Trà
Mi phỏng vấn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Chiến
tranh Việt Nam
chấm dứt cách đây 4 thập niên, nhưng mâu thuẫn trong nội bộ người Việt dẫn tới
cuộc chiến và phát sinh từ sau ngày 30/4/75 tới nay vẫn chưa được hóa giải bất
chấp những nỗ lực ‘hòa hợp hòa giải dân tộc’.
Nguyên
nhân vì sao và làm thế nào để người Việt thật sự ‘hòa hợp-hòa giải’ với nhau?
Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi hôm nay giữa Trà Mi VOA với một nhà bất đồng
chính kiến nổi tiếng xuất thân từ gia đình cách mạng có công lớn với chế độ cộng
sản Việt Nam, người từng lãnh án tù vì các hoạt động đấu tranh dân chủ và
bị trục xuất sang Mỹ tị nạn chính trị cách đây một năm: Tiến sĩ luật Cù Huy Hà
Vũ.
VOA: Khái
niệm ‘hòa hợp hòa giải’ được nhắc tới rất nhiều, nhưng mấu chốt của mâu thuẫn
cần hòa hợp hòa giải là gì?
TS
Hà Vũ: Mọi người vẫn hay nói tới ‘hòa hợp hòa giải’, nhưng cần phải làm rõ
rằng thứ nhất đây là sự hòa giải giữa chính thể cộng sản hiện hành với những
người đã làm việc trong chính thể Việt Nam Cộng hòa trước 30/4/1975. Thứ hai là
sự hòa giải với những người đang sống tại Việt Nam
và phản đối chế độ độc tài của đảng cộng sản Việt Nam . Tựu chung lại, hòa giải với
quá khứ hay hiện tại. Nói cách khác, hòa giải với những người trong chế độ Việt
Nam Cộng hòa là hòa giải về mặt tinh thần. Còn hòa giải với những người có quan
điểm đối lập với chính quyền do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát hiện nay là hòa giải
thực tế.
VOA: Theo
nhận xét của ông, giữa người Việt trong và ngoài nước, giữa hai ý thức hệ cộng
sản và dân chủ tư bản trong lòng người Việt đã ‘hòa,’ ‘hợp’ và ‘giải’ đã đạt
tới mức nào sau 40 năm chiến tranh kết thúc?
TS
Hà Vũ: Phía chính quyền cộng sản Việt Nam không hề có thiện chí bởi vì
nói đến hòa giải tức là phải chấp nhận quan điểm chính trị đối lập. Đằng
này họ chỉ là lợi dụng nhằm tháo gỡ những khó khăn về mặt kinh tế, tháo gỡ
những cái nhìn rất xấu về một chế độ toàn trị luôn thù địch với những ai có
quan điểm ngược lại với quan điểm của mình. Để bắt đầu đi vào hòa giải thực
chất với quá khứ, yêu cầu đầu tiên là phải công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một
chính quyền của người Việt ở miền Nam trước năm 1975. Thứ hai, để
thực hiện sự hòa giải, khi mời người Việt ở nước ngoài về nước thì cũng phải
bảo đảm cho họ quyền tự do ngôn luận, thể hiện quan điểm chính trị của họ về
dân chủ-tự do hoặc thậm chí về chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
VOA: Ông
nhận xét thế nào về thiện chí hòa hợp hòa giải của phía những người có quan
điểm đối lập với đảng cộng sản Việt Nam ?
TS
Hà Vũ: Tôi nghĩ người Việt bất cứ lúc nào cũng hướng về Tổ quốc, muốn đóng
góp để vừa bảo toàn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam , đặc biệt trước sự xâm lăng từ
phía Trung Cộng. Tôi biết tất cả người Việt ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, đau
đáu chuyện đó, rất muốn đóng góp. Mọi người muốn dùng tiềm năng từ kinh tế cho
tới chất xám, kể cả các quan hệ chính trị và ngoại giao, để giúp Việt Nam có thể phát
triển thành một nước được kính trọng trên thế giới. Thế nhưng, đúng là có sự
luôn luôn chống cộng sản tới cùng, không chấp nhận chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay.
Tôi không cho đấy là thiếu thiện chí, mà đấy là một quan điểm chính trị.
VOA: Những
người thân chính phủ cộng sản Việt Nam cho rằng chỉ có thể hòa hợp hòa giải với
những người có thiện chí, có tinh thần xây dựng, chứ không thể hòa hợp hòa giải
với những thành phần chỉ muốn đối đầu, chỉ muốn mặc cả để làm điều kiện. Ý kiến
ông ra sao?
TS
Hà Vũ: Quan điểm như vậy là độc tài, tức là họ chỉ cho rằng họ là duy nhất
có chân lý, họ cho rằng những người nào chấp nhận chế độ cộng sản mới là người
có thiện chí. Trong khi đó, hòa giải là đi đến giải quyết một cách hòa bình
giữa các quan điểm chính trị khác biệt, thậm chí đối lập với nhau, để tìm ra
một mẫu số chung.
VOA: Vấn
đề ở đây là mỗi bên cần thay đổi cách nhìn về nhau. Phía bên kia cũng có thể
lập luận ngược lại rằng ‘Nếu muốn tôi thay đổi cách nhìn và tạo niềm tin hơn
nữa đối với tôi, thì anh cũng phải thay đổi cách nhìn về tôi. Thay vì anh chỉ
muốn xóa bỏ chế độ cộng sản Việt Nam , thì có thể có một cách khác
cùng hàn gắn và cùng nhau phát triển.’ Phản hồi của ông thế nào?
TS
Hà Vũ: Tôi đã có những kinh nghiệm rất cụ thể rồi. Năm 2010, chính tôi đã
đưa ra những giải pháp đầu tiên để bắt đầu những sự hòa hợp hòa giải. Đó là
phải gọi tên đúng của cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Tôi cũng
đưa ra một giải pháp nữa là công nhận những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy
sinh tại Hoàng Sa trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Cộng để bảo vệ
lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, cho tới giờ, chính quyền cộng sản Việt Nam không những
không chấp nhận đề nghị của tôi, (tôi đã làm kiến nghị gửi Quốc hội), mà lại
còn bỏ tù tôi. Thành ra, cuối cùng tôi rút ra kết luận là không thể có hòa giải
với chính quyền cộng sản Việt Nam
mà chỉ có thể giải thể chế độ cộng sản này đi. Một khi chế độ cộng sản Việt Nam bị giải thể
thì tự dưng sẽ có sự hòa giải giữa các quan điểm khác nhau. Bởi vì lúc đó, chế
độ sẽ là dân chủ-đa đảng, ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, không
còn ai bị coi là thù địch với ai nữa, mà đó chỉ là sự khác biệt hay đối lập về
mặt chính trị mà thôi.
VOA: Nhiều
người đặt vấn đề vì sao đối với ‘người ngoài’ như quốc gia cựu thù Mỹ, chính
phủ cộng sản Việt Nam có thể hòa hợp hòa giải, bỏ qua quá khứ, tiến tới cùng
hợp tác xây dựng nhanh chóng và hiệu quả hơn đối với ‘người nhà’ là những đồng
bào khác ý thức hệ với họ? Phải chăng lòng hận thù của người Việt mình chưa
được hóa giải nên mâu thuẫn mới kéo dài cho tới ngày hôm nay?
TS
Hà Vũ: Trước hết, tôi khẳng định chuyện chính quyền cộng sản Việt Nam
hiện nay thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, nước cựu thù trong chiến tranh,
là vì vấn đề ngoại giao và vụ lợi về mặt kinh tế. Tiếp nữa, chính quyền cộng
sản Việt Nam
đang bị Trung Cộng tấn công trên mọi phương diện nên họ cần tìm kiếm những hỗ
trợ từ bên ngoài.
VOA: Hoa
Kỳ là một bên tham chiến góp phần tạo sự rạn nứt trong xã hội Việt Nam . Theo ông,
quan hệ Việt-Mỹ có ảnh hưởng ra sao đến việc hòa hợp hòa giải dân tộc Việt Nam ?
TS
Hà Vũ: Việc Mỹ quay trở lại Châu Á, Đông Nam Á và có thiện chí tăng cường
quan hệ hợp tác với Việt Nam ,
tôi tin rằng sự trở lại đó của Mỹ chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc
dân chủ hóa Việt Nam .
Trên cơ sở đó, phong trào dân chủ ở Việt Nam sẽ được tạo điều kiện để phát
triển. Chính phong trào dân chủ ở Việt Nam
sẽ là nhân tố quyết định để đưa đến một sự hòa giải thật sự, tức là giải thể
chế độ cộng sản Việt Nam .
VOA: Ngoài
sự ảnh hưởng của mối quan hệ Việt-Mỹ, riêng đối với những người Việt với nhau,
ông có đề nghị gì không để tạm gác chuyện ‘được-mất’ trong quá khứ để cùng
hướng tới chuyện ‘được-mất’ trong tương lai người Việt?
TS
Hà Vũ: Đảng cộng sản Việt Nam hãy chủ động từ bỏ chế độ toàn trị của mình
đi, thực hiện dân chủ-nhân quyền mà bước đầu là phải xóa bỏ các điều luật đàn
áp dân chủ-nhân quyền như 79, 88, và 258 trong Bộ luật Hình sự, trả tự do cho
các tù nhân chính trị, bảo đảm những quyền cơ bản của công dân Việt Nam bao gồm
quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tôn
giáo và đề ra lộ trình tiến hành bầu cử tự do.
VOA: Trong
lộ trình hòa hợp hòa giải ông đề nghị, bản thân là con trai một công thần của
nhà nước cộng sản Việt Nam thoát ly đấu tranh dân chủ dẫn tới cuộc sống lưu
vong tại Mỹ hiện nay, nhìn thấy ý hướng của người cộng sản từ trong nước và
hiểu được mong muốn khát khao của người Việt hải ngoại khi ra đây, ông nghĩ
mình có thể góp phần thế nào thúc đẩy tiến trình hòa hợp hòa giải của người
Việt nhanh và hiệu quả hơn?
TS
Hà Vũ: Việc tôi có mặt tại Mỹ, đương nhiên tôi vẫn phải tiếp tục cuộc đấu
tranh vì dân chủ-nhân quyền Việt Nam . Người Việt ở nước ngoài có thể
đóng góp vào tiến trình hòa giải thực chất, tức là đưa tới chế độ dân chủ-đa
đảng, bằng cách nêu quan điểm của mình trên các phương tiện đại chúng đặc biệt
là internet để người Việt trong nước hiểu thêm thế nào là chế độ dân chủ; gây
sức ép với chính quyền Mỹ cả lập pháp lẫn hành pháp để Mỹ có biện pháp thúc đẩy
dân chủ-nhân quyền Việt Nam thông qua hợp tác kinh tế, hợp tác tương trợ về
quân sự, và ngoại giao; ủng hộ trực tiếp những người đấu tranh dân chủ trong
nước. Kết luận lại, việc hòa giải chỉ có thể diễn ra khi chế độ cộng sản Việt Nam
được chấm dứt.
VOA: Xin
cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.