họa
Ðã là lính thì thường đi đôi với chữ nghèo. Và vì nghèo nên chúng tôi chỉ nhậu la ve Con Cọp, rẻ hơn la de 33 chai nhỏ, có khi hai đứa chỉ uống một chai mà chúng tôi gọi là cưa hai. La de Con Cọp là hình ảnh quá thân quen với tuổi trẻ của tôi, khi những đứa trẻ thuộc gia đình nghèo hay đứng quanh các bàn nhậu để tranh lượm nút khoén mỗi khi chủ quán khui một chai cho khách. Ðôi khi bọn trẻ chúng tôi cạy miếng bấc bằng cây bần lót bên trong ra khỏi nút chai, xong đặt nút chai kim loại có hình đầu cọp ngay trước ngực trái bên ngoài lớp áo chemise, lòn miếng bấc vào trong lớp vải áo rồi ép chặt lại; chúng tôi vừa tự gắn cho mình một huy chương! Nhưng thường thì chúng tôi dùng búa nhỏ đập cho nút khoén dẹp thẳng ra, lấy đinh đục hai lỗ đều ngay chính giữa, xỏ vô đó một sợi nhợ dài khoảng cánh tay rồi cột hai đầu nhợ lại với nhau; chúng tôi vừa có một món đồ chơi là cái vo vo.

image
Hai thằng bạn “đọ kiếm” với nhau bằng vo vo cũng rùng rợn lắm! Vo vo xoay mòng theo tốc độ thiệt lẹ trở thành một thứ vũ khí sắc bén dễ dàng cắt đứt giây nhợ. Miếng khoén tròn bằng kim loại  bung ra từ sợi nhợ vừa bị cắt đứt, bay tự do trúng đâu chém đó chẳng khác nào độc chiêu của hành giả ninja.

Nhà tôi trước ở trong Hẽm 192 đường Ðề Thám, băng qua đại lộ Trần Hưng Ðạo là tới ngã tư Ðề Thám và Bùi Viện tức Ngã Tư Quốc Tế. Thuở tuổi thiếu niên, tôi được cha tôi giao nhiệm vụ đi mua la de và đồ nhậu mỗi khi cha tôi có khách tới nhà. Một tay tôi xách cái giỏ nhựa “Made in Cholon” có hai quai xách đựng vài chai la de Con Cọp còn dính trấu vì chúng được vùi ướp lạnh với nước đá cây trong một thùng gỗ dài. Tay kia tôi xách cái gào mên/cà mèng bằng nhôm có nhiều ngăn đựng đồ nhậu.

image
Một lần tôi đi vấp chân, giỏ cũ đứt quai, hai chai la de rớt trên lề đường xi măng bể nát, tôi phải ngồi xuống lượm cho hết miễng trước tiệm bán và sửa xe gắn máy Phi Long. Tôi về tới nhà, cha tôi bắt tôi phải đi mua hai chai khác ngay. “Có mồi mà không có rượu thì làm gì!”, không biết có phải cha tôi càu nhàu nói như thế không. “Con xin lỗi ba.”, không biết có phải tôi rụt rè trả lời như thế không. Dung tích mỗi chai la de Con Cọp là .66 lít, cộng với trọng lượng vỏ chai nữa thì một chai chưa khui nặng cả kí lô như chơi. Xách hai chai cộng với cục nước đá, tôi đi cà tưng một quãng đường dài cỡ hai trăm thước. Cái giỏ nhựa đã cũ với hai cái quai mỏng dính đã nứt sẵn làm sao chịu nổi. May là tôi không bị đứt tay và không bị cha tôi đánh đòn.

Nhưng chính cha tôi đã đèo tôi trên chiếc xe Honda 50cc lên Phòng Trình Diện Nhập Ngũ, Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn đường Lê Văn Duyệt trong ngày tôi đi nhập ngũ theo lệnh động viên tháng Ba năm Một Chín Sáu Tư. Cha tôi đã bỏ một buổi sáng đi làm để chỉ đứng chờ tôi làm thủ tục gần hai tiếng đồng hồ, để chỉ vẫy tay tiễn tôi khi tôi leo lên đoàn xe GMC chở tân binh rời địa điểm và chạy về hướng Hòa Hưng trực chỉ Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ cạnh Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

image
Và đời lính mang lại cho tôi những buồn vui kỷ niệm, những tình bạn đồng ngũ đầy hy sinh không tính toán, và những trang trải tâm tình qua bữa nhậu la de Con Cọp mờ khói thuốc. Vâng, tôi nhậu, tôi hút thuốc ngay đêm đầu tiên của đời lính trong câu lạc bộ với mấy đứa bạn mới làm quen. Tiền trong túi ba đứa chung lại chỉ đủ mua một dĩa tôm khô củ kiệu, một dĩa đậu phọng rang, một con khô mực nướng và hai chai bia Con Cọp. Sau nầy thì khá hơn, nhằm lúc đầu tháng mới lãnh lương, bọn tôi cũng nhậu với bò lúc lắc, cánh gà chiên bơ, gỏi sứa tôm thịt, bê thui như ai. Chỉ nhậu đơn sơ vậy thôi mà sao thấy ngon cách gì!


Ngon đến nỗi có một lần ngồi nhậu bàn tròn ở đường Bùi Viện với đám bạn cùng đơn vị, tôi té bổ ngửa mà trên hai tay vẫn còn cầm chén cà ri dê và đôi đũa. Trước đó, tôi đứng lên để múc thức ăn. Một thằng bạn hay nghịch lén kéo chiếc ghế đẩu của tôi ra xa. Múc thức ăn xong tôi ngồi xuống khoảng không,  thế là té. Tôi ngồi dậy đưa chén thức ăn lên khoe: “Chưa đổ miếng nào!” Cả đám ồ lên khen tôi vừa diễn một màn xiệc. Thằng bạn nghịch ngợm ngồi bên đứng lên cầm ly bia của tôi bằng cả hai tay giả bộ trịnh trọng làm lễ tiến tửu dâng rượu cho tôi và gọi tôi là “sư phụ”. Tôi uống một ngụm, xong đưa ly cho nó nói, “Sư phụ phạt mi phải uống cạn ly nầy!” Cả bọn đứa la “Dô! Dô!”, đứa vỗ tay làm rùm cả quán.

Tửu lượng của tôi chỉ xoàng thôi, chỉ uống lai rai và ăn cũng lai rai, đỡ phải bị mắng là thằng phá mồi. Trong bàn nhậu, tôi thường đóng vai thụ động, ngồi nghe bạn bè tán hưu tán vượn nhiều hơn là ăn uống. Ly la de trước mặt bỏ nhiều nước đá cũng đổ mồ hôi trong cái nóng nực đầu Hè, từ sức sống tràn trề của đám tân binh non choẹt, và từ những dĩa tô thức ăn còn bốc khói của các bàn bên cạnh tỏa sang. Tôi ngồi đó xoay xoay cái ly, chờ những tiếng “Dô! Dô!” là vội vàng nâng ly như cái máy. “Trăm phần trăm vui đời lính!” Tôi cũng ngửa cổ nuốt từng đợt ừng ực. Khi hơi men đã bắt đầu thấm vào trong cơ thể, tôi cũng cảm thấy vui lên, yêu đời hơn và cười nói líu lo. Ðôi khi cao hứng do bạn bè khích động, tôi cũng hòa nhập đóng góp giúp vui, ca hát nghêu ngao hoặc kể chuyện tiếu lâm và... giễu dở. Khi đã nhậu sương sương rồi, tôi rất dễ buồn ngủ, chẳng kèn cựa với ai và ngoan hiền như đứa bé con, chỉ mong tìm một chỗ đặt lưng xuống và làm một giấc.

image
Tôi trải qua mười một năm quân ngũ phần lớn ở các đơn vị tham mưu tại Sài Gòn; địa điểm ngồi lai rai ba sợi với bạn bè quanh đi quẩn lại vẫn là Ngã Tư Quốc Tế, Bến Xe Nguyễn Cư Trinh, Bến Bạch Ðằng và các câu lạc bộ trong đơn vị. Và chất lỏng chính tống vào cổ họng vẫn là La De Con Cọp hoặc 33. Chai Con Cọp 0.66 lít; chai 33 0.33 lít, vì vậy mới có tên là 33. Lính nghèo làm gì dám rớ tới mấy loại Cognac của Pháp như Remy Martin V.S.O.P., Hennessey, Courvoisier, Martell.  Whiskey Johnnie Walker hay Black&White cũng không. Hơn nữa, uống bia lành mạnh hơn uống rượu mạnh. Ông tổ y học Hippocrates từ 2,380 năm trước đây đã công nhận bia có thể chữa được bệnh mất ngủ, bệnh viêm gan, tiểu đường, bướu độc và bệnh mất trí nhớ. Trí nhớ của tôi kém lắm, không biết tại tôi uống chưa đủ “liều lượng” hay là tôi từng uống quá đà và quá đã.

Xin kể một chuyện cười:

Hai chàng chèo xuồng đi câu, cần nhậu hơn cần cá, vừa câu vừa nhậu la de, chắc là la de Con Cọp. Trăng thanh gió mát, uống đã hết la de mà chưa đã cơn thèm. Bỗng câu lên được một chai nhốt Ông Thần Ve Chai. Ông thần nầy hà tiện, chỉ cho một điều ước duy nhứt mà thôi. Chàng nhậu lại có máu thi sĩ bèn nói: "Xin thần biến nước khúc sông nầy thành la de Con Cọp."
Tức thì cả khúc sông lấp loáng nước la de vàng óng dưới ánh trăng và vị thần cũng biến mất. Hai chàng Lý Bạch tân thời hả dạ múc ánh trăng vàng đổ vô họng vỗ mạn thuyền ngâm nga:

Ðời ta nhớ mãi đêm nay
Uống trăng thì uống phải say đó mà
Một tiếng ực một tiếng khà
Búng tay cái chóc đúng là bia ngon!

(PH)

Một lúc sau, một chàng bỗng hoảng hốt nói: "Chết bà rồi! Bây giờ biết đái ở đâu đây?"
Hahaha…….

Thế cho nên có câu đố rằng:
- Dân nhậu ở nhà quê mắc tè thì gọi là gì?  Đáp: Tiểu đồng.
- Dân nhậu ở thành phố mắc tè thì gọi là gì? Đáp: Tiểu đường.
- Dân đi câu ghe mắc tè thì gọi là gì?  Đáp: Tiểu giang đỉnh

image
Dân nhậu hay nói tào lao lắm, các bạn không biết sao. Rượu vào lời ra mà. Bạn hãy nghe một bợm nhậu biện luận như sau, dĩ nhiên là sau khi đã sương sương sứa sứa xỉn xỉn rồi:
“Một đàn trâu rừng chạy lẹ thế nào đi chăng nữa cũng chỉ kể bằng con chạy chót, đúng không? Và những con chạy chót đó bị thợ săn bắn chết. Như vậy là tốt vì những con còn lại đều chạy nhanh và tạo thành một đàn trâu khỏe mạnh. Tương tự như vậy, tế bào não của con người cũng chỉ có thể làm việc nhanh như tế bào chậm yếu nhất, đúng không? Uống bia rượu nhiều làm chết hại tế bào não, dĩ nhiên là những tế bào chậm yếu nhất. Ðiều đó đưa đến kết luận là uống bia rượu tốt cho trí não vì bia rượu giúp loại bỏ những tế bào não hết xài và những tế bào khỏe mạnh còn lại sẽ làm việc nhanh nhẹn và hữu hiệu hơn.” 

Bạn thấy chưa? Dân nhậu nói chuyện khôn ra phết. Nào ta cùng nâng ly! Dô cái coi!

image
Nếu bạn không tin, bạn cứ đi hỏi ông cựu thủ tướng Úc Robert James Lee (Bob) Hawke thì biết. Ông thủ tướng cầm quyền từ 1983 đến 1992 thuộc Ðảng Lao Ðộng nầy nổi tiếng uống bia nhanh đó bạn. Năm 1955, lúc còn là một sinh viên đại học Oxford 25 tuổi, ổng uống 3 imperial pints (tương đương với 1.7 lít) bia chỉ trong vòng 11 giây đồng hồ và được ghi nhận trong Sách Kỷ Lục Thế Giới (Guinness Book of World Records). Trong hồi ký, ổng nói nhờ ổng uống bia nổi tiếng cho nên dân nước Căng-ga-ru khoái mà bầu cho ổng làm thủ tướng.

image
Kỷ lục uống bia nhanh vô địch thuộc về anh chàng Steven Petrosino lập năm 1977 tại Carlisle, Pennsylvania. Anh sinh viên 25 tuổi nầy uống một lít bia trong vòng chỉ có 1.3 giây. Nhưng đến năm 1991 Guinness ngưng không đăng các kỷ lục quái gỡ do con người cố tình tạo ra để lấy tiếng nữa. 

Theo bản tin của Asia Pulse ngày 19/9/2009, Hiệp hội Bia Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam cho biết rằng một người Việt Nam tiêu thụ trung bình 22 lít bia trong năm 2008, và chỉ đứng sau Thái Lan về mức độ tiêu thụ bia ở Đông Nam Á, một phần lý do là giá cả của bia và nước ngọt không khác biệt nhiều. Nhiều hãng bia và nước giải khát nổi tiếng thế giới đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các hãng Carlsberg, Heineken, Tiger and San Miguel. Đại công ty nước giải khát Hoa Kỳ Anheuser-Busch cũng đã đưa sản phẩm bia nổi tiếng Budweiser vào thị trường Việt Nam

Theo bảng sắp hạng mức độ ưa chuộng, dân Sài Gòn ngày nay thích uống các loại bia sau: Heineken, Tiger, San Miguel, Budweiser, Carlsberg, Corona, 333, Saigon Xanh, Saigon Ðỏ, Huế. Cố ký giả Trường Kỳ từng cố gắng sưu tầm những câu dân nhậu sáng tác dựa theo tên của mỗi loại bia, tương tự như những câu theo tên các loại thuốc lá ngày xưa mà chắc các bạn chưa quên. Dân nhậu mà, phải bày trò cho vui chứ.

Tên thuốc lá:

image
- Pallmall: “Phải anh là lính mời anh lên lầu” với hai chữ “l” ở cuối có thể đổi thành “làm liền”, “làm lâu”, “làm lại” v.v.

image
- Capstan: “Con anh phá sản tại anh ngu” “Còn anh phá sản tại anh ngốc”

image
- Bastos: “Bộ anh sợ tôi ôm sao”

image
- Camel: “Chơi anh má em la”

image
- Salem: “Sao anh làm em mệt” Ðọc ngược “Má em làm anh sợ”

Tên bia:

image
- Heineken: “Hôn em ít nên em khóc em nhéo” hoặc có thể đọc ngược lại “Nếu em khôn em nằm im em hưởng”

image
- Tiger: “Tình iêu giết em rồi” và “Thấy ít ghé em rầu”

image
- San Miguel: “Sao anh nhớ mà ít ghé uống em lo”

image
- Carlsberg: “Cho anh ráng lấy sức bế em ra giường”

image
- Corona: “Còn ốm ròm ốm nhách à” (Câu này áp dụng cho anh Sơn Ròm được đó) Hahaha.....

Bia là thức uống phổ thông nhứt của con người sau nước lã và trà. Bia cũng là thức uống do con người chế tạo ra sớm nhứt trong lịch sử (năm 9,000 trước Công Nguyên) trong vùng Lưỡng Hà Trung Ðông theo sách cổ Ai Cập. Giống như nhiều phát minh khác, rượu bia có lẽ cũng được ra đời do sự tình cờ. Giai thoại kể rằng người phát minh ra bia là một bệnh nhân nghèo bỏ bánh mì cứng trong ly nước cho mềm để ăn. Nhưng ông để quên. Hai ngày sau, bánh mì lên men trong ly như một món cháo đặc; ông ăn có cảm giác ngây ngất say vì hơi men. Nhờ vậy mà sau đó ông lành bệnh. Từ đó, bằng  thí nghiệm, ông lần hồi tìm ra một công thức để chế bia và biến nó thành một thức uống vừa ngon miệng vừa giúp chữa bệnh.

Sáu ngàn năm sau nữa, châu Âu mới biết làm bia mà uống; rồi người Pháp đem theo thức uống ngon lành đó đến Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 19 giới thiệu cho phe ta. Nhưng ta uống la de chẳng giống như Tây. Tây uống la de ướp lạnh không thêm nước đá; ta bỏ nhiều đá, có khi còn để đông đặc. Bạn cứ vô các quán nhậu (bar, pub) của Tây mà coi, chỉ thấy họ ngồi nhậu khơi khơi, xem tivi, chơi banh bàn lặt vặt. Tây chỉ uống la de không hoặc cùng lắm là với vài món khai vị nhẹ như lạc rang, phó mát, hạt, chíp khoai tây hoặc thịt nướng. Ta uống la de với thức ăn ê hề và nặng nề, với cả các món có nước lỏng bỏng như phở, bò bảy món, lẩu thập cẩm đồ biển. Trường Kỳ gọi là đớp hít. 

image
La de Con Cọp và la de 33 trước 1975 do hãng B.G.I. sản xuất. B.G.I. khởi nghiệp từ một nhà máy sản xuất chai thủy tinh và làm nước đá sáng lập bởi kỹ sư người Pháp Victor Larue . Ông nguyên là một sĩ quan hàng hải giải ngũ ở Saigon năm 1875. Năm 1909, B.G.I. sản xuất bia hai cỡ chai: chai lớn 0.66 lít nhãn Con Cọp (trên nhãn đề dung tích chỉ có 0.61 lít) và chai nhỏ 0.33 lít nhãn 33. Trong thời gian Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, nhiều binh sĩ Mỹ cũng rất thích uống bia Con Cọp và họ đặt cho nó một cái tên thân mật dí dỏm cho vui là “Tiger’s Piss”, nước đái cọp. Chẳng lẽ họ có thấy hoặc có nếm qua nước đái cọp rồi chăng. 

image
Sau tháng Tư 1975, Việt Cộng  từ Bắc vô Nam hết sức tử tế, ban đầu mượn tạm mọi thứ thuộc về miền Nam để rồi sau đó mượn luôn. Tất cả công ty thuộc quyền sở hữu của 2,500 doanh nhân người Pháp cũng cùng chung số phận: Air France, U.T.A., Michelin, Citroen, Charner, Grall, Continental,  Chargeurs Réunis, Messageries Maritimes, M.I.C., Bastos, Melia, v.v. Hãng la de Brasseries-Glacières d'Indochine (B.G.I.) bị trưng dụng và đổi tên thành Hãng Bia Saigon SABECO sản xuất các loại bia Saigon Special, Saigon Export (bao gồm bia lon 333 và bia Sài Gòn Đỏ) và Sài Gòn Xanh. Bia 33 tiếp tục được hãng Calsberg của Ðan Mạch sản xuất. 

Năm 1977, Brasseries-Glacières d'Indochine  đổi tên thành Brasseries-Glacières Internationales cho phù hợp với tình thế địa dư đã thay đổi với tầm hoạt động bao gồm nhiều châu lục và quay trở lại thị trường Việt Nam vào năm 1991, xây dựng nhà máy đầu tiên tại Tiền Giang và sau đó mở rộng ra Đà Nẵng. Khách hàng trung thành của G.B.I. chào đón và ủng hộ nồng nhiệt. Năm 1997, công ty Foster của Úc đã mua lại toàn bộ cơ sở của B.G.I., cùng Công Ty Bia Tiền Giang, Công Ty Bia Ðà Nẵng  tiếp tục sản xuất la de Con Cọp (tên mới là Larue Export) mà cái tên thân yêu ấy vốn đã từng nằm mãi trong tâm thức của hơn 25 triệu con dân miền Nam trước 1975. Bia Larue Export nhãn hiệu Con Cọp xuất cảng sang một số nước Á châu và mẫu chai nhãn vẫn giữ dáng vẻ như xưa.

image
Người nhớ rõ La De Con Cọp nhất có lẽ đó là tiến sĩ Phan Văn Song, người từng làm việc cho công ty B.G.I. ở Saigon từ 1973 đến 1976 với chức vụ Giám Ðốc. Nhờ ông tiết lộ bí mật, chúng ta mới biết rằng La De Trái Thơm, La De Con Cọp và La De Quân Tiếp Vụ tất cả cũng giống nhau; chúng chỉ khác nhau có cái nhãn dán bên ngoài chai mà thôi. Hỡi các bạn cựu lính tráng của QÐVNCH từng uống la de Quân Tiếp Vụ có nghe rõ năm trên năm không?  

Thật ra chẳng có thứ la de nào gọi là La De Trái Thơm cả. Ðó cũng chỉ là La De Con Cọp Bière Larue bình thường mà thôi nhưng có dán nhãn mới; nhãn mới nầy được thợ cây nhà lá vườn của hãng ở Saigon vẽ lại theo mẫu vẽ chính thức của nghệ nhân ngành ấn loát người Pháp. Vì thợ vẽ phe ta chưa thấy hoa bia houblon (“hop” trong Anh ngữ) bên Tây bao giờ cho nên vẽ nó lại giống trái thơm của ta. Quí độc giả xem lại hình nhãn La De Con Cọp trong bài viết nầy thì rõ. 

Tôi nghiệm ra rằng nồng độ rượu bia tỉ lệ thuận với mức độ ít hay nhiều, đơn sơ hay cầu kỳ, rẻ hay đắt của mồi nhậu. Bia nhẹ uống với thức ăn nhẹ; bia nặng với thức ăn nặng. Ðộ cồn trong bia Việt Nam ở mức 4.5%, tương đối là nhẹ so với bia ngoại quốc. Carlsberg, Corona: 4.6%; Budweiser, Coors, Labatt Blue, Molson Canadian: 5%; Heineken: 5.4%. Tôi nghe nói bên Boston có bia Samuel Adams Utopias có độ cồn lên tới 25%. Vậy uống La De Con Cọp ăn những thức ăn nhẹ sẽ thấy ngon. Bia ngon cần có chất tươi, tức phải đúng độ lạnh phù hợp với khung cảnh và thời tiết. Tốt hơn hết, nếu uống bia sản xuất ở Việt Nam thì phải dùng mồi nhậu Việt Nam mới ngon vì cả hai thứ đều có cùng hương vị của quê hương.

image
Sống nơi xứ lạ quê người mà thèm La De Con Cọp cũng phải đành chịu nhịn cái thèm đó; thôi thì ra tiệm bia xách về một “six pack” Molson Canadian hoặc Labatt Blue uống đỡ. Cuối tuần cùng với vài ba người bạn gom lại vừa uống vừa đấu hót kể chuyện tiếu lâm vui vẻ một hồi rượu hết không hay. “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” mà lị, hỏi Châu Hiền Quang với Đăng Sơn thì biết liền.

Xin kể quí bạn đọc một số chuyện tiếu lâm về nhậu nữa nhé! Nhưng nhớ phải vừa đọc vừa uống mới phê đó nghe. Cái gì chớ vừa nhậu nhẹt vừa nghe chuyện tiếu lâm thì vui hết biết. 

Một nàng kiều Ngã Ba Chú Ía ra mở cửa tiếp khách, thấy một anh thương phế binh cụt cả hai tay. Ái ngại, nàng ngập ngừng hỏi:
- Anh muốn...?
- Ừ!
- Nhưng anh cụt hai tay rồi làm sao...
- Ðừng khi dễ nghe cô em... Biết tui gõ cửa bằng gì không?
- ???
.....
Một phế binh cụt cả hai tay vô quán kêu một chai bia. Người phục vụ bưng ra, nhanh nhẹn rót bia ra ly. Anh thương binh nói:
- Anh làm ơn...
Nhân viên phục vụ hiểu ý, bưng ly đưa lên miệng anh phế binh. Uống hết chai bia, anh phế binh đứng dậy nói:
- Có tờ hai chục trong túi quần bên phải, anh làm ơn...
- Dạ không sao... Tiền chai bia 15 đồng.
- Anh giữ luôn tiền lẻ. Tôi muốn đi washroom. Anh làm ơn...
  - ???
.....
Theo kết quả của một cuộc khảo cứu khoa học gần đây mà không biết là của ai (mấy ông nhậu người Mỹ chế ra chuyện vui cười này đó các bạn ơi, tui lượm dịch), người ta khám phá ra rằng trong rượu bia có chứa nhiều kích thích tố nữ tính khiến cho mấy ông nhậu có thể hành xử giống như phụ nữ. Cuộc trắc nghiệm thực hiện trên một trăm người đàn ông thuộc nhiều lứa tuổi, mỗi người uống bốn chai bia cỡ 375ml trong vòng một giờ đồng hồ. Kết quả là tất cả 100 người đàn ông đó đều: 
1) lên cân,
2) nói tùm lum và nói dở,
3) dễ xúc cảm,
4) lái xe lạng quạng,
5) hay cãi và không chịu xin lỗi dù biết mình nói sai.
 
.....
Một chàng vào quán gọi bia uống, cứ uống hết mỗi chai lại móc một tấm hình trong túi ra ngắm. Chủ quán lấy làm lạ hỏi:
- Hình ai mà anh ngắm hoài vậy?
- Hình vợ tôi. Khi nào mà tôi thấy vợ tôi tươi lên trong hình thì tôi về nhà.
.....
Một ông chồng được vợ dặn có đi nhậu với bạn thì đi nhưng nhớ phải về nhà trước 12 giờ đêm. Vừa ham vui vừa bị bạn nhậu cầm giữ, ông về nhà thì đồng hồ con cú treo trên tường cũng vừa “cúc-cu” ba tiếng. Giở mánh, ông ta “cúc-cu” thêm chín tiếng nữa rồi rón rén đi ngủ. Sáng ra vợ hỏi:
- Ðêm qua ông về mấy giờ?
- Thì... mười hai giờ. Sao?
- Ðồng hồ con cú dường như bị hư rồi.
- Hư chỗ nào?
- Nó kêu ba tiếng, tằng hắng, kêu thêm bốn tiếng, nấc cục, kêu thêm năm tiếng và còn thêm một tiếng b...ộ...p!.
...... 

image
Mấy ông nhậu khi say thì trở nên bạo mồm bạo miệng, dám nói ra những ý nghĩ mà lúc bình thường không dám nói. Ngoài ra các vị đó còn bịa chuyện rất bất ngờ.
Một chàng nhậu say quắt cần câu cho chó ăn chè bẩn hết áo không biết rồi về nhà sẽ ăn nói làm sao với vợ. Một bạn nhậu khôn vặt bày cách:
- Anh để trong túi áo hai chục đồng, về nhà nói với vợ là có thằng say nào đó lỡ làm bẩn áo và đền anh hai chục, thế là xong.
Nghe bạn hiến kế hay, chàng nọ y lời hí hửng về nhà. Vợ hỏi:
- Sao áo anh hôi bẩn thế này?
- Tại thằng bạn say lỡ nôn trúng. Nó đền anh 20 trong túi áo đây nầy.
Vợ móc túi thấy 2 tờ 20 và 1 tờ 10 đồng nên hỏi:
- Sao ở đây có 50 lận?
- À... tại vì... tại vì nó cũng ị trong quần của anh nữa.
- ??? .....
……………….
Một chàng nọ đi siêu thị mua sữa, trứng, bánh mì, gà, sườn cốt lết, và một ít trái cây rau cải. Vừa bỏ hết các thứ lên quầy tính tiền, chàng ta nghe một giọng nhừa nhựa như say rượu của một khứa ăn mặc luộm thuộm đứng ngay phía sau nói:
- Sống độc thân phải không?
Chàng lấy làm lạ sao khứa lại biết mình sống độc thân. Thức ăn chàng mua cũng bình thường như mọi người thôi chớ có gì đặc biệt đâu.Tính tiền xong chờ thằng chả ra ngoài, chàng hỏi:
- Sao ông biết tôi sống độc thân?
- Dễ ợt! Xấu vậy ma nào chịu lấy!
.....
Một chàng trẻ nhút nhát vào quán uống bia cạnh bàn một nàng trẻ đẹp ngồi một mình. Sau vài chai lấy can đảm, chàng đến bên cô gái nhỏ nhẹ hỏi:
- Tôi có thể ngồi nói chuyện với cô được không?
Cô ta sừng sộ la lớn lên:
- Cái gì? Ông bảo tôi ngủ với ông đêm nay? Bộ ông điên rồi hả!
Mọi người trong quán cười ồ lên. Chàng ú ớ và ngượng đỏ mặt, tự hỏi tại sao cô ta lại có phản ứng lạ lùng như thế. Chàng ta kêu thêm mấy chai uống cho hết quê. Một lúc sau cô gái qua bàn chàng dịu dàng nói:
- Ông cho tôi xin lỗi là lúc nãy tôi đã làm cho ông xấu hổ. Thật ra tôi là sinh viên tâm lý học đang tìm hiểu xem phản ứng của người xấu hổ ra sao.
Anh chàng được dịp trả thù nên la lên:
- Cái gì? Ngủ có một đêm mà cô đòi một ngàn đô? Bộ cô điên rồi hả!
......................
Một chàng lính nọ lần nào đi nhậu cũng đi có một mình mà kêu dọn hai chén hai đũa hai ly và hai chai la de Con Cọp. Chủ quán thắc mắc hỏi, chàng đáp:
- Phần kia cho người bạn thân của tôi đã tử trận.
Một thời gian sau chàng kêu dọn chỉ có một phần. Chủ quán thắc mắc hỏi, chàng nói:
- Bây giờ tôi đã bỏ rượu, nhưng bạn tôi thì không thể bỏ.
...............................
Một chàng nọ ngồi trong quán buồn bã nhìn ly rượu trước mặt đã lâu mà không uống. Một tay hảo hớn bước tới tự nhiên bưng ly nốc cạn. Chàng nọ chợt òa lên khóc. Tay hảo hớn nói:
- Có gì mà buồn vậy bạn. Tôi sẽ mua cho bạn hai ly khác.
Chàng nọ đáp:
- Không buồn sao được. Trọn ngày nay toàn chuyện xui xẻo xảy ra, hết bị chủ đuổi việc về nhà còn bắt gặp vợ ngoại tình; bây giờ định uống thuốc độc tự tử thì bị ông phá đám!
.......................
Một anh lính trẻ đi hành quân lượm được một ve chai trong rừng. Anh mở nắp. Thần Ve Chai hiện ra, cho anh hai điều ước. Ðang khát nước và lâu ngày thèm bia, anh lính nói ngay:
- Xin thần cho một chai la de Con Cọp.
- Có ngay! Ðây là chai la de thần, hễ uống cạn là sẽ đầy lại. Còn điều ước thứ hai?
- Xin thần cho chai nữa để con làm quà tặng cho bạn con.
……. 


http://baomai.blogspot.com/
Bạn nhậu thương nhau vậy đó. Gặp trường hợp tui, chắc tui cũng vậy. Hihihi…
Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ người say rượu nói dai nói khùng.
 
(ca dao)
Đăng hai phần của bài viết Lính Nào Chẳng Nhậu xong, tôi nghĩ viết như vậy đã đủ lắm rồi. Nhưng rồi được các tay nhậu đã rồi khen cho vài câu, tôi lại nổi hứng viết thêm phần này, lại lan man chuyện nhậu, chuyện la de nữa. Tôi nói dai nói khùng không chừng bị cho là người say rượu nhưng thây kệ.
Nhớ lại hồi còn nhỏ ở dưới quê, tôi thấy người trong làng phơi men, nấu rượu lậu, làm cơm rượu, đem đổ hèm vô máng heo cho heo ăn, có con ăn hèm nhiều quá đi băng xiên băng nai. Và tôi cũng nghe mấy bà vợ ăn trầu chê mấy ông chồng ăn... nhậu là hôi hèm. Kể ra mấy ông nhậu cũng hơi ở dơ thiệt. Nhậu xong họ lăn ra ngủ, bạ đâu ngủ đó, không rửa mặt, không súc miệng, không đánh răng, coi bệ rạc lắm. Mồi nhậu lỡ làm rớt xuống đất, lượm lên, phủi phủi mấy cái hay lau đại vô vạt áo dài, xong bỏ vô miệng nhai ngon lành.

Mà tôi thấy dường như hồi xưa người ta nhậu chỉ uống là chánh, còn mồi nhậu và thức ăn là phụ. Mồi nhiều khi chỉ là một trái cóc, trái ổi, một dĩa tôm khô củ kiệu, một con khô mực nướng. Tôi thấy họ chỉ nhậu có một thứ rượu duy nhất là rượu đế. Tôi tưởng “rượu đế” là rượu ngon nhất theo ý nghĩ “Đế” là vua. Nhưng hóa ra “đế” ở đây có nghĩa là cỏ đế, một thứ cỏ hoang cao rậm giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Đó là nơi lý tưởng để giấu rượu lậu khi có thanh tra ruồng xét để bắt. Địa danh Đồng Đế ở Nha Trang cũng mang ý nghĩa này chăng, một cánh đồng mọc toàn cỏ đế?

Các cuộc họp bàn công chuyện quan trọng thường thường xảy ra bên mâm rượu. Người ta bảo “rượu vào lời ra”, có uống sơ sơ ba sợi mới chịu mở miệng cóc rồi sẵn đó làm thơ con cóc luôn. Mặc dù không thể nói chắc có bao nhiêu quyết định quan trọng trong lịch sử thế giới đã nhờ lấy gân trước bởi một hoặc hai xị bia làm cho ấm bụng, nhưng thức uống thần lực nầy đã đóng một vai trò trong ít nhất là một vài sự kiện mốc quan trọng, từ các bệnh dịch của thời Trung cổ Châu Âu đến sự thành lập của Hoa Kỳ.

image
Bia cũng xưa gần bằng như chính nền văn minh. Các sử gia tin rằng, khi người xưa tình cờ để lúa mì hoặc lúa mạch lên men - nhờ đó tạo thành bia thô sơ - là thời kỳ chỉ xảy ra không lâu sau sự ra đời của cây trồng nông nghiệp. Vậy thì câu hỏi đáng được đặt ra là: ai là người đầu tiên tình nguyện uống cái thứ nước lúa mì đục đục lợn cợn thiu thiu đó? Bằng chứng khảo cổ học cụ thể cho thấy bia đầu tiên đến từ Iraq, nơi mà người Sumerians cổ xưa xây dựng các thành phố lấy nông nghiệp làm căn bản đầu tiên khoảng 6.000 năm trước. Một bảng dấu bằng đá có khắc niên đại được khai quật và tìm thấy; bảng nầy thực sự có ghi rõ từng chi tiết quá trình chế tạo bia qua một bài thơ dành riêng cho Ninkasi, nữ thần nấu bia của người Sumerians. Ấy vậy mới là chuyện lạ. Bà nấu rượu cho ông uống. Như vậy chứng tỏ triết lý “ông uống bà khen” trong lịch sử đã có từ xưa rồi.

Hai thiên niên kỷ sau đó, Babylon sống trong cùng một khu vực đã hoàn thiện ít nhất 20 loại bia cất khác nhau. Pha nấu bia được coi là một nghề cao cấp được trọng vọng trong xã hội và hầu như là độc quyền của phụ nữ, vì nữ giới cũng chuyên môn trong việc xay ngũ cốc và làm bánh mì. Các sử gia tin rằng bia phổ biến rất rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng trong tất cả các nền văn minh ban sơ của nhân loại vì ngũ cốc đã có sẵn và quá trình lên men tương đối khá dễ dàng. Nó cũng được xem như là một nguồn dinh dưỡng quan trọng và thường dùng thay cho phát lương. Thí dụ như phu phen lao động xây dựng các Đại Kim Tự Tháp ở Ai Cập được trả một phần lương bằng bia. Có bia mới có sức hăng “thi công” chớ!

Uống bia vừa phải có công dụng làm tăng lực đó bạn. Các nhà nghiên cứu khuyên những người luyện tập thể thao phái nữ nên uống mỗi ngày 250ml bia tức khoảng độ 2/3 chai; phái nam uống nửa lít, tức khoảng một chai cộng với 1/3 phần chai bia còn lại của phái nữ. Bia được coi như một phần trong chế độ dinh dưỡng dành cho vận động viên.

http://baomai.blogspot.com/
Còn điều này nữa thú vị lắm! Đó là theo các cuộc thăm dó và khảo cứu, cánh đàn ông nhậu thích được ngồi nhậu chung với cánh phụ nữ. Chưa hết, lúc nhậu chung, cánh đực rựa cảm thấy các đối tượng nữ đều đẹp hơn, quyến rũ hơn, duyên dáng hơn và dĩ nhiên là đáng yêu hơn. Lúc đó các ông cư xử nhã nhặn hào hoa và rộng lượng hơn với các bà các cô. Cứ hỏi các cô trong các quán bia ôm thì biết.

Trong bia có chứa CO2 , sau khi đi vào cơ thể, chất này lập tức được thải ra, mang đi một phần nhiệt từ trong cơ thể, làm cho ta có cảm giác tươi mát. Chính vì thế bia là một thức uống được nhiều người ưa chuộng vào mùa nóng. Ở Việt Nam ta lúc nào mà chẳng nóng cho nên uống thả giàn suốt ngày. Bởi vậy dân nhậu mói hỏi bạn bè súc miệng chưa, nếu chưa thì đi ra quán kêu bia súc luôn cho nó tiện.

Người cổ Ai Cập đã nhận ra giá trị của bia rượu từ khuya. Các hũ đựng bia được chôn theo các Pharaoh đi về thế giới bên kia, cùng với các thực phẩm khác, vàng bạc và các đồ dâng cúng vô giá được đặt trong ngôi mộ của họ. Ngày nay, bia rượu không thể thiếu trong các dịp cúng giỗ của phe ta. Khi đốt giấy tiền vàng bạc, người ta không quên tưới một ít rượu lên đóm lửa đó. Coi như hối lộ người khuất mặt chút đỉnh, chờ nhang cúng tàn rồi người sống mang số rượu còn lại uống hết luôn. Dân ta siêng cúng kiến giỗ quải để có dịp ăn nhậu chớ. Lý do chánh đáng quá trời.

Trong suốt thời Trung Cổ, các nhà tu châu Âu đã bắt đầu làm bia riêng cho họ uống trong các thời kỳ nhịn ăn như một cách để tránh bị suy dinh dưỡng. Các ông linh mục ngày nay cũng có rượu lễ được làm riêng để uống. Nhớ thuở còn là lính nghèo, tôi có một anh bạn cùng đơn vị vốn là cháu của tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Anh bạn lâu lâu đi phép xoay được vài chai rượu lễ mang về đơn vị cùng đánh chén. Và tôi được uống ké. Rượu chát của quí cha quả là quí và ngon đáo để. Khi hết rượu, chúng tôi phải quay trở về với mấy chai la de con cọp trái thơm Quân Tiếp Vụ.
Vừa rồi báo Toronto Star có đăng cái tin hấp dẫn này nè: “How a Texas man became drunk without touching a drop”.

image
Tin đó kể trường hợp một chàng nọ sau một tai nạn bị gãy chân phải dùng nhiều thuốc trụ sinh. Thuốc cộng với thức ăn giàu hóa chất các-bon phản ứng tạo ra quá nhiều vi khuẩn men, biến đường thành chất cồn ê-tha-nôn và làm cho chàng ta say mặc dù chẳng có uống một giọt rượu nào. Người ta gọi đó là Hội Chứng Lên Men Ruột (Gut Fermentation Syndrome) và gọi người bị hội chứng kỳ lạ này là Lò Rượu Tự Động (LRTĐ) (Auto-Brewery).

Vợ nạn nhân này là một y tá, lấy dụng cụ đo độ cồn trong máu của chồng thì thấy nó ở mức từ 0.33 tới 0.44, so với mức độ hợp pháp cho người lái xe ở Mỹ và Canada là 0.08 mà thôi. Như vậy ông này mà lái xe và rủi bị cảnh sát bắt hà hơi để đo thì ông ta bị cho một cái giấy phạt là cái chắc.
Bạn thử tưởng tượng một hoạt cảnh như vầy nè:

image
Cảnh sát 1: Đây là Chiến Dịch Chống Uống Rượu Lái Xe. Yêu cầu ông hà hơi vào máy đo này.

LRTĐ: Nhưng tôi đâu có uống rượu.

Cảnh sát 1: Đây chỉ là thủ tục. Yêu cầu ông hãy làm theo.

LRTĐ: Hà thì hà sợ gì!

Cảnh sát 1: Máy đo cho thấy nồng độ rượu trong người ông là 0.33, vượt quá mức hợp pháp. Yêu cầu ông trình bằng lái xe.

LRTĐ: Trình thì trình sợ gì!

Cảnh sát 1: Yêu cầu ông bước qua xe chúng tôi. Chúng tôi tạm câu lưu ông về bót về tội uống rượu lái xe.

LRTĐ: Nhưng tôi đã nói là tôi không có uống rượu. Tôi chỉ tới nhà Đặng Sơn Râu xin trái bầu rồi về. 
Bộ bạn tưởng cứ ai vừa rời nhà ổng ra về đều xỉn hết hả?

Cảnh sát 1: Chúng tôi không cần biết điều đó. Ông hãy về bót rồi muốn khai gì khai.

LRTĐ: Được. Bắt tôi thì bắt sợ gì. Nhưng xin phép để tôi gọi báo tin cho bề trên của tôi hay.

Cảnh sát 1: Bề trên của ông là ai? 

LRTĐ: Là vợ tôi chớ ai.

Cảnh sát 1 lắc đầu cười. Nửa giờ sau nơi bót cảnh sát, độ cồn trong người của LRTĐ đã hạ xuống mức bình thường. 

Cảnh sát 2 làm biên bản.
Cảnh sát 2: Ông bị bắt về tội uống rượu lái xe. Ông có điều gì muốn trình bày không?

image
LRTĐ: Có. Tôi là người ăn chay trường. Không tin thì hỏi Châu Hiền Quang đi. Tôi chỉ đi xin bầu về luộc chấm chao. Tôi không có uống rượu.

Cảnh sát 2: Ông nói ông không uống rượu vậy tại sao máy đo hơi thở cho thấy độ cồn trong máu ông vượt khỏi mức giới hạn tối đa quá xa?

LRTĐ: Biết đâu máy hư thì sao? Tui đi đo huyết áp trong tiệm thuốc tây mười lần kết quả khác đủ mười. Máy đo của cảnh sát “Made in China” phải không? Cái gì làm ở bên Tàu thì không thể chính xác được. Yêu cầu đo lại.

Cảnh sát đo lại. Lần này con số hiện ra là 0.06. Viên cảnh sát làm biên bản ngẩn người kinh ngạc. Lúc đó vợ của LRTĐ bước vào, giải thích với cảnh sát về Hội Chứng Lên Men Ruột đặc biệt của chồng bà.

Cảnh sát 2: Chúng tôi thành thật xin lỗi ông bà.

LRTĐ: Hehehe… Không có chi!
Các bạn còn muốn nghe thằng cha Phan Hạnh lan man tiếp chuyện nhậu không? Nếu còn thì kỳ sau thằng chả sẽ… đến hẹn lại lên. Hihihi…



Phan Hạnh

*****

Jul 11, 2011
Một trong những chứng bệnh của phe đờn ông con giai, khiến cho quí bà quí cô nhiều khi phải nhăn mặt “âm thầm gậm nhấm nỗi đớn đau cô đơn” của mình, đó là chứng bệnh nhậu. Để diễn tả nỗi đớn đau vò võ ấy, người ta ...

Apr 16, 2011
Cắm sào giữa vũng hồn ta. Thuyền cô đơn đợi trăng ngà đêm nay. Rượu vài chén, dễ gì say? Đêm chưa chịu đến bởi ngày chưa đi! Dăm chén nữa, chả thấm chi. Thiếu vắng tri kỷ có gì vui đâu! Ừ cũng uống chứ nhịn sao?

Dec 09, 2014
Chắc cũng có từ cái thời xuất phát ra câu nói muôn thuở của cánh bợm nhậu: “ Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Để giờ đây Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia rượu và đứng thứ 3 châu Á cũng ở hạng mục ...

Mar 20, 2015
Tình trạng nhậu nhẹt ở Việt Nam lâu nay đã trở thành tệ nạn. Từ khách sạn, nhà hàng đến các con hẻm ở Hà Nội, Sài Gòn hay các thành phố khác, ở đâu cũng thấy cảnh nhậu nhẹt huyên náo, từ trưa đến sáng hôm sau.

Nov 01, 2011
Ngoại trừ cấm kỵ ở một số tín đồ tôn giáo tuyệt đối không dùng rượu bia, số còn lại có thể nhậu từ 2 đến 5 lần/tuần, thậm chí 7 lần/tuần. image. Xẻ cơm từ gạo đã ủ men để nấu rượu, một kiểu nấu mới khi sử dụng men Trung ...

Nov 06, 2013
Những giai đoạn chế biến các món ăn gọi là bắt mồi cho dân nhậu, chế biến các chân gà, chân bò, gân bò . . . hôi thối thành những món ngon vật lạ khoái khẩu cho dân nhậu lai rai ở các quán cốc hay hai bên đường. Gân bò ...

Nov 12, 2013

Có một đặc điểm hẳn là bạn còn nhớ: dân Sài Gòn mình ngồi đâu cũng nhậu được, từ trong nhà ra tới hàng quán cũng thoải maí, từ tiệm sang hèn đủ cấp cho tới hè phố hay bờ bụi công viên... Tại sao như thế? Bởi vì dân Sài ...


image

Gặp Đạo diễn 'Những ngày cuối ở Việt Nam'
Một thời người ăn thịt người
Sự tích chiếc áo ngực
Nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Cộng leo thang đến ...
Vài lời tâm tình của GS. Huỳnh Chiếu Đẳng
Ngày sinh có quyết định vận mệnh?
Việt Nam và Trung Cộng không thể là bạn
Nỗi sợ biến đổi ký ức như thế nào?
Obama nhận tin mổ cướp nội tạng
Bộ tộc Hunzas: 900 năm không có ai bị ung thư
Di sản của chủ nghĩa thực dân
Ban nhạc ‘Viet Cong’ lên tiếng vì tên gọi gây tran...
Chiếc xích lô chở mùa xuân
Chiến tranh, thống nhất và tương lai
NỖI LÒNG 30/4 của nữ nghệ sĩ Kim Chi
Về bản Thông cáo chung của Tổng Bí Thư và Trung Cộ...
Thuốc giả đề ra thách thức toàn cầu
Ở cuối hai con đường
30/4 Quê hương xa mờ dần
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm họa mất nước...
Chuyện tù cải tạo: vay và trả
Thu hồi đất ở Long An: Dân nổi lửa, tạt acid vào l...
Dân đổ cá chết ra đường, buộc chính quyền phải đối...
10 nước hạn chế truyền thông nhiều nhất
Khi chất xám tháo chạy khỏi Bắc Kinh
TC sở hữu những gì trên thế giới?
Nguyễn Tấn Dũng phải lùi bước
Dũng Phi Hổ
Những phát ngôn nổi tiếng của giáo sư Trịnh Cường ...
Sứ vụ của người trẻ
Tháng Tư từ hai góc nhìn
Vòng vây thế tục
Đỉnh cao của sự sợ hãi
Thống kê Thế Giới về Việt Nam
Chế độ cộng sản VN sụp đổ, người Việt mới có hòa h...
TC bỏ tù phóng viên vì 'tiết lộ bí mật'
Lục Bình trên dòng Kinh đen
Cái giá của ngày 30/4
Hậu duệ các thương gia Ba Tư ở Trung Cộng
Phim Going Clear của Alex Gibney

1 comment:

  1. Ông tổ y học Hippocrates từ 2,380 năm trước đây đã công nhận bia có thể chữa được bệnh mất ngủ...!!!?..xạo vừa thôi cha nội!,2.380 năm trước làm jì có bia đâu cha nội.

    Camel dịch xuôi là "cac anh mềm em liếm", còn dịch ngược lại là "lon em mềm anh cắn"...ha.ha....

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.